Bóng đá Việt Nam trước thềm SEA Games 29:

Đã ôm mộng vô địch, đừng sợ hãi "tử thần"

Thứ Năm, 13/07/2017, 15:45
Trước thềm SEA Games 29, bóng đá Việt Nam lại đặt mục tiêu phải vào chung kết, thế mà khi những lá thăm may rủi "ấn" U.22 Việt Nam vào bảng B với Thái Lan, Indonesia, Timor Leste, Philippines, Campuchia thì một bộ phận dư luận lập tức bảo đấy là một bảng đấu tử thần.


Trước thềm SEA Games 26, năm 2011, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát biểu thẳng thừng mà không cần quan tâm đến những lá thăm: "SEA Games này vào chung kết mà không đoạt được huy chương vàng thì coi như thất bại". 

Bây giờ, trước thềm SEA Games 29, bóng đá Việt Nam lại đặt mục tiêu phải vào chung kết, thế mà khi những lá thăm may rủi "ấn" U.22 Việt Nam vào bảng B với Thái Lan, Indonesia, Timor Leste, Philippines, Campuchia thì một bộ phận dư luận lập tức bảo đấy là một bảng đấu tử thần.

Có ít nhất 2 lý do để người ta nhận định bảng B nặng ký hơn bảng A. Một, bảng B có 6 đội, bảng A chỉ có 5 đội, đồng nghĩa với việc các đội bảng B phải đá nhiều hơn các đội bảng A một trận. Hai, trong khi bảng A gồm các đội ngang nhau như chủ nhà Malaysia, Myanmar, Singapore thì đúng là bảng B đã qui tụ hai đội "máu mặt" nhất Đông Nam Á là Thái Lan và Việt Nam. 

Nhưng đấy là những nhận định dựa trên tình hình chung, và nếu đứng ở vị thế của những đội như Timor Leste, Campuchia - những đội không may "rơi" vào bảng B thì đúng là bảng này "tử thần" thật. Song ở vị thế của những đội như Thái Lan, Việt Nam, thậm chí là cả Indonesia - những đội vào giải với khát vọng giành huy chương vàng môn bóng đá nam thì xét cho cùng A hay B cũng như nhau cả.

Lịch sử các kỳ SEA Games cho thấy cứ hễ khi nào chung bảng với Thái Lan là bóng đá Việt Nam chắc suất vào bán kết. SEA Games 22 trên sân nhà, khi được quyền chọn bảng, bóng đá Việt Nam thậm chí chủ động chọn bảng đấu có Thái Lan. Con tính của chúng ta khi ấy là: "Ở cùng bảng với Thái Lan thì không phải gặp Thái Lan ở bán kết, và cửa vào chung kết vì thế là xán lạn". Quả nhiên là SEA Games ấy, chúng ta đã vào đến chung kết, và chỉ chịu thua chính Thái Lan ở chung kết sau một "bàn thắng vàng" của đối phương. 

Cho đến tận bây giờ nhiều quan chức VFF vẫn tiếc hùi hụi mỗi khi nhớ về trận chung kết ấy, vì ai cũng nghĩ nếu không có một chiếc thẻ đỏ tai hại thì có thể mọi thứ đã diễn ra rất khác rồi. Kỳ SEA Games trên sân nhà, giành ngôi nhất toàn đoàn nhưng lại không có được chiếc huy chương vàng bóng đá khiến cho vị thế chung của đoàn thể thao Việt Nam không thật đúng như kỳ vọng.

Toàn đội U.22 Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu vô địch tại SEA Games này.

Kỳ SEA Games gần nhất ở Singapore, Việt Nam cũng chung bảng với Thái Lan, và sau khi hai đội dắt tay nhau vào bán kết thì ai cũng nghĩ cả hai sẽ gặp lại nhau ở chung kết. Nhưng oái ăm là lần này chúng ta không qua nổi cửa Myanmar ở bán kết, dù đã có một thế trận và số lượng cơ hội ăn bàn vượt trội đối phương. 

Nhắc lại như vậy để thấy, khi nằm chung bảng với Thái Lan, chúng ta luôn xác định cạnh tranh vị trí thứ hai trong bảng, sau Thái Lan, và lần này hai đối thủ cạnh tranh chính sẽ là Indonesia, Philippines.

Hẳn nhiên, không thể chủ quan với cả hai đối thủ này, nhất là khi nỗi đau thua Indonesia ở bán kết AFF Suzuki Cup 2016 vẫn chưa nguôi với Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng. Song có một sự thực, nếu ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia, cả Indonesia lẫn Philippines đều rất đáng gờm thì ở cấp độ U.23, họ chưa bao giờ là những đối thủ chất lượng cao. 

SEA Games 28 hai năm về trước, trong trận tranh huy chương đồng, U.23 Việt Nam từng thắng dễ U.23 Indonesia tới 5 bàn. Như vậy có nghĩa, nếu đá đúng sức mình, và "giải quyết" được hai đối thủ này, khả năng chúng ta cùng Thái Lan giành hai vị trí đầu bảng vào bán kết là rất lớn.

Khó khăn thực sự sẽ chỉ diễn ra ở vòng bán kết. Nhưng đến đây thì phải quay trở lại với câu hỏi: Rốt cuộc mục tiêu chính của U.22 Việt Nam ở SEA Games này là gì? 

Đúng 22 năm trước, ở SEA Games 18,  cố HLV Weigang đặt mục tiêu cho bóng đá Việt Nam là phải vào bán kết. Nhưng kể từ SEA Games 22 trên sân nhà thì cái mục tiêu bán kết ấy đã bị xoá sổ. Kể từ thời điểm ấy mục tiêu của bóng đá Việt Nam luôn là chung kết, thậm chí nói như  Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trước thềm SEA Games 26 thì ngay cả khi đã vào chung kết, nhưng không vô địch thì coi như thất bại. 

Cần nhắc lại rằng HLV trưởng U.23 Việt Nam khi đó - ông Henrique Calisto đã dị ứng nặng với quan điểm này, vì theo ông nó tạo áp lực không đáng có lên các cầu thủ. Và ông cũng đã vin vào điều này để chủ động chia tay bóng đá Việt Nam (lý do thực sự là ông đã nhận được lời mời màu hồng từ CLB Muanthong United của Thái Lan). 

HLV Nguyễn Hữu Thắng không quan tâm nhiều đến những lá thăm may rủi.

SEA Games 26, mục tiêu vô địch được giao cho thầy Đức Falko Goetz - ông thầy mà các quan chức VFF thời điểm ấy thi sức quảng báo là "thầy ngoại tốt nhất Việt Nam từ trước đến nay". Nhưng sự thực, Đội tuyển dưới thời Falko Goetz đối diện với hàng loạt những vấn đề nội bộ, và sau đó chỉ đứng thứ 4 chung cuộc. 

Bây giờ, trước thềm một kỳ SEA Games nữa, mục tiêu của chúng ta lại là chung kết. Mà đấy là mục tiêu trên giấy tờ, còn nói như ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức thì: mục tiêu thực sự phải là huy chương vàng. 

Ông Đức bảo chúng ta đang có một lứa U.22 mạnh, đã được thử lửa 3 năm ở sân chơi V.League, thế nên bây giờ mà không vô địch thì không biết bao giờ mới có thể vô địch. Thực tế , U.22 Việt Nam có thể nhỉnh hơn U.22 Indonesia, Philippines, Malaysia... nhưng so với Thái Lan thì vẫn dưới tầm. 

Nhưng đúng là nếu cứ sợ Thái hết lần này đến lần khác mà không dám nghĩ đến chuyện "lật đổ" thì bóng đá Việt Nam không thể tạo ra những đột biến cần thiết trong quá trình vận động của mình. Do vậy mục tiêu vô địch là có lý. Mục tiêu ấy đã được Thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng lẫn các tuyển thủ lĩnh hội, thậm chí cá nhân ông Thắng cũng đã tự xác định trước là sẽ ra đi nếu không có huy chương vàng.

Một khi đã vào giải với mục tiêu và khát vọng như vậy thì đừng quá quan tâm đến những lá thăm may rủi nữa. Ở Đông Nam Á bây giờ chẳng có "tử thần" nào cả. Có chăng, "tử thần" nằm ở chính chúng ta, trong trường hợp lại một lần nữa để thua chính mình. 

Cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn: Đến nhì bảng cũng sợ thì nên ở nhà

 Mộng chúng ta là mộng vô địch, vậy thì để đáng mặt nhà vô địch, đừng sợ bất cứ đội bóng nào. Gặp ai cũng "chiến" hết, bảng nào cũng chơi hết, cứ tự tin, lỳ lợm mà chơi - như thế mới được. Tôi biết là tâm lý chung, có người hơi e ngại Thái Lan, vậy thì gặp Thái  ở vòng bảng là mừng chứ, sao lại bảo đấy là "tử thần"? Bởi nói dại mồm, trong trường hợp xấu nhất có thua Thái một trận thì nó cũng chỉ là trận thua ở vòng bảng,  chứ chưa phải là trận nock-out để phải về nước ngay.

Khả năng cao là Thái Lan sẽ nhất bảng còn chúng ta phải giành ngôi nhì bảng để vào bán kết, trong trường hợp đó, ở bán kết chúng ta lại không phải gặp Thái Lan ngay nên xác suất vào chung kết, và khả năng gặp lại chính Thái Lan ở chung kết sẽ cao hơn khá nhiều. Còn nếu cứ sợ chung bảng với Thái Lan, Indonesia, Philippines khó quá, đến ngay cả cái suất nhì bảng cũng không có được thì tôi nói thật, chúng ta ở nhà luôn đi, dự giải làm gì nữa.

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế: Tôi tin lời bầu Đức

Tôi ủng hộ tinh thần phát ngôn của ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, rằng Đội tuyển U.22 Việt Nam dứt khoát phải giành được huy chương vàng bóng đá nam SEA Games 29. Tôi cũng sẽ rất lưu ý đến quan điểm của ông ấy quanh việc, nếu không  vô địch, ông ấy sẽ thôi làm Phó Chủ tịch VFF, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng sẽ rời vị trí. Ông Đức còn nói rằng, trong trường hợp đó các lãnh đạo khác của VFF cũng phải nghỉ, chứ ở lại làm gì.

Theo tôi, trong mặt bằng bóng đá Đông Nam Á hiện nay, U.22 Việt Nam nhỉnh hơn rất nhiều đội, có thua thì chỉ thua Thái Lan. Thứ nữa, các nước như Thái lan, Philippines, Indonesia, Singapore dồn sự quan tâm cho Đội tuyển Quốc gia hơn các đội trẻ. Với hai lý do đó, tôi nghĩ đặt mục tiêu vô địch cho U22 là biện chứng.

Còn về cái vế "nếu không vô địch..." trong phát biểu của ông Đức thì tôi tin ông ấy nói được sẽ làm được thôi. Nhưng các lãnh đạo còn lại của VFF thì sao? Họ có dám từ chức như đề nghị của ông ấy không, khi mà mục tiêu chính thức đăng ký với ngành thể thao vẫn chỉ là "vào chung kết", chứ không phải là "vô địch". Mục tiêu "chung kết" chẳng khác gì một cái vòng an toàn để các vị này tiếp tục giữ ghế của mình. Nhưng thôi, những chuyện như vậy sẽ hậu xét, còn lúc này, điều quan trọng nhất là hãy hỗ trợ hết mình cho các em, các cháu để các em, các cháu thể hiện được tất cả sức lực của mình ở một sân chơi mà những người như bầu Đức và HLV Hữu Thắng đã quyết định chơi "tất tay" mình.


Hiếu Hà
.
.
.