Lý do Real Madrid quyết tâm theo đuổi David de Gea:

Đặc biệt nhất trong số những "người đặc biệt"

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:12
Trên tờ AS số ra hôm chủ nhật tuần trước, Chủ tịch Florentino Perez của Real tiết lộ hơn một năm qua, tính từ vụ chuyển nhượng đổ bể phút chót, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đã thực hiện một giao kèo ghi nhớ với De Gea.


Real và De Gea "yêu nhau" như thế nào?

Giờ này năm ngoái, De Gea đã chuẩn bị tinh thần xách va li tới Madrid. Giới săn tin thậm chí đã bắt gặp cảnh De Gea và bạn gái thuê khách sạn nằm đối diện đại bản doanh Valdebebas của Real.

Năm ngoái De Gea đã dọn đồ sang Madrid trước khi thương vụ đổ bể vào phút chót.

Nhưng phút 89, vì "sự cố" kỹ thuật mà giấy tờ chuyển nhượng của De Gea không được phía Man United gửi tới hội đồng chuyển nhượng Tây Ban Nha đúng hạn. Vậy là giao dịch bị đình trệ, buộc De Gea "phải" ở lại Old Trafford.

Một tuần sau, De Gea đặt bút ký vào bản hợp đồng mới có thời hạn 4 năm. Đây hoàn toàn không phải động thái thể hiện "tình cảm" hay thái độ "ăn năn" của De Gea với Man United. Chỉ đơn giản là phía "Quỷ đỏ" không muốn mất trắng người, còn giá trị của De Gea sẽ tăng lên khoảng vài lần khi điều khoản giải phóng được kích hoạt nhờ hợp đồng mới.

Trong hợp đồng mới, De Gea gài điều khoản cho phép anh gia nhập Real với giá 50 triệu euro, tương đương mức tăng gần 100% sau 12 tháng. Là Real, chứ không phải bất kỳ CLB nào khác. Vì sao?

Về Real, thu nhập của De Gea sẽ tăng lên cỡ… 240.000 bảng/tuần, cao gấp đôi con số hiện tại. Hơn nữa, truyền thống dùng người của các đời HLV trưởng ĐTQG Tây Ban Nha là sử dụng thủ môn ở La Liga, chứ không phải một người đang chơi bóng ở nước ngoài. Gia nhập dải ngân hà, De Gea lợi đơn lợi kép, chẳng đi đâu mà thiệt.

Hồi cuối mùa 2015-2016, sau một vài tin đồn phong thanh chuyện Phó chủ tịch Ed Woodward quyết giữ Van Gaal ở lại thêm một mùa, De Gea đã nhân cơ hội "đánh động" ra đi. Tờ Telegraph đưa tin, De Gea ra thông điệp "Hoặc tôi, hoặc ông ta". Nếu Van Gaal ở lại vì đại cục, De Gea sẽ dễ dàng tìm đường ra đi.

Đỡ chân hay hơn bắt tay

Ván bài lật ngửa: Van Gaal đi, còn Man United chọn De Gea. Bộ sậu ở Carrington mời về Jose Mourinho - HLV đã nhiều lần bày tỏ niềm cảm phục với thủ môn trưởng thành từ lò đào tạo Atletico.

Man United đã chọn De Gea, thế De Gea chọn ai? Thực tế, Man United nắm đằng chuôi, vì De Gea còn tới 4 năm hợp đồng. Tuy nhiên, phía Real vẫn kiên quyết theo đuổi De Gea, còn De Gea đã trên dưới hai lần bóng gió về tương lai của mình sau EURO 2016.

Trên Marca, De Gea tuyên bố: "Mourinho là một HLV giỏi, nhưng thế giới này không có ai là giỏi nhất. Tôi là một cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng không ai cấm tôi nghĩ về tương lai".

Không phải vô tình mà De Gea bỗng chốc nổi lên như một trong những thủ môn hàng đầu thế giới. Càng không có lý do gì để Perez, nhà tài phiệt vốn chỉ quen với việc chiêu mộ những cái tên sở hữu giá trị thương mại lớn lại "chết mê chết mệt" với anh thủ môn có gương mặt bị trêu là… giống khỉ này.

Bắt bóng bằng chân - tuyệt chiêu của De Gea.

De Gea, gương mặt tách biệt khỏi thế giới scandal thị phi ngoài sân cỏ. Thật ngắn gọn, De Gea ắt hẳn phải sở hữu một biệt tài nào đó mới thu hút được sự quan tâm của ông trùm xây dựng người Madrid - người trước nay chỉ ưa sự hào nhoáng..

Tờ AS trích lại một câu của Perez: "Ngoài Neuer thì De Gea chắc là thủ môn số 2 trên thế giới biết dùng chân trong những tình huống đối mặt. Tôi không nhớ chính xác ngày giờ, nhưng rất nhiều lần tôi xem Man United thi đấu, De Gea thường xuyên có những pha cản phá xuất thần bằng chân".

Perez nói chẳng sai chút nào. Đó không phải là những hành động mang tính bộc phát mà đã được De Gea khái quát hóa thành một phẩm chất. Trong mùa thứ hai ở Old Traffod, De Gea từng 2 lần được đài Sky Sports bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận chỉ nhờ những tình huống "dâng cao - khép háng - lấy chân đỡ bóng" sau những pha dứt điểm của các cầu thủ bên phía Real và Chelsea.

Bằng một vài thao tác đơn giản trên google, bạn không mấy khó khăn tìm được đoạn phát biểu của De Gea trên trang Mancunian Matter - diễn đàn CĐV Man United tại Anh: "Khi đối phương cầm bóng, dẫn thẳng tới vòng cấm, dùng chân là giải pháp cuối cùng. Tay là không đủ bởi lúc ấy trọng tâm của bạn đã rất thấp, sức bật lên trên bị hạn chế.

Nếu quan sát kỹ thì các tay làm bàn cự phách thường chọn giải pháp xỉa bóng qua khe hở giữa chân và nách, vì thế chỉ cần chủ động giơ cao chân là có cơ may thoát thua".

Trong mùa giải 2015/16, tỷ lệ cản phá bằng chân của De Gea là 18,7%, cao hơn cả Neuer (17,9%) và cũng là tốt nhất trong số các thủ môn chơi bóng ở châu Âu mùa trước.

Keylor Navas, thủ môn chính của Real mùa trước thậm chí còn không thể dùng chân. Thống kê cho thấy, trong 16/34 bàn thua của Real tại Liga 2015-2016, bóng đều găm vào góc dưới cầu môn, tức là "góc chết".

Trong những trường hợp như vậy, tầm với của thủ môn thường bị hạn chế. Do đó, nếu ai có thói quen phản xạ bằng chân thì sẽ ngăn ngừa được nguy cơ thủng lưới. Điểm này, Navas không tài nào so bì với De Gea.

Bài học thuở thiếu thời

Năm 13 tuổi, De Gea gia nhập lò đào tạo trẻ của Atletico Madrid. Diego Diaz Garrido, HLV thủ môn của Atletico quan sát De Gea trên sân tập trong 3 ngày liên tiếp và đưa ra quyết định: "Về với đội của tôi".

Bài tập đầu tiên của De Gea là truy cản những tình huống tiền đạo đối mặt cầu môn trong tư thế không bị ai kèm. 10 lần thử diễn ra, và chỉ 1 lần bóng không lăn vào lưới.

Có một điều đặc biệt là trong 9 lần dứt điểm thành công, tiền đạo đều đưa bóng đi sệt hoặc bay tà tà, không cao hơn thắt lưng của De Gea. Lần nào cũng như lần nào, De Gea đều bay người theo phản xạ và dù đã hạ trọng tâm cơ thể xuống thấp tối đa, anh vẫn không ngăn ngừa được bóng chui qua khe nách.

Diego Diaz Garrido hôm ấy có nói: "Em sẽ trở thành thủ môn hàng đầu thế giới nhưng trước hết, em phải học cách bắt bóng sệt".

Trong 10 lần cứu thua cho ĐT Tây Ban Nha ở vòng loại EURO 2016 và gặp Ukraina hồi cuối năm ngoái, có 6 lần De Gea dùng chân cản phá.

"Nhưng em cao quá, họ đá tầm thấp thì em bay người thế nào cũng vẫn để lọt lưới mà thôi", De Gea ngán ngẩm. "Được rồi, thế thì dùng chân xem sao, tôi thấy em tâng bóng khá mà, thử dùng chân cho nghề thủ môn xem sao", Garrido buột miệng.

Nhưng ông không ngờ rằng, câu nói bông đùa đó lại ăn sâu vào tiềm thức của De Gea. Từ thời khắc ấy, De Gea mặc định trong đầu từ nay, cứ khi nào bóng bay thấp là anh sẽ dùng chân.

Hình thành được thói quen ấy đòi hỏi cả quá trình khổ luyện. Theo tờ El Confidencial, De Gea nhờ tới sự trợ giúp của Juan Luis Martin, HLV đội trẻ Atletico lứa tuổi từ 13 đến 17 thời De Gea mới chập chững bước vào thế giới bóng đá. Hai người họ dành thêm 30 phút sau mỗi buổi tập, thực hiện những quy trình bắt buộc gồm 5 bước sau.

Một, giữ vững trọng tâm, không dồn nhiều lực vào gót chân. Hai, giữ nguyên vị trí, không lùi xuống hay tiến lên, mở rộng góc sút hoặc tạo thời cơ cho tiền đạo thực hiện động tác giả. Ba, đứng trên một đường thẳng với trái bóng. Bốn, vai tạo với sườn góc 15 độ - không quá nhỏ cũng không quá lớn. Năm, khi tiền đạo đối phương chuẩn bị ra chân, phán đoán hướng sút, duỗi thẳng chân cùng chiều, mũi chân chếch lên trên.

Nghĩa là, khả năng chặn đứng nguy cơ thủng lưới của De Gea tăng lên 2 lần: Bóng bay cao, đã có mũi chân còn nếu bóng bay thấp, vì chân De Gea duỗi thẳng, tạo với mặt sân góc 180 độ (góc tù), bịt mọi khe hở lộ ra giữa chân và mặt sân.

Những cuộc tranh cãi về vị trí người gác đền chưa bao giờ chấm dứt suốt những năm qua. Nhưng ở thời đại mới, thời đại của những thủ môn trẻ tuổi, De Gea là một trường hợp đặc biệt, bên cạnh sự xuất chúng đã được thừa nhận từ nhiều năm nay.

Chiêu trò của Man United?

Theo chuyên trang Transfermarkt, với bản hợp đồng mới của De Gea, số tiền mà Real phải bỏ để sở hữu một trong ba thủ môn giá trị nhất thế giới hiện nay tiệm cận khoảng 75-80 triệu bảng.

Ngoài mặt, Man United tỏ ý tha thiết giữ De Gea nhưng thực ra, đội hoàn toàn có thể thu về khoản lợi nhuận khổng lồ như câu chuyện với Cristiano Ronaldo 7 năm về trước.

Hè 2008, Real cũng điên cuồng theo đuổi Ronaldo. Phía Man United phải vào cuộc, cậy nhờ FIFA can thiệp. Tháng 08/2008, Ronaldo xác nhận mình tiếp tục gắn bó với Man United. Trong suốt mùa giải 2008-2009, liên tục xuất hiện tin đồn Ronaldo đã đạt được thỏa thuận cá nhân với Real. Man United thì ra sức bác bỏ, Sir Alex tuyên bố "Dù là một tinh thể vi khuẩn, Real cũng không bao giờ có được".

Cuối cùng, hè 2009, Ronaldo đến Bernabeu với mức giá kỷ lục 85 triệu bảng. Cũng giống với De Gea, Ronaldo chấp nhận hy sinh một năm trước khi về với bến đỗ mơ ước của mình, vì làm vậy, CLB chủ quản sẽ thu về khoản "kha khá" và không làm khó mình trong thời gian hai bên còn gắn bó với nhau.

Năm 2009, Ronaldo chỉ còn 1 năm hợp đồng (trong khi hè 2016, De Gea còn tới 3+1 năm) mà vẫn mang về cho Man United số tiền khổng lồ.


Đơn Ca
.
.
.