Đại chiến Chelsea - M.U Antonio Conte chỉ là "Jose Mourinho 2.0"!

Thứ Tư, 26/10/2016, 10:53
Chelsea đang cho thấy những dấu hiệu tích cực khi họ giành tối đa 6 điểm trong 2 vòng đấu gần nhất, nã 5 bàn vào lưới Hull và ĐKVĐ Leicester, không để thủng lưới bàn nào.


Với phong độ như vậy, đoàn quân của Antonio Conte hoàn toàn tự tin khi tiếp đón M.U của Jose Mourinho trên sân nhà Stamford Bridge cuối tuần này. Vấn đề nằm ở chỗ liệu chiến lược gia người Italia có thể vượt qua được cái bóng của người đã truyền cảm hứng cho ông để đón nhận thử thách trên đất Anh.

Conte đến Chelsea vì Mourinho

Năm 2014, Conte khi đó là HLV trưởng ĐT Italia đã có một chuyến đi kéo dài 2 tuần đến London cùng với Gabriele Orieli, người đứng đầu bộ phận các đội tuyển ở Italia, để nghiên cứu cách thức vận hành các đội bóng tại Premier League.

Trong 2 tuần đó, chiến lược gia của Azzurri đã có những buổi nói chuyện đầy bổ ích với Mourinho tại Chelsea, Sam Allardyce tại West Ham và Mauricio Pochettino tại Tottenham.

Jose Mourinho đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc cùng Chelsea.

Người để lại nhiều ấn tượng nhất cho Conte là Mourinho. Chiến lược gia người Italia sau này kể lại rằng khoảng thời gian được chứng kiến “Người đặc biệt” làm việc tại sân tập Cobham là “vô giá”.

Chính Mourinho đã thuyết phục Conte nên chọn một công việc tại Premier League sau khi rời ĐT Italia. Conte vì thế đã gật đầu ngay lập tức khi nhận lời mời từ chính Chelsea, đội bóng mà Mourinho đã từng gắn bó đến 2 lần trong sự nghiệp.

Cuối tuần này, họ sẽ đối đầu nhau trong một trận đấu hứa hẹn sẽ rất thú vị. Conte có thể khác biệt với Mourinho về tư duy chiến thuật, nhưng họ có phong cách huấn luyện rất tương đồng. Chính Conte đã thừa nhận rằng ông bị thuyết phục bởi những kế hoạch, cách thức và chiến lược vận hành đội bóng của Mourinho qua cuộc nói chuyện năm 2014.

Được người Italia đặt cho biệt danh là “Il Martello” (cái búa), giống như Mourinho, Conte cũng theo đuổi một phương pháp huấn luyện mà trong đó ông là trung tâm, là chân lý và buộc các cầu thủ phải phục tùng tuyệt đối.

Ông thường nhắc đi nhắc lại những chỉ dẫn cho cầu thủ để họ thuộc lòng và nếu như ai không chấp hành một cách nghiêm túc, họ sẽ phải nhận những lời cay nghiệt. Ngay cả một siêu sao như Pirlo cũng từng có lần phải thốt lên: “Những lời chỉ trích của Conte có thể làm tổn thương người mạnh mẽ nhất!”.

Những hành vi “tăng động” của Conte ngoài đường biên khi đội bóng của ông thi đấu là một hình ảnh phản ánh tính cách của chiến lược gia này.

Có cảm giác rằng nỗi lo lắng nhất của Conte là ông không truyền được cho các học trò trên sân cỏ chất lửa luôn bùng cháy trong bản thân. Ông gào thét, đá chai nước, chạy theo các đợt tấn công và nhảy cẫng lên ăn mừng phấn khích khi đội nhà ghi bàn. Đó cũng là những gì Mourinho từng làm.

Bạn có nhớ khoảnh khắc Mourinho chạy dọc đường biên ăn mừng khi Porto loại M.U khỏi Champions League hay cách ông ăn mừng với bàn tay giơ cao số 1 khi Inter đánh bại Barcelona sau hai loạt trận bán kết mùa 2009/10?

Đúng vậy, Conte và Mourinho rất giống nhau. Họ đòi hỏi rất nhiều từ các học trò, đối xử với cầu thủ như một kẻ độc tài về tư tưởng, nhưng lại rất biết cách để truyền cảm hứng.

Conte từng có cuộc nói chuyện đầy cảm hứng với Mourinho khi còn dẫn dắt Italia.

Họ giống như giáo chủ của một giáo phái, luôn khát khao duy trì quyền lực tuyệt đối bằng sự cực đoan của bản thân và cũng rất giỏi trong việc “tẩy não” để thu nạp những đệ tử trung thành sẵn sàng đổ máu vì mình. Thành công của Conte và Mourinho phụ thuộc vào việc họ quản lý đội bóng tốt đến đâu và “thu phục” được bao nhiêu cái đầu.

Và cũng chính vì sự giống nhau đó, Conte cũng sẵn sàng đối mặt với những gì mà Mourinho từng trải qua khi sự cực đoan đến tàn nhẫn thực sự là một con dao hai lưỡi.

Con đường chông gai tại Stamford Bridge

Những bài học từ Mourinho có giá trị đặc biệt với Conte, nhất là khi HLV người Italia đang dẫn dắt đội bóng mà ở đó, chiến lược gia người Bồ đã nếm trải đầy đủ những cảm xúc hỉ nộ ái ố.

Chelsea mang những đặc thù riêng hoàn toàn khác biệt với các đội bóng lớn khác. Họ có một cuộc đổi đời đột ngột với sự xuất hiện của Roman Abramovich. Nguồn tiền khổng lồ từ ông chủ người Nga giúp The Blues nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về đẳng cấp với M.U, Arsenal, Liverpool; thậm chí có thời điểm họ còn vượt lên trên các CLB này.

Nhưng từ sâu bên trong bản chất, Chelsea không có được một nền tảng truyền thống tốt như những đối thủ của họ. Đó là thứ mà tiền không thể mua được.

Chính yếu tố này dẫn đến việc các cầu thủ đến với Chelsea không có một sự gắn bó tinh thần chặt chẽ với CLB. Frank Lampard hay Didier Drogba là những trường hợp đặc biệt.

Còn lại, hầu hết những cầu thủ đến với Stamford Bridge chủ yếu vì khoản thu nhập khổng lồ mà The Blues có thể chi trả. Vì thế, họ sẵn sàng “buông xuôi” nếu như không cảm thấy thoải mái.

Conte đang xây dựng một Chelsea với tư tưởng của riêng mình.

Những ngôi sao triệu phú có thể cùng hợp tác với HLV để giúp đội bóng mạnh lên, nhưng khi họ không hài lòng thì tương lai của các ông thầy cũng vô cùng khó đoán. Chính Jose Mourinho là người nếm trải điều đó rõ nhất ở nhiệm kỳ 2 tại đội bóng.

Ông cùng Chelsea vô địch ở mùa 2014/15 một cách vô cùng thuyết phục nhưng chỉ ở mùa giải ngay sau đó, mọi thứ trở nên tồi tệ một cách khó hiểu với nguyên nhân chủ yếu đến từ sự bất hợp tác của các trụ cột.

Những HLV thành công nhất tại Chelsea, ngoài Mourinho, là những người nổi tiếng là dễ tính trong giới cầm quân. Carlo Ancelotti, đồng hương của Conte, nới lỏng kỷ luật và hòa nhã với các cầu thủ.

Guus Hiddink thì giống như “ông bụt” hiền từ với tất cả các học trò. Những người còn lại, ví dụ như Felipe Scolari, thất bại thảm hại vì quá cứng nhắc.

Hãy cẩn thận với Diego Costa!

Nếu có học trò nào khiến Conte phải đau đầu nhất lúc này thì đó chính là Diego Costa. Tiền đạo gốc Brazil nổi tiếng bởi lối hành xử bản năng và có cá tính rất mạnh này là cầu thủ đầu tiên tỏ ra không hài lòng với những chỉ dẫn từ ngoài đường biên của Conte.

Dấu hiệu của mối bất hòa xuất hiện ở hiệp 2 trận đấu với Leicester. Vì lo ngại Diego Costa có thể phải nhận thêm thẻ vàng thứ 5 từ đầu mùa và có thể vắng mặt ở trận đấu với M.U cuối tuần, Conte đã ra dấu yêu cầu trung phong này chuẩn bị rời sân. Diego Costa đã phản ứng dữ dội với quyết định này và cuối cùng Conte đã phải để anh thi đấu đến hết trận. Sau trận đấu, Diego Costa đã bóng gió nói rằng anh quá nhức đầu với những chỉ đạo liên tục từ khu vực huấn luyện.

Hồi tháng 11 năm ngoái khi còn dẫn dắt Chelsea, Mourinho cũng từng gặp vấn đề với Diego Costa. Trong trận đấu tại Israel trong khuôn khổ Champions League, giữa HLV người Bồ và cậu học trò nóng tính đã xảy ra tranh cãi gay gắt trong đường hầm sau hiệp 1. Mourinho yêu cầu Diego Costa xuất hiện trong vòng cấm nhiều hơn để hỗ trợ Hazard nhưng tiền đạo này muốn chơi tự do để tìm kiếm cơ hội. Sau đó, Diego Costa đã bị cất lên ghế dự bị ở trận đấu tiếp theo của Chelsea.

Diego Costa là một tiền đạo giỏi nhưng anh cũng là một con ngựa bất kham không hề dễ thuần hóa.

Cách “đối nhân xử thế” với các học trò sẽ quyết định tương lai của Conte tại Chelsea. Jose Mourinho, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Stamford Bridge, chọn một cách kết hợp hài hòa giữa chuyên môn và chuyện ngoài sân cỏ.

“Người đặc biệt” sẵn sàng quát tháo, ép các học trò trút đến giọt mồ hôi cuối cùng trên sân cỏ nhưng ở ngoài đời, ông luôn cho thấy sự quan tâm đến các cầu thủ và cả người thân của họ bằng những tin nhắn cá nhân.

Đó có thể  cách Conte áp dụng tại Chelsea. Chiến lược gia người Italia hiểu rằng việc xây dựng mối quan hệ với các cầu thủ quan trọng chẳng kém chuyện tìm ra hệ thống chiến thuật phù hợp để phát huy tối đa sức mạnh của The Blues.

Mọi thứ có vẻ đang tốt dần lên, tỷ lệ thuận với vốn tiếng Anh của Conte. Trong hai trận đấu gần đây, HLV người Italia đã bắt đầu sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ mà ông ưa thích và dấu hiệu tích cực là việc các cầu thủ Chelsea đều không có dấu hiệu phản ứng với hệ thống này.

Tuy nhiên, Hull và Leicester chưa phải là những liều thuốc thử đủ mạnh. Cuộc đối đầu trực tiếp với Jose Mourinho mới là dịp để Conte có được một cái nhìn tổng quát nhất cho đoạn đường đầu tiên mà ông đã đi cùng với Chelsea.

Chỉ có Terry, Lampard và Drogba không thể động tới!

Đúng với phong cách thường thấy của mình, Mourinho lại gây tranh cãi trước một trận đấu lớn khi trong lần trả lời phỏng vấn gần nhất, ông khẳng định tại M.U không có ai là “không thể thay thế” như bộ ba Terry, Lampard và Drogba trong nhiệm kỳ đầu của ông tại Chelsea.

Phát ngôn này được xem là sự phản pháo lại sự chỉ trích về việc Mourinho luôn đảm bảo cho Pogba và Ibrahimovic hai suất chính thức trong đội hình “Quỷ đỏ” bất chấp việc bộ đôi này đang không có phong độ cao, điều được thể hiện rõ trong trận đấu với Liverpool cuối tuần vừa rồi.

“11 năm đã trôi qua, đây là một Premier League khác, một câu chuyện khác” – Mourinho khẳng định rằng trong đội hình của ông hiện tại, ai cũng có thể bị đẩy lên ghế dự bị. “Chelsea 2005 là đội bóng mạnh nhất tôi từng dẫn dắt và những hạt nhân như Terry, Lampard, Drogba luôn có suất trong đội hình” – HLV người Bồ thừa nhận.


Đơn Ca
.
.
.