Đằng sau màn chơi lớn của tân binh Bình Định

Thứ Bảy, 19/12/2020, 11:20
Mới trở lại V-League sau 12 năm vắng bóng, Bình Định đã chiêu mộ hàng loạt tân binh ấn tượng. Người ta nói đội bóng đất võ chơi lớn, thậm chí là chơi trội so với nhiều ông lớn trên thị trường chuyền nhượng trước mùa giải năm nay. Nhưng ít ai biết rằng  từ hai năm trước, Bình Định đã sẵn sàng cho cuộc chơi lắm tiền nhiều của này với kế hoạch dài hơi cùng tiềm lực tài chính, để qua đó hiện thực hoá tham vọng của đội bóng.


Đóng góp âm thầm

Bình Định đang làm mưa làm gió trên phiên chợ Đông trước thềm V-League 2021. Hàng loạt cái tên như Đinh Tiến Thành, Dương Thanh Hào, Hồ Tấn Tài, Ahn Byung Keon, Rimario và mới nhất là Roland Alberg - một tiền đạo có tiếng ở giải hạng Nhì Hà Lan cập bến Bình Định. So với nhiều đại gia tại V-League, Bình Định đang nổi lên như là cái tên "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Không một đội bóng nào có thể chi tiền tới bến, thậm chí là mua hẳn tiền đạo Tây từng chơi bóng ở các giải vô địch quốc gia Hà Lan hay Bulgaria như Bình Định.

Nhưng đâu phải cứ chờ đến khi trở lại V-League 2021, Bình Định mới có những bước đi cụ thể trong việc biến đất võ thành cầu trường bóng đá lớn nhất cả nước. Thực tế, họ đã chuẩn bị cho kế hoạch từ năm 2018, thời điểm xuất hiện tin đồn Bình Định sắp… bỏ giải hạng Nhất vì thiếu 10 tỷ đồng. Cụ thể, ngay ở mùa giải 2019, Bình Định đã nhận được khoản hỗ trợ kịp thời từ Tập đoàn Hưng Thịnh với số tiền đầu tư khởi điểm là 10-20 tỷ đồng.

CLB Bình Định đổi đời nhờ có nhà tài trợ.

HLV Nguyễn Đức Thắng, người vừa đưa Bình Định thăng hạng kể lại: "Giữa tháng 11-2019, tôi có nhận được lời mời từ cựu thủ môn Dương Ngọc Hùng, trong việc tham dự một trận đấu giao hữu tri ân huyền thoại thế hệ vàng 1995-2002 của bóng đá Việt Nam. Lúc đó, tôi mới biết Tập đoàn Hưng Thịnh có tài trợ một phần cho trận đấu. Tôi càng bất ngờ hơn bởi ngay ở mùa giải 2019, Hưng Thịnh cũng đã tài trợ vô điều kiện cho Bình Định, từ việc ăn ở, kế hoạch thi đấu.

Ngay cả khi Bình Định chủ động đề xuất gắn tên Hưng Thịnh vào CLB, tập đoàn này cũng từ chối. Ở thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn như vậy. Một tuần sau bữa tiệc đó, tôi có nhận được một cuộc hẹn ở TP. Hồ Chí Minh. Lãnh đạo của CLB Bình Định đã đưa ra bản kế hoạch với sự đầu tư bài bản cùng khát vọng xây dựng, phát triển cho bóng đá Bình Định. Khát khao của họ đã thuyết phục được tôi dẫn dắt CLB này".

Công việc đối với HLV Nguyễn Đức Thắng không đơn giản như việc dẫn dắt một đội bóng lớn tại V-League. Chỉ trong vòng 1 tháng dẫn dắt Bình Định, ông phải gấp rút sàng lọc lực lượng. Nhà cầm quân 7x này chọn ra 11 gương mặt từ đội ngũ cũ để làm nền tảng, đắp dày thêm bằng những bản hợp đồng mới chất lượng.

Ấn tượng nhất là những người có gốc, từng được đào tạo tại Bình Định chấp nhận rời V-League xuống chơi hạng Nhất nay về góp sức cho quê hương như Huỳnh Văn Thanh, Lê Hoàng Thiên, Phan Đức Lễ. Đấy là chưa kể, ông Thắng còn mượn được những cầu thủ trẻ có chất lượng từ vài đội bóng mạnh. Một trong số đó có Nguyễn Hữu Thắng của Viettel - cái tên sau cùng được bình chọn là xuất sắc nhất Bình Định mùa giải năm ngoái.

Trên cơ sở ấy, HLV Nguyễn Đức Thắng có thêm niềm tin đưa CLB Bình Định trở lại bóng đá đỉnh cao. Ông luôn nói rằng Bình Định tuy là đội bóng hạng Nhất nhưng lại sở hữu lực lượng của một đội tầm trung tại V-League. Do đó, ngoài trường hợp của Khánh Hoà, Bình Định không ngán những đối thủ cạnh tranh khác như Phố Hiến, Bà Rịa- Vũng Tàu hay An Giang. Thực tế, điều đó đã được chứng minh khi Bình Định đã giành được tấm vé duy nhất để thăng hạng V-League 2021.

"Liều doping" 40 tỷ đồng

Thành công của bóng đá Bình Định phải đi kèm với tên tuổi của nhà tài trợ chính. Năm ngoái, ngân sách của CLB Bình Định đã lên tới trên 40 tỷ đồng. Đó là một số tiền rất lớn đối với một đội hạng Nhất. Và dĩ nhiên, đi kèm với mức đầu tư ấy là mục tiêu ngang tầm. Sức ép dành cho HLV Nguyễn Đức Thắng luôn hiện hữu trong suốt mùa giải 2020, bởi mệnh lệnh dành cho ông là đưa Bình Định lên chơi V-League 2021.

HLV Đức Thắng tạo nên bước ngoặt lớn cho CLB Bình Định.

Chỉ tiêu ấy khiến vị HLV sở hữu bằng cấp thuộc diện cao nhất Việt Nam (FIFA Pro) không tránh khỏi sự căng thẳng. "Vợ tôi nói rằng sao tóc tôi bạc nhiều đến thế chỉ sau 1 năm ở Bình Định. Đúng là tôi trải qua một mùa giải áp lực dù sở hữu ngân sách và lực lượng thuộc diện mạnh ở hạng Nhất. Có lúc tôi từng tuyên bố nếu không thể đưa Bình Định thăng hạng, tôi sẽ lập tức từ chức", HLV mới 44 tuổi tâm sự. 

May mắn thay, "liều doping" ấy đã không phản tác dụng. Nó trở thành gói kích cầu tạo nên sức bật cho Bình Định trở lại V-League sau hơn thập kỷ vắng bóng. Quan trọng hơn, nhà tài trợ đã có thêm niềm tin để tiếp tục đầu tư cho bóng đá địa phương này. Cần nhớ rằng, ngoài đội một, tỉnh Bình Định đã chuyển giao thêm các lớp U17, U19 và U21 cho Tập đoàn Hưng Thịnh.

Trưởng đoàn Công Tâm cho biết Công ty cổ phần Thể thao Hưng Thịnh Bình Định đang đề xuất xin tỉnh hoặc thuê quỹ đất trong thời gian 30-50 năm,  xây dựng tổ hợp bóng đá với 2 sân bóng tiêu chuẩn và khu nhà ở cho VĐV. Ngoài ra, sân tập ở thị xã An Nhơn cũng được xây lại. Sân chính trồng cỏ lá kim và làm hệ thống thoát nước tự động. Chỉ vài năm trước thôi, đội bóng đất võ có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.

Nhiều cầu thủ tên tuổi cập bến CLB Bình Định ở V-League 2021. 

Năm 2015, khi xuống hạng Nhì, CLB Bình Định gần như không còn sản sinh ra những cầu thủ nổi tiếng như trước. Thậm chí, họ còn suýt đứng trước nguy cơ giải thể vì không còn đủ lực về nền tảng tài chính. Đó cũng là lý do Hồ Tấn Tài, cái tên nổi bật nhất được phát triển bởi địa phương này khăn gói ra đi. Thậm chí, Hồ Tấn Tài đã có lúc ở rất gần Thanh Hoá. Nhưng chỉ vì việc không thể… ăn chia giữa lãnh đạo cũ của CLB, thương vụ này cũng vì thế sụp đổ. May mắn cho hậu vệ sinh năm 1997 là sau đó CLB B.Bình Dương đã nhận.

Với Bình Định, họ cũng mới trở lại hạng Nhất vào năm 2017. Lúc đó, đội bóng vẫn trong cảnh chạy ăn từng bữa, thành tích èo uột với khoản kinh phí eo hẹp. Đầu mùa giải 2019, địa phương có bề dày truyền thống bóng đá suýt chút nữa đã bỏ giải nếu không có sự can thiệp kịp thời của nhà tài trợ.

Người ta thường nói sau cơn bĩ cực lại tới hồi thái lai. Về cơ bản, mọi chuyện đều ủng hộ Bình Định tuyệt đối. Với lực lượng đủ chất, đủ tầm, đoàn quân của HLV Nguyễn Đức Thắng tự tin có thể trụ hạng V-League 2021, trước khi nghĩ đến những mục tiêu xa hơn và tham vọng hơn.

Bình Định đá giải tứ hùng với Hà Nội FC

Với việc giành chức vô địch Giải hạng Nhất quốc gia 2020, Bình Định chính thức giành vé lên chơi ở V-League 2021. Mới đây, đội bóng đất võ đã tiến hành hội quân tập luyện chuẩn bị cho mùa giải mới. Theo HLV Đức Thắng, đội bóng này đã có 2 tuần tập luyện tại Gia Lai trước khi lên Đắk Lắk để rèn quân ở địa điểm cách mực nước biển tới 1.300 mét. Theo HLV Đức Thắng, điều đó sẽ giúp thể lực và sức bền của các cầu thủ Bình Định tăng lên đáng kể trước khi V-League khởi tranh.

Ngoài ra, Bình Định đã quyết định sẽ tham dự Giải bóng đá tứ hùng năm 2021 do Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh tổ chức. Giải đấu này diễn ra trong khoảng từ ngày 29-12 đến ngày 2-1-2020. Giải đấu này có sự góp mặt của các đội bóng như CLB TP Hồ Chí Minh, CLB Sài Gòn, CLB Hà Nội và CLB Bình Định. Các đội thi đấu theo thể thức thi đấu vòng tròn để tính điểm xếp hạng. Việc tham gia giải đấu sẽ giúp cho các cầu thủ đội bóng đất võ cọ xát, lấy kinh nghiệm thi đấu bởi các đội tham dự là những "ông lớn" thực sự ở đấu trường V.League. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp BHL Bình Định thử nghiệm và sắp xếp đội hình.

Cùng với đội quân tốt, HLV Đức Thắng cũng sẵn sàng tạo thêm một cột mốc mới cho Bình Định. Trước đó, HLV Đức Thắng từng giúp Hà Nội (tiền thân của Sài Gòn) thăng hạng V-League 2016, đưa CLB này kết thúc ở nửa trên BXH 2 mùa giải liên tiếp trước khi đưa Thanh Hoá đến ngôi á quân tại mùa giải 2018.

Đơn Ca
.
.
.