Đánh mất mình giữa đoạn trường showbiz

Thứ Hai, 10/12/2012, 11:06

Câu chuyện về một nữ diễn viên Nhật Bản từ một ngôi sao hạng A phải buông mình đóng phim cấp 3 để có tiền trang trải nợ nần, như một minh chứng về sự cay đắng của showbiz. Ở một nơi sự hào nhoáng và tiền được đề cao, thì những yếu tố khác chỉ là bàn đạp để người ta vươn tới những điều đó. Ở showbiz Việt Nam, có không ít người tài năng thực sự đã buông mình trước những cám dỗ lao xao, theo kiểu xây một đời đốt vài năm. Nhưng, chính họ lại không bao giờ nhận ra điều ấy…

Câu chuyện về một nữ diễn viên Nhật Bản từ một ngôi sao hạng A phải buông mình đóng phim cấp 3 để có tiền trang trải nợ nần, như một minh chứng về sự cay đắng của showbiz. Ở một nơi sự hào nhoáng và tiền được đề cao, thì những yếu tố khác chỉ là bàn đạp để người ta vươn tới những điều đó. Ở showbiz Việt Nam, có không ít người tài năng thực sự đã buông mình trước những cám dỗ lao xao, theo kiểu xây một đời đốt vài năm. Nhưng, chính họ lại không bao giờ nhận ra điều ấy…

Từ cuộc bon chen của người mới đến…

Mới đây, ca sỹ Đan Trường lên báo chia sẻ về thị trường âm nhạc hiện tại và những… thất vọng với lớp ca sỹ mới: "Tôi thấy buồn cười vì khi đi dạo với cún hay thử quần áo, mua xe… những công việc rất đỗi bình thường của các bạn cũng được "trưng" lên các phương tiện truyền thông. Cũng có trường hợp những ca khúc với hàng triệu lượt view ảo trên mạng nhưng khi đi hát thực tế thì không ai biết những ca khúc đó. Thế giới ảo vô tình dìm chết những gương mặt mới muốn đi tắt con đường nghệ thuật…

Ngày xưa chúng tôi cực lắm chứ không như bây giờ, đi diễn rất xa với điều kiện thiếu thốn - di chuyển bằng xe máy hay thậm chí là xe đạp chứ không phải là ôtô hay siêu xe. Tôi tôn trọng sự cần lao trong nghệ thuật... Tôi chỉ mong các bạn trẻ làm nghệ thuật hiểu rằng, vốn sống không bao giờ thừa, và nếu không có nó thì lớp người như chúng tôi không thể nghiễm nhiên tồn tại và gặt được chút ít thành công"…

Đọc bài phỏng vấn này người thì chia sẻ với Đan Trường, nhưng hẳn nhiều người sẽ bật cười. Bởi ngày mới tới showbiz, Đan Trường cũng đã chịu sự dè bỉu và khinh miệt. Khi ấy ai cũng biết, Đan Trường xuất hiện như một ca sỹ không có thực lực, nhờ công nghệ lăng xê.

Thế hệ đạo diễn trẻ như Phan Đăng Di, Victo Vũ, Nguyễn Quang Dũng đã chiếm lĩnh được thị trường điện ảnh.

Ở thời điểm trước đó, Lam Trường, Phương Thanh và những giọng ca lớn như Mỹ Linh, Thanh Lam… nổi tiếng bằng thực lực, thậm chí có người còn từ chối công nghệ lăng xê và ngần ngại với những việc đại loại như tự quảng bá mình.

Đan Trường cũng nhờ ông bầu tháo vát và nhiều chiêu trò của mình để vươn lên, tìm đường cạnh tranh với Lam Trường, vốn được mệnh danh là một hoàng tử của nhạc thời trang khi đó. Và tất nhiên, Đan Trường, với một giọng hát vừa phải, một ngoại hình đẹp (hơn Lam Trường) và có chịu khó đầu tư vào việc lập và duy trì các fans club, nên đã có được những thành công mang tính chiến lược. Không chỉ vượt qua Lam Trường, Đan Trường còn có được những tour diễn dài hơi…

Nhưng, mọi chuyện ở showbiz đều đến và đi rất nhanh, lúc này Đan Trường đã không còn "hot" nữa. Anh ít xuất hiện ở các show lớn và dường như, showbiz cũng đang dần lãng quên anh…

Quay lại câu chuyện mà Đan Trường nói về sự "ảo": "Thế giới ảo vô tình dìm chết những gương mặt mới muốn đi tắt con đường nghệ thuật…". Điều này thì Đan Trường nói đúng.

Đơn giản là thế hệ của Đan Trường xuất hiện chưa phát triển Internet như bây giờ. Và ca sỹ muốn nổi tiếng buộc phải xuất hiện trên báo, thế nên mới có chuyện cứ mỗi mùa giải Mai Vàng xuất hiện thì lượng phát hành của Báo Người lao động tăng vọt. Đơn giản vì báo này yêu cầu phải cắt phiếu in trên báo mới được tham gia bình chọn cho các nghệ sỹ.

Có những nghệ sỹ mua cả vạn tờ báo cho fans ngồi cắt và điền tên ngôi sao của mình. Đó cũng là một… công nghệ ảo khác, nhưng ít nhiều cũng đã tác động được tới một bộ phận người nào đó.

Chuyện này lại nhớ năm trước, buổi họp báo giải thưởng âm nhạc của trang Zing trở nên ầm ĩ và cãi vã không ngớt. Nhạc sỹ Đức Trí, một nhạc sỹ được tiếng là điềm đạm, được mời vào vị trí giám đốc nghệ thuật cho giải thưởng, cũng bị quay như dế. Vì tiêu chí cho giải thưởng này quá nhiều điểm bất cập. Trong khi đó có những gương mặt (mà đến tận bây giờ, tức là một năm sau) không ai biết là ai, chẳng hạn như Hồ Quang Hiếu. Hay nữ ca sỹ Bảo Thy đi hát không dưới 5 năm, vẫn được đưa vào hạng mục ca sỹ mới triển vọng…

Đan Trường chê ca sỹ trẻ chỉ có fans ảo và không cố gắng làm nghề nghiêm túc.

Những người thực hiện giải thưởng này trước sự phẫn nộ của phóng viên đã tỏ ra lúng túng và từ chối trả lời. Cứ bám vào "kỹ thuật" để thanh minh về sự minh bạch của mình, giải thưởng này đã không tạo được uy tín như nó cần phải có. Năm nay, giải thưởng âm nhạc Zing cũng vừa họp báo. Và họ thay đổi hình thức bình chọn, không còn qua tin nhắn, mà thông qua hệ thống nghe và chia sẻ trực tuyến.

Cách này còn dễ… gian lận hơn nhiều lần. Và mục tiêu lớn nhất của giải thưởng này, có lẽ là tăng lượt truy cập, nghe và tải nhạc trên trang Zing, một trang  nghe nhạc trực tuyến. Thế nên, ai có tiền và ai chịu khó đầu tư vào cuộc kêu gọi bình chọn, chia sẻ sẽ được giải. Và với cái gọi là "kỹ thuật", thì trong vòng 30 giây, người ta có thể biến một ca sỹ chưa ai biết tên thành ca sỹ có nhiều người hâm mộ (tất nhiên là ảo).

Tiền, lúc này sẽ là yếu tố quyết định! Nhưng, sau khi có những điều này, bước vào đời cơm áo, thì thị trường lại có quy trình vận hành riêng của mình. Nhiều ngôi sao ảo chết gục trong thị trường âm nhạc chỉ vì không ai biết tới và không được thừa nhận. Thậm chí có những ca sỹ đi hát không dưới 4 năm, như Khổng Tú Quỳnh chẳng hạn, nhưng dường như không ai biết cô có được mấy bài hát và giọng hát thực của cô như thế nào.

Đến chương trình "Âm nhạc và bước nhảy" tháng 11/2012 vừa qua, ban tổ chức yêu cầu tất cả các ca sỹ phải hát live, không được hát nhép, thì nhiều khán giả ngỡ ngàng với chất giọng thật của cô. Một giọng hát còn thua cả giọng ca karaoke, yếu ớt và chênh phô quá nhiều. Và người ta tự hỏi, những ca sỹ như Khổng Tú Quỳnh sẽ tiếp tục đua chen thế nào với thị trường này?

… cho đến sự "bán mình" của những "thái thượng hoàng"

Vì họ là "thái thượng hoàng", nên dư luận xin tự hiểu, người viết sẽ để tên tắt, như một cách chừa đường rút lui của nhân vật. Đạo diễn L. vốn được tiếng sắc sảo. Khi lửa nghề còn cháy, anh làm ra những bộ phim hấp dẫn được ngợi ca. Cho đến một ngày, anh làm phim thị trường, cũng được ngợi ca, vì chẳng may phim đó ăn khách quá.

Thừa thắng xông lên, và cũng một phần vì bị đồng tiền dụ dỗ, anh đã liên tiếp làm ra những bộ phim đáng kinh ngạc. Người làm nghề kinh ngạc vì cứ như là bị ma ám, không phải anh làm mà do ai đó cầm tay anh dắt đi, ai đó cầm bút ép anh viết ra những kịch bản lảm nhảm nửa phim truyền hình nửa sitcom hài hước (nhưng kém duyên).

Nhưng, ở những bộ phim đầu tiên, anh vẫn gần như "một mình một chợ", muốn khen muốn chê thì khán giả vẫn còn cố tới rạp xem. Nhưng, sau 5 năm, rồi 10 năm, một thế hệ đạo diễn mới đã xuất hiện như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Đăng Di… Họ đã chiếm lĩnh mọi mặt trận từ phim giải trí cho đến nghệ thuật và tạo được những bộ phim hấp dẫn. Còn bản thân anh, vẫn giậm chân tại chỗ vì anh mải chạy show quá nhiều, viết lách đủ thứ, làm đủ chuyện với truyền hình, và chẳng cái nào ra cái nào.

Cái tôi quá lớn, cộng với sự cao ngạo từ trên nhìn xuống, cộng thêm sự kém hiểu biết trước sự thay đổi của thế giới điện ảnh và cả gout của khán giả, khiến những bộ phim của anh không có tư tưởng, yếu về thẩm mỹ và non kém về tay nghề. Những diễn viên nói như những con vẹt tuyên ngôn của đạo diễn một cách sống sượng và giả tạo. Những cảnh quay như clip truyền hình. Những tuyên ngôn ầm ĩ của đạo diễn bảo vệ phim của mình, chửi rủa phim người khác giờ đã không còn được truyền thông mặn mà nữa.

Giờ là thời đại của "đôi bên cùng có lợi", khán giả chỉ ủng hộ những sản phẩm mà họ cảm thấy được tôn trọng chứ không chỉ là những lời nói suông. Còn nhớ dịp cuối năm ngoái, phim của đạo diễn L.. ra mắt, nhà sản xuất điểm thật kỹ danh sách báo chí, nghe đâu chỉ dưới 10 người thân tín, thuộc diện "cánh hẩu". Đây là bộ phim đầu tay của công ty này, được đầu tư khá nhiều tiền. Nhưng mọi chuyện rơi vào tay đạo diễn cực đoan và bảo thủ như đạo diễn L., nên cuối cùng bộ phim trở nên khá nhảm nhí và hời hợt. Nhà sản xuất cũng tiên liệu được việc báo chí có thể sẽ "vùi dập" nên phải ra mắt phim trong tình trạng nửa bí mật nửa công khai.

Quả nhiên, vụ này chỉ có đạo diễn là sướng, được thỏa sức làm theo ý mình, hốt một mớ tiền. Còn nhà sản xuất ôm đầu máu vì lỗ nặng. Khán giả còn lỗ nặng hơn, bỏ tiền đi coi phim dở và cái lớn hơn nữa là choáng váng trước khả năng… xuống cấp quá nhanh của một vị đạo diễn được tiếng là tài năng.

Nhưng, giới làm nghề vẫn là những người cực kỳ nhân hậu. Họ vẫn để một cánh cửa cho đạo diễn L. quay đầu. Năm nay, đạo diễn L. được một hãng phim mời làm phim chính thống, nghĩa là không bị áp lực về doanh thu như những nhà sản xuất mới. Một bộ phim nghiêm túc và có ý định sẽ tham dự một số liên hoan phim. Cần nói rõ rằng, với một bộ phim đầu tư để đem dự thi, nhà sản xuất đã không còn đặt vấn đề doanh thu lên đầu, mà chất lượng nghệ thuật trên hết.

Chắc là hãng này vẫn còn niềm tin son sắt rằng, đạo diễn của chúng ta chỉ vì cơm áo gạo tiền nên mới bán mình làm những bộ phim và chương trình nhảm nhí rẻ tiền. Việc giao bộ phim nghệ thuật cho đạo diễn L. cũng là một cách để anh được làm nghề đúng nghĩa, giữ lại cái tên của một thời vàng son.

Nhưng, đúng là dựng nghề một đời bán nghề dăm năm. Khán giả đã quen với hình ảnh nhảm nhí của anh trong các chương trình giải trí nhảm nhí, chặt chém hết từ người lớn cho đến con nít, và nói đủ chuyện trai gái tình dục giường chiếu đêm khuya, nên chắc sẽ không còn sốc nữa. Nhưng với những người làm nghề, bạn bè anh, những người còn có niềm tin rằng dù anh có tham tiền, thì nghề của anh vẫn còn đó, hẳn là sẽ rất buồn khi xem tác phẩm mới mà anh từng tuyên ngôn là "nghệ thuật đích thực".

Một nhà báo đi xem ra mắt bộ phim của anh về và cảm thán đầy ngao ngán: "Đúng là dại, không chịu nghe bạn dặn: "Không xem sản phẩm của bạn, cho đỡ mất tình bạn bè". Chết vì tin báo chí rêu rao phim khai mạc Liên hoan phim quốc tế "sẽ là một bất ngờ". Bất ngờ thì ít mà thương bạn thì nhiều. Sao không có ai đủ chân thành để bảo "làm phim thì cứ làm, đứng hú lên là phim mình hay, là sự trở lại đầy tính nghệ thuật".

Có bạn hiền cũng quí, nhưng quí hơn là có bạn nói cho mình biết mình thế nào, để còn cố mà bơi"… Một người khác thì nói đầy mỉa mai: Cũng chẳng trách được, anh đã quen với môi trường truyền hình giản đơn, nên dù là phim nhựa quay ở miền Trung thì anh vẫn làm theo cách của truyền hình cho giản tiện. Lảm nhảm và tay nghề non yếu…

Vĩ thanh

Làm nghệ thuật có muôn ngàn lối, và có nhiều người thành công nhờ tài năng. Nhưng, giữ được lửa nghề và yêu nó một cách thành tâm thì hiếm. Thế nên, chúng ta mới nhận ra những nghệ sỹ lên báo thật thanh cao, nhưng tha hóa trong từng sản phẩm nghệ thuật nhỏ nhất của mình.

Nhưng, cuộc đời cũng sẽ công bằng, rác và vàng sẽ ở đúng nơi mà nó cần phải đến…

Nữ Vương
.
.
.