Đạo diễn Phạm Lê Nam: Tôi đã tìm thấy đề tài cuộc đời mình

Thứ Bảy, 19/05/2018, 15:21
Bộ phim tài liệu “Một tấc đất không lùi” của đạo diễn Phạm Lê Nam về cuộc chiến Vị Xuyên đã được trao giải Cánh diều Bạc cho phim tài liệu vừa qua.


Một bộ phim xúc động về những người lính Vị Xuyên trở về từ cuộc chiến. Đạo diễn Phạm Lê Nam, Phó giám đốc Điện ảnh CAND chia sẻ, đó là một đề tài mà anh sẽ theo đuổi và tìm kiếm trên con đường nghệ thuật của mình.

- Chúc mừng bộ phim tài liệu “Một tấc đất không lùi” của anh đã giành giải Cánh diều Bạc trong mùa Cánh diều 2017. Đây là một bộ phim xúc động về cuộc chiến ở Vị Xuyên. Vì sao anh tìm đến đề tài này?

+ Là người chuyên làm phim tài liệu, tôi đã đặt chân lên Vị Xuyên (Hà Giang)  nhiều lần. Nhưng chiến tranh Vị Xuyên thực sự ám ảnh tôi cách đây 4 năm, khi tôi có dịp cùng vợ là ca sĩ Ánh Tuyết của nhóm nhạc Con Gái lên đây. 

Chính tại nơi này, tôi mới nhận ra một điều mà trước đây tôi không để ý: Liệt sĩ Lê Văn Phương, chú ruột của vợ, đã hy sinh tại chiến trường Vị Xuyên. Tôi đã thắp hương ở ban thờ chú bao nhiêu lần, rồi chứng kiến bạn thân của chú là chú Trần Hữu Quân hàng năm đến thăm, chỉ nghĩ rằng chú là liệt sĩ ở một cuộc chiến nào xa lắm. 

Cho tới khi lên Vị Xuyên cùng vợ, tôi mới giật mình, vì chú hy sinh gần quá. Đó là năm 1987, khi tôi đã học lớp 10, nhưng tôi không hề biết gì về cuộc chiến ấy. Hà Nội lúc đó đã hòa bình, những đứa học trò như tôi không biết rằng chỉ cách mấy trăm cây số đang có chiến tranh… Đó là thiếu sót lớn của thế hệ chúng tôi.

Đạo diễn Phạm Lê Nam cùng các cựu chiến binh Vị Xuyên.

- Và điều đó thôi thúc anh làm bộ phim này. Anh đã tiếp cận với câu chuyện về một cuộc chiến đã đi xa như thế nào?

+ Những người lính từng vào sinh ra tử ở Vị Xuyên giờ gặp lại nhau trong thời bình còn yêu thương nhau hơn cả máu thịt. Họ sống nghĩa tình, không quản ngại đỡ đần nhau và người thân của nhau, kể cả người còn kẻ mất. 

Và tinh thần kiên cường bất khuất, quyết một tấc đất không lùi vẫn còn mãi trong huyết quản những người lính Vị Xuyên, được họ truyền cho thế hệ tiếp nối… 

Tôi liên lạc với họ, lắng nghe họ kể những câu chuyện của mình. Những người thương binh thiệt thòi, rời giảng đường đại học đi chiến đấu và bị thương, khi trở về họ chỉ biết đi làm ruộng, chạy xe, cuộc sống chật vật. Tôi ngồi nghe họ kể và khóc. 

Rồi nhạc sĩ Trương Quý Hải, người từng làm nhiệm vụ khâm liệm cho những người lính Vị Xuyên kể cho tôi nghe những câu chuyện về tình đồng đội, có những người bạn chiến đấu, hy sinh, một người trở về lấy vợ và lo cho con anh ấy. Rồi câu chuyện về những lá thư nằm trong túi áo của người lính khi ngã xuống còn loang vết máu. 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết bài hát “Thư gửi mẹ”, có bài hát anh viết cho người đang sống và cả cho người đã khuất. Ám ảnh những bài hát và câu chuyện của anh Hải, của những người lính Vị Xuyên mà tôi gặp, tôi đã làm những bộ phim về Vị Xuyên với mong muốn mọi người có thể hiểu hơn về cuộc chiến này.

- Một người lớn lên sau hòa bình, anh tiếp cận đề tài chiến tranh từ góc nào?

+ Đó là khó khăn lớn nhất khi tôi bắt đầu làm phim, tôi không sinh ra trong chiến tranh, không thể cảm nhận được hết sự khốc liệt của chiến tranh. 

Làm thế nào để đưa lên được không khí chân thực nhất, gần với cảm xúc thật của những con người đó, sự việc đó. Tôi bắt đầu từ những số phận những người lính trở về, kết nối những câu chuyện của họ. 

Tôi không ngờ những con người đó giản dị như thế, họ chỉ có một ý nghĩ, Tổ quốc cần là lên đường, không đắn đo, suy nghĩ. Và khi trở về đời thường, họ chịu nhiều thiệt thòi. Có người có giấy chứng thương, không cầm về làm thẻ thương binh. Nhiều người về làm xe ôm, bốc vác, đạp xích lô, không ai để ý công trạng mình làm cho đất nước như thế nào. 

Tôi đi vào tình cảm của những người đang sống và người đã chết, mối liên hệ giữa những người lính vào sinh ra tử với nhau. Mối dây liên hệ của họ có một tình cảm rất đặc biệt, không có câu chuyện cơ chế thị trường, không mang tính khách sáo, xã giao, họ cùng sống chết với nhau. Và câu chuyện của họ thức tỉnh trong tôi những giá trị của tình yêu thương, nhân văn trong xã hội.

Đạo diễn Phạm Lê Nam và ca sĩ Ánh Tuyết tại núi rừng Vị Xuyên.

- Kể câu chuyện của quá khứ, của lịch sử nhưng vẫn mang tinh thần của đời sống hôm nay? Anh muốn chia sẻ với khán giả điều gì?

+ Cuộc sống của những người lính Vị Xuyên quá khác so với chúng ta. Tôi muốn nhấn mạnh tinh thần hy sinh và sự nhẹ nhõm, trong sáng trong tâm hồn của họ. 

Ngày xưa, nghèo khổ nhưng thanh thản. Còn bây giờ chúng ta quá mệt mỏi, vật chất chúng ta có đầy đủ hơn nhưng tâm hồn không thanh thản như trước. 

Làm sao để chúng ta thanh thản sống, bớt đi những tham sân si trong cuộc đời để cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Tôi nhớ, đạo diễn Trần Văn Thủy đã từng dặn tôi rằng: “Cháu làm phim tài liệu cái gì có lợi cho dân cho nước thì làm thôi”. Tôi cũng nghĩ giản dị như thế.

- Anh coi đề tài Vị Xuyên là đề tài cuộc đời của mình. Vậy những dự định tiếp theo của anh sẽ là gì?

+ Những cuộc gặp gỡ với những người lính, với mảnh đất linh thiêng này đã mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi bắt đầu từ những mảnh ghép về Vị Xuyên, đó là phim “Ngôi nhà chung trên điểm cao”, làm về điểm cao 468, nơi có cây hương tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh mà hài cốt của họ không mang về được. 

Đó là ngôi nhà của người sống và người chết. Tôi cảm nhận còn cây hương đấy thì một tấc đất cũng không lùi vì linh hồn bao nhiêu người lính của chúng ta còn nằm đấy. Từ những câu chuyện, những bộ phim ngắn, tôi muốn sẽ làm một bộ phim tài liệu dài tập về mặt trận Vị Xuyên. 

Và dự án tiếp theo sẽ là một bộ phim truyền hình dài tập về đề tài này. Tôi phát hiện ra, bây giờ mình còn có điều kiện để làm, những nhân chứng vẫn còn và có thể chia sẻ câu chuyện của họ với mình. Tôi coi đó là đề tài cuộc đời, một đề tài lớn, có ý nghĩa với cuộc đời tôi.

- Những thước phim tài liệu về Vị Xuyên rất xúc động và cần thiết cho mọi người, nhưng rất tiếc phim tài liệu không có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả. Anh có suy nghĩ gì về điều này?

+ Tôi cũng trăn trở về vấn đề này, làm thế nào để những thước phim của mình có nhiều cơ hội hơn tiếp cận khán giả, nhất là những khán giả trẻ vì đó là một kênh giáo dục về lịch sử và tình yêu đất nước. 

Nhưng con đường ra rạp của phim tài liệu rất khó khăn và phải có sự hỗ trợ từ phía các nhà phát hành phim. Tuy nhiên, phim tài liệu còn có một giá trị khác, đó là giá trị lịch sử. 

Nó sẽ được lưu giữ lại để sau này, khi nhắc đến Vị Xuyên, chúng ta có thể còn có những thước phim chân thực nhất về cuộc chiến đó. Vì sự hạn chế trong việc tiếp cận khán giả của phim tài liệu nên tôi sẽ làm cả phim truyền hình về Vị Xuyên, để hướng tới số đông khán giả. Đó cũng là một kênh thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng. 

Từng câu chuyện được tái hiện trong phim để mọi người hiểu hơn về những người lính trở về sau cuộc chiến. Họ đã sống như thế nào, đẹp đẽ như thế nào? Những người lính ra đi khi còn rất trẻ và câu chuyện về họ là câu chuyện tình yêu, tình đồng đội. 

Phim truyền hình sẽ là những góc nhìn chi tiết, tình cảm đời thường hơn. Đây là dự án dài hơi trong 5 năm, tôi bắt đầu viết kịch bản. Tôi sẽ làm trước 10 tập để thăm dò phản ứng của khán giả. Đề tài chiến tranh và những người lính trở về không còn mới mẻ, nhưng với mặt trận Vị Xuyên, đây vẫn là một khoảng trống để tôi có thể khai thác.

Đạo diễn Phạm Lê Nam nhận giải Cánh diều Bạc 2018.

- Anh nói rằng có những đề tài mình biết, mình hiểu, nếu không làm là mình hèn. Vì sao?

+ Vì cuộc đời mình không làm được điều gì đó có ý nghĩa với xã hội. Với tôi, đây là thời điểm đẹp nhất để làm nghề. Tôi thấy hạnh phúc vì mình có một con đường để đi. 

Tôi vẫn luôn tự hỏi, những người lính Vị Xuyên, tại sao các anh thanh thản thế, tại sao cuộc sống của họ đẹp thế. Làm thế nào để những giá trị đẹp đó của cuộc sống quay trở lại, làm thế nào để tình người trở nên tốt đẹp hơn, để nhân rộng những giá trị nhân văn trong cuộc sống. 

Càng sống, càng trải nghiệm, chúng ta mới hiểu rằng, văn hóa, sự nhân văn trong mỗi con người quan trọng như thế nào. Tôi may mắn khi tìm được đề tài Vị Xuyên và chính những câu chuyện của người lính Vị Xuyên đã dạy cho tôi nhiều điều, cho tôi một hướng đi, một con đường rõ ràng, dạy cho mình cách suy nghĩ, làm thế nào để cho mình hạnh phúc và lan tỏa hạnh phúc sang mọi người để thanh thản sống.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.