Đạo diễn Tuấn Lê: Sao cứ phải chờ UNESCO công nhận thì mới bảo tồn?

Thứ Tư, 22/05/2019, 10:13
Đạo diễn Tuấn Lê và các cộng sự của mình vừa kỉ niệm hành trình 10 năm "Làng tôi" (5-2009/5-2019). Trong khi đó, các vở "À Ố show", "Teh Dar", "Sương sớm", "Paola" vẫn đang rong ruổi đi khắp thế giới. Tuấn Lê nói, anh muốn xây dựng một hệ thống có sự tổ chức chuyên nghiệp, logic về mặt kinh doanh, có như thế đời sống của một tác phẩm mới được tái sinh liên tục.


- Xin chào đạo diễn Tuấn Lê. Các tác phẩm do ê-kip của anh thực hiện đều gây tiếng vang và tái diễn liên tục, không chỉ ở quốc tế mà còn ở quê nhà Việt Nam. So với tình trạng "chết yểu" của đa số tác phẩm trong nước, "Làng tôi", "À Ố show", sau này là "The Dar", "Sương sớm"… đều đi được một hành trình bền bỉ. Anh có thể giải thích vì sao?

+ Để có được một tác phẩm hoàn chỉnh ra mắt khán giả, rất tốn kém, không chỉ thời gian, công sức mà còn cả vấn đề kinh phí nữa. Nhưng nhìn lại thời gian qua, đa số tác phẩm ở nước ta thường chỉ sáng đèn 1 - 2 suất, hiếm lắm mới có trường hợp như "Tiên Nga" của IDECAF hơn 40 suất diễn tính tới thời điểm hiện tại. Tôi cảm thấy rất tiếc. Việt Nam là một thị trường tiềm năng để xây dựng hệ thống nghệ thuật (bao gồm hệ thống tác phẩm và hệ thống sản xuất tác phẩm). 

Trước đây, cũng có người thể nghiệm, nhưng thiếu tính hệ thống, chuyên nghiệp, thành ra kết quả đạt được khá khiêm tốn. Nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật vẫn có nhưng đời sống của các tác phẩm không có "tuổi thọ" là vì thế. Khi quyết định trở về Việt Nam làm việc, tôi và những người trong ê-kíp của mình muốn xây dựng một hệ thống có sự tổ chức chuyên nghiệp, logic về mặt kinh doanh.

Từng có một khoảng thời gian sinh sống và làm việc nhiều nơi trên thế giới, tôi nghiệm ra một điều, rằng, để làm ra một chương trình có thể đi được dài hơi, không nhất thiết đó phải là một chương trình quá hoành tráng nhưng nhất thiết phải "đúng" và "thật". Hệ thống mà tôi nói ở trên được xây dựng hằng ngày, mỗi người đóng góp một ý tưởng, giải pháp. Chúng tôi cùng nhau "lớn" lên như thế.

Đạo diễn Tuấn Lê.

- Khi anh về thực hiện "À Ố show", xiếc Việt Nam lúc đó như thế nào?

+ Trước năm 2009, khi chúng tôi làm "Làng tôi", Việt Nam làm xiếc gì? Xiếc truyền thống của nước ta giống như Tây Âu, giống như kiểu Nga ngày xưa, gần hơn nữa thì giống với Trung Quốc. Thế nhưng, trong hoàn cảnh mới, kiểu xiếc như thế trở nên cũ kĩ rồi. Với tôi, xiếc là một phương tiện để truyền tải thông điệp của tôi tới khán giả. Nó có khả năng đánh thức tiềm năng sáng tạo của nghệ sỹ; để từ đó họ cống hiến ý tưởng của mình. 

Với tôi, mỗi chương trình có một thông điệp chung và nhiều thông điệp riêng. Đó không phải là một câu chuyện xuyên suốt từ đầu tới cuối. Nó như một bức tranh trong đó có nhiều cửa sổ; mà khi mỗi cánh cửa được mở ra, khán giả có thể cảm nhận được những câu chuyện nhỏ trong đó. Tôi nghĩ, mỗi chương trình nghệ thuật giống như một giấc mơ để khán giả bước vào khán phòng mà họ quên hết tất cả những cơm áo gạo tiền hằng ngày, được sống trong giấc mơ của riêng mình.

- Nhưng vài chục năm vẫn diễn đi diễn lại một tác phẩm, cũng phải có ngày chán chứ? Ví dụ như "À Ố show", đi một hành trình 10 năm rồi, các anh có ý định dừng lại không?

+ Tại sao phải dừng lại, khi mà khán giả vẫn có nhu cầu muốn thưởng thức nó. Tôi nghĩ, chúng tôi chẳng có lí do gì phải dừng "À Ố show" hay bất cứ tác phẩm khác cả. Bởi lẽ, chúng vẫn tiếp tục phát triển. Mỗi năm, đều có những nhân sự mới vào. Mỗi lần tái diễn, tác phẩm lại mang một sinh khí khác. Nếu chịu khó xem sẽ nhận ra, "À Ố show" cách đây 4-5 năm với "À Ố show" bây giờ khác nhau.

- Nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng có lần nói với tôi: "Mặc dù chúng ta ăn bơ sữa, pho-mát, mặc quần âu nhưng vẫn ăn mắm, nói tiếng Việt. Tin tôi đi, người Việt đi bất cứ nơi nào, cũng sẽ trở về với gốc rễ của mình, không cách này thì bằng cách khác". Xem các tác phẩm do anh đạo diễn, thấy rằng, Tuấn Lê có lẽ là trường hợp tiêu biểu cho điều này. Sao anh lại trở về giữa lúc sự nghiệp đang phát triển rất tốt ở nước ngoài?

+ Năm 2000, lần đầu tiên, tôi trở về thăm quê hương, lang thang các tỉnh thành, đi qua những làng quê từ Bắc chí Nam, chẳng cần biết đi đâu về đâu, ngắm nhìn thiên nhiên, người dân gần gũi và hạnh phúc. Tôi bị cảnh sắc thiên nhiên, sông núi, những cánh đồng, con người Việt Nam làm cho cảm động. Tôi cảm thấy tò mò, muốn chia sẻ công việc của mình ở đây. Khi quay về, tôi không đi tìm những cái gì mình nhớ, và có cảm giác không phải mình trở về Việt Nam mà đi đến Việt Nam. Vở xiếc "Làng tôi" chính là tác phẩm mở đầu chuỗi "trở về" đó. 

Khi trở lại Việt Nam, tôi nhìn thấy một tiềm năng lớn - chính là chất liệu độc đáo kiểu Việt. Chính người Việt Nam sống trong sinh quyển văn hóa đó lại không thấy điều đó từ văn hóa, từ âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Khi vở "Làng tôi" đã diễn hơn 400 suất vòng quanh thế giới, thì hôm nay rất nhiều nước đang lục đục đi theo hướng làm những chương trình nghệ thuật, kể cả xiếc nữa, với hình tượng cây tre của chúng ta.

"Làng tôi" đã đi được hành trình 10 năm, trên khắp thế giới.

- Anh đánh giá mỏ quặng văn hóa của Việt Nam ra sao?

+ Văn hóa Việt là một mỏ quặng khổng lồ. Chưa vội nói tới những điều cao siêu, chỉ cần lí giải vì sao tất cả các nước lớn đều đánh vào nước ta, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình. Không có điều gì là tự nhiên cả. Phải có một cái gì đó đặc biệt lắm.

- Nhưng dường như mỏ quặng đó đang bị "ghẻ lạnh" ngay trên quê hương mình. Hiện nay, nhiều người cho rằng, Âu - Mĩ - Hàn mới là văn minh…

+ Bảo tồn và phát triển là câu chuyện của toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Song, ở các nước, bên cạnh những trào lưu văn hóa mới tràn vào, người ta bảo vệ văn hóa truyền thống của họ rất tốt. Họ cách tân thì cách tân triệt để; nhưng một khi họ đã truyền thống thì truyền thống không ai bằng. 

Ví dụ như Nhật Bản, vốn là đất nước phát triển trước Việt Nam hàng chục năm trước nhưng văn hóa truyền thống của họ vẫn rất mạnh. Năm ngoái, chúng tôi có chuyến lưu điễn ở Nhật, tất cả vở kịch của họ rất truyền thống mà vẫn lấp đầy khán giả. Diễn viên diễn từ sáng tới chiều tối, luôn có khách. Khách họ mua vé xem cả ngày. Đó là bởi họ biết cách giữ gìn văn hóa truyền thống của họ. 

Kho văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian của Việt Nam có quá nhiều nhưng ở đâu đó mới chỉ được tận dụng, lạm dụng nó thôi, không thực sự là nơi mà các giá trị đó phát huy được giá trị thực của mình. Tôi cũng không hiểu, nhiều loại hình diễn xướng dân gian, tại sao chúng ta cứ phải chờ UNESCO công nhận thì mới bảo tồn, phát triển? Văn hóa của chúng ta mà. Chuyện của chúng ta mà. Dân tộc của chúng ta mà.

Ở Pháp, mỗi thành phố đều có nhà hát quốc gia, mỗi năm có hàng chục, thậm chí hàng trăm chương trình, người dân có thể mua vé đi xem hằng năm. Nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật cao. Những chương trình của chúng tôi đi Pháp diễn, hầu như đều kín vé. Trước khi đoàn đến, vé đã được bán hết rồi.

Khi chúng tôi đưa "À Ố show" sang, tôi để ý, giá vé mà mỗi người dân bỏ ra chỉ chừng 9 euro, phần còn lại do Nhà nước bù lỗ để ai cũng có cơ hội thưởng thức nghệ thuật. Tôi cho rằng, đó cũng là một cách đào tạo văn hóa.

Ở Việt Nam, người ta sẵn sàng bỏ tiền triệu để đi xem liveshow của một ca sĩ nào đó, một bữa ăn sang, mua xe ôtô, mua đồ hiệu, nhưng bỏ tiền đi xem một chương trình nghệ thuật chất lượng thì không nhiều; thậm chí có vé mời cũng không đi xem.

Tuấn Lê nói, văn hóa Việt Nam là một mỏ quặng khổng lồ.

- Nói đi nói lại vẫn quay về câu chuyện giáo dục nghệ thuật ở nước ta, thưa anh?

+ Giáo dục nghệ thuật ra sao sẽ cho ra "lò" một lứa công chúng như thế. Ở ta, học sinh không được giáo dục nghệ thuật một cách bài bản từ bé. Ở các nước phát triển, ngoài học, trẻ em còn được tạo môi trường để chơi. Ở Việt Nam, giáo dục vẫn mang nặng tính thành tích, ép buộc các em phải như thế này thế kia. Điều đó không sai nhưng phần nào đó đã làm mất đi cảm giác, giác quan của một đứa trẻ.

- Cảm ơn đạo diễn Tuấn Lê! 

Tháng Sáu (thực hiện)
.
.
.