Đầu năm lắm chuyện!

Thứ Hai, 27/02/2017, 21:03
Năm 2017 mới bước qua được gần 2 tháng nhưng nhạc Việt đã có nhiều điều khiến dư luận quan tâm.


Thời của triệu view

Xa quá rồi cái thời ra mắt một sản phẩm âm nhạc theo kiểu album truyền thống và rồi giới trẻ các thành phố lớn trên cả nước cứ háo hức hồi hộp đón đợi ngày phát hành. Và rồi, xếp hàng ở các cửa hàng băng đĩa để mua cho được đĩa những thần tượng của mình.

Những “sao” hot thời đấy như Lam Trường, Đan Trường, Phương Thanh… đã được khán giả hâm mộ truyền cảm hứng như thế để rồi họ luôn hào hứng thực hiện và cho ra đời những sản phẩm album CD, DVD.

Mỹ Tâm với tạo hình “nữ hoàng độc thân” trong MV “Anh thì không”.

Giờ đây, sự háo hức đón nhận sản phẩm âm nhạc mới của khán giả là ngồi nhà và lên mạng, ngóng đến giờ. Những tháng đầu năm này vẫn luôn là thời điểm vàng cho các sản phẩm âm nhạc.

Từ không khí Tết, Xuân cho tới ngày Valentine 14/2, mùa ra mắt sản phẩm âm nhạc vẫn còn kéo dài cho tới 8/3 mới tạm lắng xuống nhưng cho tới thời điểm này, đã ngập tràn những tin tức về sản phẩm và số nghệ sĩ phát hành MV đạt con số triệu lượt (view) ngày một nhiều.

Cái tên mới nhất là SlimV xuất hiện với tư cách nhà sản xuất với MV “Bỏ lại thế giới” ra mắt dịp Valentine vừa rồi đã cán mốc 1 triệu lượt xem sau một ngày phát hành và sau 3 ngày, số lượt truy cập đã ngấp nghé 3 triệu.

Trước đó, ra mắt dịp Tết Nguyên đán, MV “Anh thì không” của ca sĩ Mỹ Tâm cũng thu hút được tới 3 triệu lượt xem trước khi cô quyết định tạm khóa MV do những rắc rối liên quan tới chuyện bản quyền.

Trong số những ca khúc hot dịp đầu năm nay còn phải kể tới “Bao giờ lấy chồng” của Bích Phương. Chỉ trong vòng 2 tuần ra mắt, MV đã đạt tới con số gần 18 triệu lượt xem.

Sơn Tùng MTP vẫn là nhân vật được nhắc tới ở vị trí hàng đầu của thời âm nhạc triệu view này! MV “Lạc trôi” của nam ca sĩ trẻ đã phá kỷ lục đạt tới 24 triệu lượt xem trên Youtube chỉ sau 4 giờ phát hành. Trong khi cũng nam ca sĩ này đã đạt con số 16,5 triệu lượt xem sau 3 ngày phát hành MV “Nơi này có anh”.

Đó là chưa kể, Sơn Tùng MTP còn phá kỷ lục nhạc Việt về lượng người xem một MV khi “Chúng ta không thuộc về nhau” chạm mốc 100 triệu lượt xem. Nhưng chỉ sau vài ngày, kỷ lục của Sơn Tùng MTP đã bị Soobin Hoàng Sơn phá vỡ.

Tính đến hôm 21/2, sau 4 tháng ra mắt, “Phía sau một cô gái" của Soobin Hoàng Sơn cán mốc 100 triệu lượt xem, trong thời gian nhanh nhất. Trước đó, “Phía sau một cô gái” ra mắt 18/10/2016, sau hơn 10 ngày đạt 13 triệu lượt nghe audio và 8 triệu lượt xem trên Youtube.

Mông lung giá trị

Dường như thói quen của người nghe nhạc cũng như đời sống âm nhạc đang bị đảo lộn so với những những thói quen trước đã thành nếp, giờ tạm gọi là truyền thống.

Giờ đây, sự chú ý không hẳn thuộc về những nghệ sĩ tài năng giỏi về chuyên môn, luôn thể hiện những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, mà còn phải kể tới sự tác động của nghệ sĩ và sản phẩm đến với khán giả.

Thậm chí yếu tố mới này còn được đề cao hơn cả yếu tố chuyên môn. Một trong những thước đo độ hot của nghệ sĩ hiện nay rất đơn giản, đó là đếm số lượt xem mỗi sản phẩm của chính các nghệ sĩ.

Điều này vẫn còn xa lạ đối với đời sống âm nhạc Việt bởi chúng ta chưa có một thị trường âm nhạc đủ yếu tố để trở thành ngành công nghiệp giải trí âm nhạc đúng nghĩa.

Có nghĩa là, với các nước có ngành công nghiệp giải trí phát triển, thường các nghệ sĩ nổi tiếng đi kèm với tài năng nghệ thuật còn là người có lượng fan hâm mộ đông đảo. Ngay cả cách tính và các giải thưởng âm nhạc ở họ cũng phụ thuộc vào yếu tố này.

Trong khi đó, ở Việt Nam luôn song song tồn tại những xu hướng âm nhạc khác nhau, mặt bằng âm nhạc khác nhau. Gần như có thể chia thành hai mảng nghệ thuật và thị trường. Nghệ thuật thì thiên về tài năng của người nghệ sĩ trong khi thị trường thiên về lượng fan đông đảo.

Và vì thế, những nghệ sĩ Việt Nam được mời tham gia và được trao giải trong các giải thưởng âm nhạc có tiếng trong khu vực mấy năm gần đây lại thường là những cái tên mang hơi hướng nhạc thị trường.

Điều này phù hợp với tiêu chí đánh giá của các nước, những sản phẩm và độ “phủ sóng” của sản phẩm cũng như nghệ sĩ phụ thuộc vào sự đón nhận của số đông khán giả thông qua lượt thích và doanh thu từ chính những sản phẩm ấy. Trong khi ở Việt Nam, việc hài hòa giữa nghệ thuật và doanh thu vẫn còn là điều đáng bàn.

Loại trừ những nguyên nhân khác, nhìn việc chọn 3 huấn luyện viên trẻ cho Giọng hát Việt 2017 có thể thấy ít nhiều nhà tổ chức đang hướng tới những tiêu chí tương đồng với showbiz khu vực và quốc tế; đồng thời, chính việc chưa hài hòa được giữa nghệ thuật với thị trường đã tạo nên những phản ứng về việc xứng đáng hay không xứng đáng ngồi ghế huấn luyện viên của 3 gương mặt trẻ này.

Ở góc độ khác, những chuyển động gần hơn với showbiz khu vực cũng như thế giới, phát huy hết tính năng lan tỏa của mạng xã hội đã đẩy các nghệ sĩ vào “cơn khát” lượt thích (lượng view). Điều này góp phần tạo nên một đời sống văn nghệ sôi nổi trên mạng xã hội.

Lỗ hổng kiểm duyệt?

Câu chuyện không đẹp của đời sống âm nhạc giải trí đang được quan tâm thời gian gần đây là vụ vi phạm bản quyền của ca sĩ Mỹ Tâm với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng. Trong MV “Anh thì không” Mỹ Tâm đã thể hiện ca khúc nhạc ngoại lời Việt nhưng không xin phép và cũng không đề tên tác giả lời Việt.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ Tâm vi phạm bản quyền đối với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng và vì thế ông có những phản ứng khá gay gắt với Mỹ Tâm trên công luận. Thậm chí, ngay cả khi MV đã bổ sung tên tác giả lời Việt và ekip của Mỹ Tâm đã trực tiếp liên hệ với tác giả lời Việt nhưng vị nhạc sĩ bị vi phạm bản quyền vẫn chưa vừa ý và có tới hai lần từ chối gặp với lý do bận (theo Mỹ Tâm chia sẻ).

Đồng thời, ông cũng thẳng thắn với công luận rằng Mỹ Tâm đừng hát nhạc của ông nữa. Ngày 21/2 Mỹ Tâm đã công bố phiên bản mới của MV mang tên “Em thì không” qua phần lời Việt của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa.

Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn.

Rõ ràng đây không phải là câu chuyện hay, nhưng cách xử lý này được cho là hợp lý khi sản phẩm được đầu tư lớn, tâm huyết đứng trước nguy cơ trở về số không, khi không có cơ hội đến với tác giả. Có thể coi là cách xử lý khủng hoảng theo kiểu “cực chẳng đã”.

Tuy nhiên, nhìn vào hai lần vi phạm bản quyền tác giả của Mỹ Tâm với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đều thấy những bất cập ở khâu kiểm duyệt. Nếu như lần đầu, khi Mỹ Tâm sử dụng ca khúc “Búp bê không tình yêu” (nhạc Pháp lời Việt), có thể do Mỹ Tâm không biết chính xác tác giả lời Việt là ai, cũng có thể đã biết đến cái tên Vũ Xuân Hùng nhưng không có cách nào liên lạc, thậm chí có thể nghĩ tác giả đang định cư ở nước ngoài như nhiều nhạc sĩ ở miền Nam trước năm 1975, nên việc xin cấp phép phổ biến sẽ gặp nhiều rắc rối.

Trường hợp không có tác giả lời Việt, hay tác giả đang ở hải ngoại nhưng không liên lạc được… sẽ không đầy đủ các giấy tờ quy định mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đang áp dụng thì ca khúc không thể được phát hành. Và cách “lách luật” nhanh nhất là điền tạm tên một ai đó vào.

Trường hợp vi phạm bản quyền lần thứ 2 là câu chuyện hoàn toàn khác, đây là sự mất kiểm soát trong việc kiểm duyệt tác phẩm. Nếu như trước đó, chuyện này khó xảy ra bởi tất cả các ấn phẩm dù phát hành băng đĩa hay trên mạng đều phải có giấy phép của cơ quan kiểm duyệt.

Nhưng kể từ vài năm nay, việc kiểm duyệt trên mạng internet đã bị bỏ ngỏ. Những nghệ sĩ khi ra mắt sản phẩm trên online hầu như không cần có giấy phép. Cũng vì điều này mà tình trạng vi phạm bản quyền đã xảy ra, như Mỹ Tâm với “Anh thì không” là một điển hình.

Trong trường hợp vẫn có quy định về giấy phép xuất bản thì Mỹ Tâm không thể phát hành một ca khúc với phần tác giả chỉ ghi đơn giản là Nhạc ngoại lời Việt được. Lý do là muốn có được giấy phép phát hành, trong hồ sơ xin phải cung cấp đầy đủ tên ca khúc và tác giả nguyên gốc, tên nhạc sĩ viết lời Việt, đó còn chưa kể việc viết lời như vậy có sát nghĩa gốc không? Có được sự đồng ý tác quyền trên văn bản của tác giả hoặc đại diện ủy quyền hay không?

Để lập lại trật tự cho việc xuất bản trên mạng, nhà quản lý văn hóa cần đưa ra những quy định rõ ràng. Song, quy định cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ được hoạt động và ra mắt những sản phẩm theo sở trường cũng như nguyện vọng của mình.

Long Nguyễn
.
.
.