Chuyển giao quyền lực bóng đá châu Âu

"Đế chế" Tây Ban Nha sắp hết thời?

Thứ Sáu, 10/03/2017, 15:17
Cách biệt gần 22 điểm trên BXH hệ số giải đấu của UEFA cho thấy sự vượt trội của các đại diện La Liga trên đấu trường châu lục trong những năm trở lại đây. Phải mất rất lâu nữa để Bundesliga hay Premier League có thể giành lại vị trí “giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu”, nhưng sau những diễn biến ở mùa giải này, bóng đá Tây Ban Nha đang có những dấu hiệu chững lại sau nhiều năm trên đỉnh cao.

Trong 10 năm trở lại đây, bóng đá Tây Ban Nha thống trị lục địa già tuyệt đối. Nếu gộp cả Champions League và Europa League thì các đại diện La Liga đã rinh về phòng truyền thống cả thảy 13 trên tổng số 20 cúp bạc.

3 mùa gần nhất, 5/6 CLB vào tới chung kết Champions League đều tới từ Tây Ban Nha (Real, Atletico, Barca) và kẻ lạc loài Juve không thể ngăn chặn sức mạnh hủy diệt từ “xứ sở bò tót”.

Dù thắng Napoli nhưng Real Madrid khiến người hâm mộ lo lắng nhiều hơn là vui mừng.

Trong 3 mùa này, lại có tới 2 mùa trận đấu cuối cùng là cuộc so tài nội bộ của thành Madrid. Riêng ở đấu trường Europa League, Sevilla thể hiện sức mạnh tuyệt đối với 3 danh hiệu liên tiếp.

Đội bóng vĩ đại nhất hành tinh (xét theo tiêu chí số danh hiệu xuyên suốt lịch sử) là Real Madrid. Đội bóng hùng mạnh nhất kỷ nguyên mở (xét theo tiêu chí số danh hiệu kể từ khi giải đổi tên vào năm 1993) là Barca. Sự bành trướng của các gã khổng lồ Tây Ban Nha đã trực tiếp đưa La Liga trở thành giải đấu hùng mạnh nhất, từ đấy đặt bệ phóng giúp ĐTQG nước này xưng hùng xưng bá.

Nhưng quy luật tự nhiên thì chẳng vũ khí nào chống lại được. Những diễn biến đã qua ở 2/3 chặng đường mùa giải 2016-2017 đang báo hiệu hồi kết cho ách thống trị Tây Ban Nha.

Những dấu hiệu trông thấy

Như thường lệ, vòng bảng không phải rào cản của nhóm đại diện La Liga. Nhưng nếu bảo vòng knock-out đầu tiên (1/8 ở Champions League và 1/16 ở Europa League) là chướng ngại vật thì cũng không đúng chút nào. Thống kê của BeIN Sport trong 6 mùa gần nhất cho biết, tỷ lệ vượt qua vòng đối đầu trực tiếp đầu tiên của các đội bóng Tây Ban Nha là 77,6%.

Tuy nhiên, năm nay là một câu chuyện khác. Tại Europa League, 2/3 đại diện của La Liga đã rớt đài. Oái ăm thay, đấy lại là những đội bóng đầy kinh nghiệm ở trận địa quốc tế. Họ là Villarreal – gương mặt quen thuộc ở Champions League và Athletic Bilbao – á quân Europa League 2012.

Những đội bóng bị gắn mác thiếu gia như PSG đang cho thấy sự trưởng thành vượt bậc ở sân chơi châu Âu

Celta Vigo, trong lần đầu trở lại sân chơi châu Âu sau 6 năm, hóa ra lại là ẩn số thú vị. Đội đã hạ gục một nhà vô địch khác là Shakhtar Donestk sau cuộc rượt đuổi ngoạn mục (gỡ hòa phút 90, ghi bàn ấn định trong hiệp phụ). Nhưng có một thực tế là Celta Vigo không mấy mặn mà với Europa League!

Đấy là sự thật. Lá phiếu đưa họ gặp Krasnodar ở nước Nga lạnh giá và cuộc hành xác với quãng đường địa lý gần 7.500km là trở ngại thật sự, trong khi ưu tiên hàng đầu của Celta Vigo như chính ông thầy Toto Berizzo tiết lộ là mặt trận La Liga. Tại Champions League, mọi thứ không quá bi đát.

Nhưng thất bại muối mặt của PSG trên sân Công viên các hoàng tử (thua PSG 0-4) và khả năng bảo vệ thành quả yếu kém của Sevilla (để Leicester gỡ lại 1 bàn trên sân khách ở tình huống dứt điểm duy nhất trong trận) khiến người ta phải giật mình.

Bản thân hai đại gia thành Madrid cũng có những vấn đề cố hữu đã tồn đọng quá lâu. Real vẫn chưa thể từ bỏ thói quen bị dẫn bàn trước, trong khi Atletico thi đấu quá thất thường tại La Liga nên nếu dồn sức cho Champions League, khả năng bật bãi khỏi tốp 4 là không nhỏ.

HLV Sampaoli của Sevilla chia sẻ: “Sevilla quá ngây thơ. Chúng tôi kém bản lĩnh nên chỉ thắng 2-1 ở trận lượt đi”. Những chiến thắng 2-1 trong thể thực đối đầu là cực kỳ nguy hiểm.

Thống kê cho thấy có 45% các đội để thua lượt đi sân khách với cách biệt tối thiểu và ghi được bàn thắng giành quyền đi tiếp. Nỗi lo của Sampaoli là có thật. Chẳng may Sevilla sảy chân, Sampaoli chỉ có thể trách mình vì Leicester còn nơm nớp nỗi lo trụ hạng.

Sự trỗi dậy của các "thiếu gia"

Trong nhiệm kỳ 3 năm của mình tại Barca, Luis Enrique thừa nhận thảm bại trên đất Pháp là vết nhơ khó gột rửa trong sự nghiệp cầm quân của ông. Đồng thời, Enrique cũng dành tặng những lời khen từ đáy lòng cho PSG: “Đấy là cuộc lật đổ vĩ đại nhất châu Âu”. Cuộc chuyển giao quyền lực đã manh nha xuất hiện tại lục địa già. PSG sau nhiều năm bị gắn mác “khôn nhà dại chợ” đã chứng tỏ họ sẵn sàng cho những cột mốc cao cấp hơn ngoài lãnh thổ dải đất hình lục lăng.

Phong độ hủy diệt của Bayern tại Champions League góp phần giúp Bundesliga bám sát La Liga.

PSG đã hội tụ đầy đủ phẩm chất để trở thành một “đại gia” đúng nghĩa: Lối chơi, tinh thần và con người dù đây lại là mùa giải mà họ không còn có sự phục vụ của Ibra.

Thắng Barca đã là chuyện khó, nhưng thắng Barca tới 4 bàn không gỡ thì quả là phi thường. Rõ ràng, cú ngược dòng ngoạn mục ở Stamford Bridge hai năm trước trong hoàn cảnh thiếu người không chỉ là “phút huy hoàng le lói” của Le Parisien, mà dòng máu anh hùng đã thực sự chảy trong huyết quản của đội bóng thủ đô.

Man City của Pep Guardiola đâu đó vẫn bộc lộ yếu điểm phòng ngự cố hữu, nhưng một CLB chưa bao giờ biết “ngược dòng” ở châu Âu đã thực sự trưởng thành: Sẵn sàng đối mặt khó khăn, chấp nhận làm lại từ đầu và chiến đấu tới phút cuối cùng.

Nghịch lý Ramos

Không phải Ronaldo hay Bale, Sergio Ramos mới là… tay săn bàn số một của Real ở Champions League mùa này. Tính ra, Ramos đã 5 lần làm tung lưới đối phương và hiên ngang đứng thứ 4 trong danh sách những cầu thủ ghi bàn tốt nhất mùa này, chỉ kém Aubameyang, Lewandowski và Messi.

Trong tam giác nguyên tử BBC, chỉ duy nhất Benzema đọ được Ramos ở khoản ghi bàn (cũng ghi được 5 bàn). Ronaldo, ở chiều ngược lại, đang trải qua mùa giải kém hiệu suất nhất kể từ năm 2008, khi ngôi sao người Bồ Đào Nha đã không ghi bàn ở 6 trận liên tiếp. Ngay cả tình huống đối mặt gôn trống sau khi đã vượt qua thủ thành Pepe Reina ở nửa cuối hiệp một trận lượt về, Ronaldo cũng đưa bóng trúng cột dọc.

Cách biệt tỷ số Real tạo ra trước Napoli (tổng tỷ số 6-2) không mang lại quá nhiều tín hiệu tích cực. Nếu không tính trận el clasico gặp Barca thì đây là lần đầu tiên, Real cầm bóng ít hơn đối thủ. Họ hoàn toàn bế tắc trong nỗ lực tìm đường vào khung thành và chỉ có thể lật ngược thế cờ bằng hai pha đánh đầu của Ramos từ hai quả phạt góc.

Cú ngược dòng thần thánh ở Eithad trước Monaco phát đi thông điệp: Các ông chủ Ả-rập thật sự nghiêm túc với ý định vươn vòi bạch tuộc ra châu Âu.

Napoli từng là thế lực của bóng đá Italia nói riêng và châu lục nói chung trong thập niên 80-90 thế kỷ trước. Dù vậy, quê hương của loại bánh pizza không gặm nhấm quá khứ.

Roy Hodgson từng kể lại trên ESPN: “Ngày tôi dẫn Inter tới làm khách ở Napoli, thành phố này giống như quê hương của các phần tử hồi giáo cực đoan. Khao khát thể hiện và ước vọng làm chủ thế giới túc cầu chưa bao giờ vụt tắt.  Từ anh lái taxi tới chủ tiệm bánh, từ cô lao công đến bà lão bán vé số, tất cả đều tin rằng sẽ có ngày Napoli trở lại bản đồ bóng đá thế giới”.

Trên sân, Napoli đang hiện thực hóa giấc mơ của người dân thành phố. Từng bước một. Thật khó tin phải không, nếu biết rằng hàng công “3 chú lùn” (Mertens, Insigne và Callejon đều cao dưới 1m70) đã làm khổ hàng thủ toàn sao của Real sau 2 lượt trận với tổng cộng 25 pha dứt điểm. 17 trong số này đi trúng đích và 3 lần bóng tìm tới cột dọc và xà ngang.

Trật tự bóng đá thế giới đã biến hình theo năm tháng. Khởi nguồn là sức mạnh vô song của thành Madrid, kế tiếp là phát kiến của Sacchi và thế hệ “7 chị em Calcio”, nối sau là di sản của Cruyff tại Barca rồi tiếp bước là thời đại của M.U và bóng đá Anh, trước khi dừng lại ở trò chơi tiqui-taca và thời thế của Tây Ban Nha.

Nguyên chủ tịch Barca, ông Sandro Rossell từng dự báo, bóng đá Tây Ban Nha sẽ thống trị thế giới trong tối thiểu 30 năm tính từ cột mốc 2008. Nhưng diễn biến thực tế đang chỉ ra điều ngược lại. 

Chờ trật tự mới trên BXH hệ số UEFA

Chu kỳ trung bình để một quốc gia có thể thay đổi vị trí trên BXH hệ số UEFA (theo chiều tăng lên) là 3 năm. Điều kiện để khả năng này xảy ra là trong 3 năm liên tiếp, quốc gia ấy phải có tối thiểu 1 CLB vào tới tứ kết Champions League và 2 CLB vào tới tứ kết Europa League.

Dựa theo công thức này, kênh 5 đài BBC dự báo  Đức sẽ cần 4 mùa giải nữa để soán ngôi vương của Tây Ban Nha. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bundesliga có tối thiểu 1 đại diện vào tứ kết Champions League và chắc chắn sẽ có 1 đội vào tứ kết Europa League (Schalke 04 gặp nhau vòng 1/8 MGladbach).

Lợi thế lớn nhất của Bundesliga là phong độ ổn định của Bayern Munich. “Hùm xám” vừa vùi dập Arsenal 10-2 sau hai lượt trận. Trước khi mùa giải này diễn ra, Bayern đã có 4 năm liền vào tới bán kết Champions League, bao gồm 1 lần về nhì và 1 lần vô địch.

Đơn Ca
.
.
.