Đế chế bóng đá

Chủ Nhật, 24/08/2014, 12:37

Sau khi xưng vương ở World Cup, Đức chính thức phế truất Tây Ban Nha để bắt đầu chuỗi thống trị bóng đá thế giới. Song cũng như bao đội tuyển từng xưng vương khác, câu hỏi đặt ra là thời thịnh trị này sẽ kéo dài bao lâu?

Những đế chế thịnh trị và điêu tàn

Lịch sử bóng đá thế giới cho thấy, mỗi đế chế xưng vương đều gắn với một học thuyết mang đặc thù của xứ sở mình và thịnh trị trong một giai đoạn nhất định trước khi bị phế truất bởi một thế lực khác trỗi dậy. Từ Euro 2008, Tây Ban Nha đã chứng minh cho thế giới sự trưởng thành vững chãi của họ, gắn với học thuyết có tên gọi tiqui taca. Trong các trận đấu của Barca hay tuyển Tây Ban Nha, thời gian kiểm soát bóng trung bình của họ không bao giờ dưới 60%, thậm chí có trận xấp xỉ 80%.

Chính học thuyết bóng đá tiqui - taca của người Tây Ban Nha gắn với những bậc thầy kỹ thuật như Xabi Alonso, Innesta, David Villa… giúp họ luôn chiếm thế thượng phong trước mọi đối thủ. Đăng quang tại Euro 2008, Tây Ban Nha tiếp tục mê hoặc giới mộ điệu túc cầu, buộc các ông lớn lần lượt gục ngã để rồi vô địch World Cup lần đầu tiên năm 2010.

Các chàng trai xứ đấu bò tiếp tục chứng minh sức mạnh tại Euro 2012 khi hạ nốt Ý tới 4-0 trong trận chung kết. Cho tới trước khi gục ngã tại World Cup 2014, Tây Ban Nha có 6 năm liên tiếp thống trị thế giới với 1 chức vô địch World Cup và 2 chức vô địch Euro liên tiếp. Đây là thành tích vô tiền khoáng hậu, rất khó để một đội tuyển khác lặp lại.

Trong 6 năm thống trị, thường xuyên duy trì ngôi quán quân trên bảng xếp hạng FIFA, Tây Ban Nha tỏ ra vô đối, song rất nhiều trận đấu ở giải chính thức và giao hữu, nhiều thời điểm họ lại rất dễ bị đánh bại. Không phải đến World Cup 2014, Hà Lan mới cho các chàng trai đấu bò thất bại đậm đà 5-1 mà nhiều lần trước đó, người Tây Ban Nha khi còn trên đỉnh vinh quang cũng đã nếm trải cảm giác tủi hổ. Chẳng hạn, năm 2010, ngay sau khi đăng quang vô địch thế giới, họ bị chính gã láng giềng Bồ Đào Nha hạ đo ván tới 4-0 trong trận giao hữu diễn ra cách thời điểm nâng cúp có ít tháng, tiếp đó bị Argentina đánh bại tới 4-1. Năm ngoái, trước khi bị Brazil hạ 3-0 trong chung kết cup châu lục thì người Tây Ban Nha cũng bị chàng tí hon Haiti cầm hòa.

Trước Tây Ban Nha, tuyển Brazil có hai chu kỳ thống trị tương đối ổn định với 8 năm (1994-2002), tuy nhiên quãng thời gian này họ không gặt hái huy hoàng như Tây Ban Nha. Tuy lọt vào chung kết cả 3 kỳ World Cup liên tiếp và giành 2 chức vô địch nhưng Brazil bị ngắt quãng bởi người Pháp. Trước đó, họ có chu kỳ thống trị thế giới gắn với cái tên Pele từ 1958 đến 1970 với 3 chức vô địch liên tiếp (năm 1966 bị ngắt quãng bởi sự lên ngôi của người Anh).

Nếu như thế hệ trước 1970, các chàng trai Samba đã chinh phục thế giới nhờ sự đẹp mắt và ngẫu hứng trong cách chơi thì thế hệ 1994-2002, họ thực dụng hơn rất nhiều dù trong đội hình của Brazil vẫn có những cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện. Tại World Cup 1994 là Bebeto và Romario, 1998 có sự xuất hiện của Ronaldo, Rivaldo và Denilson. World Cup 2002 với bộ tam  "3R" (Ronaldo - Rivaldo - Ronaldinho) làm náo loạn mọi hàng phòng ngự.

Kết hợp những nghệ sĩ ngẫu hứng ấy với những cầu thủ có lối chơi thực dụng như Dunga, Emerson, Gilberto Silva... để có một Brazil rất mạnh cả công lẫn thủ. Sau thế hệ ấy, Brazil bắt đầu chứng kiến sự thiếu hụt những nghệ sĩ sân cỏ thực thụ. Fred, Robinho và Fabiano không thể hiện được cái chất Samba khi họ bị lối chơi thực dụng Âu hoá quá nhiều, Vagner Love dựa vào sức lực, Kaka thành công ở câu lạc bộ nhưng anh chỉ là cái bóng ở đội tuyển quốc gia.

Với lối chơi tập thể đồng đều, Đức được kỳ vọng sẽ kéo dài chuỗi thống trị thế giới.

Lứa cầu thủ hiện tại như Hulk, Luiz Gustavo... cũng không thể sánh với các đàn anh, còn Neymar còn quá trẻ và lẻ loi để dẫn dắt một Brazil thăng hoa. Có thể nói, sau hai thời kỳ thịnh trị 1958-1970 và 1994-2002 thì hơn thập kỷ qua, bóng đá Brazil đang lâm vào thoái trào.

Một đại thụ bóng đá khác của thế giới là Argentina cũng có thời thịnh trị vào những năm 1980 gắn với huyền thoại Maradona. Argentina đăng quang lần đầu tiên năm 1978 nhưng 4 năm sau, họ phải dừng bước ở vòng 2. Chiến thắng của Argentina tại World Cup 1986 mang nhiều dấu ấn của "Cậu bé vàng" Maradona và đây là vòng chung kết để lại dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử.

Các con số thống kê cho thấy số 10 huyền thoại của Argentina đã ghi 5 bàn và tạo ra 5 cơ hội khác trong số 14 bàn thắng họ ghi được trên đường vào trận chung kết gặp Tây Đức, trận đấu mà họ thắng 3-2. Và cũng từ World Cup lần này, Maradona đã trở thành huyền thoại ở đất nước Nam Mỹ và trên thế giới. Hai bàn thắng để đời, một bàn cho đến nay vẫn đứng số 1 về vẻ đẹp và giá trị lịch sử của nó, bàn còn lại cũng vang bóng không kém với tên gọi mỹ miều "bàn tay của Chúa", tất cả đã thêu hoa dệt gấm nên một kỳ World Cup không thể mê hoặc hơn.

Tuy nhiên, đế chế của Maradona chỉ có thể giúp người Argentina giành cúp bạc ở World Cup 1990 khi số 10 huyền thoại đã qua thời đỉnh cao. Bốn năm sau, đế chế thịnh trị ấy chính thức sụp đổ và nghịch cảnh là sự suy tàn ấy cũng gắn với cái tên Maradona với vết nhơ doping khó gì gột tẩy.

Trong các đế chế, người Ý giành cup vàng tới 4 lần nhưng tên tuổi của đội quân thiên thanh lại không đủ độ bền để có thể kéo dài thời thịnh trị của mình. Ý là đội bóng thành công thứ nhì trong lịch sử World Cup chỉ sau Brazil với 4 chức vô địch (1934, 1938, 1982 và 2006), 2 lần về nhì (1970, 1994), 1 lần về ba (1990) và 1 lần đứng hạng tư (1978). Hai lần vô địch liên tiếp đã quá lâu khi nó thuộc giai đoạn khởi thuỷ của World Cup (1934, 1938) nên cũng chưa đủ cơ sở kiểm chứng sức mạnh. Hai lần còn lại, người Ý vô địch giãn cách 24 năm (1982, 2006).

Đáng nói, những lần đăng quang của người Ý không thực sự thuyết phục, điển hình như World Cup 2006, họ không có đội hình mạnh đúng nghĩa và lối chơi cũng khá tẻ nhạt nhưng lại được thần may mắn yểm trợ để lọt vào chung kết và giành chiến thắng nhờ cú húc đầu Zidane. Chính với thực lực như vậy nên người Ý không thể duy trì thế thống trị sau khi đăng quang, bằng chứng là ngay tại Euro 2008, họ bị Hà Lan đả bại tới 3-0 và sau đó dù cố gắng, đội quân thiên thanh cũng chia tay ở tứ kết.

Hai kỳ World Cup liên tiếp 2010, 2014, Ý dù vẫn được xếp nhóm ông kẹ nhưng đã nhanh chóng bật bãi ngay từ vòng bảng. Là đội sở hữu tới 4 chức vô địch thế giới nhưng chưa bao giờ Ý tạo nên đế chế hùng mạnh để thống trị thế giới trong một giai đoạn ổn định, đó thực sự là nỗi buồn cho đội quân xứ mỳ ống.

Trong hơn một thế kỷ qua, đội tuyển Pháp đã vượt qua những thất thường trong giai đoạn đầu tiên của mình để ổn định và thành công. Họ đã sản sinh ra ba thế hệ vàng lớn vào những năm 1950, 1980 và 1990, kết quả đã thu được rất nhiều danh hiệu lớn.

Năm 1958, dưới tầm ảnh hưởng của Raymond Kopa, Pháp đã kết thúc ở vị trí thứ ba tại World Cup. Năm 1984, gà trống Pháp do Michel Platini làm đội trưởng đã giành chiến thắng tại Euro 1984. Họ lại tái hiện vinh quang lần nữa vào năm 2000, lần này dưới dẫn dắt của đội trưởng Didier Deschamps và danh thủ kiệt xuất Zinedine Zidane.

Dưới triều đại của Zinedine Zidane, Pháp duy trì thế thống trị thế giới trong khoảng 4 năm khi sau đó họ tiếp tục đăng quang ở Euro 2000. Dù vậy, đế chế này bị gục ngã đau đớn tại World Cup 2002 với những trận cầu tủi hổ: bị nhược tiểu Senegal đánh bại, Pháp rời World Cup ngay từ vòng bảng chỉ vẻn vẹn 1 trận hòa, đút túi 2 trận thua. 4 năm sau, dù gượng dậy với những nỗ lực cuối cùng của Zidane, Pháp cũng không thể chiến thắng người Ý để xưng vương.

Và sứ mệnh của đế chế Đức

Xem như thế thì đế chế thịnh trị nào cũng gắn quy luật hình thành, lên ngôi và suy vong. Đội kéo dài được 6-10 năm, non thì chỉ một kỳ World Cup rồi lụi nếu lên ngôi chỉ nhờ may mắn. Với bóng đá Đức, đây là chiếc cup thứ 4 nhưng họ khác người Ý khi duy trì lối chơi rất ổn định, khoa học suốt một thời gian tương đối dài. Năm 1990 khi Đức đánh bại Argentina của Maradona để đăng quang thì trước đó, họ cũng là thế lực mạnh dù không thể xưng vương. Hai lần liên tiếp, Đức lọt vào trận chung kết World Cup 1982, 1986. Lối chơi giúp Đức duy trì thế thượng phong trong lịch sử là chắc chắn, thực dụng, xù xì nhưng rất thép, ngay cả khi họ bị dẫn bàn vẫn gan lì để lội ngược dòng giành chiến thắng. Đây chính là điểm mạnh của người Đức và cái tên "cỗ xe tăng" có lẽ ám chỉ điều này.

Tuy nhiên, một tuyển Đức của thế hệ mới lại phá bỏ phong cách xù xì, thực dụng ấy khi họ lấy chính cái tinh hoa Samba, Tango của người Nam Mỹ, gắn kỷ luật của châu Âu để chiến thắng mọi đội bóng. Từ World Cup 2002 tới nay, họ liên tục có mặt tại bán kết, đó là điều chỉ Đức mới làm được trong khi các ông lớn thường xưng vương kỳ trước thì kỳ sau dễ bật bãi ngay vòng bảng. 

Xưng vương lần này, Đức có tới 10 năm "thai nghén" và chịu không ít chỉ trích dư luận khi thắng như chẻ tre để rồi thất bại đắng cay trước những thời điểm quyết định. Đã có nhiều ý kiến cho rằng Klinsman rồi Joachim Loew phá vỡ bóng đá Đức, rằng bản chất của Đức là xe tăng lầm lì, đừng thay vào đó lối chơi hoa mỹ không thành công.

Giả dụ người Đức thua Argentina trong trận chung kết thì trường phái phê phán lối đá đẹp của Đức lại có dịp chém gió. Nhưng dù gì thì họ cũng phải khiến thế giới túc cầu ngả mũ bởi một lối chơi hào hoa, đẹp mắt, đội hình đồng đều và mọi cầu thủ trên sân đều có thể phòng thủ, đều có thể kiến thiết bóng và đều có khả năng săn bàn.

Họ không phụ thuộc riêng nhân tố nào, dù ai đó bị phạt thẻ hay chấn thương thì tức khắc đã có người thay thế đủ mạnh để không ảnh hưởng đến sức mạnh cỗ xe tăng. Chưa bao giờ, một đội tuyển xưng vương World Cup lại thuyết phục thế giới bằng những trận thắng đậm đà như thế, họ không cầu toàn vào vận may. Ấy là điều khác biệt và có niềm tin để chờ đợi đế chế này tiếp tục duy trì thế thượng phong trong những năm tới dù biết rằng quy luật thịnh trị, suy vong không khước từ ai.

Cùng 4 lần vô địch như tuyển Ý nhưng tuyển Đức lại có 4 lần giành ngôi á quân (so với 2 lần của Ý). Hiện họ chỉ còn kém Brazil đúng 1 lần vô địch. Đức là đội bóng có số lần lọt vào trận chung kết World Cup nhiều nhất với 8 lần (các năm 1954, 1966, 1974, 1982, 1986, 1990, 2002, 2014). Đức cũng đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử các kỳ World Cup: 224 bàn, hơn Brazil 3 bàn; đội bóng thi đấu nhiều trận nhất lịch sử các kỳ World Cup: 106 trận, hơn Brazil 2 trận; đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất tại World Cup 2014: 18 bàn.

Hà Quang Minh
.
.
.