Manchester City độc bá Ngoại hạng Anh

"Đế chế bóng đá" của người Arab vươn vòi bạch tuộc ra toàn thế giới

Chủ Nhật, 31/12/2017, 10:09
Man City không phải đội bóng duy nhất thuộc sở hữu của Hoàng gia Abu Dhabi. Tại mỗi châu lục, các ông chủ Arab đều mua lại một đội bóng, sau đó đầu tư cho CLB dần lớn mạnh. Mô hình không tưởng này nhắm tới viễn cảnh tương lai: Xây dựng một “đế chế bóng đá” của người Arab.


Ngay cả những người hâm mộ bóng đá hiểu biết nhất cũng không thể biết đến cái tên Yangel Herrera. Nhưng ít ai biết anh chính là một trong những cầu thủ đầu tiên thuộc mô hình “Đế chế bóng đá” của người Arab.

Năm nay mới 19 tuổi, Herrera chơi bóng cho CLB New York City. Đội bóng này được thành lập 4 năm trước bởi Tập đoàn Bóng đá City, một tổ chức có mặt từ Úc đến Nhật Bản, Tây Ban Nha, Uruguay, Anh và Mỹ. Đây chính là mô hình "Đế chế bóng đá" được các ông chủ Arab tin tưởng sẽ là hình mẫu của bóng đá thế giới trong tương lai.

Yangel Herrera, một cầu thủ điển hình trong mô hình “Đế chế bóng đá”. 

CLB đã ký hợp đồng với Herrera không phải New York City. Đội bóng chiêu mộ anh từ mùa hè năm nay thực chất là Man City. Dữ liệu của anh nằm trong số 300 ngàn cầu thủ được đội bóng này thu thập. Nhưng thay vì trao cơ hội cho anh chơi bóng ở giải Ngoại hạng, Man City lập tức đẩy anh tới New York City dưới dạng cho mượn.

Tại New York City, huấn luyện viên Patrick Vieira đang muốn tìm kiếm một cầu thủ năng nổ để thi đấu tại giải nhà nghề Mỹ. Herrera là một trong số đó. Nếu chơi tốt ở Mỹ, anh có thể quay lại Man City thi đấu. Nếu không, đích đến tiếp theo của anh có thể ở Nhật, Úc, hoặc một quốc gia nào đó có Tập đoàn Bóng đá City.

Herrera chỉ là một trong số 1.000 cầu thủ thuộc biên chế Tập đoàn City. Không ít người trong số họ được luân chuyển như vậy vòng quanh thế giới mỗi năm. Chính hình mẫu mới này hứa hẹn sẽ làm xoay chuyển cán cân bóng đá thế giới. Chính HLV Patrick Vieira cũng tin tưởng hình mẫu này tốt cho mọi cầu thủ, bởi họ cần có cơ hội phát triển và ra sân thi đấu thường xuyên.

City tuyên bố khi tạo nên mô hình này, mục tiêu của họ nhằm xây dựng "tổ chức bóng đá đầu tiên có quy mô toàn cầu thực sự". Các tổ chức bóng đá cấp châu lục như UEFA nghiêm cấm đồng sở hữu nhiều đội bóng, nhưng FIFA thì không. Đó là lý do khiến các ông chủ người Arab lách luật và thực hiện mưu đồ thống trị bóng đá thế giới với túi tiền không đáy của họ.

Mục tiêu cuối cùng khi thành lập một mạng lưới các CLB cùng chủ sở hữu như vậy dĩ nhiên nhằm mang về lợi nhuận cho các ông chủ. Tuy nhiên, các cầu thủ cũng được hưởng lợi. Những tài năng sáng giá nhất được phát hiện, đào tạo ở môi trường đỉnh cao nhất, cho những đội bóng mạnh nhất, nhận lương hậu hĩnh nhất. Những người kém tài hơn sẽ chơi ở những giải đấu thấp hơn, phù hợp nhất với họ.

Pháo đài vững chãi nhất trong mô hình "Đế chế bóng đá" chính là Man City. Năm 2008, CLB được ông chủ Sheikh Mansour mua lại. Ông hiện kiêm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), và là thành viên Hoàng gia Abu Dhabi. Ngày mới tiếp quản đội bóng, ông tuyên bố sẽ xây dựng City thoát khỏi cái bóng của Man United, trở thành một đội bóng siêu mạnh cạnh tranh chức vô địch Champions League.

Ngày Man City ra tuyên bố đó, cả thế giới bóng đá phì cười. Không ai tin tiền có thể giúp một đội bóng lên xuống hạng như cơm bữa trở thành ông lớn tại châu Âu. HLV Alex Ferguson gọi Man City là "gã hàng xóm ồn ào" như thể chế nhạo. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đã xoay vần. Kể từ sau khi Sir Alex giải nghệ, Man United luôn bị Man City vượt mặt. Họ hoàn toàn lép vế ở những cuộc đối đầu trực tiếp. Thứ duy nhất Man United hơn Man City lúc này là doanh thu thương mại.

Để vượt mặt Man United, các ông chủ Arab đã tiêu tiền ngày một khôn ngoan và có lộ trình rõ ràng. Thuở mới tiếp nhận CLB, họ gây tiếng vang bằng các bản hợp đồng bom tấn, chi tiền không tiếc tay mua cầu thủ ngôi sao. Trung bình mỗi năm Man City lỗ 200 triệu bảng, đổi lại là 2 cúp vô địch Ngoại hạng Anh năm 2012 và 2014.

Hai danh hiệu đó chính thức giúp Man City "hóa rồng". Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc định giá đội bóng ở mức 3 tỷ đô la, và họ vung ra 400 triệu đô la để sở hữu 13% cổ phần Man City. Từng chi tiêu không tiếc tay, giờ đây Man City đã có nguồn thu khổng lồ để bù khoản lỗ trước kia.

Pep Guardiola được tin tưởng trao trọng trách triển khai lối chơi chung cho tất cả các CLB thuộc Tập đoàn City. 

Sau thành công với Man City, các ông chủ Arab bắt đầu vươn vòi bạch tuộc sang các châu lục khác. Năm 2013, Man City hợp tác với đội bóng chày New York Yankees, trả 100 triệu đô la tiền nhượng quyền thương mại để lập CLB bóng đá New York City. Sau đó, họ mua lại Melbourne Heart của Australia, đổi tên thành Melbourne City, cũng như Atletico Torque ở Uruguay. Tập đoàn City còn sở hữu cổ phần ở CLB Yokohama Marinos (Nhật Bản) và Girona (Tây Ban Nha).

Tập đoàn City không phải tổ chức duy nhất theo đuổi mô hình mạng lưới CLB bóng đá toàn cầu. Tập đoàn Red Bull cũng sở hữu các đội bóng ở Mỹ, Úc, Đức và Brazil nhằm quảng cáo nước tăng lực của họ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, xét về tham vọng và quy mô, Red Bull không thể sánh ngang City. Tập đoàn này thậm chí đang có tham vọng vươn thêm ảnh hưởng tới Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Các lãnh đạo của Tập đoàn City khẳng định mục tiêu trong tương lai, các CLB của họ đều sẽ chơi bóng đá tấn công, dựa trên ưu thế nắm quyền kiểm soát bóng. Đó là lý do họ đưa Pep Guardiola về làm HLV trưởng Man City, một người từng thành công vang dội ở Barcelona và Bayern Munich.

Hiện tại, Man City trên thực tế đã có nguồn thu tương đương khoản chi hằng năm. Dưới bàn tay của Pep Guardiola, đội bóng đang ngày một trẻ hóa đội hình. Pep đưa về những cầu thủ mới ở độ tuổi đôi mươi như Gabriel Jesus và Leroy Sane, đào tạo họ trở thành những ngôi sao trong thời gian ngắn.

Sau mùa giải đầu tiên trắng tay, Pep đang thể hiện ưu thế tuyệt đối của Man City ở mùa giải năm nay. Đội bóng của Pep đứng đầu bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh và bỏ xa các đội bóng còn lại về mặt điểm số.

Còn về mặt kinh tế, năm 2011, để nhanh chóng lách luật công bằng tài chính, Man City đã nhanh chóng bán tên sân bóng của họ trong 10 năm với giá 400 triệu bảng. Bên mua tên sân tập là Công ty Hàng không Etihad, thuộc sở hữu của... Hoàng gia Abu Dhabi. Với vô số tập đoàn, tổ chức lắm tiền nhiều của, Tập đoàn City có vô vàn cách lách luật để thống trị bóng đá thế giới.

Ferran Soriano, cha đẻ mô hình “Đế chế bóng đá”.

Tuy vậy, City còn nhắm trong tương lai họ sẽ vượt mặt Man United về doanh thu. Với ưu điểm sở hữu nhiều đội bóng, một nhà tài trợ cho Tập đoàn City có thể hiện diện nhờ nhiều châu lục cùng một lúc, với chi phí quảng cáo và tài trợ rẻ hơn rất nhiều.

Man City, hay Tập đoàn City chỉ là một trong vô số các đế chế kinh doanh được người Arab tạo ra trong thời gian gần đây. Họ không phải những gã ngốc chỉ biết ném tiền qua cửa sổ. Các chuyên gia kinh tế tin người Arab hiểu trong một thế kỷ nữa, dầu mỏ và khí đốt sẽ dần khan hiếm. Đó là lý do họ vung tiền để tạo những đế chế kinh doanh giúp thu lợi nhuận trong 10, 20, thậm chí 50 năm nữa.

Đế chế bóng đá City bắt nguồn từ... Barcelona, không phải Man City

Năm 2003, Barcelona bổ nhiệm một nhân vật có tên Ferran Sorina làm Phó Chủ tịch đội bóng. Soriano được bầu vào ban lãnh đạo Barcelona với mục đích cải thiện toàn bộ mô hình kinh doanh của đội.

Trong cuốn tự truyện của bản thân, Soriano nói cách làm bóng đá của ông chịu ảnh hưởng từ nhà nghiên cứu thể thao Stefan Szymanski. Người này đưa ra mô hình chứng minh thành công của một đội bóng cuối cùng sẽ phụ thuộc vào bảng lương của đội lớn hay nhỏ.

"Nếu bạn muốn sở hữu một đội bóng vô địch, thường xuyên cạnh tranh danh hiệu, bạn phải làm việc nhất quán để biến đội bóng thành một CLB lớn, với doanh thu lớn, có khả năng ký hợp đồng với những cầu thủ tài năng nhất", Soriano viết: "Chắc chắn chẳng có may mắn nào cả".

Trong thời gian Soriano làm Phó Chủ tịch, doanh thu của Barcelona tăng gần 3 lần, từ 123 triệu bảng Anh (năm 2003) lên 309 triệu bảng vào năm 2008. Họ dần thu hẹp khoảng cách với các ông lớn khác như Real Madrid hay Man United về khả năng kiếm tiền.

Thuở ban đầu, mô hình kinh doanh của Soriano áp dụng cho Barcelona gần như sao chép y nguyên từ... Man United: Tăng giá vé, tìm kiếm các nhà tài trợ quốc tế, thực hiện các chuyến du đấu Bắc Mỹ và châu Á. Sau đó, ông hướng tới những mục tiêu xa hơn: Nhượng quyền và bán tên thương hiệu, áo đấu, hình ảnh ra toàn thế giới để thu lời.

Khi Soriano đề xuất mô hình "Đế chế bóng đá", sở hữu nhiều CLB ở các châu lục khác nhau, Barcelona đã nhanh chóng gạt đi. Đó là lý do khiến ông ra đi vào năm 2008. Bốn năm sau, ông đến Man City làm giám đốc điều hành. Ý tưởng về "Đế chế bóng đá" vẫn còn nguyên, và Tập đoàn Bóng đá City đã hiện thực hóa điều đó.

Đơn Ca
.
.
.