Đêm nhạc thấm đẫm hồn xứ Nghệ

Thứ Tư, 15/08/2018, 09:51
Nguyễn Trọng Tạo sinh ra ở Nghệ An. Dẫu cuộc đời ông đã bôn ba nhiều nơi, nhưng tựu trung, phần lớn những sáng tác thơ ca nhạc họa của ông đều hướng về xứ Nghệ. 


Mỗi người cầm bút đều bắt đầu với một vùng đất, gắn bó với một vùng đất. Đó có thể là nơi họ sinh ra, cũng có thể không. Và khi tinh thần của họ thuộc về vùng đất ấy, thì vĩnh viễn, đó là xứ sở, là quê hương để họ gắn tên mình vào trên hành trình tìm kiếm các giá trị nghệ thuật. 

Nguyễn Trọng Tạo sinh ra ở Nghệ An. Dẫu cuộc đời ông đã bôn ba nhiều nơi, nhưng tựu trung, phần lớn những sáng tác thơ ca nhạc họa của ông đều hướng về xứ Nghệ. 

Ở tuổi 72, lại vừa vượt qua cơn bạo bệnh, vượt "cửa tử" để trở về, ông quyết định làm một show diễn ngay tại thành phố Vinh để tri ân những người thân yêu, tri ân mảnh đất quê hương. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã tham gia vào show diễn này như NSND Thanh Hoa, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Phương Anh, nhạc sĩ Giáng Son...

Trước khi chương trình được tổ chức, hỏi Nguyễn Trọng Tạo, việc tổ chức một live show thơ nhạc liệu rằng có gây một áp lực lên sức khỏe và tinh thần vừa hồi phục của ông chăng? Liệu con cái ông có ủng hộ việc này, sợ rằng trong một chương trình kéo dài, xúc động với những hồi ức, những kỷ niệm, có thể sẽ không tốt cho ông thì sao? 

Nguyễn Trọng Tạo cười, mắt lấp lánh và gương mặt hồng hào nhuận sắc. Ông chia sẻ, các thành viên trong gia đình thậm chí rất hào hứng khích lệ ông với show diễn đặc biệt này. Ông thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, và thậm chí cảm xúc còn dồi dào hơn trước khi bị bệnh. 

"Lúc bị tai biến, tôi sợ nhất việc mình bị bại liệt nằm một chỗ, rồi mất cả trí nhớ. Những ngày đầu óc không còn nhớ được gì, nằm trên giường bệnh, tôi cũng hoang mang. Tôi cố nhớ tên các bài hát quen thuộc mà không thể nào nhớ được. Những "Khúc hát sông quê", hay "Làng quan họ quê tôi" cứ trôi mất đi đâu. 

Tôi nhìn những gương mặt người thân rồi bạn bè, thấy bất lực vì mình không thể nhớ ra tên của họ. Nhưng rồi may mắn làm sao, mọi thứ lại trở về với tôi. Trí nhớ quay trở lại ngoạn mục. Từng tên người, từng tên bài hát, từng nốt nhạc đã trở nên chính xác. Tôi quá biết ơn cuộc sống này. Đúng ra là tôi đã được sống thêm một cuộc đời mới. Nhờ có sự tận tâm của các bác sĩ, của bạn bè, người thân. Và cả tôi đã nỗ lực nữa".

Nhạc sĩ Giáng Son phổ nhạc bài thơ “Cỏ và mưa” của Nguyễn Trọng Tạo thành ca khúc nổi tiếng.

Thời điểm Nguyễn Trọng Tạo bị tai biến mạch máu não, ông đang ở quê nhà xứ Nghệ. Cơn đau ập xuống nhanh chóng, và cũng thật nhanh chóng, chính những người bà con, anh em bạn bè ở quê hương đã sơ cứu ông kịp thời. 

Rồi chính những người bác sĩ ở cơ sở y tế quê hương đã tận tình chăm lo, cứu chữa cho ông thời gian đầu tiên, trước khi được chuyển về thủ đô để tiếp tục hành trình hồi phục. Quê hương đã cưu mang ông, và đó là lý do để ông muốn mình có một chương trình nghệ thuật thay cho lời cảm ơn với quê hương, bạn bè. 

Tối 10-8, Nhà văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An chật ních khán giả. Đêm thơ nhạc mang tên "Khúc hát sông quê" của một người con xứ Nghệ đã diễn ra trong sự ấm áp, chân tình, xúc động. 

Các nghệ sĩ tham gia như Thanh Hoa, Trọng Tấn, Anh Thơ đều bày tỏ một niềm yêu mến, cảm kích với nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa. Đạo diễn Đinh Anh Dũng đã đi cùng với Nguyễn Trọng Tạo trong live show cũng mang tên "Khúc hát sông quê" năm ngoái tại Hà Nội tỏ ra xúc động vô cùng. 

Ông nói, muốn mang về thành Vinh một tâm hồn thấm đẫm chất Nghệ của Nguyễn Trọng Tạo qua sự dàn dựng chương trình. Trong live show xứ Nghệ của mình, Nguyễn Trọng Tạo mở chiếc rương cất giấu hàng trăm ca khúc do ông sáng tác, và lựa chọn những bài hát viết về quê hương. Có những ca khúc lần đầu tiên được vang lên, bởi đó là những ca khúc ông muốn dành riêng cho công chúng quê nhà.

Lê Anh Dũng và Phương Anh trên sân khấu của chương trình “Khúc hát sông quê”.

Bỏ qua lĩnh vực thơ ca mà Nguyễn Trọng Tạo đã là một tên tuổi, riêng với âm nhạc, và riêng với đề tài xứ Nghệ, những ca khúc ông viết có thể kể tên như "Qua cầu Tùng Cốc", "Con dốc nó cao", "Màu xanh Hương Sơn", "Chèo thuyền trên sông Bùng", "Đồng Lộc thông ru", "Về thăm quê mẹ Vũ Quang", "Tình biên cương", "Người con gái sông Lam". 

Ông nói: "Lần này làm chương trình ở Nghệ An, tôi muốn làm nổi lên chất của người xứ Nghệ, như lời trong bài "Người con gái sông Lam": “Nếu anh chưa về thành Vinh/ Anh chưa biết em xinh đến thế/ Nói năng sao mà dịu nhẹ/ Thảo hiền con gái quê ta...". 

Ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ, mặc dù đã tham gia đêm nhạc "Khúc hát sông quê" của Nguyễn Trọng Tạo mùa thu năm ngoái tại Hà Nội nhưng với lần biểu diễn tại Nghệ An này anh cũng rất mong chờ, hồi hộp: "Tôi đã trình diễn 2 ca khúc mới của nhạc sỹ, một bài viết về mẹ, một bài về Tổ quốc, về 10 cô gái Đồng Lộc, về những người đã hy sinh cho độc lập. Với tôi, đây như là cơ hội để khám phá một vùng đất mới, vùng đất xứ Nghệ. Cũng là cơ hội để chia sẻ với nhạc sĩ những góc khuất buồn vui trong cuộc đời của ông". 

Đại diện nhà tổ chức Đông Đô show nói: "Sở dĩ chúng tôi muốn làm chương trình này là bởi chúng tôi rất cảm kích câu chuyện vượt lên trên bạo bệnh hiểm nghèo của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Đây giống như là món quà tinh thần quý giá mà ê-kíp thực hiện muốn dành tặng cho người "chiến binh" dũng cảm từ cõi chết trở về và không nguôi khát vọng sáng tạo, khám phá mình trên nhiều lĩnh vực: văn chương, nhạc họa... để cống hiến cho quê hương đất nước".

NSND Thanh Hoa thể hiện ca khúc “Làng quan họ quê tôi”.

Với riêng Nguyễn Trọng Tạo, sau biến cố vừa qua, ông càng thấy yêu thêm đời sống, có thêm nhiều động lực cũng như nguồn cảm hứng mới để sáng tạo. 

Ông đã công bố trên báo chí một vài tác phẩm được viết sau khi hồi phục của mình. Cuộc đời vẫn xanh tươi đầy hy vọng như câu thơ nổi tiếng của ông: "Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió...".

Chỉ có một điều duy nhất thay đổi là sau đột quỵ, nhạc sỹ đã quên hẳn được thuốc lá và rượu. Nhà thơ Vương Cường nói vui: "Nguyễn Trọng Tạo bỏ rượu "không khí" anh em chùng hẳn xuống". 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Chất quê” ngấm vào máu tôi từ nhỏ

- Thưa nhạc sĩ, có thể thấy, chất dân ca thấm đẫm trong các ca khúc của ông. Điều này được lý giải từ đâu?

+ Không phải ngẫu nhiên mà tôi viết ra được những tác phẩm thấm đượm hồn Việt. Tôi sinh ra ở Diễn Châu, Nghệ An, "chất quê" ngấm vào máu tôi từ thuở nhỏ. Ở quê tôi, từ trẻ đến già đều yêu dân ca. Họ hát trong lúc cày cấy, vui đùa, quay tơ dệt vải. Những điệu hò, câu hát dân ca Nghệ Tĩnh nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Sau này tôi được đi nhiều vùng, từ nông thôn đến thành thị. Mỗi miền đất mang đến cho tôi một trải nghiệm khác nhau nhưng tôi chỉ thực sự rung động trước các làng quê Việt.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong chương trình “Khúc hát sông quê”.

- Mặc dù là người xứ Nghệ, nhưng ông đã sáng tác một bài hát về vùng quan họ hay đến nỗi, mọi người dân quan họ đều thuộc nằm lòng, đấy là ca khúc "Làng quan họ quê tôi". Giả sử có nhà tổ chức muốn làm một đêm nhạc cho ông ở vùng quan họ Bắc Ninh, lấy tên "Làng quan họ quê tôi", ông nghĩ sao?

+ Bạn biết đấy,  "Làng quan họ quê tôi" là ca khúc từng nhận tặng thưởng đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1981, sau đó cùng với "Khúc hát sông quê" của tôi được Bộ NN&PTNT tặng cúp trong tốp 20 bài hát xuất sắc nhất viết về nông thôn nông nghiệp Việt Nam (1945-2010). Tôi viết bài hát đó từ khi chưa hề đặt chân đến một làng quan họ nào. Sở dĩ ca khúc được yêu mến như vậy là bởi tôi là người yêu thích những làn điệu quan họ trong trẻo, du dương mà quê hương tôi không có. Thời chiến tranh lại được xem những ca sĩ từ Hà Nội vào miền Trung hát quan họ. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về bộ phim "Đến hẹn lại lên" với nhiều làn điệu quan họ gắn liền với số phận nhân vật Nết và Hai Chi. Khi đọc bài thơ "Làng quan họ" của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, âm điệu quan họ cứ hồi vọng trong tâm hồn tôi. Và ca khúc "Làng quan họ quê tôi" đã được sinh ra như một sự kết duyên giữa tâm hồn và văn hóa Kinh Bắc trong tiềm thức của tôi. Nếu có một đêm nhạc mang tên "Làng quan họ quê tôi" thì tôi tin là sẽ có rất nhiều người ủng hộ. Tôi như một người đồng hương danh dự của những người quê Bắc Ninh vậy.

- Trước và sau bạo bệnh, ông vẫn luôn là một người sử dụng thành thạo các công cụ của thời đại kỹ thuật số. Ông cập nhật facebook, sử dụng các phần mềm đồ họa thiết kế bìa sách, viết nhạc trên máy tính... Tóm lại, dù thế nào, Nguyễn Trọng tạo vẫn không chịu làm một người lạc hậu công nghệ...

+ Đời tôi chủ yếu là tự học, tự mày mò, sáng tạo. Thuở bé, tôi từng tự làm một chiếc đàn violon và biểu diễn cho trường cấp 3 nghe trong buổi lễ chào cờ. Tôi nghĩ chỉ cần mình nhanh nhạy, chăm chỉ, không gì là không học được. Tôi không muốn là kẻ lỗi thời.

Hội Vũ
.
.
.