Derby Manchester Sau 300 năm, "chiến tranh" vẫn chưa chấm dứt

Thứ Năm, 08/09/2016, 09:06
Tối thứ Bảy tới, M.U và Man City sẽ bước vào trận derby thứ 172 trong lịch sử. Trận đấu sắp tới giữa hai đại diện hùng mạnh của thành phố Manchester thu hút được nhiều sự quan tâm bởi giữa họ là một câu chuyện rất dài với những chi tiết thú vị đằng sau, và cuộc so tài trên băng ghế chỉ đạo sắp tới giữa Jose Mourinho -  Pep Guardiola chắc chắn sẽ thêm vào đó một chương đầy thú vị.


Trận derby vắt qua 3 thế kỷ

Tại Manchester, những huyền thoại được lưu truyền qua nhiều thế hệ về hoàn cảnh ra đời của hai đội bóng vẫn được nhắc lại trước các trận derby.

M.U, thành lập năm 1878 với tên gọi Newton Heath, tự hào khi đại diện cho giới lao động. Những người từng làm việc ở nhà ga Piccadilly Station lớn nhất Manchester luôn kiêu hãnh vì đã sản sinh ra một CLB bóng đá nổi tiếng và giàu có nhất thế giới hiện tại. Khởi nguyên của "Quỷ đỏ" là những anh chàng công nhân đường sắt ham mê bóng đá tụ tập nhau lại, thành lập một đội bóng để thi đấu giao hữu với các đối thủ thuộc công ty khác.

Man City, ra đời năm 1880 lại có xuất phát điểm liên quan đến… tôn giáo. Hai tu sĩ William Beastow và Thomas Goodbehere của nhà thờ St.Mark's vùng Tây Gorton, Manchester muốn lập ra một tổ chức thể thao để quy tụ những người đàn ông nghiện rượu và thất nghiệp quanh vùng nhằm hạn chế tình trạng vô công rỗi nghề dẫn đến bạo lực. Man City vì thế ban đầu mang tên St.Mark's hoặc West Gorton.

Derby Manchester luôn hết sức máu lửa.

Newton Heath (M.U) và West Gorton (Man City) gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1881. Trận đấu kết thúc với tỷ số 3-0 nghiêng về Newton Heath và được ghi chép lại là "diễn ra trong ôn hòa". Dù sao thì đó cũng chỉ là một trận giao hữu giữa hai đội bóng còn rất non trẻ. Không ai nghĩ rằng đó là tiền đề của một trong những trận derby nổi tiếng nhất thế giới sau này.

M.U và Man City đã có một giai đoạn đầu lịch sử coi nhau như những người hàng xóm thân thiết và dễ chịu. Thậm chí việc chuyển nhượng cầu thủ qua lại giữa hai đội bóng diễn ra một cách thường xuyên.

Vào đầu thế kỷ XX, có nhiều người là huyền thoại của cả hai đội bóng. Bộ đôi Billy Mederith và Sandy Turnbull là ví dụ. Hai cầu thủ tấn công siêu hạng thời ấy giúp Man City đăng quang tại FA Cup lần đầu tiên vào mùa giải 1903/04 và cũng là trụ cột của M.U vô địch quốc gia lần đầu tiên mùa 1907/08.

Hai đội bóng chỉ thực sự bước vào cuộc cạnh tranh nghiêm túc sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, mặc dù có thời điểm M.U đã phải đá chung sân với Man City vì sân Old Trafford bị tàn phá nặng nề. Trận derby quan trọng đầu tiên là cuộc so tài ở trận Siêu Cúp nước Anh năm 1956 khi M.U vô địch quốc gia, còn Man City giữ Cúp FA.

Hận thù dâng cao

Cho đến trước năm 1970, sự thù địch giữa hai đội bóng vẫn chưa trở nên nghiêm trọng. Nhưng trận đấu vào tháng 12/1970 có thể xem là bước ngoặt để rồi sau đó, những người hàng xóm bắt đầu gầm ghè nhau và không bao giờ có thể hàn gắn tình cảm.

Đó là trận đấu mà George Best, ngôi sao sáng nhất của M.U khi ấy đã có một pha vào bóng kinh hoàng với Glyn Pardoe, cầu thủ xuất sắc nhất của Man City năm 1969. Chấn thương gẫy xương của Pardoe nặng đến mức các bác sỹ trên sân dự đoán sẽ phải cưa cái chân của ông lập tức. Sự nghiệp đầy triển vọng của Pardoe bị dập tắt sau chấn thương ấy, còn mối thù hận thì bắt đầu.

Pha phạm lỗi của Roy Keane với Haaland.

Chỉ một mùa giải sau đó, Francis Lee của Man City đã lên tiếng cáo buộc George Best ăn vạ khi hai đội gặp nhau trong một trận hòa có tỷ số 3-3. Trận derby đầu mùa 1973/74 thì chứng kiến cảnh hai cầu thủ Mike Doyle và Lou Macari nhất quyết không chịu rời sân sau khi nhận thẻ đỏ. Trọng tài chính trận đấu đó đã phải ngừng trận đấu cho tới khi họ chấp nhận bị truất quyền thi đấu.

Nhưng khoảnh khắc ấn tượng nhất của trận derby Manchester trong thập kỷ 1970 là trận đấu diễn ra vào ngày 27/4/1974. Đó là trận đấu mà M.U buộc phải giành chiến thắng để trụ lại hạng đấu cao nhất của bóng đá Anh.

M.U khi đó được thi đấu trên sân nhà và đối thủ tung ra sân một huyền thoại của họ, trung phong Denis Law. Law đã có 11 năm tuyệt vời với đội chủ sân Old Trafford, giành cả Cúp C1 và danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu, trước khi đến với đội bóng cùng thành phố trong những năm cuối sự nghiệp.

Và điều trớ trêu đã xảy ra khi chính Denis Law là người ghi bàn duy nhất cho Man City ở trận đấu ấy. Cú đánh gót thành bàn của ông chính thức đẩy M.U xuống hạng. Là người lập công giúp đội bóng của mình chiến thắng, Law lại thẫn thờ rời sân với hai cánh tay ôm chặt lấy đầu.

Quá ám ảnh bởi bàn thắng đưa đội bóng cũ tụt hạng, Denis Law giải nghệ luôn sau trận đấu ấy. Về sau, ông kể lại: "Tôi rất ít khi trải qua nỗi buồn nào khủng khiếp như trận derby ấy. Trong suốt 19 năm sự nghiệp tôi luôn cố gắng để ghi bàn, nhưng pha lập công cuối cùng của sự nghiệp lại là bàn thắng tôi không muốn ghi nhất".

Tiếp nối thời hiện đại

Những thập kỷ tiếp theo chứng kiến nhiều đổi thay của cả hai. M.U bước vào giai đoạn hoàng kim dưới sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson, trong khi Man City lận đận hết lên hạng lại xuống hạng trong suốt hai thập niên 1980 & 1990. Sự chênh lệch giữa hai đội bóng ngày càng lớn dần với cán cân nghiêng về "Quỷ đỏ". Thậm chí đã có giai đoạn mà Man City không thể thắng M.U trong 13 năm.

Mặc dù vậy, sự ganh đua và hận thù vẫn luôn tồn tại. Câu chuyện của Roy Keane và Alf-Inge Haaland là minh chứng rõ ràng nhất cho việc các cầu thủ luôn bước vào trận derby với dòng máu nóng ở mức độ cao nhất. Thủ quân của M.U từng bị Haaland phạm lỗi khiến anh gặp chấn thương dây chằng khi hậu vệ người Na Uy còn chơi cho Leeds, tuy nhiên Haaland cáo buộc Keane đã ăn vạ ở tình huống đó.

Tiền vệ người CH Ireland âm thầm nuôi hận thù trong người và khi tái ngộ Haaland trong trận derby Manchester, Roy Keane không ngại ngần mà tung ra một trong những cú vào bóng khủng khiếp nhất lịch sử bóng đá. Thủ quân của M.U nhận án treo giò 5 trận và mức tiền phạt 150.000 bảng nhưng chưa bao giờ lên tiếng xin lỗi đối thủ hay thừa nhận hành vi của mình là sai.

Ảnh Tevez trên bảng quảng cáo của Man City sau khi rời M.U.

Cú đổi đời với nguồn tiền khổng lồ từ Trung Đông đã giúp Man City lột xác và vươn lên cùng đẳng cấp với M.U chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đó càng khiến cho cuộc đối đầu giữa họ trong các trận derby trở nên gay cấn và quyết liệt. Tất cả các cầu thủ ra sân trong những cuộc đối đầu này đều hiểu rằng họ cần phải thi đấu với trên 100% sức lực và tinh thần, bởi một chiến thắng có giá trị danh dự còn còn cao hơn điểm số.

"Không ai muốn ra đường sau khi thua một trận derby, mà tốt nhất cũng đừng ra đường bởi CĐV đội nhà sẽ rủa xả chúng ta không thương tiếc, dù chúng ta có là người hùng ở tất cả các trận còn lại" - Gary Neville, cựu thủ quân M.U, mô tả ngắn gọn về ý nghĩa của một trận derby như thế.

Derby dưới những con số

Trong 171 lần gặp nhau trước đây, M.U thắng 71 trận, Man City thắng 49 trận và hai đội hòa nhau 51 trận. Trận thắng đậm nhất của M.U có tỷ số 5-0 trong trận derby năm 1994, trong khi Man City từng có hai trận thắng đối thủ với tỷ số 6-1 vào các năm 1926 và 2011.

Man City từng thắng M.U trong trận derby kỷ niệm 50 năm thảm họa Munich diễn ra vào năm 2008 được tổ chức ngay tại Old Trafford. Mùa 2007/08 cũng là lần đầu tiên mà Man City chiến thắng cả hai trận derby trong một mùa kể từ 1969/70.

Trận derby được đánh giá là hay nhất từ trước đến nay diễn ra ở mùa giải 2009/10. M.U liên tục vươn lên dẫn trước nhưng sau đó bị Man City gỡ hòa. Bàn thắng cuối cùng của trận đấu ấn định tỷ số thắng 4-3 cho M.U được Michael Owen ghi ở phút bù giờ thứ 5 của trận đấu.

Cầu thủ đang có nhiều bàn thắng nhất trong các trận derby Manchester là Wayne Rooney với 11 bàn. Bên phía Man City, cầu thủ có nhiều bàn thắng nhất trong các trận derby mà vẫn còn thi đấu là Sergio Aguero với 8 lần lập công.

Mối quan hệ trên sàn giao dịch

Tổng cộng 24 cầu thủ đã thi đấu cho cả hai đội bóng như trường hợp của Denis Law. Trường hợp nổi tiếng nhất gần đây là Carlos Tevez. Tiền đạo người Argentina đã chuyển tới Man City từ M.U năm 2009.

Ngay sau khi có được Tevez, Man City đã đặt một tấm biển quảng cáo có nội dung "Welcome Manchester!" với hình ảnh chân sút người Argentina. Sir Alex Ferguson đã nhận xét về Man City là "người hàng xóm ồn ào" và "có tâm lý của một đội bóng nhỏ" vì hành động này.

Một chi tiết thú vị khác đó là việc thủ thành huyền thoại người Đan Mạch Peter Schmeichel là cầu thủ duy nhất không thua một trận derby nào dù khoác áo M.U hay Man City.

Có 3 người từng khoác áo một CLB và sau đó dẫn dắt đội còn lại. Đó là Sir Matt Busby từng đá cho Man City rồi sau đó làm HLV M.U. Trong khi Steve Coppell và Mark Hughes theo chiều ngược lại (đá cho M.U và làm HLV Man City).

Ernest Mangnall là người duy nhất từng dẫn dắt cả hai CLB, ông làm HLV của M.U từ năm 1903-1912 và làm HLV Man City từ 1912-1924.

Đơn Ca
.
.
.