Từ khoảng trống thủ lĩnh của BĐVN:

Đi tìm đôi cánh, để bay lên trời...!?

Thứ Năm, 04/04/2013, 14:22

Dấu hỏi thủ lĩnh đang là một dấu hỏi nhức nhối, thậm chí là dấu hỏi mù mịt với nền bóng đá Việt Nam. Nhức nhối và mù mịt tới mức một chuyên gia bóng đá từng ví von rằng, bây giờ thì việc tìm một thủ lĩnh đủ tầm cũng giống với việc đi tìm đôi cánh, bay lên trời vậy…

Một đội bóng cũng như một nền bóng đá luôn cần được hướng đạo bởi một thủ lĩnh đủ tầm - người có ảnh hưởng tích cực tới cả một đại cuộc, cũng là người mà phần còn lại của một đội bóng, một nền bóng đá luôn có thể nhìn vào và nương tựa trong những thời khắc khó khăn.

Tiếc thay, dấu hỏi thủ lĩnh đang là một dấu hỏi nhức nhối, thậm chí là dấu hỏi mù mịt với nền bóng đá Việt Nam. Nhức nhối và mù mịt tới mức một chuyên gia bóng đá từng ví von rằng, bây giờ thì việc tìm một thủ lĩnh đủ tầm cũng giống với việc đi tìm đôi cánh, bay lên trời vậy…

Chuyện ở ĐTQG

Khi được hỏi về lý do khiến ĐTVN bất ngờ thua trận trước một ĐT Hồng Kông - Trung Quốc bị đánh giá là vừa yếu, vừa thiếu hơn mình (vòng loại Asian Cup 2015), quyền HLV trưởng ĐT Hoàng Văn Phúc cứ nói đi nói lại về chấn thương của tiền vệ Tấn Tài. Ông Phúc nói rằng, trước thời điểm Tấn Tài chấn thương, ĐTVN hoàn toàn chiếm trung tuyến và tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn. Nhưng sau một tình huống va chạm mạnh với cầu thủ đối phương, và sau đó phải thi đấu trong một trạng thái sức lực không đảm bảo thì Tấn Tài không còn là Tấn Tài nữa. Hậu quả là sức tấn công của ĐT giảm, và cuối cùng đã thua một bàn thua đau.

Trong câu chuyện này, cần trả lời thật chuẩn: Tấn Tài là ai? Xin được thưa ngay: là một chiến binh dày dặn trong màu áo Tuyển, trải từ thời Alfred Reidl, Falko Goetz qua cả Phan Thanh Hùng, và bây giờ là Hoàng Văn Phúc. Khách quan nhìn nhận, Tấn Tài có một trái tim máu lửa, và một đội chân luôn có thể chạy với hơn 100% phong độ của mình. Hình ảnh Tấn Tài gục xuống, ngất tại trận sau đêm chung kết AFF Cup 2008 mà ĐTVN lần đầu lên ngôi vô địch là hình ảnh điển hình cho sức chiến đấu của Tấn Tài.

Nhưng ở Tấn Tài thiếu hẳn khả năng cầm nhịp trận đấu kiểu Võ Hoàng Bửu thời "thế hệ vàng" hay Nguyễn Minh Phương thời "thế hệ bạc" (cứ tạm gọi như vậy). Tấn Tài cũng thiếu hẳn một độ lạnh  cần thiết để có thể thực hiện thành công 100% các quả penalty như Võ Hoàng Bửu hay có thể đọc trận đấu, điều chỉnh cuộc chơi theo cách có lợi cho đội bóng như Nguyễn Minh Phương. Thiếu những phẩm chất tối thiểu của một thủ lĩnh như vậy, Tấn Tài khó có thể được coi là thủ lĩnh của bất cứ đội bóng nào, kể cả cấp độ CLB cho đến cấp độ ĐTQG.

Ở ngoài sân cỏ, Tấn Tài thuộc tuýp người nghĩ gì nói đấy, ruột để ngoài da, và cứ nhìn cái cách Tấn Tài lao về phía BHL ĐTVN sau trận Việt Nam - Thái Lan tại vòng bảng AFF Cup 2012 để phân bua (và sau đó bị một bộ phận dư luận hiểu lầm là "nổi nóng, phản ứng với HLV trưởng") là đủ thấy cái tính "ruột để ngoài da" đã khiến Tấn Tài vừa làm mất điểm cá nhân mình, vừa làm mất điểm đội bóng tới đâu. Có lẽ, cũng vì cái bệnh "ruột để ngoại da", dẫn tới việc thiếu khả năng giữ cân bằng tâm lý ấy mà Tấn Tài là một trong những cầu thủ được cho là có cảm xúc và những hành động "dị" nhất của ĐTVN.

Một cầu thủ như Tấn Tài bây giờ lại phải mang băng đội trưởng ĐTVN, và tác động lên lối chơi của ĐT tới mức chỉ vì mình bị chấn thương mà cả một tập thể đã loạng choạng, bối rối… đủ thấy ĐTVN đang thiếu một thủ lĩnh tới mức độ nào. Chính vì thiếu một thủ lĩnh cho xứng tầm thủ lĩnh nên khi rơi vào hoàn cảnh bất lợi, ĐTVN rất khó xoay trở. Và cũng vì thiếu một thủ lĩnh như vậy mà khi cần phải "kích lửa", phải thúc giục cả một đoàn quân hướng về phía trước, các tuyển thủ Việt Nam gần như không biết trông đợi vào ai.

Dĩ nhiên bóng đá là một môn chơi tập thể, nhưng nếu đấy là một tập thể đều đều (và kể cả một tập thể mà ai cũng "máu", cũng "nhiệt"), nhưng lại không được hướng đạo bởi một thủ lĩnh có một cái đầu lạnh, một trái tim nóng thì tập thể ấy rất khó chạm tới cái đích chiến thắng sau cùng.

Chuyện ở VFF

Suốt thời gian qua, dân làng bóng mổ xẻ nhiều quanh tuyên bố gây sốc của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, rằng: "Nếu thua thêm 2,3 trận đấu, khả năng sẽ có đội V.League bỏ cuộc chơi". Nếu đúng là ông Hỷ đã nói như thế (mà phần nhiều là như thế) thì đấy rõ ràng là một tuyên bố rất dở. Dở vì V.League mới đi qua 2 vòng, lại là 2 vòng đầy dông bão, nên giờ là lúc thủ lĩnh của một nền bóng đá phải biết ổn định binh tình, thay vì làm vấn đề trở nên nhốn nháo, dễ mất kiểm soát bằng cái tuyên bố "sẽ có đội bỏ cuộc". Nghe tuyên bố này, nhiều người lập tức nhớ đến những tuyên bố lạ lùng khác của Chủ tịch VFF trước đây, chẳng hạn như: "Đi xem bóng đá có cần đông thế này không?", hay "Falko Goetz là thầy ngoại tốt nhất mà BĐVN có được từ trước tới giờ". 

Băng đội trưởng ĐTVN là quá sức với Tấn Tài.

Thực ra thì hồi mới ngồi vào ghế Chủ tịch VFF, ông Hỷ từng là chủ nhân của rất nhiều nhận thức - rất nhiều tuyên bố ấn tượng. Chẳng hạn như ông bảo: "Làm Chủ tịch VFF, tôi xác định mình như đang ngồi trên lửa", hay "Không thể nói V.League sạch", bất chấp việc cấp dưới của mình, trưởng BTC V.League Dương Nghiệp Khôi khi đó cứ khăng khăng: "V.League sạch". Phải nói chính từ những tuyên bố được cho là hết sức dũng cảm như thế mà thoạt tiên Chủ tịch VFF đã tạo thiện cảm lớn với các fan hâm mộ. Nhưng tiếc là cùng với thời gian, những lời nói - những hành động - những suy nghĩ như vậy cứ giảm đi, khiến cho niềm tin vào vị thủ lĩnh của cả một nền bóng đá cứ vơi dần.

Già hai tháng nữa, Đại hội VII VFF diễn ra, và đấy là kỳ Đại hội mà BĐVN chắc chắn sẽ có một ông chủ tịch mới thay cho Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ sẽ rút lui. Câu hỏi đặt ra: Ông chủ tịch mới là ai? Và khi ngồi lên cái "ghế lửa" như cách ví von của ông Hỷ ngày nào, vị chủ tịch này có thực sự… đáng mặt thủ lĩnh hay không? Hiện tại, hậu trường làng bóng không ngừng bán tán về những cái tên khả năng sẽ đươc đưa ra ứng cử như Lê Hùng Dũng, PCT tài chính VFF; Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, kiêm PCT chuyên môn VFF; Trần Quốc Tuấn, cựu TTK VFF, trợ lý bóng đá cho Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng; thậm chí là cả Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, PCT VPF.

Tất nhiên, không loại trừ khả năng cuộc đua vào chính trường VFF sẽ có những cú trở cờ ngoạn mục vào phút chót, nhưng với những gì người ta đã nhìn, đã nghe, đã hiểu, ai cũng hy vọng thủ lĩnh mới ở VFF sẽ là một doanh nhân thay vì là người của Tổng cục như phần lớn những lần bầu bán trước đây. Bởi chỉ có những doanh nhân vốn nổi tiếng là dám nói dám làm, dám va chạm… như bầu Đức mới thực sự là một mẫu hình thủ lĩnh mà BĐVN đang cần.

Tuy nhiên, theo nhiều cuộc thăm dò uy tín thì ngoại trừ cựu bầu Nguyễn Đức Kiên - cha đẻ của ý tưởng thành lập VPF, cũng là người mà Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng nói: "Tôi sẽ giới thiệu anh ấy vào ghế Chủ tịch VFF khoá tới", phần lớn các doanh nhân khác đều ngại làm… thủ lĩnh ở VFF. Ngại không chỉ vì cái ghế ấy có thể sẽ lấy của họ quá nhiều thời gian, khiến họ không thể toàn tâm toàn ý trong công việc kinh doanh, mà còn vì cái ghế ấy có thể sẽ kìm nén tư duy họ, khiến họ không thể làm được những điều mình thực sự muốn làm cho bóng đá.

Và như thế, mặc dù phải hơn 2 tháng nữa, một tân thủ lĩnh ở VFF mới thực sự xuất hiện, nhưng sẽ là không quá bi quan nếu cho rằng: Ở bối cảnh hiện tại, đi tìm một thủ lĩnh đích thực ở VFF cũng giống như việc đi tìm một đôi cánh để… bay lên trời!?

Thủ lĩnh bất đắc dĩ…

Kể từ trước mùa  giải năm ngoái, khi VPF chính thức ra đời thì ông Võ Quốc Thắng đã lập tức ngồi vào ghế chủ tịch. Nhưng khi đó ai cũng bảo ông Thắng chỉ ngồi cho "đẹp ghế", chứ thủ lĩnh đích thực ở VPF phải là ông PCT Nguyễn Đức Kiên. Quả nhiên là hồi ấy trong nhiều cuộc họp báo của VPF, ông Kiên đều làm chủ diễn đàn, và trong nhiều quyết sách hậu trường của VPF, ông Kiên đều là người… giật dây.

Nhưng ông Kiên lại bất ngờ rơi vào vòng lao lý và thế là ông Võ Quốc Thắng lại phải thay ông Kiên làm nhiều việc đại sự. Công bằng mà nói thì trong vai trò của một "thủ lĩnh bất đắc dĩ", ông Thắng vừa nối tiếp những việc ông Kiên đang làm dang dở như chính thức trình làng Ban Tư vấn Đạo đức, nhưng lại khó trên khó dưới với những việc "của ông Kiên, nhưng bây giờ lại vắng bóng ông Kiên", mà điển hình nhất là việc thành lập một Hội đồng bảo trợ BĐVN, để kiếm tiền cho các đội trẻ Việt Nam và cho V.League.

Hy vọng là ông Thắng tiếp tục vững tin trên cái ghế thủ lĩnh mà mình "bị" đẩy lên, dù rằng những gì đang diễn ra khó khăn hơn rất nhiều so với những gì ông đã nghĩ.

Phan Đăng
.
.
.