Đi tìm thế mạnh của thể thao Việt Nam

Chủ Nhật, 24/09/2017, 15:10
2017 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của thể thao Việt Nam. Ngay lúc này, AIMAG – đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á đang diễn ra. Sau SEA Games 29, đây sẽ là một cơ hội khác để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh hơn về điểm mạnh, điểm yếu của thể thao Việt Nam. Bởi trước mắt sẽ là Asiad 18, mục tiêu quan trọng nhất trong lộ trình sắp tới.

Như khẳng định mới nhất của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, dù năm 2017 chưa đi qua nhưng đây là lúc thể thao Việt Nam cần tăng tốc trong chặng nước rút hướng về Jakarta – nơi diễn ra Asiad 18.

4-5 HCV là những con số thoạt nghe có vẻ khiêm tốn, nhưng thực chất là nhiệm vụ không hề đơn giản. Để hướng tới mục tiêu ấy, thể thao Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch chuẩn bị từ 3 năm trước. Và với những nhà quản lý và người làm chuyên môn cấp cao, những giải đấu khu vực và mang tính đặc thù như SEA Games và AIMAG sẽ là hệ tham chiếu chuẩn xác nhất cho thực lực của thể thao Việt Nam.

Các môn Olympic cơ bản đang nhận được sự đầu tư trọng điểm của ngành Thể thao.

Câu hỏi của tuần này, là từ những dữ kiện mới nhất ở các kỳ đại hội khu vực gần đây, điểm tựa cho thể thao Việt Nam cất cánh tại sân chơi châu lục sẽ là gì?

Tin vào chị em

Hình tượng người phụ nữ thực ra đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển 70 năm của ngành Thể dục thể thao Việt Nam. Không ít lần lá cờ Tổ quốc tung bay trên trường quốc tế nhờ những nỗ lực phi thường của nữ VĐV, HLV.

Cho tới bây giờ, không ai quên được hình ảnh Trần Hiếu Ngân – nữ võ sỹ Taekwondo chạy quanh khán đài giương cao quốc kỳ Việt Nam tại Sydney 2000 sau khi giành HCB Thế vận hội Sydney 2000, cũng là cột mốc đầu tiên của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thạch Kim Tuấn - HCV cử tạ AIMAG.

Ngay tại SEA Games 29, 34/58 HCV thuộc về công lao của các chị em, chiếm tỷ lệ 58%. Người mở khóa tài khoản cho thể thao Việt Nam tại Malaysia cũng là một nữ VĐV -  Dương Thúy Vi môn wushu. 

Qua chặng đường dài phát triển, nữ giới vẫn luôn là nguồn lực chính của thể thao đỉnh cao, là mỏ huy chương của ngành Thể thao quốc gia. 7/11 tấm HCV của Việt Nam tại 6 kỳ Asiad trở lại đây thuộc về các nữ VĐV.

Sự áp đảo của “phái yếu” thể hiện rõ rệt tại kết quả 3 Á vận hội gần nhất. Từ Asiad 2006, cả 5 HCV của Việt Nam đều thuộc quyền sở hữu của các nữ VĐV. Đặc biệt tại Doha, đứng trên vị trí cao nhất bục podium đại diện cho Việt Nam là các nữ VĐV (Vũ Nguyệt Ánh, Lưu Thị Thanh, Nguyễn Hải Thảo).

Điều tương tự diễn ra ở sân chơi khu vực SEA Games. SEA Games 27 ở Myanmar, 38/73 HCV đoàn thể thao Việt Nam giành được thuộc về các VĐV nữ, tức là hơn 50% tổng số huy chương.

Hai năm sau trên đất Singapore, các cô gái Việt Nam đem về 28 HCV (trên tổng số 73 HCV), nhưng đấy lại là kỳ đại hội mà số lượng VĐV nữ ít hơn số lượng VĐV nam (181v210) do nước chủ nhà loại rất nhiều nội dung sở trường trong thi đấu.

Đáng chú ý, là ở những môn thể thao Olympic cơ bản, Việt Nam luôn sản sinh ra những thế hệ nữ VĐV tiệm cận và thậm chí là đạt tới trình độ châu lục cũng như thế giới. Bơi lội có Ánh Viên, TDDC có Hà Thanh, Điền kinh có Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương.

Có rất nhiều lý do giải thích cho hiện tượng kỳ lạ ấy. Một phần, những môn thể thao được chú trọng đầu tư cho nam giới lại yêu cầu nền tảng thể lực vượt trội, một điểm yếu cố hữu của các nam VĐV. Trong khi đó, giải quyết vấn đề này hoặc đơn giản là rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác không phải chuyện ngày một ngày hai. Cần thời gian theo đơn vị năm, thậm chí là hàng thập kỷ để san lấp cách biệt sức vóc.

Nếu nhìn lại thành tích của “phái mạnh” tại các sân chơi quốc tế, phần lớn những tấm huy chương Asiad và Olympic giành được cũng tới từ các môn không thiên nhiều về sức lực. Ngoại trừ tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) ở Bắc Kinh 2008, những môn đem về vinh quang chủ yếu tập trung vào yếu tố tâm lý, “vượt qua chính mình”. Là Trần Đình Hòa (billiards), Lý Đức (thể hình) hay Hoàng Xuân Vinh (bắn súng).

 “Nữ cầm quyền”, vì thế, vẫn sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Nhưng trên cả tấm huy chương vô tri vô giác kia, những giá trị tốt đẹp sau cuối đọng lại của hình ảnh người phụ nữ Việt trên đường đua vinh quang mới đáng quý. Rất nhiều tấm gương là nữ VĐV đã luôn nỗ lực, thậm chí là hy sinh chính bản thân mình cho sự nghiệp thể thao chân chính.

Như hình ảnh Nguyễn Thị Oanh không ăn mừng HCV trên đường chạy 10.000m, để quay ra kéo Phạm Thị Huệ dậy thả lỏng khi nhận thấy người đồng đội có dấu hiệu kiệt sức và nhịp tim giảm nhanh: Ám ảnh, và đầy nhân văn.

Olympic trọng điểm

Ở thời điểm bài báo này xuất bản, đoàn thể thao Việt Nam dự AIMAG 5 ở Turkmenistan đã giành được 3 HCV. Càng đặc biệt hơn, khi cả 3 HCV này đều thuộc về những nội dung Olympic trọng điểm: 2 HCV cử tạ của Văn Vinh và Kim Tuấn, 1 HCV nhảy xa của Tiến Trọng.

Trong một diễn biến khác, Lê Tú Chinh tiếp tục cho thấy những tiến bộ vượt bậc ở đường chạy sở trường với tấm HCB ở cự li 60m. Dù chỉ về nhì, nhưng Tú Chinh chỉ kém người về nhất 4% giây (nữ VĐV của Kazakhstan) và 7 giây 36 cũng chính là kết quả tốt nhất từ trước đến nay của Tú Chinh.

Thể thao Việt Nam luôn lấy những “cô gái vàng” như Ánh Viên làm điểm tựa ở các sân chơi lớn.

Dường như, sau nhiều năm loay hoay phân loại các môn thể thao trọng điểm cần đầu tư đặc biệt, thể thao Việt Nam đã nhìn thấy con đường lâu dài và đúng đắn: Đầu tư cho các môn Olympic cơ bản. Cần nhớ, ngân sách cho thể thao đỉnh cao mỗi năm chỉ rơi vào khoảng 22 triệu USD, còn khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng (bằng 1/4 Malaysia và 1/6 Thái Lan). Chọn đúng môn đầu tư, dùng đúng tiền đúng chỗ là cực kỳ quan trọng.

Ở SEA Games 29, quan điểm ấy cũng được thể hiện rất rõ. Nhóm 5 môn Olympic truyền thống (chưa từng vắng mặt tại các kỳ Thế vận hội) gồm điền kinh, bơi lội, TDDC, đấu kiếm và xe đạp, đều giành những chiến thắng vang dội, với tổng cộng 36 HCV. 

Với 17 HCV, lần đầu tiên trong lịch sử, điền kinh Việt Nam qua mặt Thái Lan, xác lập vị thế số một trên đường chạy Đông Nam Á. Sự tiến bộ được thể hiện rõ ràng qua sự thay đổi số lượng huy chương qua từng đại hội. Hai kỳ SEA Games trước, Việt Nam đều đạt 11 HCV và bị Thái Lan bỏ cách một quãng xa đẳng cấp (khoảng 5-6 HCV).

Thành tích ấy càng đáng ghi nhận ở chỗ, Trưởng đoàn điền kinh Thái Lan đã dự tính Thái Lan chỉ cần giành 14 HCV là chắc chắn đứng nhất khu vực. Nhưng họ đã không ngờ rằng, sức bật của người Việt đã tăng lên gấp đôi.

Việc các môn Olympic áp đảo số bộ huy chương là lời khẳng định, Việt Nam đã không còn “ảo tưởng” về định danh đầy hoa mỹ nhưng thiếu thực tế “Top 3 khu vực”. HCV là tín hiệu đầu tiên của một nền thể thao đang phát triển, nhưng HCV ở bộ môn nào mới là cốt lõi của các nền thể thao. Chúng ta đã phần nào bỏ qua gánh nặng “bệnh thành tích”, không đặt ra những chỉ tiêu quá to tát về số lượng. Như tại AIMAG năm nay, TTVN chỉ đặt mục tiêu 8 HCV, nhưng sớm hoàn thành phân nửa định mức ở các môn Olympic.

Như phát biểu của đội bơi Việt Nam, mọi thành tích Ánh Viên đạt được ở các giải khu vực đều để hướng tới HCV Asiad. Ông Trần Đức Phấn hơn một lần nhấn mạnh, tất cả những sân chơi mang tính “địa phương” sẽ là tấm gương phản chiếu cho kế hoạch và mục tiêu tại Asiad và Olympic. Chúng ta có nội lực, nhưng thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu định hướng. Nhiều huy chương là đáng quý, nhưng những thành tích ấy sẽ chỉ thực sự mang ý nghĩa lớn lao nếu nó là bệ phóng cho những dự án lớn hơn.

Thật may, là những tín hiệu tích cực đã xuất hiện đúng lúc.

Tại sao phải thay đổi?

Trong nhiều năm qua, khi chúng ta vẫn “đau đáu” với số lượng huy chương tại SEA Games thì chính những đối thủ trong khu vực đã tự chọn cho họ một con đường khác, là đẩy mạnh thể thao Olympic.

Ở Asiad 16, trong khi Việt Nam chỉ có duy nhất 1 HCV thì tại khối ASEAN, thành tích của các nước láng giềng lần lượt là Thái Lan (11), Malaysia (9), Indonesia (4), Philippines (3). Ngay đến Myanmar vốn bị cô lập suốt hàng thập kỷ vẫn giành được 2 HCV. Đáng chú ý, trong 11 HCV Thái Lan giành được thì có tới 7 tấm thuộc các môn chuẩn Olympic, tiêu biểu là điền kinh và quyền anh.

Tại sân chơi Olympic, Việt Nam cũng “đội sổ” khi đặt lên so sánh với những người bạn trong khối. Việt Nam phải đợi tới Rio 2016 để có chiếc HCV đầu tiên (Hoàng Xuân Vinh, 10m súng hơi).

Trong 6 quốc gia Đông Nam Á từng ghi danh tại Olympic (cùng với Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines), tổng số huy chương của Việt Nam là ít nhất (4), chiếm… 4% toàn khu vực (90).

Sau SEA Games 29, các nhà quản lý đã có cái nhìn tổng quát và khách quan nhất về lộ trình, chiến lược phát triển thể thao. Rõ ràng, “kế hoạch 2020” Tổng cục TDTT phát động vào năm 2011 đã phát huy hiệu quả, khi Việt Nam đã có HCV Olympic và tới SEA Games trên tinh thần “Tập dượt các môn trọng điểm cho sân chơi thế giới”.

Đơn Ca
.
.
.