Đĩa CD trong kỷ nguyên nghe nhạc online

Thứ Năm, 04/10/2018, 11:27
Xu hướng nghe nhạc trực tuyến đang lấn át dần cách thức nghe nhạc truyền thống trên đĩa CD vốn thịnh hành từ lâu. Vì sao không ít ca sĩ hiện nay vẫn phát hành đĩa CD dù đĩa không bán được bao nhiêu, dù chấp nhận bù lỗ?

Ngày càng nhiều các trang nghe nhạc trực tuyến cuốn hút người nghe. Trước tiên vì sự tiện lợi của nó. Người nghe chỉ cần truy cập vào các trang trực tuyến là có thể nghe được những ca khúc của những ca sĩ mà mình yêu mến. Thậm chí, họ có thể download các tác phẩm mà mình yêu thích xuống, lưu trữ vào các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính là có thể nghe nhạc bất cứ lúc nào. 

Xu hướng nghe nhạc trực tuyến đang lấn át dần cách thức nghe nhạc truyền thống trên đĩa CD vốn thịnh hành từ lâu. Người ta lo ngại, kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ khai tử các loại đĩa CD, sự thực có đến mức như vậy? Vì sao không ít ca sĩ hiện nay vẫn phát hành đĩa CD dù đĩa không bán được bao nhiêu, dù chấp nhận bù lỗ?

Xu thế không thể cưỡng lại

10 năm trở lại đây, việc nghe nhạc trên các trang nhạc trực tuyến đã trở nên phổ biến trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ có thể cho phép người ta dễ dàng tiếp cận những sản phẩm âm nhạc chỉ sau một cú click đơn giản vào website hay ứng dụng trên điện thoại.

Ở một nước phát triển như nước Mỹ, doanh thu từ các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đóng góp khoảng ½ doanh thu cho cả ngành công nghiệp âm nhạc. Dù muốn hay không, thế giới hiện nay không thể nào phủ nhận, rằng việc nghe nhạc trực tuyến đã thay đổi nền âm nhạc trong suốt một thập kỷ qua, và sẽ còn là xu hướng chiếm lĩnh áp đảo đời sống trong những thập kỷ tới. Bởi chúng ta chưa thể hình dung những tiến bộ vượt bậc của công nghệ sẽ đạt đến mức độ nào. 

Sự dễ dàng trong nghe nhạc trực tuyến đang là thế mạnh thu hút công chúng âm nhạc, đặc biệt là giới trẻ. Người ta có thể nghe nhạc bất cứ nơi nào, lúc nào, mà không cần tới các đồ nghề nghe nhạc lủng củng kiểu như đĩa hát, máy cát-xét. 

Xu hướng nghe nhạc trực tuyến phổ biến trong giới trẻ.

Ở các nước tiên tiến, việc nghe nhạc trực tuyến phải trả tiền đã được thực hiện từ lâu, nhưng ở Việt Nam ta, nghe nhạc trực tuyến hiện nay phần lớn vẫn miễn phí. Nghĩa là anh không cần phải tốn tiền mua đĩa CD như trước, mà anh vẫn được nghe bất cứ ca sĩ nào, bài hát nào anh thích. 

Khoan hãy bàn đến chất lượng âm nhạc, việc chỉ cần được nghe miễn phí, nghe mọi lúc đã đáp ứng nhu cầu của phần lớn người yêu nhạc. Bởi xu hướng nghe nhạc online này mà cuộc đua của các nghệ sĩ trên thị trường nhạc online đang ngày càng trở nên căng thẳng, gay gắt hơn lúc nào hết. 

Việc đầu tư làm MV tung lên các trang nhạc trực tuyến đang thu hút nhiều ca sĩ. Họ xem đây là thị trường quan trọng phải dành lấy thị phần càng nhiều càng tốt. Ca sĩ nổi tiếng, ngôi sao hạng A làm MV để mở rộng khán giả, ca sĩ chưa nổi tiếng làm MV để thu hút sự tò mò của công chúng, tìm kiếm danh tiếng cho mình. 

Vấn đề làm thế nào để một MV khi tung lên trên các trang trực tuyến tạo được độ hot đang là mối quan tâm hàng đầu của các ca sĩ trẻ, các ca sĩ thị trường. Nhiều người trong số họ không ngại dùng các chiêu trò để lôi kéo khán giả. Có người quan niệm, càng đánh vào sự tò mò của khán giả để họ click vào ca khúc của mình  càng tốt. 

Chạy theo số lượng người theo dõi, nên thị trường nhạc online đang trăm hoa đua nở, đủ kiểu đủ loại, thượng vàng hạ cám. Âm nhạc online đang sản sinh ra một thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ kiểu mới. Họ có tâm lý ăn xổi, làm sao để nổi tiếng thật nhanh. 

Nhưng theo quy luật đào thải tự nhiên, nhiều gương mặt nổi đình nổi đám trong thế giới nghe nhạc online một thời điểm nhưng sau đó thì lặn mất, không sủi tăm. Bởi những gì họ mang đến không hẳn là âm nhạc. Nó chỉ là những mua vui đánh vào tâm lý tò mò của công chúng. 

Tuy nhiên cũng có không ít tên tuổi nổi bật trên thị trường âm nhạc trực tuyến trở thành những ngôi sao có chỗ đứng vững chắc trong đời sống âm nhạc. Họ là những người vừa có tài năng vừa nhanh nhạy, thức thời, biết nắm bắt xu thế để khuếch trương tên tuổi mình như Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Hồ Quang Hiếu...

Ca sĩ Hoàng Quyên phát hành album “Sóng hấp dẫn” hát nhạc Võ Thiện Thanh - Quốc Bảo hồi đầu năm 2018.

Đĩa CD có biến mất?

Giống như trong ngành công nghiệp in ấn, người ta lo ngại những tờ báo giấy, những cuốn sách in sẽ biến mất bởi xu hướng đọc online. Nhưng thực tế, các sản phẩm văn hóa đọc từ giấy vẫn tồn tại bởi chúng có những vẻ đẹp văn hóa riêng không dễ gì các sản phẩm online có thể thay thế. 

Trang âm nhạc, với nhiều tín đồ âm nhạc, việc nghe nhạc online không được đánh giá cao, ngoài sự tiện lợi. Thông thường chất lượng nguồn âm nhạc không cao, bị hạn chế bởi thiết bị và chất lượng đường truyền. Nghe nhạc thực sự với người cẩn trọng, khó tính, phải là có một không gian "đúng chất" để tận hưởng, với chất lượng âm thanh đúng chuẩn. 

Việc bỏ chiếc đĩa CD vào máy hát, nghe trong không gian riêng, chủ động là việc của người nghiện CD và có thái độ thưởng thức âm nhạc cao cấp, nó khác với việc nghe nhạc bất cứ đâu trên chiếc điện thoại, trong sự không ổn định của mạng internet hay trong sự ồn ào hỗn tạp của không gian xung quanh.

Ca sĩ Mỹ Tâm ký tặng CD cho khán giả hâm mộ mình.

Xu hướng nghe nhạc trực tuyến đã giảm số lượng đĩa CD phát hành hàng năm xuống mức thấp nhất. Thu nhập của các ca sĩ từ CD là gần như không có, khác hẳn với tình hình trước kia khi chưa có mạng Internet. 

Theo thống kê của tạp chí danh tiếng Billboard, doanh thu từ đĩa CD của ca sĩ nói chung hiện nay chỉ chiếm khoảng 9% thu nhập của họ. Con số quả là khiêm tốn. Nhưng dù vậy, ngay cả những ca sĩ nổi tiếng hàng đầu thế giới dù không ồ ạt, liên tiếp ra album, họ vẫn duy trì một vài năm một sản phẩm. Bởi đối với họ, một album nhạc cầm trên tay, vẫn là một giá trị tinh thần quan trọng, có ý nghĩa hơn cả triệu lượt view trên các trang mạng.

Nhìn lại thị trường âm nhạc Việt Nam vài năm trở lại đây, việc ra album của nhiều ca sĩ vẫn đều đều. Các ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Thái Bảo, Tùng Dương, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng... luôn yêu thích việc đầu tư, phát hành đĩa nhạc. 

Ca sĩ Thái Bảo chia sẻ: "Tôi biết là thời buổi này đầu tư làm đĩa nhạc chỉ lỗ, chứ không thể lãi. Bởi ai cũng nghe nhạc trên điện thoại, máy tính cả rồi mà. Nhưng với riêng cá nhân tôi, việc làm một đĩa nhạc vẫn hết sức thiêng liêng. Sản phẩm đó giống như đứa con của mình. Mình phải mất nhiều thời gian chăm chút cho nó từ việc chọn bài đến hòa âm phối khí, và quan trọng hơn là công đoạn thu âm. 

Nói chung mọi ý tưởng của mình được thực hiện tối đa trong một CD. Dù bán không được nhiều nhưng cầm một đĩa nhạc trên tay tôi vẫn vô cùng xúc động. Tôi tin rằng những người nghe nhạc thực sự, trừ những lúc tiện nghe trên online, còn lại họ vẫn yêu thích việc nghe đĩa, trong một buổi đẹp trời, trong không gian riêng của họ". 

Ca sĩ thính phòng Lan Anh quan niệm: "Nhiều khi từ đĩa nhạc người ta biết đến mình nhiều hơn. Nghe đĩa nó khác với nghe trên điện thoại, trên máy tính lắm, nhất là về mặt âm thanh. Tôi không thể ngừng việc ra đĩa vì nó còn là sản phẩm đánh dấu từng giai đoạn làm nghề của mình. Nó là thứ mình để lại được cho mai sau, cho những người thân yêu, con cái mình. Nó là tài sản tôi có thể cầm được, sờ được, cảm nhận được". 

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ với báo giới, dù anh không sống được nhờ doanh thu của CD nhưng việc phát hành CD có giá trị tinh thần to lớn với anh và những người yêu mến anh, nhất là sau này nếu anh không đi hát nữa. 

Nữ ca sĩ Mỹ Tâm cũng có thái độ đặc biệt trân trọng với CD. Dù có lượng người theo dõi rất lớn trên các trang trực tuyến, nhưng Mỹ Tâm vẫn không quên chăm chút cho các sản phẩm đĩa CD của mình. Những ca khúc đã thu âm trong các đĩa CD phát hành, Mỹ Tâm không cho phép đưa lên các trang trực tuyến để bảo vệ bản quyền. Nghĩa là nữ ca sĩ mở ra lựa chọn cho các fan hâm mộ. Rằng bạn muốn nghe ca khúc nào đó mà nó nằm trong CD thì bạn phải mua CD, còn nếu nghe trên mạng, bạn chỉ có thể nghe những ca khúc ca sĩ đã tung MV chẳng hạn.

Dù thu nhập từ đĩa CD rất thấp nhưng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn mặn mà việc phát hành CD tới người hâm mộ.

CD được ví như linh hồn của các ca sĩ. Những ý tưởng độc đáo, ấn tượng đều được thực hiện trong các đĩa nhạc. Nó còn là một sản phẩm có thể lưu trữ được lâu theo thời gian, mà ít có nguy cơ biến mất như nghe nhạc trực tuyến, khi một trang nghe nhạc bị xóa, bị hacker đánh sập, hay thậm chí là đường truyền internet có vấn đề.

Trong một số khảo sát cho thấy, người yêu âm nhạc thực sự vẫn luôn thích nghe nhạc trên đĩa CD hơn nghe nhạc trực tuyến vì những ca khúc trong CD đều được định dạng với chất lượng âm nhạc cao nhất. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nét nhất, thông điệp âm nhạc mà người ca sĩ muốn mang tới cho khán giả. Cảm xúc nghe một album dưới định dạng CD vẫn "đã" hơn khi nghe nhạc miễn phí trên các website nghe nhạc trực tuyến.

Một lý do khác nữa, là khi người yêu nhạc chạm tay vào một album thực, một sản phẩm hiện hữu có gì đó hạnh phúc hơn, sung sướng hơn khi nghe một sản phẩm trên thế giới ảo. Người nghe hiểu rằng mình cầm trên tay thành quả lao động nghệ thuật của người ca sĩ, góp phần giúp ca sĩ mình yêu thích có động lực sáng tạo ra sản phẩm mới.

Thử làm một phép tưởng tượng, nếu một ngày tất cả các trang âm nhạc trực tuyến bị xóa, mất tích trong thế giới mạng, thì những đĩa nhạc CD sẽ trở nên giá trị biết nhường nào. Chúng là những di sản văn hóa. Giống như những cuốn sách in trên giấy sẽ còn mãi bên người đọc, cho dù tất cả những cuốn sách trên mạng có biến mất. 
Hội Vũ
.
.
.