Diều vàng có còn hấp dẫn?

Thứ Bảy, 21/04/2018, 13:00
Giải Cánh diều vàng 2018 được trao cho “Cô Ba Sài Gòn” là một bất ngờ đối với giới làm nghề. Nhìn vào hệ thống giải thưởng năm nay của Cánh diều ở mảng điện ảnh, không thấy nhiều tia sáng như các nhà quản lý vẫn trả lời báo chí. Thậm chí nó ảm đạm và buồn hơn. Liệu cánh diều có còn là giải thưởng được chờ đợi hàng năm?


Câu hỏi này vẫn lặp lại trong nhiều năm gần đây, khi điện ảnh Việt và các giải thưởng uy tín của hội nghề nghiệp đang bị soán ngôi bởi dòng phim thị trường. Ngay cả một giải thưởng uy tín như Bông Sen Vàng 2017 cũng trao cho một bộ phim thuần túy giải trí như “Em chưa 18” thì chắc chắc, dù có bao biện tiêu chí giải thưởng không thay đổi, các nhà làm phim theo đuổi dòng phim nghệ thuật sẽ không còn mặn mà với giải. 

Phim “Cô Ba Sài Gòn” chiến thắng chưa thuyết phục.

Cánh diều vàng năm ngoái cũng loại “Cha cõng con”, một bộ phim giản dị, xúc động khỏi các giải thưởng chính thức và đạo diễn Lương Đình Dũng đã không ngần ngại khi trả lại giải thưởng mang tính “động viên” của Ban Giám khảo. 

Năm nay, một bộ phim được đánh giá cao về mặt nghề nghiệp như “Đảo của dân ngụ cư” cũng phải rất khó khăn mới lọt được vào vòng xét giải. Và cuối cùng “Đảo của dân ngụ cư”- bộ phim để lại nhiều dấu ấn sáng tạo nghệ thuật riêng cũng chỉ nhận được Bằng khen của Cánh diều.

Trong số gần 40 phim Việt ra rạp năm qua, chỉ có vỏn vẹn 13 phim tham dự giải Cánh diều. “Bạn gái tôi là sếp”, “Giấc mơ Mỹ”, “Em chưa 18”, “Mẹ chồng”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Ở đây có nắng”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”, “Sắc đẹp ngàn cân”, “Ngày mai Mai cưới”, “Đảo của dân ngụ cư”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Yêu đi đừng sợ”, “Dạ cổ hoài lang”… Những bộ phim gây chú ý khi ra rạp như “Lô Tô” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, “Lôi Báo” của Victor Vũ, hay “Khi con là nhà” của Vũ Ngọc Đãng đều không tham dự.

Kiều Minh Tuấn (phải) dành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất.

Dễ nhận ra, “Đảo của dân ngụ cư” và “Dạ cổ hoài lang” và “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” thuộc dòng phim nghệ thuật. Một số phim thuần túy giải trí như “Em chưa 18”, “Mẹ chồng”, một số phim thuộc loại thảm họa chỉ tham dự cho vui như  “Ngày mai Mai cưới”, “Giấc mơ Mỹ”.

“Cô Ba Sài Gòn” và “Cô gái đến từ hôm qua” nằm giữa hai thể loại này. “Cô Ba Sài Gòn” là tác phẩm mà Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất, đồng thời sắm một vai trong phim. Tác phẩm thuộc dòng tâm lý - giả tưởng với chủ đề về tà áo dài thắng giải quan trọng nhất là Cánh diều vàng cho phim truyện điện ảnh, cùng giải Biên kịch xuất sắc. 

Trong khi đó, “Cô Ba Sài Gòn” đã gặp nghi vấn ngay sau khi ra mắt, không ít người đã chỉ ra rằng mạch truyện đó “nhang nhác” câu chuyện trong “The Devil Wears Prada - Yêu nữ thích đồ hiệu” (2006) của người Mỹ. Vì thế, việc trao giải cho “Cô Ba Sài Gòn” không thuyết phục được giới làm nghề. 

“Nhưng đó là phim cao nhất tính theo số phiếu bầu, hơn nữa, phim cũng được đầu tư với số tiền lớn”. Một vị giám khảo bao biện dù ai cũng hiểu giải thưởng nghệ thuật không đồng nhất với việc phim được đầu tư nhiều hay ít, mà chắc chắn phải là chất lượng nghệ thuật của bộ phim.

Không chỉ ở hạng mục phim, mà nhìn vào thế hệ diễn viên, các giải chính được trao cho Nhã Phương trong “Yêu đi đừng sợ” và Kiều Minh Tuấn trong “Em chưa 18”. Nhã Phương coi giải diễn viên chính là “phao cứu sinh” trên con đường làm nghệ thuật của chị, còn Kiều Minh Tuấn, thực tế, cũng không có ai có vai diễn nam nào để lại ấn tượng hơn.

Cánh diều hai năm nay hoàn toàn thiếu vắng tiếng nói của các nhà làm phim độc lập. Họ là những người quyết liệt đi con đường của mình, nhưng lại không mặn mà với các giải thưởng trong nước.

Chính đạo diễn Phan Đăng Di nói: “Đây là giải thưởng của Hội nghề nghiệp nên chúng ta cần có sự khắt khe trong việc đánh giá các tác phẩm điện ảnh, phải có tiêu chí rõ ràng, có gì mới, muốn tìm cái gì, nó có phản ánh được đời sống xã hội hay không. Vậy chúng ta phải cập nhật với thế giới, xem xu hướng điện ảnh của thế giới đang đi đến đâu. Bản thân hội cũng phải mở rộng các thành viên, mời những người trẻ có nghề, hợp tác với thế giới. Nếu chỉ bó hẹp mãi trong đất nước mình thì nền điện ảnh sẽ mãi mãi lạc hậu, không đi xa được”.
Hai phim dành giải Cánh diều Bạc.

Hai năm nay, xu hướng xã hội hóa khiến điện ảnh Việt khởi sắc, nhiều phim đạt doanh thu “kỷ lục” phòng vé. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng không khỏi lo lắng khi điện ảnh vẫn thiếu vắng những bộ phim hay, ám ảnh người xem. Vì sao nhiều năm gần đây, các nhà làm phim không còn mặn mà với giải thưởng? 

Vì sao Cánh diều không còn là giải thưởng uy tín? Đó là một câu hỏi lớn sau mỗi mùa liên hoan. Cánh diều muốn “bay cao” thì các tác phẩm tranh giải phải có thực lực, những tác phẩm được giải, bản thân nó phải là các giá trị. Còn không, sự thờ ơ của giới làm nghề và khán giả sẽ ngày càng lớn hơn.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang: Các giải thưởng có xu hướng nghiêng về phim thị trường?

Khi chấm giải, tiêu chí nêu ra là đề cao tính nghề nghiệp và hiệu ứng xã hội của tác phẩm, giá trị nhân văn mà tác phẩm mang lại. Với tôi “Em chưa 18” có thể thành công ở Liên hoan phim nhưng ở giải Cánh diều, nó chưa được đánh giá cao vì phim không Việt Nam lắm, nó chỉ phản ánh một đời sống hạn hẹp của một bộ phận giới nhà giàu, chủ đề lại còn thiếu nhân văn, thậm chí phản giáo dục khi một đứa trẻ đang tuổi học trò mà nghĩ ra nhiều mánh lới trong tình yêu, không còn sự trong sáng. 

“Cô Ba Sài Gòn” tuy chưa hoàn hảo (trong 13 phim dự thi không có phim nào hoàn hảo) nhưng có ý tưởng tốt, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa dân tộc, một câu chuyện xuyên thời gian, không gian, làm khá hấp dẫn, nói được vấn đề phim đặt ra, và có nghề. Trong số những phim tham dự thì phim này có vẻ khá nhất.

Có thể nói rằng, chất lượng phim Việt cũng là vấn đề rất đáng bàn. Nhiều năm gần đây, đa số là phim thị trường, chiều theo thị hiếu khán giả. Bản thân phim không còn được như ngày xưa, không đặt ra được những vấn đề xã hội sâu sắc, gần gụi với người Việt và có tính nghệ thuật cao. 

Đó là những giá trị được đặt lên hàng đầu khi bình xét chọn giải, trao giải cho phim. Nếu xét trên những tiêu chí đó thì những năm gần đây, chúng ta không có phim để trao giải. Tuy nhiên, đây là giải thường niên nên vẫn chỉ là “so bó đũa, chọn cột cờ” mà thôi, phim nào được điểm cao nhất thì giành giải. 

Còn riêng cá nhân tôi, tôi đánh giá cao phim “Đảo của dân ngụ cư” của đạo diễn Hồng Ánh, dù các nhân vật trong phim chưa thuyết phục vì họ khá yếu đuối, tội nghiệp và hình như phim bị cắt nên chưa lý giải được bi kịch một cách thấu đáo. Nhưng đó là bộ phim có chất điện ảnh nhất trong các phim tham dự. Tuy nhiên, Ban giám khảo 11 người, có những quan điểm khác nhau. 

Từ khi có tiêu chí đánh vào “hiệu ứng xã hội” của phim thì giải thưởng Cánh diều lại có vẻ nghiêng về phim thị trường, không giữ được tính nghệ thuật của giải nghề nghiệp nữa. Năm ngoái, phim “Cha cõng con” cũng bị loại ra ngoài các giải chính. 

Chúng ta cần trân trọng những người đang đi tìm tòi, sáng tạo, có đóng góp tiếng nói mới cho điện ảnh. Nhìn vào đó để thấy bức tranh điện ảnh nghèo nàn. Chúng ta không có những bộ phim tốt thì cũng không có đất cho diễn viên thể hiện mình, vì thế, chúng ta cũng thiếu hụt luôn các thế hệ diễn viên kế cận, lớp nọ nối tiếp lớp kia.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn: Lâu rồi chúng ta ít có phim hay

Tôi ủng hộ những tiếng nói mới của các bạn trẻ. Thế hệ chúng tôi không có điều kiện làm phim như các bạn. Có nhiều điều chúng tôi phải học các bạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chúng ta vẫn cần nhiều hơn những tiếng nói sâu sắc về đời sống và con người Việt Nam. 

Phim Việt thời gian qua đã giải được bài toán thị trường, nhiều phim có doanh thu cao, nhưng nhìn số lượng tham dự giải Cánh diều lại khá nghèo nàn. Nếu đổ lỗi cho Ban Giám khảo già và cũ khi trao cho “Cô Ba Sài Gòn” cũng không đúng, vì xét cho cùng, đó là phim có thể đáp ứng cả hai tiêu chí giải trí và nghệ thuật ở mức vừa phải. 

Tôi cũng nghĩ, giải thưởng có vẻ như không còn hấp dẫn giới làm nghề, các nhà sản xuất, đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Bản thân giải giá trị thì nó phải có các tác phẩm giá trị. Vì sao người ta hay so sánh với ngày xưa, vì ngày nay, dù công nghệ, điều kiện tốt hơn, nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn thiếu vắng những bộ phim hay, những bộ phim có thể lay động tâm hồn mọi người. Lâu rồi chúng ta không có những thước phim như thế.

Hạnh Nguyên
.
.
.