Đoàn Kịch nói Công an nhân dân: Miền xa lưu diễn

Thứ Hai, 18/07/2016, 12:56
Trong một khán phòng chật hẹp, đồ đạc ngổn ngang và có phần bức bối chưa đầy 100m2, anh chị em nghệ sỹ của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân (CAND) đang say mê tập vở “Bão” để tháng 11 tới đây tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế diễn ra tại Hà Nội. Nếu không hỏi thì chẳng ai biết rằng, cách đó 2 ngày, họ mới đặt chân về Hà Nội sau một tháng rong ruổi lưu diễn tại các miền xa.


Chuyến lưu diễn mới đây nhất của Đoàn Kịch nói CAND kéo dài trong một tháng, bắt đầu ở mảnh đất Ninh Bình và kết thúc ở tỉnh cao nguyên Lâm Đồng. Trên chuyến xe ôtô bon bon lưu diễn rong ruổi gần 20 tỉnh, thành lần này, các nghệ sỹ của lực lượng CAND đã mang theo một trong những đặc sản có tính thương hiệu của mình, đó là vở chính kịch “Quyết đấu giữa sương mù” (Kịch bản: Nhà văn Chu Lai, Đạo diễn: NSND Lê Hùng).

Đây là một tác phẩm được dàn dựng công phu và từng gây ấn tượng tốt tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ CAND lần thứ III – 2015.

Từ khi đổi hướng khai thác về hình tượng Công an, những vở diễn của Đoàn luôn được công chúng đón nhận và hưởng ứng.

Tỉnh nào, Đoàn cũng diễn một đêm. Có tỉnh, vì tính chất phức tạp của địa hình,  Đoàn diễn 2 đêm, để anh em chiến sỹ cũng như người dân  có cơ hội được thưởng thức một tác phẩm kịch mang tính nghệ thuật cao.

Khi được hỏi, nếu tỉnh nào cũng diễn đi diễn lại một vở kịch như thế liệu có nhàm chán không thì Đại tá – NSƯT Nguyễn Hải, Phó Trưởng Đoàn Kịch nói CAND nói rằng, với sân khấu, có một đặc điểm của thể loại này, đó là người diễn viên có thể tự rút kinh nghiệm liên tục, sửa sai liên tục nên các đêm sẽ không có đêm nào giống đêm nào.

Và những người nghệ sỹ của Đoàn Kịch nói CAND đã có 20 đêm diễn “Quyết đấu giữa sương mù” mà không đêm nào giống đêm nào, nhất là với khán giả ở những nơi xa xôi toàn đèo dốc như vùng Tây Nguyên chẳng hạn.

Được biết, để có một tác phẩm lưu diễn hoàn chỉnh, tùy theo từng tác phẩm được đánh giá bậc 4,3 hay 2 và tùy theo độ khó của mỗi kịch bản mà anh chị em Đoàn Kịch nói phải luyện tập trong một tháng hoặc hơn. Có những khoảng thời gian cao trào, vì yêu cầu công việc, phải luyện tập ngày 2 buổi. Sáng tập, chiều tối tập nữa.

Đại tá – NSƯT Nguyễn Công Bảy, Trưởng Đoàn Kịch nói CAND kể rằng: “Thực ra không có nơi nào trên đất nước này mà các nghệ sỹ của lực lượng CAND chưa đặt chân đến. Anh chị em lên tận Móng Cái, rồi vào tận Đất Mũi. Những huyện miền núi khó khăn, có nơi nào không có dấu chân của Đoàn?”. Có những buổi diễn không có ghế, cán bộ chiến sỹ phải ngồi bệt xuống đất và khoanh chân xem. Đoàn rất trân trọng và cảm động.

“Nói như thế, không có nghĩa ở nơi khác chúng tôi không trân trọng. Nhưng dẫu sao, so với những khán phòng Nhà Hát Lớn, nơi có ghế salon và máy lạnh, cái không khí mộc mạc, lấm lem bùn đất ở những mảnh đất còn nhiều khó khăn và lam lũ ấy, vẫn dậy lên một thứ tình cảm thân thương và trìu mến lạ lùng”, NSƯT Công Bảy cắt nghĩa.

Khác với lĩnh vực ca nhạc, điều kiện để một vở diễn có thể bắt đầu, đó là phải có một địa bàn, phải có một sân khấu. Nhưng thậm chí có những nơi khi đến như Sơn La, Điện Biên…, cả sân khấu cũng không có mà diễn.

Những lúc như thế, anh chị em nghệ sỹ phải diễn trực tiếp. Và cái bãi đất trống trơn kia, có khi cũng biến thành một sân khấu di động đầy màu sắc.  

Cũng có khi diễn ngoài trời, bất ngờ mưa đổ về ào ào. Có hôm đang diễn phải ngắt quãng, mưa xong mới diễn tiếp. Tưởng mưa, bà con sẽ bỏ về hết. Nhưng không. Họ vẫn mặc áo mưa ngồi đấy.

Cũng có những đêm diễn, xếp đồ lên xe xong, toàn bùn và đất. Lại có ngày mưa liên miên không ngớt, dựng sân khấu xong rồi để đấy. Ai cũng cảm thấy rất buồn vì tình cảm muốn gửi gắm chưa đến được trái tim người nhận.

Có những chuyến công tác đi nối tỉnh, vì thời tiết nên hoãn diễn tỉnh này, phải đi vùng khác diễn cho kịp lịch trình nhưng trước khi đi, vẫn không quên thông báo cho bà con rằng chúng tôi diễn ở tỉnh này, tỉnh kia... Ngày… sẽ trở lại diễn bù, phục vụ lại bà con”.

“Như  một cách trả nợ tấm chân tình của đồng bào mình vậy. Đã nói trở lại thì sẽ trở lại. Một lần bất tín, vạn sự bất tin. Với lại, toàn là nhân dân mình vùng sâu vùng xa, lâu lâu mới được xem một tác phẩm nghệ thuật theo kiểu trực tiếp, mình không nỡ”, một nghệ sỹ của Đoàn nhớ lại.

Một năm Đoàn Kịch nói CAND có khoảng 70-80 đêm lưu diễn trên cả nước. Đồng bằng, miền núi, biên giới, hải đảo đủ cả. Có những chuyến công tác kéo dài trong nhiều ngày. Nhanh thì một tháng, lâu có khi 2 tháng Đoàn mới quay xe trở về Hà Nội. Có những hành trình đi diễn bằng đường bộ, đường thủy, đường không.

Nhắc đến những chuyến lưu diễn của Đoàn Kịch nói CAND, không thể không kể lại chuyến công tác ra Côn Đảo năm ngoái. Lần đó, Đoàn đưa hơn 50 nghệ sỹ ra diễn vở “Người tù trao áo” (tác giả: NSƯT Bùi Vũ Minh, Đạo diễn: NSND Lê Hùng và NSƯT Công Bảy) ngay tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Câu chuyện về người cán bộ cách mạng trung kiên Vũ Văn Hiếu, Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên ở Quảng Ninh, trước khi mất đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí Lê Duẩn, một bạn tù ở Côn Đảo, đã được anh chị em nghệ sỹ của Đoàn tái hiện một cách sinh động tại mảnh đất linh thiêng Côn Đảo.

Kể lại những kỷ niệm xung quanh chuyến công tác này, trên gương mặt NSƯT Công Bảy vẫn đọng lại nhiều xúc động. Xúc động bởi đây là vở diễn nói về gương những anh hùng liệt sỹ đã hi sinh, đặc biệt về những tiền bối cách mạng, những chiến sỹ cộng sản kiên trung đã ngã xuống tại nhà tù Côn Đảo. Xúc động bởi mình đang diễn ngay trên mảnh đất mà ở bên dưới, có khi chẳng ai đếm được bao nhiêu bộ hài cốt đến nay vẫn chưa có tên có tuổi.

Đoàn Kịch nói CAND trong một chuyến công tác.

Xúc động bởi trong hơn 3.000 bà con Côn Đảo ngày hôm ấy, rất tình cờ có Đoàn mấy chục người là cựu tù Côn Đảo ra thăm “địa ngục trần gian” của một thời, xem đến màn diễn thứ 2,3 là khóc. Khóc vì họ là những con người Côn Đảo bằng xương bằng thịt năm xưa. Kỷ niệm ùa về... Xúc động bởi nghĩa trang Hàng Dương hôm đó nhiều gió quá.

Đó cũng là chuyến công tác vất vả nhưng kỳ lạ. Không chỉ ở việc phải tính toán làm sao để chở hơn 50 con người ra đến nơi mà còn bao nhiêu thiết bị, đạo cụ cồng kềnh, lênh đênh trên biển.

Theo lịch, Đoàn sẽ diễn  lúc 7 rưỡi tối thì 5 giờ chiều trời đổ mưa tầm tã. Cảm tưởng mưa sẽ không ngớt. “Sau đó, tôi và đồng chí lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân Côn Đảo ra nghĩa trang thắp hương xin các cụ, rằng nếu có điều gì đó trong vở kịch nói có thể chưa đúng thì xin các cụ lượng thứ.

Bởi dù sao khi nhắc lại chuyện ngày xưa, cũng toàn là sử sách để lại, bậc con bậc cháu lắm lúc cũng chưa tường tận hết được. Tới 7 giờ đúng thì trời tạnh mưa. Tạnh trước lịch diễn 30 phút. Linh thiêng vô cùng. Mặc dù “Người tù trao áo” được công diễn nhiều nơi nhưng diễn thăng hoa nhất phải nói đến lần diễn trên đất Côn Đảo”, NSƯT Công Bảy nhớ lại.

Ảnh chụp lưu niệm của Đoàn trong một lần lưu diễn.

Ngày xưa, nói đến kịch CAND người ta ngại xem. Bảo, lại mấy ông Công an bắt gián điệp hoặc ca ngợi chiến công một cách trực diện. Điều đó trở thành một mô típ khô cứng. NSƯT Công Bảy nói, ngợi ca trực diện cũng đúng nhưng khán giả không tiếp nhận được.

Từ khi đổi hướng khai thác về hình tượng Công an, khai thác ở khía cạnh đời thường, ở những hi sinh mất mát quá lớn, những vở diễn của Đoàn luôn được công chúng đón nhận và hưởng hứng. Rạp lúc nào cũng kín người. Có nhiều vụ án tác phẩm chỉ điểm qua nhưng lại xoáy sâu vào những câu chuyện đằng sau, đôi khi đó là cả một mất mát lớn, Công an phải trả giá để có được thành công ấy.

Và Công an cũng ăn uống sinh hoạt như mọi người bình thường nhưng họ phải khoác trên mình những nhiệm vụ nặng nề mà có khi không nói thì không ai hiểu. Và có những người Công an giấu mình đi, đến cuối đời vẫn không thể nói được mình là ai,  ví dụ như các đồng chí tình báo. Có những người khi ngã xuống, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, lúc đó vợ con mới biết.

Tôi hỏi anh, người nghệ sỹ CAND thì sẽ khác người nghệ sỹ nói chung như thế nào? NSƯT Công Bảy nói rằng, nghệ sỹ CAND đi liền với hai chữ “chiến sỹ”. Nghệ sỹ - chiến sỹ luôn song hành với nhau nên lúc nào cũng phải ở thế xung phong. Và họ, những nghệ sỹ khoác trên mình sắc phục CAND là những chiến sỹ tuyên truyền trực tiếp, sống động bằng hình tượng, bằng những mảnh đời thật trên sân khấu.

Đậu Dung
.
.
.