Đoàn Văn Nirut: "Tôi thần tượng Lê Huỳnh Đức…"

Thứ Sáu, 20/04/2012, 10:08

Cựu tuyển thủ Thái Lan Đoàn Văn Nirut tâm sự: “Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt Nam duy nhất tôi thích. Hồi còn thi đấu anh ấy là một trung phong đích thực, một người khiến cho mọi hàng phòng ngự ĐNA đều phải nể sợ. Đến khi làm HLV anh ấy cũng rất có uy và tỏ ra là người chuyên nghiệp”.

Gần 10 năm ăn cơm Việt Nam, cựu tuyển thủ Thái Lan Đoàn Văn Nirut gần như đã là một người Việt Nam thực thụ và vì thế đã hiểu "chân tơ, kẽ tóc" bóng đá Việt Nam. Suốt 10 năm đó, Nirut từng rất nhiều lần được giới truyền thông đề nghị nói những suy nghĩ của mình về bóng đá Việt Nam và so sánh bóng đá Việt Nam với bóng đá Thái Lan quê mình, nhưng trước sau như một anh đều lắc đầu từ chối.

Thế nên chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chính Nirut lại là người chủ động đề nghị cuộc nói chuyện dưới đây - cuộc nói chuyện mà như giải thích của anh thì: "Cũng đã đến lúc phải nói, và nói một lần cho hết…". Thời điểm này, nhiều thông tin hậu trường cho hay Nirut đang tính chuyện bỏ V.League để về chơi Thái League - và đấy có phải là nguyên nhân thực sự khiến anh "nói một lần cho hết" hay không?

Chuyên gia tiếng Việt …"sợ vợ"

- Người ta gọi anh là "chuyên gia tiếng Việt" khi là cầu thủ ngoại thành thạo tiếng Việt nhất?

- Trong chừng ấy thời gian sống ở Việt Nam thì không chỉ riêng tôi mà nhiều cầu thủ khác cũng nói tiếng Việt tốt. Có điều là họ chỉ học cách giao tiếp, còn tôi học thêm ngữ pháp lẫn tiếng viết chữ Việt, tiếng nói các vùng miền, qua cách tìm hiểu đó tôi cũng hiểu thêm về văn hoá của Việt Nam, nên cách phát âm cũng rõ ràng hơn. Ngoài tiếng Việt, tôi cũng thành thạo tiếng Anh không kém. Tôi nghĩ với một cầu thủ chuyên nghiệp thì ngoại ngữ luôn rất cần thiết và điều bắt buộc.

- Tôi thấy nhiều cầu thủ ngoại cũng ở Việt Nam cả chục năm, hay như ông Calisto đấy, cũng chỉ nói được đôi - ba câu xã giao đấy thôi. Người ta bảo tiếng Việt khó học lắm?

- Chắc họ không chịu học thôi (cười). Nói vậy chứ, những người phương Tây sẽ học tiếng của châu Á khó hơn người của mình. Tôi thấy tiếng Việt rất thú vị và cuốn hút tôi hơn cả tiếng Anh. Ví dụ như trong cách xưng hô thì ngôi thứ cũng khác, anh - em, bạn bè, cha - con đều phân định rõ ràng, còn tiếng Anh họ dùng chung luôn… Đó chính là sự khác biệt văn hoá của phương Đông và phương Tây. Học bất cứ cái gì mình thấy cuốn hút cũng dễ dàng hơn.

- Vậy anh học tiếng Việt như thế nào?

- Nói anh không tin chứ tôi toàn tự học cả. Tôi mua sách và nhất là tối nào cũng bật VTV4 xem các chương trình truyền hình của Việt Nam có phụ đề tiếng Anh, qua đó tôi cũng hiểu thêm về người Việt Nam. Tôi mất khoảng 3 năm thì thành thạo cả nói lẫn viết. Bây giờ tôi cũng có thể nói và nghe tiếng của ba miền.

- Gia đình anh cũng nói tiếng việt tốt chứ?

- Tôi đưa vợ con sang Việt Nam, mua nhà ở Gia Lai và sống, làm việc và học tập cả mấy năm nay. Tôi cũng rất chú trọng bảo vợ con cách học tiếng Việt nên giờ cả vợ và hai con tôi đều nói tiếng Việt rất tốt, con thì có thể viết và đọc được rồi còn vợ thì chưa thành thạo lắm.

- Anh tuổi Mùi (1979), ở Việt Nam người ta bảo con trai tuổi Mùi thì sợ vợ lắm?

- Cũng đúng quá ha (cười lớn)… Nhưng sợ vợ ở đây chỉ là trong ngoặc kép thôi nhá. Chứ tôi không sợ thật đâu. Vì chỉ có người đàn ông nào hay làm sai và có lỗi với vợ mới sợ thật thôi giống như tội phạm thì sợ Công an ấy. Tôi yêu và tôn trọng vợ của mình. Và đương nhiên như thế vợ cũng phải tôn trọng lại tôi.

 

Nirut và Đức Nghĩa.

- Mọi chuyện trong gia đình từ tài chính đều do vợ quyết định?

- Tôi xác định mình làm nghề này thì vợ là người thiệt thòi đủ đường. Cô ấy phải bỏ quê hương sang đây sống ở nơi xa lạ với tôi, đã thế tôi lại hay phải xa nhà nữa, cô ấy phải hy sinh cho tôi nhiều lắm. Thế nên, mình cũng phải làm thế nào để bù đắp. Những chuyện quan trọng thì cả hai đều bàn bạc, thống nhất, còn quản lý gia đình, con cái tôi nhờ cậy ở vợ cả… Ở Việt Nam chẳng có câu "thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông" cũng cạn mà.

Việt Nam nhiều cầu thủ giỏi, nhưng…

- Đã nhiều năm chơi bóng ở Việt Nam, anh đánh giá tổng quát như thế nào về bóng đá Việt Nam so với Thái Lan?

- Tôi thấy cách đây 2, 3 năm thì V.League hấp dẫn và có sức hút nhất Đông Nam Á. Năm ngoái thì chất lượng đi xuống, trong khi ở Thái Lan bây giờ người ta đầu tư mạnh lắm, nhất là về truyền thông và đã vượt Việt Nam về sức hút.

- Còn về ĐTQG thì sao, Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á trên bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, theo anh đó có phải đánh giá chính xác?

- Về mặt bằng chung thì các cầu thủ Thái Lan đồng đều và chuyên nghiệp hơn Việt Nam, ở Việt Nam rất nhiều cầu thủ kỹ năng cơ bản kém nên dễ đá "bậy", nhưng nếu xét cá nhân thì Việt Nam có nhiều cầu thủ giỏi hơn Thái Lan, nhất là cầu thủ miền Bắc - những người đá rất khéo và "khôn". Bóng đá Thái Lan trong những năm gần đây không xuất hiện những ngôi sao, vì thế ĐTQG không giành được thành tích tốt tại các giải đấu, nên đứng sau Việt Nam là đúng rồi.

- Ở khu vực thì Việt Nam và Thái Lan nhỉnh hơn so với phần còn lại. Indonesia cũng mạnh nhưng họ chỉ đá hay ở sân nhà mà thôi.

Nirut trong màu áo Navibank Sài Gòn.

- Theo anh đâu là lý do khiến bóng đá Thái Lan đi xuống như vậy?

- Nguyên nhân bắt nguồn từ những lục đục nội bộ của Liên đoàn, họ không xây dựng được kế hoạch, chiến lược cụ thể. Hồi trước, sau thời anh Kiatisuk thì có thế hệ của chúng tôi, Sakda, Chaiman… nhưng sau chúng tôi thì thế hệ sau lại không bắt kịp… Bây giờ thì sự đầu tư được đẩy mạnh hơn, chất lượng các trận trong nước tăng lên đáng kể, các cầu thủ giỏi nơi khác cũng tìm đến thi đấu nhiều hơn.

- Vậy anh có muốn về quê thi đấu?

- Có chứ. Một đội bóng ở T-League đã liên hệ với tôi, tôi đang cân nhắc, nhanh thì hết giai đoạn một, chậm thì hết mùa bóng. Mình già rồi, người Việt Nam chả bảo "lá rụng về cội" đấy thôi. Tôi còn gia đình bên đó nữa mà.

- Lương bổng bên đó so với Việt Nam bây giờ như thế nào?

- Hồi tôi, anh Kiatisuk, Dusit… sang Việt Nam thì lương bên Việt Nam cao hơn gấp đôi bên đó. Bây giờ thì bên đó lương cũng cao lắm. Tôi hiện tại nhận lương 80 triệu đồng/tháng so với cầu thủ nội đã là cao rồi, còn CLB liên hệ với tôi hứa trả tôi 6 ngàn. Tất nhiên, mình về không phải do tiền, bởi tôi chắc mình đá được nhiều lắm 1 mùa nữa thôi, tôi về nước để chuyển sang những kế hoạch khác như đi học làm HLV chẳng hạn.

Thần tượng Huỳnh Đức, nể Phan Thanh Hùng

- Anh chơi cho không ít CLB Việt Nam, theo anh tại sao các HLV ngoại lại không thể thành công ở V.League?

Nirut (trái) hồi còn đá cho Hoàng Anh Gia Lai.

- Đa số HLV sang đây chỉ có một mình trong khi các cầu thủ Việt Nam ý thức chuyên nghiệp không cao, thế nên các HLV ngoại rất khó làm việc. Ngoài ra, tôi còn thấy bản thân chính các trợ lý HLV Việt Nam cũng không chuyên nghiệp nữa. Tôi từng thấy nhiều lần HLV truyền đạt một đường còn các trợ lý truyền đạt một nẻo. Họ muốn đá ghế ông ấy đi để mình lên thay. Như thế thì bóng đá khó phát triển lắm.

- Còn các HLV trưởng là người Việt Nam thì thế nào?

- Nhiều HLV cũng không chuyên nghiệp, họ luôn chỉ có một giáo án cứng nhắc, các bài tập cứ tập đi tập lại khiến cầu thủ dễ chán. Nhất là, rất ít HLV tập chiến thuật chi tiết như tấn công, phòng thủ trong từng trường hợp như thế nào. Đấy là chưa kể họ ít chú trọng đến các bài tập thể lực bổ trợ. Tôi thấy một số đội bóng ngoài Bắc cũng cho tập các bài như leo núi, đá bóng trên bãi biển cũng rất hay…

- Trong các HLV Việt Nam anh muốn làm việc với ai nhất?

- Lê Huỳnh Đức là cầu thủ Việt Nam duy nhất tôi thích. Hồi còn thi đấu anh ấy là một trung phong đích thực, một người khiến cho mọi hàng phòng ngự ĐNA đều phải nể sợ. Đến khi làm HLV anh ấy cũng rất có uy và tỏ ra là người chuyên nghiệp. Ngoài ra, còn có HLV Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T, tôi thấy ông Hùng là một nhà cầm quân có cá tính. Và theo tôi chính nhờ cá tính đó mà đội bóng HN.T&T do ông Hùng dẫn dắt  chính là đội có lối đá hay nhất Việt Nam hiện nay.

- Xin cảm ơn anh!

Thiên Vũ
.
.
.