Đối thoại với Gốm

Thứ Tư, 17/05/2017, 17:15
Nếu Nguyễn Nguyên Hà từ truyền thống đi về hiện đại thì Thái Nhật Minh lại ngược dòng từ hiện đại đi về truyền thống. Cảm hứng về gốm đã làm nên một cuộc đối thoại thú vị và độc đáo giữa họ.


Những chum cà, vại tương, chĩnh mắm... những đồ dùng, vật dụng quen thuộc gợi nhớ ký ức của những người nông dân xưa được tái hiện trong hành trình “Tìm về ký ức” của nhà điêu khắc Thái Nhật Minh.

Loạt gốm gắn liền với đời sống của cha ông thế hệ trước khi chưa có nhiều vật dụng như ngày nay. Đó là những sản phẩm dùng cho sinh hoạt là chủ yếu nhưng không chỉ là đồ gốm mà là cuộc sống, tâm hồn của người dân, nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu ước mơ.

Thái Nhật Minh chia sẻ: “Gốm mang tính lịch sử, có những vẻ đẹp và giá trị nhất định. Tôi coi đồ gốm mang giá trị truyền thống, đại diện cho tính truyền thống, những dáng gốm tồn tại lâu năm thuộc về truyền thống, khó thay đổi, nó như một giới hạn. Những con chim tôi tạo hình trên đó, đại diện cho khái niệm của ước mơ, mong muốn vượt qua giới hạn của giá trị truyền thống nhưng không muốn phá vỡ hay biến đổi mà truyền thống sẽ làm nền cho ước mơ, cho khát vọng”.

Hơn 1 năm sống và làm việc với lò gốm Hương Canh ở Phú Thọ, một làng nghề nổi tiếng trong quá khứ đang dần bị mai một, Thái Nhật Minh may mắn gặp nghệ nhân Trần Văn Hà.

Ông Hà năm nay đã gần 80 tuổi, là một trong những người cuối cùng còn lại hiểu về gốm Hương Canh. Nếu không có cơ duyên gặp ông, Nhật Minh sẽ không thể thấu hiểu được những bí ẩn ngàn đời của làng gốm đang bị thất truyền này.

Tác phẩm Cóc tít và tác phẩm Máng thu của Thái Nhật Minh.

Giờ làng gốm Hương Canh chỉ làm ngói. Những giá trị tinh thần cổ đang mất đi trong cơn bão của đồ gia công, mỹ nghệ. Người nghệ nhân già đã truyền lại cho anh những bí quyết làm nên thương hiệu gốm Hương Canh nức tiếng một thời.

Nhưng qua bàn tay tài hoa của Nhật Minh, gốm không còn chỉ là những vật dụng đựng đồ ăn thức uống ngàn đời, mà với anh, gốm chứa đựng trong nó cả lịch sử, quá khứ, văn hóa của cha ông. Vì thế, những bình gốm của Nhật Minh đều được phủ bạc bên trong.

“Tôi lấy những sản phẩm cổ xưa làm tên tác phẩm, những cái tên, đến nghệ nhân làng gốm cũng không hiểu hết ý nghĩa của nó, mỗi tên là một bí ẩn. Người trẻ khi nhìn vào không có nhiều cảm xúc, nhưng thế hệ như cha ông mình sẽ rất xúc động khi gặp lại ký ức của mình. Tôi luôn quý trọng, thích thú và muốn giữ gìn những thứ thuộc về kỷ niệm, truyền thống xa xưa”, Nhật Minh chia sẻ.

Những “Chỉnh giắt, “Thóng bằng”, “Thóng lá”, “Bìm”, “Chậu đậu”, “Bát Hùa”... cũng như những hình thể rất đặc trưng của nó sẽ gợi nên ký ức về cuộc sống của nhiều thế hệ trước đây gắn liền với chum tương, vại cà, lọ mắm... cùng các vật dụng sinh hoạt thiết yếu của dòng gốm này.

Nhật Minh sinh ra ở một làng quê thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Anh là người yêu quê, đắm say với những thứ thuộc về quá khứ. Nhiều người gọi Nhật Minh là người hoài cổ, vì những thứ anh làm đều liên quan đến ký ức, đến những giá trị đã thuộc về truyền thống.

Những đồ gốm gợi lại cho anh ký ức đầu tiên trong sâu thẳm trái tim mình và anh cần làm việc và làm cho nó sống lại bằng một cảm hứng khác. Nhật Minh bảo, gốm là một chất liệu khó, nhưng càng làm và hiểu về nó, anh càng say mê bởi những vẻ đẹp bí ẩn của gốm. Nhưng nhìn cái chỉnh mắm, Thóng bằng, Thóng lá.... hay các hũ, bình đựng của Nhật Minh vẫn mang hơi thở của đời sống đương đại.

“Tôi vẫn luôn trăn trở, dù làm gì cũng phải giữ được những giá trị truyền thống, nó là nền tảng cho những khai phá mới trên con đường của các nghệ sĩ. Nhưng cũng không thể sao chép lại nguyên xi truyền thống, mà phải có hơi thở của đời sống hôm nay”.

Tìm trong ký ức của Thái Nhật Minh.

Những tạo hình chim kỳ bí như một cách Nhật Minh muốn kể câu chuyện về những ước mơ, những khát vọng...

Nếu hình thể mỗi đồ gốm là những vẻ đẹp đã được định hình, hoàn thiện, nó cố định là truyền thống và giới hạn thì những con chim vận động bên trong mỗi hình thể mà Thái Nhật Minh tạo ra, mang theo ước mơ, vượt khỏi khuôn khổ mang tính giới hạn của truyền thống nhưng không phá vỡ hay biến đổi mà lấy nó làm điểm tựa, làm nền tảng cho ước mơ.

Nhật Minh, trong vô thức đã đặt ra những ranh giới giữa sự hữu hạn và vô hạn, truyền thống và hiện đại, cái cũ và cái mới, nghệ nhân và nghệ sĩ, sản phẩm hay tác phẩm... Với Nhật Minh, “Tìm trong ký ức” có lẽ là hành trình bắt đầu khai phá và tìm đến những vẻ đẹp bí ẩn của gốm.

“Chỉ khi nào làm việc và sống thực sự với chất liệu, tôi mới hiểu được ngôn ngữ của nó. Những cái tên bí ẩn với cả nghệ nhân, với cả chính tôi và người xem, sẽ thôi thúc sự khám phá nhiều hơn. Và mỗi người sẽ có một cách cảm nhận của mình, qua ngôn ngữ của gốm”.

Vì thế, “Tìm trong ký ức” của Nhật Minh mang tính khơi gợi, anh bày ra một thứ quen thuộc nhưng đầy bí ẩn. Và anh sẽ tiếp tục hành trình của mình với gốm Bát Tràng, gốm Chăm, khám phá ngôn ngữ của từng loại gốm, với anh là một niềm hứng thú.

“Tôi mê gốm, cái gì càng khó càng muốn thử sức, gốm để thành tác phẩm rất khó, trong lịch sử chỉ coi gốm là trang trí, mỹ nghệ chứ không phải điêu khắc. Ngày nay, ranh giới đó đã được xóa nhòa. Một tác phẩm gốm có ý tưởng sẽ là một tác phẩm độc lập. Khi về làng nghề, nói chuyện với nghệ nhân, sẽ thôi thúc người nghệ sĩ tìm hiểu nhiều hơn, khi họ mất đi, không làm nghề nữa thì những giá trị sẽ trôi theo và thế hệ sau không biết đến truyền thống nữa”.

Tác phẩm của Nguyễn Nguyên Hà.

Nếu Thái Nhật Minh làm một hành trình từ hiện đại về truyền thống thì Nguyễn Nguyên Hà lại lội ngược dòng từ truyền thống đến hiện đại. Khoảng cách thế hệ giữa 6x, Nguyễn Nguyên Hà và 8x, Thái Nhật Minh cho thấy một dòng chảy tiếp nối và khác biệt của nghệ thuật điêu khắc.

Chọn cùng chất liệu gốm nhưng mỗi người đi về một phía khác nhau. Nguyễn Nguyên Hà đi về phía Chu Đậu. Mất 3 năm trời tỉ mẩn và dày công để có 10 tác phẩm gốm cho thấy sự cẩn trọng trong cách làm việc của anh.

“Nguyễn Nguyên Hà coi gốm như là một chất liệu, như những chất liệu khác, sáng tác gốm hoàn toàn của anh chứ không có sự tham gia của nghệ nhân. Còn Thái Nhật Minh sử dụng gốm với các giá trị khác, là lịch sử, là truyền thống”. Và họ gặp nhau trong cách nhìn đương đại.

Gốm của Nguyễn Nguyên Hà.

Nguyễn Nguyên Hà có hơn 20 năm làm nghệ thuật, anh sáng tác không nhiều và rất kỹ càng, chắt lọc. Anh làm nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng và lần đầu tiên anh thử sức với gốm. Những sâu, sên, đầu con chim, những thứ không mấy ai để ý đến, nhưng với Nguyễn Nguyên Hà, nó chứa đựng những vẻ đẹp tự nhiên của đời sống.

Qua những cái li ti và tỉ mẩn đó, người xem thấy cuộc sống vô cùng phong phú và thú vị, làm sâu mà không chỉ nói về sâu, làm sên mà không phải là sên. Đó là một cách tìm vẻ đẹp trong những điều bình dị, tưởng như không có gì. Có một thứ đẹp sẵn mà mình mô tả lại thì bình thường, còn những thứ vứt đi, xấu xí mà tìm thấy vẻ đẹp mới giá trị.

“Đối với thế hệ như tôi, sắp đặt đẹp hay xấu không quan trọng nữa, mà ý tưởng quan trọng hơn. Còn chú Hà, theo tinh thần cổ điển, nhiều khi không cần ý tưởng mà chỉ đẹp là đủ. Hai thế hệ, hai giọng nói khác nhau, chú Hà là thế hệ cũ đi về phía hiện đại, còn tôi từ hiện đại đi về truyền thống. Có thể làm cổ xưa mà không cổ điển, có thể làm hiện đại mà không hiện đại. Vấn đề không phải là hình thức, quan trọng với người nghệ sĩ là tác phẩm bày tỏ cái nhìn, lăng kính của họ mà thôi”, Thái Nhật Minh tâm sự.

Tôi đọc trong một bài phê bình về mỹ thuật đương đại, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, nghệ thuật gốm đang trở lại, trong các bảo tàng, gian trưng bày và nó là những tác phẩm độc lập, có giá trị. Những năm gần đây, chất liệu gốm đang bước vào thế giới nghệ thuật với cách riêng đầy thu hút.

Cuộc đối thoại của Nguyễn Nguyên Hà và Thái Nhật Minh đã tôn vinh những giá trị ngàn đời của gốm. Nó đánh thức những ký ức đẹp đẽ của chúng ta về một quá khứ của ông cha, nó cũng làm ta giật mình, khi đâu đó, các làng nghề đang mai một, biến mất trong đời sống hiện đại. “Tìm về ký ức” của Nhật Minh và bộ sưu tập của Nguyễn Nguyên Hà đã tôn vinh vẻ đẹp quyến rũ của gốm trong dòng chảy bất tận của nghệ thuật điêu khắc.

V. Hà
.
.
.