Đội tuyển Cử tạ TP HCM & những người hùng… tiểu học

Thứ Năm, 03/11/2011, 09:53

Nói đến chuyện học hành của giới VĐV Việt Nam xưa nay, người ta không khỏi thở dài hay lắc đầu ngao ngán vì dường như "cái sự học" luôn là một thực tế đầy bất cập, khó có thể thay đổi trong ngày một, ngày hai. Dầu vậy, tình trạng học hành như ở đội cử tạ TPHCM - nơi tập trung toàn những hảo thủ hàng đầu quốc gia, trong đó có cả ngôi sao đang lên Thạch Kim Tuấn, thì có lẽ hiếm hoi đến mức lạ lùng.

Quán quân "anh"... lớp 4

Tại SEA Games 25 trên đất Lào, từ một đô cử vô danh, Dương Thanh Trúc đã vụt sáng trở thành cứu tinh cho cử tạ Việt Nam với tấm HCV ở hạng 77 kg nam, sau khi đã đánh bại đầy ngoạn mục ứng cử viên người Indonesia. Không phải tổng thành tích 295kg mà chính ý chí thép cùng khả năng tạo sức ép trực tiếp liên tục của Trúc đã khiến cho đối thủ chính nao núng đến mức mắc sai sót sơ đẳng ở thời điểm quyết định, để rồi tuyển thủ nước ta đã đăng quang nhờ ưu thế…nhẹ cân hơn.

Đầy đẳng cấp, rất toàn diện trên thảm đấu, thế nhưng chính người hùng Thanh Trúc lại là nhà vô địch… ít học nhất trong lịch sử TTVN. Nghiệp học hành của anh chỉ dừng lại ở mức lớp 4 dang dở do hoàn cảnh gia đình đã nghèo khó lại éo le vì bố mẹ sớm chia tay.  Ít ai biết rằng, Trúc đã sống lang bạt đến năm 15 tuổi, rồi như một duyên phận, tham gia tập luyện và gắn bó, thành danh với cử tạ cho đến tận bây giờ.

Trúc từng tâm sự thành thật đến mức hồn nhiên rằng ở cái thời "tuổi thơ dữ dội" ấy, anh không rơi vào cảnh nghiện ngập, hư hỏng đã là may. Tuy nhiên nếu như quá khứ là điều không thể thay đổi được thì bây giờ, ngay trong hiện tại, Trúc cũng chưa hề tính (và cũng chẳng ai tính giùm anh) đến chuyện đi học lại. Trúc chỉ biết tập, tập và thi đấu. Nói của đáng tội, Trúc đọc và viết theo cách thông thường nhất cũng đã ngọng...

Tất nhiên, nhờ con đường tự học qua cuộc sống, thể thao, nhất là dự tranh các cuộc đấu quốc tế, tuyển thủ TP HCM này sẽ bù đắp được phần nào về ứng xử,  về kỹ năng sống,  kỹ năng tính toán của mình… Dầu vậy, những thiếu hụt cơ bản từ việc bỏ học sớm với Trúc rõ ràng  là một vấn đề quá lớn.

Dương Thanh Trúc.

Đơn giản nhất, anh sẽ chẳng thể thực hiện được ước mơ trở thành HLV sau khi giã từ thảm đấu. Có được "các bác các chú" ưu ái lắm, Trúc cũng chỉ được sử dụng như 1 cộng tác viên của ngành thể thao, theo diện lấy ngày công làm thu nhập mà thôi.

Vô địch "em" cũng... lớp 6

Tưởng như Thanh Trúc là trường hợp cá biệt thì ngay khi đang ngây ngất trước chiến công hiển hách giành HCV Thế vận hội trẻ năm 2010 của Thạch Kim Tuấn, người ta cũng không khỏi giật mình vì tuyển thủ 16 tuổi này cũng bỏ học ngay từ lớp 6. Càng xót xa hơn vì nhìn mặt mũi khôi ngô lanh lợi rồi cách giao tiếp, kể cả trả lời phỏng vấn mượt mà của Tuấn, ai cũng tưởng đó là chuyện đùa.

Sinh ra trong một gia đình có tới 4 anh chị em ở vùng quê gian khó của tỉnh Bình Thuận, nhà Tuấn vốn nghèo lại rơi vào nghịch cảnh khi mẹ qua đời vì tai nạn giao thông lúc anh mới 3 tuổi. Người chị cả của Tuấn đã dắt díu đàn em lên TP HCM tìm cách mưu sinh. Hồi ấy, mấy chị em thuê nhà trọ rồi làm đủ thứ nghề, từ bán vé số, bán sữa đậu nành, đẩy xe trái cây để bám trụ qua ngày, hy vọng tương lai sáng sủa hơn. Riêng cậu em út, được cho theo học đến lớp 6 rồi nghỉ cũng đã là ưu tiên đặc biệt, là nỗ lực lớn lao của người chị tảo tần.

Thạch Kim Tuấn.

Ngã rẽ cuộc đời đã đến với Tuấn ngẫu nhiên khi được rủ đi tập cử tạ, ban đầu cũng chỉ xác định để có cơ may kiếm thêm chút tiền giúp chị. Theo nghiệp cử tạ suốt từ 2004, trong nhiều năm, đô cử trẻ này cũng chỉ biết đến những quả tạ, chứ không mảy may tự ý thức (hay được định hướng) phải cố gắng vừa tập luyện, vừa học lại văn hóa. Thực sự trong thâm tâm, đôi khi Tuấn cũng chạnh lòng với nỗi khổ của mình nhưng rồi lại xác định giản đơn, đúng kiểu con trẻ "như mình được thế này đã là tốt lắm rồi".

Số 1 chuyên môn, đầu bảng... ít học

Như thừa nhận chua xót của HLV Huỳnh Hữu Chí- người đã gắn bó với đội hơn 20 năm nay, thì cử tạ TP.HCM đang là số 1 Việt Nam về thành tích cả tuyến trẻ lẫn tuyến đỉnh cao, cả quốc nội lẫn quốc tế, song lại cũng đứng đầu về sự… ít học, như một "truyền thống" bất đắc dĩ và thật đắng cay.

Nó xuất phát trước hết và chủ yếu từ chính nguồn gốc của các đô cử nơi đây, khi mà 90% các "nhân tài" đều  được tuyển chọn từ thành phần con nhà lao động nghèo, mồ côi, nói chung là những đối tượng của nghịch cảnh. Trước khi theo tập môn này, họ đã là những đứa trẻ thất học, đang phải ngày ngày nhặt bi ve, bán vé số, hay tẩm quất để kiếm sống. Thậm chí, theo thống kê của HLV Chí, trong các lứa VĐV, người được học đến tận…lớp 6 như Thạch Kim Tuấn cũng đã là cực hiếm, cao hơn hẳn mặt bằng chung(!).

Nhìn ở mặt tích cực, chính hoàn cảnh này đã giúp cử tạ TP HCM luôn có được những VĐV có sức khỏe và ý chí hơn người. Nhưng rõ ràng cái khoảng trống mênh mông về học thức rồi sẽ khiến họ gặp vô số khó khăn sau khi giã từ sự nghiệp để trở lại với cuộc sống thường ngày. Ngành thể thao dù đã rất hiểu vấn đề, song lại ít quan tâm đến chuyện học và học lại văn hóa của các VĐV. Miễn sao cứ phát triển chuyên môn, có thành tích là tốt rồi. Có lẽ như nhìn nhận của nhiều nhà quản lý huấn luyện, với những VĐV có xuất phát điểm giống như ở cử tạ TPHCM thì được theo tập, được thi đấu, có thành tích rồi tiền thưởng đã là quá tốt rồi chăng?

Hai "siêu nhân" của TTVN

Cựu võ sỹ vô địch karatedo Vũ Nguyệt Anh có 2 bằng cử nhân, chuyên ngành ngoài thể thao, hay Đại KTQT Lê Quang Liêm ngoài nghiệp cờ nở rộ còn đang theo học Đại học Sài Gòn đã được coi là… siêu phàm với TTVN hiện nay. Và dĩ nhiên, với thực trạng TTVN như hiện tại thì đấy là 2 siêu nhân không dễ gì có người tiếp cận.

"Kỷ lục học hành Việt Nam" gắn với dân thể thao

Tân sinh viên… tuổi 35

Mới đây, nhà VĐTG môn thể hình Phạm Văn Mách đã chính thức nhập học tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng theo diện tuyển thẳng, đồng thời miễn toàn bộ 4 năm học  phí. Ở tuổi 35, "Kiến càng" kỳ cựu đã trở thành sinh viên già nhất của trường này, thậm chí theo thống kê ở VN cũng hiếm có ai theo học hệ ĐH chính quy tập trung cao tuổi như Mách.

Tính ra, tân sinh viên Văn Mách đã mất tới 14 năm đường vòng đầy khúc khuỷu rồi mới bước qua được cánh cổng ĐH. Còn nhớ năm 1997, chàng trai nhỏ bé gồ ghề quê Long Xuyên (An Giang) đã một mình lặn lội lên Sài thành, đâu có ý niệm gì về môn thể hình mà chỉ có một mơ ước  thi đỗ vào trường ĐH Kiến Trúc.

Vì phải làm thuê đủ thứ việc nặng nhọc vừa tự nuôi mình vừa có thể đến lớp luyện thi, Mách đã thi trượt, trượt nặng. Rất buồn và cay đắng, Mách cũng kịp hiểu ra rằng mình không thể ngây thơ, mơ mộng nữa mà trước hết phải tìm cách gì để trụ vững đã, và đó chính là thể hình. Cũng đâu ngờ môn này đã hợp và bám anh đến thế, đưa anh lên đỉnh cao quốc tế, đặc biệt với 2 chức VĐTG, cộng thêm cuộc sống mưu sinh vất vả để mãi 14 năm sau mới quay lại nghiệp học hành.

17 tuổi, học sinh lớp 6… già nhất nước

Chính nhờ giới chuyên môn cùng dư luận lên tiếng gay gắt, tài năng giành HCV Olympic trẻ cử tạ Thạch Kim Tuấn đã quyết tâm học lại tới cùng để vượt qua thảm họa của một nhà vô địch thất học. Kể từ đầu năm nay, sau mỗi ngày 2 buổi tập, Tuấn lại đến lớp học buổi tối. 17 tuổi mới theo học lớp 6, Tuấn chính là học sinh lớp 6 già nhất nước, học toàn với các em kém mình 4-5 tuổi.

Lúc đầu nhà quán quân trẻ cũng trầy trật lắm vì tập luyện xong đã mệt lắm rồi, lại bỏ bẵng nhiều năm nên cứ phải đánh vật với bài vở câu chữ. Chưa kể còn những mặc cảm tâm lý nhất định. Nhưng ý chí cao cùng sự miệt mài dần dần đã giúp anh "theo" được. Tuấn luôn đi học đầy đủ, về lại cố gắng tự học thêm để giờ đây đã vươn lên nhóm khá của lớp, dù rằng kiến thức vẫn còn phải bù đắp nhiều chỗ "thủng" cơ bản.

Cùng với ước mơ chinh phục một suất dự Olympic, đoạt HCV SEA Games, Tuấn ấp ủ một đích mà chắc chắn xa hơn hẳn và khó chẳng hề kém thành tích trên thảm đấu: học Đại học, trở thành cử nhân thể thao.

Giờ mới học lớp 6, nếu thuận lợi nhất cũng phải khoảng 30 tuổi, may ra Tuấn mới có thể làm được. Chưa kể với đặc thù tập huấn thi đấu liên miên của thể thao, hành trình học tập còn dài hơn nữa.

Nhưng Tuấn tâm niệm mình không được phép dừng bước, hay nản chí.

Kim Tuyến
.
.
.