Đội tuyển Việt Nam: Chuyện Tấn Trường, chuyện niềm tin, và...

Thứ Năm, 15/11/2012, 10:46
Bùi Tấn Trường là cái tên được nói tới nhiều nhất sau VFF Cup 2012 - giải đấu tập huấn của ĐTVN, chuẩn bị cho AFF Cup 2012. Nói ở chỗ: một thủ môn đã từng nhiều lần khoác áo các ĐT trẻ QG, rồi ĐT U.23 QG, và ĐTQG tại sao vẫn có thể mắc những sai lầm chết người một cách có hệ thống như vậy? Những sai lầm khiến cho người hâm mộ cứ phải lấn cấn về khát vọng thi đấu của các tuyển thủ, và khiến cho nhiều tuyển thủ cũng phải lấn cấn về khát vọng, thái độ thi đấu của nhau.  

Lời nhắc nhở trong phòng thay đồ

45 phút đầu trận khai mạc VFF Cup năm nay giữa ĐTVN với ĐT Turkmenistan, Bùi Tấn Trường liên tục ra vào bất hợp lý, rồi lại liên tục  xử lý bóng theo kiểu "đùa giỡn" với tiền đạo đối phương. 45 phút ấy, mỗi khi bóng đến khu vực kiểm soát của Tấn Trường là tất thảy người hâm mộ ĐTVN đều nơm nớp sợ, bởi cái cảm giác chúng ta có thể bị thủng lưới bất cứ lúc nào là một cảm giác hiển hiện, trực chờ.

45 phút ấy, hơn một quan chức cao cấp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đứng ngồi không yên khi theo dõi trận đấu qua truyền hình. Và khi 45 phút khép lại thì mệnh lệnh đã được chuyển từ Hà Nội vào TP HCM, cho ông TTK VFF Ngô Lê Bằng đang có mặt ở sân Thống Nhất: "Nhắn Tấn Trường phải bắt tử tế! Nếu không nhắn HLV trưởng Phan Thanh Hùng phải tính đến chuyện thay thủ môn".

Cái mệnh lệnh hỏa tốc ấy khiến cơ trưởng Phan Thanh Hùng không thể không giật mình. Nhưng là một con người nhẹ nhàng, nền nã, và trong nhiều trường hợp luôn giải quyết tình huống theo tinh thần "dĩ hòa vi quý", HLV Phan Thanh Hùng chỉ nhắc nhở Tấn Trường cùng hệ thống phòng ngự của ĐT một cách rất nhẹ nhàng.

Từ những pha xử lý bất thường của Tấn Trường...

Theo lời kể của một tuyển thủ có mặt trong phòng thay đồ khi ấy thì ông Hùng nhắc Tấn Trường không được bắt bóng mạo hiểm thêm nữa. Một thành viên ĐT (đề nghị không nêu tên) bình luận về hai chữ "mạo hiểm" này: "Đấy là một từ có nhiều ý nghĩa, và cá nhân tôi tin rằng Tấn Trường hiểu được tất cả những ý nghĩa ấy".

Khách quan mà nói thì sang đến hiệp 2, Tấn Trường bắt bóng cẩn thận hơn, nên những tình huống ra vào hú họa, lóng ngóng như trong hiệp 1 đã ít hơn. Nhưng bất ngờ là khi trận đấu còn khoảng 20 phút nữa là kết thúc thì Tấn Trường lại phá bóng thẳng vào chân tiền đạo đối phương. Kết quả là chỉ sau một nhịp đi bóng, cùng hai pha đảo chân kĩ thuật tiền đạo này đã dễ dàng sút tung lưới Tấn Trường.

0-1, ĐTVN thất trận từ một sai lầm chết người của Tấn Trường.

Những sai lầm hệ thống

Bán kết lượt đi AFF Cup 2010 trên đất Malaysia, trong một bối cảnh mà ĐTVN thi đấu tự tin chững chạc trước đội chủ nhà thì từ một cú tạt bóng không có gì nguy hiểm của đối thủ, Tấn Trường đã để bóng vuột khỏi tay, và chỉ đợi có thế tiền đạo Malaysia đánh đầu phá lưới Việt Nam.

Sau trận đấu này, Tấn Trường nói rằng mình đã bị một nhóm CĐV Malaysia chiếu đèn Laser vào mắt, và đấy là nguyên nhân chính khiến anh không thể ra vào, bắt bóng một cách hợp lý. Tuy nhiên trước đó và sau đó lại có những trường hợp mà trên sân đấu không xuất hiện một chiếc đèn Laser nào nhưng Tấn Trường vẫn thể hiện những sai lầm tương tự.

Điển hình là trận chung kết SEA Games năm 2009 cũng giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Malaysia, trận đấu mà ai cũng tin là chúng ta sẽ lần đầu tiên giật HCV, vì ở vòng bảng đã thắng dễ Malaysia 3-1. Nhưng rốt cuộc là trận chung kết ấy Mai Xuân Hợp trả bóng về gôn, và Tấn Trường với một cái bả vai chấn thương đã không thể cản phá bóng, khiến cú trả bóng của Mai Xuân Hợp trở thành một cú đốt lưới nhà khó tin.

Có thể chấn thương vai khiến Tấn Trường gặp khó trong xoay xở, nhưng trao đổi với các phóng viên ngay sau trận đấu, một chuyên gia bóng đá uy tín đã nhận định rằng: "Ngay cả khi bị đau thì một thủ môn cũng khó có thể để lọt lưới trong một pha bóng đơn giản như vậy".

Có một chi tiết rất đáng chú ý là khi trọng tài thổi còi kết thúc trận chung kết đau đớn này thì từ ca bin huấn luyện, thuyền trưởng Calisto đã đùng đùng lao về phía Tấn Trường rồi túm áo, bóp cổ Tấn Trường. Hành động ấy khiến nhiều phóng viên Việt Nam phải đặt câu hỏi: Có phải Calisto bức xúc với bàn thua duy nhất của ĐT mà Tấn Trường cùng Mai Xuân Hợp tạo nên?

Vấn đề là ngay sau khoảnh khắc này Calisto chạy vào phòng thay đồ, ngồi trấn tĩnh trong khoảng 15 phút rồi mới trả lời báo chí. Và sau khi đã bình tĩnh trở lại, Calisto đã khéo léo giải thích: "Đúng là tôi đã túm áo, bóp cổ cậu ấy, nhưng đấy là hành động kêu gọi cậu ấy hãy mạnh mẽ lên, vì lúc ấy cậu ấy khóc nhiều quá, chứ không phải vì tôi bức xúc cậu ấy như nhà báo tưởng".

Khi Calisto đã nói như vậy thì những nghi vấn về việc ông "nổi xung thiên" với cậu học trò được dẹp tan. Song  ai cũng biết Calisto là một ông thầy khôn ngoan trên sân và một "nhà hùng biện" tài năng ngoài sân, nên không hẳn lúc nào điều ông nói cũng đồng nhất với điều ông nghĩ, nhất là những điều nhạy cảm, diễn ra sau một trận chung kết cũng…nhạy cảm không kém phần (?).    

Nếu như với Tấn Trường, những gì diễn ra trong trận chung kết này là xa xôi quá thì có thể nhắc lại trận Sài Gòn Xuân Thành - Sông Lam Nghệ An diễn ra ở ngay mùa giải vừa rồi. Những phút cuối trận, khi Sài Gòn Xuân Thành đang dẫn 2-1 thì Tấn Trường cũng bất ngờ để vuột bóng, tạo điều kiện cho SLNA gỡ hòa 2-2.

...Nên BHL ĐTVN luôn phải đứng ngồi nhấp nhổm.

Ngay sau tình huống này HLV trưởng Trần Tiến Đại và ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã bực mình ra mặt với Tấn Trường. Ông Thụy sau đó còn soạn công văn gửi lên VFF đề nghị điều tra về thái độ thi đấu kỳ lạ của Tấn Trường trong hơn một trận đấu của đội mình. VFF khẳng định sẽ tìm hiểu vấn đề tới nơi tới chốn, nhưng rốt cuộc thì mọi thứ sau đó lại diễn biến theo kiểu "quá mù ra mưa". 

Xâu chuỗi lại tất cả những sự vụ trên đây có thể khẳng định Tấn Trường là một thủ thành giàu kinh nghiệm, đã được thử lửa qua những trận đánh khốc liệt nhất của BĐVN ở nhiều cấp độ và trên nhiều mặt trận khác nhau. Một thủ thành như vậy lẽ ra càng lúc càng phải "chín" về nghề nghiệp, nhưng buồn thay Tấn Trường mỗi lúc lại khiến người ta có cảm giác bất an  hơn về mình. Phải chăng, sau một vài khoảnh khắc thăng hoa trong màu áo của đội bóng quê hương Đồng Tháp, Tấn Trường đã đi tới giới hạn của sự phát triển? Hay những sai lầm khó hiểu, những bàn thua khó tha thứ đã là một "cái dớp" ám lấy cuộc đời bóng đá của anh?

Bất luận là lý do gì thì "trường hợp Bùi Tấn Trường" cũng cần phải được BHL ĐTVN mổ xẻ một cách nghiêm túc, rồi đề ra những phương án thích hợp, chứ không thể cứ trao niềm tin cho anh để rồi lúc nào cũng phải hồi hộp, lo âu, thấp thỏm với anh.

Và niềm tin nào cho tương lai? 

Có một điều mà nói ra vào lúc này có thể sẽ bị qui kết là "không có tinh thần xây dựng", nhưng có lẽ nếu ỉm đi không nói mới là "không có tinh thần xây dựng". Đó là sau trận đấu Việt Nam - Turkmenistan mà Tấn Trường để thua một bàn thua khó hiểu tại VFF Cup vừa qua thì không riêng gì người hâm mộ, mà chính các thành viên ĐT, từ các tuyển thủ, tới những nhân vật làm công tác quản lý, huấn luyện cũng đã ít nhiều nghĩ tới những… vấn đề nhạy cảm, ngoài chuyên môn.

Tất nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở việc "nghĩ", thậm chí là "lờ mờ nghĩ", vì chẳng có bằng chứng cụ thể nào cả, nhưng điều này làm chúng tôi sực nhớ tới JVC Cup 2003 - một giải đấu cũng có ý nghĩa tập huấn cho SEA Games 22 diễn ra cách đây 9 năm.

 Ở giải đấu ấy, khi ĐT U.23 Việt Nam thua bất thường trước CLB Perak (Malaysia) thì cũng đã có những nghi vấn lớn được đặt vào một cầu thủ, nhưng những nghi vấn sớm bị dẹp đi với lý do muôn thủa… trong bóng đá, thắng thua là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên không lâu sau đó thì một cầu thủ trong đội đã bất ngờ tố cáo "cầu thủ bị nghi ngờ", và đến lúc đó người ta mới vỡ lẽ những sự thắng - thua đã không diễn ra theo kiểu "trong bóng đá, thắng thua là chuyện rất bình thường" như những gì người trong cuộc đã trấn an dư luận, và trấn an nhau.

Nói vậy để thấy với BĐVN, với ĐTVN, cẩn thận không bao giờ là thừa cả. Vậy nên mong là BHL hãy cẩn thận nhìn lại tất cả những gì đã diễn ra và cẩn thận với cả những gì sắp đến!

Có một Tấn Trường giỏi tính toán, kinh doanh

Sau khi được đội bóng cũ, cũng là đội bóng quê hương - Cao Su Đồng Tháp trả lót tay 5 tỷ đồng để gia hạn hợp đồng, Bùi Tấn Trường đã dùng 5 tỷ ấy để xây nhà trọ cho thuê ở quê nhà, và cùng một số bạn bè mở hơn 10 sân bóng nhân tạo ở TP Hồ Chí Minh.

Năm vừa rồi, Tấn Trường thậm chí còn tổ chức một giải bóng đá phong trào mang tên mình, ở những sân bóng của mình. Rõ ràng là khác với phần lớn những cầu thủ khác của BĐVN, khi có tiền, Tấn Trường đã không lao vào những phi vụ mua xe đẹp, nhà đẹp…, mà đã biết tính toán, kinh doanh rất hợp lý.

Một đồng đội của Trường ở CLB SGXT hiện nay nhận xét: "Tấn Trường lành tính, dễ gần, và rất hay cười. Nhưng phía sau những hình ảnh dễ thấy ấy lại là một Tấn Trường giỏi tính toán, kinh doanh lắm đấy".

Phan Đăng
.
.
.