Đờn ca tài tử có bị POP bóp nghẹt?

Chủ Nhật, 16/04/2017, 13:12
Một nghệ nhân nói rằng, không gian của những loại hình nghệ thuật truyền thống đang bị "chiếm dụng" khi những loại nhạc POP lên ngôi. Một người khác lại nói rằng, đờn ca tài tử đang "tự cầm dao giết mình" khi hàng trăm năm rồi vẫn nhắc mãi 20 bản tổ của bậc tiền nhân... 

Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần II vừa kết thúc tại Bình Dương với những tín hiệu nửa mừng, nửa lo. Mừng là vì loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam Bộ này nhận được sự quan tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, được tổ chức hoành tráng, được báo chí, truyền thông thông tin rộng rãi.

Mừng vì số lượng câu lạc bộ, hội nhóm đờn ca tài tử đông, không hề bị "lép vế" như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác và đó là số lượng thực, không hề ảo.

Một phần biểu diễn của những nghệ nhân đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mừng còn vì trong những phần biểu diễn và thi thố giữa các đội đờn ca tài tử đến từ các địa phương, những nghệ sỹ, nghệ nhân trẻ là chủ yếu, có những "nghệ nhân" nhí mới 12-13 tuổi.

Song, cũng đáng lo khi thế hệ "tre già", cây cao bóng cả của làng đờn ca tài tử Nam Bộ càng ngày càng già yếu, nhiều người trong số họ đã mất; 20 bản tổ vẫn chưa được khai thác hết. Lo là vì với tình hình phát triển bề nổi như hiện nay, chẳng biết loại hình đặc trưng này sẽ đi đâu, về đâu? 

Văn hóa POP với sự "tiêu thụ văn hóa" nhanh, tức thì như một rễ chùm, lan tới và ảnh hưởng cả không gian sinh hoạt của những loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có đờn ca tài tử. Ở thành phố, những rạp hát truyền thống bị dẹp đi, nghệ sỹ "chạy ăn" từng bữa bằng các nghề khác.

Ở nông thôn, mảnh đất mà các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn có ưu thế thì nay đã bị lung lay. Tính chất "POP" xâm thực từng chút, từng chút một, dẫn đến những nét đặc trưng của loại hình này cũng có nguy cơ bị biến đổi. Để rồi, đờn ca tài tử cũng dần phải thay đổi để hợp thời hơn, để chiều lòng người nghe hơn.

Trong cuộc trò chuyện bên lề Festival, nghệ nhân Hoàng Hưng (Bà Rịa -Vũng Tàu) nói rằng, giới trẻ hiện nay không mặn mà với đờn ca tài tử. Các bạn trẻ thích ca nhạc tạp kĩ nhiều hơn. Để tìm thế hệ kế cận, khó, đếm trên đầu ngón tay.

Đã vậy, chẳng biết các em kiên trì theo con đường nhọc nhằn này được bao lâu. Còn NSƯT Trúc Linh (Cần Thơ) cho biết, hiện tại, 20 bản tổ của loại hình này vẫn chưa được khai thác và giới thiệu một cách rộng rãi đối với công chúng.

Những phần biểu diễn mới chỉ dừng lại ở các trích đoạn dễ nghe, mượt mà, dễ đi vào lòng người; còn những bản được xem là tinh túy, cốt tủy của loại hình này, thường khó nhằn và bị sự lười biếng của nghệ nhân ngó lơ. Bà lo ngại, sự dễ dãi mang màu sắc của văn hóa POP có thể làm mờ nhạt dần và giết chết nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật dân gian này. 

Cũng có những ý kiến xung quanh câu chuyện có nên giữ khư khư tính nguyên bản này hay không. Một phía cho rằng, nên tôn trọng tính nguyên bản và giới thiệu trọn vẹn, đầy đủ. Phía còn lại cho rằng, để tiếp cận lứa công chúng trẻ hiện nay, không chỉ đờn ca tài tử, mà các loại hình khác cũng phải tự thay đổi cho phù hợp.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre chia sẻ: "Mỗi thời đoạn sẽ có một bản sắc riêng. Bây giờ, làm sao vẫn giữ được bản sắc mà cách thể hiện lại phù hợp với tình hình.

Trước sự càn quét của văn hóa POP, đờn ca tài tử cũng phải tự thay đổi để thích ứng.

Ngày trước, mọi người có thể ngồi dưới ghe để chơi đờn ca tài tử, hoặc trong các sinh hoạt khác, ngoài ruộng sau giờ làm nông... thì giờ phải chuyển đổi không gian, thời gian, địa điểm phù hợp. Bản tổ - tất nhiên quan trọng và phải giữ lại, nhưng cách sinh hoạt phải khác đi để tiếp cận đối tượng người nghe mới.

Có thế, đờn ca tài tử mới có đất sống, loại hình này mới tồn tại được trong thời đại đường truyền Internet nhanh như thế này. Miễn sao không đi chệch hướng là được''. 

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, nguyên gốc của đờn ca tài tử rất dân dã, mộc mạc; vào những lúc nông nhàn, người ta ngồi chơi, rồi hát cho nhau nghe.

Nhưng trong xu thế hiện tại, bên cạnh việc giữ gìn bản tổ thì vẫn phải thay đổi hình thức chuyển thể. Nhiều người ý kiến rằng, như thế là phá cách. Nhưng nếu không phá cách, liệu có "sống" được trong thời đại văn hóa POP đang ở thế thượng phong như hiện nay hay không?

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, địa phương đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử 2017: "POP như một loại thức ăn nhanh, no ngay nhưng không ngon miệng"

Ở bất cứ loại hình nghệ thuật truyền thống nào cũng đều có cái hay, cái đậm đà, cái sâu lắng, nhưng ở thời buổi này lại trở thành những điểm hạn chế. Trong khi đó, tất cả các loại hình nghệ thuật nếu thiếu công chúng đều có nguy cơ bị mai một, khó có thể phát triển được, sống tốt được.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương

Đờn ca tài tử cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, hiện nay đều vướng lại, mắc lại trong dòng chảy văn hóa POP - thứ văn hóa đại chúng đang càn quét và bao phủ toàn cầu, không riêng gì Việt Nam.  

POP đến với công chúng nhanh hơn và người ta cũng dễ dàng tiếp nhận nó một cách đơn giản hơn. Người ta hưởng ứng nó như ăn một loại thức ăn nhanh vậy, để giải quyết cái đói tức thời. Còn để thẩm thấu, để nghe, để cảm nhận được cái chiều sâu ý nghĩa, đó lại là một câu chuyện khác.

Nhiều người phản ứng trước việc này. Tôi thấy chuyện đó bình thường, không có gì cả. Đờn ca tài tử không đến với công chúng trẻ một cách dồn dập, nhưng một khi đã ngấm, sẽ ngấm rất sâu, rất bền. Sự tụt lùi dần của nghệ thuật đờn ca tài tử với công chúng là có nhưng điều đó không dẫn đến việc đờn ca tài tử bị mai một, bị thui chột đi.

Vì bản thân nó đã có một sức sống mạnh mẽ rồi. Loại hình này đã tồn tại bao nhiêu năm qua, qua chiến tranh, rồi đến thời công nghiệp hóa, nó không bị mất đi. Đến ngày nay, đờn ca tài tử không chỉ phát triển ở các vùng nông thôn, mà còn lan ra ở những vùng đô thị với số lượng các câu lạc bộ, hội nhóm càng ngày càng tăng. 

Tuy nhiên, nhìn con đường đi của đờn ca tài tử, ai cũng dễ nhận ra đó không phải là một con đường thẳng băng. Nó có những quanh co, khúc khuỷu. Việc phát triển, ổn định là việc của nhà quản lí, nhà nghiên cứu. Còn công chúng, người ta cảm thấy "đói" nên đã "ăn" một loại thức ăn nhanh, no ngay nhưng không cảm thấy ngon miệng.

Họ không cảm nhận được vị đắng chát nhưng đôn hậu của một thứ tự tình dân tộc. Tôi nghĩ, nếu có cơ hội tiếp xúc gần gũi, thường xuyên với đờn ca tài tử, thì người ta sẽ cảm nhận được vị "ngon" của nó.

Có những sở thích tạm thời của những người đang đói, cần ăn no và phải no. Và cũng sẽ có những sở thích của những người "ăn" một lần, cảm thấy ngon, rồi yêu mến, gắn bó lâu dài. Đờn ca tài tử sẽ đi một con đường lặng lẽ như thế.

Nghệ thuật đờn ca tài tử lạ lắm, ai mà lỡ vương nó rồi thì nó bện chặt, khó lòng rời bỏ. Nếu ai không yêu, không biết, không hiểu, chỉ thấy người ta ca mà như đang rên rỉ. Nhưng rồi sẽ chẳng biết yêu nó lúc nào. Đó là loại hình nghệ thuật không phô trương, ồn ào.

Nó không phải là loại hình nghệ thuật thích hợp để gào rú, hét lên, ầm ào và hào nhoáng để người ta thư giãn - theo kiểu của giới trẻ.  Đờn ca tài tử cần thời gian, cần tiếng lòng sâu lắng.

Đó là thể loại tự tình mà rủ rỉ. Hai bên khác nhau, một cái làm sao phải thật to, phải hét hò, nhấc người ta lên, kích động người ta lên; một cái thì cứ rủ rỉ, hồn nhiên, da diết và chân thành. Rồi cảm mến nó hay không thì tùy vào trái tim và sự trải nghiệm của bạn. 

Đậu Dung (ghi)

Du Nguyên
.
.
.