Đồng Tháp xuống hạng và câu chuyện buồn của bóng đá miền Tây

Thứ Tư, 04/11/2020, 08:40
Từng là tên tuổi sáng giá một thời ở V.League, nhưng giờ đây CLB Đồng Tháp đang đứng trước nguy cơ giải thể. Đâu là nguyên nhân khiến một trong những cái nôi của bóng đá Việt Nam đang đứng trên bờ vực diệt vong?


Thành tích thi đấu không tốt, thiếu đội ngũ kế cận, hay chỉ đơn giản là họ không có một vài doanh nghiệp đủ mạnh để hậu thuẫn?

Chung kết ngược

Ngày 30-10 trở thành một kỷ niệm buồn của những người yêu mến bóng đá miền Tây. Sau 5 năm, Long An và Đồng Tháp, những kỳ phùng địch thủ tại V.League ngày nào giờ đây lâm vào cuộc khổ chiến vì một suất trụ lại giải hạng Nhất. Dễ hiểu vì sao hai đội bóng miền Tây lại sa lầy đến như vậy trong mùa giải năm nay. Trước vòng đấu cuối cùng, Long An là đội ghi bàn ít nhất, còn Đồng Tháp để thủng lưới nhiều nhất.

Long An là đội ở thế khó hơn trong trận chung kết ngược. Họ xếp cuối bảng, kém Đồng Tháp hai điểm, và phải chắc chắn giành chiến thắng nếu không muốn tụt xuống giải hạng Nhì mùa tới. Đội hình của "Gạch" cũng không được đánh giá cao hơn đối phương, với phần lớn là những cầu thủ thiếu kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao. Lợi thế duy nhất Long An có là việc họ được chơi trên sân nhà.

Kết thúc trận đấu, Long An hân hoan trụ hạng trong khi các cầu thủ Đồng Tháp đổ gục xuống sân. Với họ, thất bại trong trận chung kết ngược không chỉ đồng nghĩa với việc phải xuống chơi ở giải hạng Nhì mùa tới. Lúc này, từng thành viên trong CLB Đồng Tháp hẳn đang sốt sắng tìm cho mình một bến đỗ mới bởi nhiều khả năng đội bóng sẽ bị giải thể. Nếu điều này trở thành sự thật, đó sẽ là kết thúc rất buồn cho cái nôi của bóng đá miền Tây.

CLB Đồng Tháp xuống hạng và chưa biết tương lai ra sao.

Không có tiền

Là một trong những địa phương giàu thành tích bậc nhất của bóng đá Việt Nam, CLB Đồng Tháp từng 2 lần giành ngôi vô địch quốc gia vào các năm 1989 và 1996. Đến giai đoạn V.League bước vào thời kỳ hoàng kim, bóng đá Đồng Tháp như hổ mọc thêm cánh nhờ lứa cầu thủ trẻ tài năng gồm những Thanh Bình, Việt Cường, Tấn Trường, Được Em,... Không ít người trong số họ là những tuyển thủ quốc gia. Cộng thêm nguồn tài trợ từ Tập đoàn Cao su Đồng Tháp, CLB dần trở thành một thế lực tại V.League.

Đồng Tháp đứng hạng 5 ở mùa giải 2009, và đứng thứ 3 trong năm tiếp theo bất chấp việc mất một số trụ cột vào tay đối thủ. Đáng tiếc là chu kỳ thành công của đội bóng này không kéo dài được lâu. Từ vị trí thứ 5 ở V.League 2011, Đồng Tháp tuột dốc không phanh và phải xuống hạng trong năm 2012. Họ liên tục trồi sụt ở 2 hạng đấu cho đến ngày phải khổ chiến trên sân Long An và chấp nhận xuống chơi ở giải hạng Nhì.

Việc không còn nguồn lực tài chính lớn như Tập đoàn Cao su Đồng Tháp là một trong những nguyên nhân khiến thành tích của đội bóng đi xuống. Chính sách không cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan ngoài ngành, cộng thêm tình hình kinh doanh không tốt những năm gần đây khiến bóng đá Đồng Tháp không thể có nguồn hậu thuẫn lớn. Bằng chứng là ở mùa giải 2020, CLB có đến 7 nhà tài trợ nhưng liên tục nợ lương cầu thủ.

Nguyên một đội hình của U21 Đồng Tháp bán độ và bị treo giò.

Xét về phương diện kinh doanh, Đồng Tháp là CLB chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam. Họ có phòng marketing riêng với những con người sẵn sàng quảng bá tên tuổi đội bóng để tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài. Thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ là bản hợp đồng với Tập đoàn khách sạn Thái Lan Mekong Heritage. Dù vậy, họ cùng 6 nhà tài trợ khác không thể vực dậy một đội bóng đã đi xuống quá nhiều theo thời gian.

Tình hình tài chính khó khăn của Đồng Tháp chỉ vỡ lở khi cựu tuyển thủ quốc gia Thanh Hiền lên tiếng trên mạng xã hội. Lúc này, người hâm mộ mới giật mình khi biết các cầu thủ bị nợ đến 4 tháng lương. Thay vì giải quyết quyền lợi chính đáng của người lao động, CLB lại yêu cầu họ giảm 25% thu nhập. Kết quả là Thanh Hiền ra đi không lâu sau đó, và thành tích của Đồng Tháp cũng dần tệ đi theo thời gian.

Không có hướng đi lâu dài

Điều trớ trêu trong mùa giải Đồng Tháp phải xuống chơi ở giải hạng Nhì là việc họ đang sở hữu Nguyễn Công Thành, chân sút giành ngôi "Vua phá lưới" giải hạng Nhất. Giải hạng Nhất 2020 khép lại, Công Thành ghi được 12 bàn chỉ sau 16 trận đấu, bằng thành tích của 2 chân sút thứ 2 và thứ 3 cộng lại. Cao trên 1m80 và từng góp mặt ở các đội tuyển trẻ Việt Nam, Công Thành là một trong những sản phẩm ưu tú nhất của bóng đá Đồng Tháp thời gian gần đây.

CLB Nam Định cũng đang gặp khó vì thiếu tiền.

Xét về mặt con người, Đồng Tháp không thua những đội bóng đang thi đấu tại V.League. Bằng chứng là họ từng đánh bại thuyết phục CLB Hải Phòng ở Cúp Quốc gia năm nay. Nhưng đâu là lý do khiến bóng đá Đồng Tháp sa sút dù họ có những cầu thủ không tệ chút nào? Những người đàn em kém Công Thành 1-2 tuổi có thể coi là một thế hệ vàng mới của bóng đá Đồng Tháp kể từ thời của Thanh Bình, Tấn Trường. Họ từng vô địch U15, U17, U19 quốc gia, có thời gian ăn tập nhiều năm và thấu hiểu nhau đến từng đường tơ kẽ tóc. Đó cũng chính là lý do mà khi một người quyết định nhúng chàm, tất cả đều chung tay... bán độ. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, nguyên một đội hình tham gia dàn xếp tỷ số và phải nhận án phạt.

Nhờ có bản tường trình của các cầu thủ U21 Đồng Tháp tham gia bán độ, chúng ta mới biết nhóm 11 người này đã gian lận trong một thời gian rất dài. Khi biết tin, thay vì làm triệt để và xử lý những người có liên quan, lãnh đạo CLB Đồng Tháp lại chọn phương án nhắm mắt làm ngơ vì "sợ không còn cầu thủ". Đi đêm lắm có ngày gặp ma, những hành vi gian lận của cầu thủ trẻ Đồng Tháp không thể được dung túng mãi. Án phạt cấm thi đấu 5 năm ở quy mô quốc tế là điều họ xứng đáng phải nhận.

Xét ở một góc độ nào đó, việc bị xuống hạng có thể là một điều tốt với CLB Đồng Tháp. Họ sẽ phải nghiêm túc nhìn nhận lại những vấn đề hiện có để làm lại từ đầu. Sự trở lại V.League của CLB Bình Định vừa qua là bằng chứng rõ nhất. Với cách làm bài bản, bóng đá Đồng Tháp và các tỉnh miền Tây sẽ có ngày hồi sinh.

Đội bóng Đồng Tháp không phải CLB duy nhất gặp khó về tài chính. Tình hình tài chính - kinh doanh khó khăn trong năm 2020 khiến không ít doanh nghiệp tham gia hoạt động tài trợ bóng đá muốn rút lui. Khoản kinh phí lên tới vài chục tỷ đồng/ năm cho một CLB ở V.League, và khoảng 7-10 tỷ đồng ở giải hạng Nhất thực sự quá tầm với khi phần lớn doanh nghiệp đang phải gồng mình lên với mục tiêu thu hồi vốn hoặc cắt lỗ.

Bên cạnh Đồng Tháp, một đội bóng Nam Bộ khác là Đồng Nai cũng đang lâm vào tình hình khó khăn. Thông tin CLB Đồng Nai giải thể và không tham gia giải hạng Nhì xuất hiện từ hồi tháng 5. Cuối cùng CLB vẫn tham gia nhưng thành tích không tốt và hiện xếp bét bảng.

Điểm chung giữa các CLB phía Nam như Đồng Tháp, Đồng Nai, hay trước kia là An Giang, Kiên Giang là họ không tìm được nhà tài trợ là các doanh nghiệp địa phương. Thay vào đó, họ lại tìm nguồn tiền từ một vài công ty bên ngoài với nhiều lời mời hấp dẫn nhưng lại không hề có cam kết cụ thể gắn bó lâu dài. Hậu quả là trong một thời gian ngắn, An Giang và Kiên Giang vụt sáng rồi vụt tắt trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Ở phía Bắc, CLB Nam Định cũng đang ở trong tình thế hết sức khó khăn vì tình hình tài chính không ổn định. Tương tự Đồng Tháp, họ từng có thời điểm nợ lương thưởng hàng loạt cầu thủ. Cách duy nhất để đội bóng thành Nam không rơi vào cảnh giải thể như trước kia là tiếp tục chiến đấu, giành chiến thắng để ở lại V.League. Nếu Nam Định xuống hạng một lần nữa, đó sẽ là dấu chấm hết, cũng là thảm kịch của bóng đá Việt Nam. Bởi trong bối cảnh người hâm mộ dần quay lưng với V.League, những khán đài chật kín trên sân Thiên Trường là khung cảnh hiếm thấy.

Đơn Ca
.
.
.