Dự án game "Sử Hộ Vương": Cần cầu thị để tốt hơn

Chủ Nhật, 18/11/2018, 14:00
Mới đây, dự án game mang tên "Sử Hộ Vương" ra đời được quảng bá là trò chơi sử Việt với những nhân vật được tạo hình từ những nhân vật kiệt xuất của lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, những tạo hình nhân vật đang gây tranh cãi bởi những phá cách thái quá, thậm chí là bôi xấu hình ảnh những nhân vật lịch sử.


Nhóm bạn trẻ gồm Phạm Vĩnh Lộc, Hồ Phương Thảo và Tạ Minh Tuấn - những người từng được Forbes bình chọn là một trong những người trẻ dưới 30 tuổi thành công nhất châu Á. Từ ý tưởng về một trò chơi thẻ bài huyền sử Việt Nam, cốt truyện được truyền cảm hứng trên nền các thần tích, truyền thuyết, những câu chuyện lịch sử.

Chúng được kể lại dưới góc nhìn hiện đại và mang hơi thở trẻ trung. Fanpage “Sử Hộ Vương” được ra mắt vào ngày 1-1-2018 khiến giới trẻ vô cùng thích thú. Hệ thống nhân vật rất gần gũi: Nguyễn Huệ, Lạc Long Quân, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, vua Gia Long...

Nhóm sáng lập “Sử Hộ Vương”.

Nhóm sáng lập hy vọng, trò chơi này sẽ đánh thức tình yêu sử Việt tái hiện qua các nhân vật lịch sử dưới dạng những nhân vật thẻ bài phong phú, bắt mắt cùng hệ thống kỹ năng độc đáo. Thực tế, “Sử Hộ Vương” đã ra mắt trên một trang gây quỹ (Comicola).

Qua quá trình kêu gọi vốn của dự án với mục tiêu đạt mốc 250 triệu đồng. Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ, dự án này đã kêu gọi dược 25,6 triệu đồng. Comicola đã xác nhận đây là dự án có tốc độ Crowdfunding (huy động vốn từ cộng đồng) nhanh nhất trong 24 giờ đầu tiên. Hiện tại, game này đã nhận được sự ủng hộ gần 60 triệu đồng.

Nhưng từ khi giới thiệu hệ thống nhân vật, việc tạo hình nhân vật đó đã nổ ra những tranh cãi hết sức gay gắt. Hình ảnh được cho phản cảm nhất chính là tạo hình về nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Nhiều người cho rằng, nhóm này đã tạo ra một hình ảnh Hồ Xuân Hương quá táo bạo, hở hang, với trang phục thiếu vải.

Trước đây, dự án game này đã từng tham gia cuộc thi "Chinh phục ước mơ". Tại cuộc thi đó, ban giám khảo có phản biện: "Đừng bao giờ nhân danh giới trẻ làm méo mó những gì thuộc về văn hóa, mượn nét vẽ và phong cách vẽ của nước khác để thể hiện văn hóa nước mình chỉ để nó trở nên gần gũi hơn thì sự gần gũi đó không cần thiết".

Theo như các vị giám khảo này thì lịch sử là lịch sử, các bạn trẻ không thể vẽ lên một nhân vật lịch sử mà người ta nhìn vào không nhận ra đây là người Việt Nam.

MC Tùng Leo, một nhà sản xuất chương trình chia sẻ, chính anh là người đề nghị các bạn trong nhóm xem lại nét vẽ của mình. Tuy nhiên, các bạn trong nhóm này tỏ ra bức xúc, họ cho cho rằng thế hệ cũ không thông cảm và hiểu cho thế hệ mới.

"Tôi rất trân trọng tâm huyết hướng về lịch sử của các bạn. Tuy nhiên, các bạn còn trẻ, còn chưa suy xét mọi thứ, lại không có được định hướng từ người lớn hơn. Vì vậy, các bạn trượt trên cái cho là đúng của mình" - MC Tùng Leo cho hay.

Theo nhiều chuyên gia, nhóm bạn trẻ vẽ Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt... đều theo cách vẽ của Nhật. Đặc biệt, hình ảnh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương khiến nhiều người sốc. Theo họa sĩ Nguyễn Huân: "Ý tưởng của các bạn ấy rất tốt, tôi rất trân trọng điều ấy.

Những hình ảnh nhân vật lịch sử được dự án game Sử Hộ Vương tạo hình.

Tuy nhiên cũng phải cần xem lại những nét vẽ, bởi đối tượng của trò chơi này là giới trẻ. Các bạn ấy phải tạo ra một game đặc biệt, nhìn vào là biết của người Việt, chứ đừng giống quá với các nhân vật của Nhật Bản. Các bạn cần phải kiên nhẫn, cầu thị để phát triển".

Trước hàng loạt tranh cãi, mới đây Phạm Vĩnh Lộc (thành viên chủ trì dự án) cho hay: Đây là nhân vật hư cấu lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử, họ sống trong một không gian khác. Chứ thực ra họ không phải nhân vật lịch sử, chỉ là chúng tôi lấy chất liệu đó thôi, chính vì thế chúng tôi thỏa sức sáng tạo...

Tôi hy vọng những nhân vật hư cấu này được cộng đồng yêu thích, từ đó họ tò mò về người thật để tìm hiểu chính sử. Sự thật đã có nhiều bạn bè nhắn tin tới nhóm nói như vậy".

Cũng là thành viên thực hiện dự án “Sử Hộ Vương”, bạn Phương Thảo khẳng định: Các thành viên trong nhóm đều là những người yêu lịch sử, nếu không yêu chắc chắn sẽ không thể thực hiện một game card như vậy.

"Nhóm thực hiện đã phải tìm hiểu, dựa trên nhiều tư liệu lịch sử để tạo hình nhân vật. Thông qua các tài liệu lịch sử, các nhân vật được tạo ra với tính cách hình dáng, trang phục. Còn về hình ảnh nhân vật Hồ Xuân Hương được tạo hình như vậy là vì những tác phẩm của bà đậm xuân tình, táo bạo..." - Phương Thảo cho biết thêm.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được tạo hình quá sốc với trang phục thiếu vải.
Nhiều người cho rằng, tạo hình của “Sử Hộ Vương” chẳng khác gì một loại game của Nhật Bản.

Bạn Lương Minh Phương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ: "Tôi có nghe qua về dự án game này. Phải công nhận hình ảnh nhân vật được vẽ rất đẹp, rất bắt mắt. Bên cạnh một số nhân vật được vẽ đẹp, phù hợp thì vẫn còn hình vẽ không được tốt cho lắm.

Tạo hình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương như vậy là quá lố, phản cảm. Tôi nghĩ chẳng có lý do gì mà các bạn trẻ không chỉnh sửa, thay đổi một chút để phù hợp".

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát đưa ra ý kiến rằng, có lẽ vì các bạn trẻ chưa hiểu rõ, chưa biết nhiều về các nhân vật lịch sử Việt Nam nên chưa cảm thụ được tinh thần của mỗi nhân vật. Điều này cho thấy, họ thiếu bản lĩnh sáng tác, không thể cho ra mắt được nhân vật mang bản sắc của game Việt. Đó là sự sao chép từ các nhân vật game của nước ngoài.

"Khi làm một vở kịch lịch sử phải cân nhắc đến từng chi tiết phục trang, từng câu thoại, từng tình tiết thực sử hay chính sử mà quyết định nên hay không nên thể hiện hình tượng sân khấu. Sai là bị phạt ngay lập tức. Vậy thì game là gì mà có quyền cải biến đến như vậy?" - đạo diễn Phát cho hay.

Chúng ta trân trọng những ý tưởng mới của người sáng tạo, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng thiết nghĩ, những nhân vật game cần phải có sự bắt mắt, hấp dẫn, vì thế khó mà thoát khỏi phong cách fantasy. Dư luận cho rằng, các nhân vật của game này được vẽ rất đẹp mắt. Một vài nhân vật có thể chấp nhận với phong cách game (hai bà Trưng, Nguyễn Nhạc)...

Nhưng kiểu vẽ Hồ Xuân Hương, Quang Trung, Gia Long... thì không ổn về mặt tạo hình và phục trang. Nếu nhóm tác giả này có tinh thần cầu thị, chịu chỉnh sửa thì đây rất có thể là một game hot trên thị trường. Dù chỉ là ý tưởng nhưng lấy các nhân vật lịch sử trong các loại hình kinh doanh cần phải được tìm hiểu và nghiên cứu rõ ràng, tránh gây trường hợp hiểu lầm, phản cảm.

Theo Nguyễn Khánh Dương - người sáng lập Comicola, trang cung cấp nền tảng kêu gọi gây quỹ cộng đồng cho “Sử Hộ Vương” - đây là một dự án gây quỹ khá thành công.

"Trước đây, nhóm thực hiện “Sử Hộ Vương” từng đi xin gọi vốn ở một cuộc thi và không thành công. Nhưng khi crowdfunding (gây quỹ cộng đồng), các bạn ấy đã thu được 30% mục tiêu gọi vốn sau hơn 2 tuần (tới nay số tiền cộng đồng góp để thực hiện “Sử Hộ Vương” đã lên tới 250 triệu đồng)", Khánh Dương cho biết.

“Bất cứ sản phẩm nào ra cũng sẽ có người thích và có người không thích. Không một ai có thể làm được một sản phẩm mà 100% mọi người đều thích cả. Thế nên, việc ý kiến phản đối dự án “Sử Hộ Vương”, tôi không ngạc nhiên và hoàn toàn hiểu được. Điều ngạc nhiên duy nhất của tôi là tốc độ ủng hộ nhanh hơn những gì tôi đoán từ đầu”, Khánh Dương nói.

“Những người phản đối “Sử Hộ Vương”, họ có cái lý của họ, và ý kiến của họ xứng đáng được tôn trọng. Nhóm làm dự án cần ghi nhận toàn bộ ý kiến của mọi người để có thể có sự điều chỉnh cần thiết. Thật may mắn, với mô hình crowdfunding, bạn chưa đưa sản phẩm sản xuất hàng loạt. Bạn có cơ hội để điều chỉnh sản phẩm và đảm bảo mọi thứ sẽ tốt lên”, Khánh Dương khẳng định.

Quang Ngọc
.
.
.