Du lịch “vớ bẫm” từ điện ảnh?

Thứ Hai, 27/03/2017, 16:14
Nếu đã đặt chân đến Hollywood, hay đơn giản là Hàn Quốc, bạn sẽ thấy ngành du lịch “vớ bẫm” từ điện ảnh như thế nào. Ðây là hai ngành công nghiệp được khai thác triệt để lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau vô cùng hiệu quả. Du lịch kiếm bộn tiền từ điện ảnh, và ngược lại, điện ảnh mang thương hiệu của quốc gia đến bạn bè quốc tế nhanh nhất, hiệu quả nhất.


Cơ hội vàng

Khán giả cả nước đang xôn xao với bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” (Đảo đầu lâu). Những ngày công chiếu đầu tiên tại Việt Nam, tất cả các phòng vé đều cháy vé. Doanh thu của bộ phim khiến cho các nhà sản xuất trong nước phải thèm thuồng. 

Khán giả nườm nượp tới rạp. Họ hồi hộp xem câu chuyện về vua khỉ, với những cảnh phim được trau chuốt bằng kỹ xảo đã đành, nhưng mặt khác, họ chờ để được nhìn những khung cảnh tuyệt vời của đất nước mình vào phim của kinh đô điện ảnh thế giới ra sao. 

Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, thẳng cảnh Ninh Bình có thể nhiều người Việt đã đi, nhưng nhìn ngắm những cảnh đẹp đó từ những thước phim của các nhà làm phim nổi tiếng vẫn là một háo hức của khán giả. Người Việt còn như vậy huống hồ những khán giả quốc tế, những người chưa từng một lần đến Việt Nam.

Hẳn nhiên chúng ta không cần quảng cáo cho bộ phim, vì họ đã có hẳn một chiến dịch cho việc đó trước khi phim đến với công chúng. Chúng ta chỉ bàn ở góc độ liên quan đến chúng ta, đó là các nhà làm du lịch sẽ tận dụng, khai thác những yếu tố lợi thế này ở trong điện ảnh như thế nào để “vớ bẫm” như du lịch nhiều nước khác đã kiếm từ điện ảnh?

Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình, hay nhiều địa danh khác ở Việt Nam từ lâu đã trở thành những cái tên quen thuộc với khách du lịch trên toàn thế giới. Đó là những địa điểm danh thắng đẹp. 

Nhưng, thực sự mà nói, cho dù du lịch của ta đã có nhiều bước phát triển mới trong chăm sóc, dịch vụ khách lữ hành, nhưng những giá trị mà du lịch khai thác được vẫn chưa xứng với tiềm năng của nhiều thắng cảnh. 

Các sản phẩm du lịch của ta còn khá truyền thống, lạc hậu, thiếu tính sáng tạo. Việc đưa điện ảnh vào các sản phẩm du lịch là những nét sáng tạo mới cho thấy tầm của người hoạch định chiến lược du lịch ở mỗi địa phương.

Năm ngoái, khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sốt xình xịch trên báo chí. Những thước phim đẹp mê hồn quay từ một vùng đất đẹp như mơ của Phú Yên đã nức lòng người xem. 

Hậu “Hoa vàng trên cỏ xanh”, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã nhanh nhạy đề ra các dự án liên quan đến du lịch. Chỉ trong một thời gian ngắn, tốc độ phát triển du lịch của địa phương này đã nhích lên một con số rất ấn tượng. Trong khi du lịch cả nước năm 2016 chỉ tăng 26% thì du lịch Phú Yên tăng 30,6%. 

Du lịch kiếm bộn tiền từ điện ảnh, và ngược lại, điện ảnh mang thương hiệu của quốc gia đến bạn bè quốc tế nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Một ví dụ từ phim trong nước thôi, nhưng đã đủ để thấy khả năng to lớn của du lịch nếu chú tâm khai thác, nhặt “vàng” từ điện ảnh. Những câu chuyện đẹp trong phim, những thước phim đẹp trong phim có thể trở thành hình ảnh để khơi gợi bước chân người đi du lịch. Vấn đề là làm sao để có những sản phẩm đủ hấp dẫn để du khách quyết định lựa chọn tới đó, tới nơi mà họ đã từng du lịch qua màn ảnh.

Quay trở lại câu chuyện phim “Kong: Skull Island” có bối cảnh quay tại Việt Nam vừa được phát hành trên toàn thế giới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dường như đã rất nhạy khi nắm lấy cơ hội này như một cơ hội lớn thúc đẩy du lịch. Đạo diễn của bộ phim, ông Jordan Vogt-Robert được chọn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020. 

Vị đạo diễn này chia sẻ, ông sẽ chuyển tới sống tại Việt Nam trong thời gian tới và sẽ làm tất cả để truyền cảm hứng cho khán giả, những người yêu điện ảnh và đặc biệt là ham thích du lịch khám phá. 

Tổng cục Du lịch cũng đã khẩn trương đề xuất một chương trình hành động cụ thể, khai thác các điểm vàng từ hiệu ứng của phim “Kong: Skull Island” và những bộ phim khác có những cảnh quay đẹp từ các thắng cảnh nổi tiếng. 

Tỉnh Quảng Bình đã đàm phán với đoàn làm phim “Kong: Skull Island” về việc dựng tượng 3 cánh tay khỉ Kong tại các điểm quay như hồ Yên Phú, thung lũng Chà Nòi và hang Chuột tại huyện Minh Hóa. Cùng với đó, các tour du lịch liên quan đến bộ phim “Kong: Skull Island” sẽ được xây dựng, đảm bảo đủ tính hấp dẫn để mời mọc du khách.

Học các nước

Nhớ lại, khi phim “Đông Dương” công chiếu, lượng khách du lịch Pháp và châu Âu tới Việt Nam tăng vọt. Thủa ấy, internet chưa phát triển, công nghệ chưa rầm rộ như bây giờ, nhưng người ta đã có thể nhìn thấy sức ảnh hưởng ghê gớm của điện ảnh đối với du lịch. Những câu chuyện trên màn ảnh, những cảnh quay dù thực tế hay kỹ xảo liên quan đến một vùng đất đều có khả năng khơi gợi sự tò mò từ người xem. Đôi khi một bộ phim có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự lựa chọn của khán giả khi họ đi du lịch. 

Tại Hàn Quốc, mỗi dự án phim bao giờ cũng được các nhà làm du lịch quan tâm triệt để. Những phim có kế hoạch phát hành tại nước ngoài sẽ được du lịch xây dựng các tour riêng nhằm khai thác hiệu ứng từ bộ phim. Sức hút của mỗi bộ phim cũng thường xuyên được đánh giá để đưa vào chương trình du lịch những tour phù hợp.

 Khách du lịch ngày nay đến Hàn Quốc, họ sẽ được giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, như đến thăm phim trường của các bộ phim truyền hình nổi tiếng: “Trái tim mùa thu”, “Bản tình ca mùa đông”, hay “Nấc thang thiên đường”. Tại các điểm du lịch, hiện trường quay phim phần lớn được giữ nguyên, tái hiện, khiến cho khán giả cảm thấy như mình là một phần của bộ phim, bước ra từ bộ phim vậy. 

Hay như ở Thái Lan, nhờ những bộ phim nổi tiếng như “Điệp viên 007”, hay “Nhiệm vụ bất khả thi” và “The Beach”  từng có cảnh quay tại đây, mà một số địa danh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Đảo Kok và vịnh Phang Nga ở Phuket vẫn thường được du khách gọi âu yếm là “đảo James Bond”, gợi nhắc đến những câu chuyện trong bộ phim trinh thám được khán giả toàn thế giới yêu mến.

Bài học của các nước có nền điện ảnh và du lịch phát triển là, họ luôn chào đón những đoàn làm phim đến từ các nền điện ảnh lớn. Những bộ phim ăn khách, những tên tuổi nghệ sĩ lớn bao giờ cũng được đón tiếp nồng hậu. 

Nếu đoàn làm phim muốn chọn bối cảnh ở đất nước mình để quay, chính quyền và nhân dân tạo mọi điều kiện để giúp đỡ họ. Các thủ tục hành chính thường ngắn gọn nhất có thể, làm sao để những người làm điện ảnh không nản lòng, thêm cảm hứng sáng tạo. 

Và trong suốt quá trình quay phim, dựng phim và đặc biệt là thời điểm công chiếu bộ phim, ngành du lịch luôn cố gắng đề xuất các ý tưởng gắn kết với bộ phim. Làm sao để các sản phẩm du lịch thực sự khơi gợi ý muốn ham khám phá của du khách. 

Người làm du lịch hiểu rằng, điện ảnh đã giúp họ đi trước một bước, mang hình ảnh các danh thắng đến với khán giả rồi, họ chỉ việc đi sau để “nhặt vàng”. Tất nhiên, việc nhặt được nhiều hay ít vàng chính là phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng, tâm huyết, sự nhanh nhạy của những người làm du lịch.

Khai thác du lịch từ điện ảnh không còn là câu chuyện mới. Nhận thức của người làm du lịch thì đã có rồi, nhưng phương thức, cách làm còn nhiều yếu tố bất cập, chắc chắn cần được lắng nghe, học hỏi nhiều hơn nữa. 

Thực tế, các dự án phim nước ngoài vào Việt Nam chưa nhiều, mà một trong những nguyên nhân là do thủ tục hành chính của ta còn rườm rà, làm khó cho đoàn làm phim. Trong xu thế toàn cầu hóa, việc cởi mở hơn để tiếp nhận, giao lưu văn hóa là cần thiết. Hy vọng rằng sau “Kong: Skull Island”  sẽ có nhiều dự án điện ảnh lớn tiếp tục đến với Việt Nam. 

Chúng ta có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ, nhiều địa danh đã trở thành kỳ quan của nhân loại, việc khai thác du lịch cho có hiệu quả là một bài toán dễ mà khó. Cùng với các sản phẩm du lịch truyền thống, sự hỗ trợ của điện ảnh là một nhân tố cần được kích thích bởi tính hiệu ứng của ngành nghệ thuật này. Chỉ cần làm khéo, làm tốt, ngành du lịch hoàn toàn có thể “vớ bẫm” từ điện ảnh, bởi các lợi thế mà điện ảnh mang đến.

Hồng Anh
.
.
.