Dự thảo xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Còn nhiều băn khoăn

Thứ Sáu, 08/05/2020, 13:58
Việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) nhiều năm qua luôn gặp những bất cập. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa ra Dự thảo sửa đổi một số vấn đề trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Liệu những sửa đổi đó đã thực sự mở và tạo điều kiện để danh hiệu được trao đúng người, tránh khỏi những chuyện lùm xùm không đáng có như nhiều năm qua?


Một số đổi mới trong dự thảo

Danh hiệu NSND, NSƯT được xem là phần thưởng lớn cho những đóng góp của nghệ sĩ vào lĩnh vực văn hoá nghệ thuật nước nhà. Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu này căn cứ vào Nghị định số 89/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, sau nhiều lần xét tặng danh hiệu, Nghị định 89 cho thấy nhiều bất cập, rào cản trong quy định hiện hành khiến nghệ sĩ tổn thương, gây bức xúc trong dư luận và những người làm nghề.

Trước những tồn tại của Nghị định 89, Bộ VH-TT&DL vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến trước công chúng. Thay đổi đầu tiên trong dự thảo này so với Nghị định 89 là thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân nghệ sĩ được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, thay vì chỉ tính từ thời điểm tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Dự thảo cũng có một số thay đổi trong việc quy đổi huy chương vàng để hạn chế việc lạm dụng” huy chương ở các kỳ liên hoan.

Các nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu năm 2019.

Ngoài ra, dự thảo đề cập đến những trường hợp nghệ sĩ đáp ứng đủ tiêu chí về phẩm chất, năng lực, sự cống hiến nhưng chưa đủ huy chương theo quy định hiện hành sẽ được hội đồng các cấp xem xét, đánh giá là trường hợp đặc biệt, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tỉ lệ phiếu đồng thuận để hoàn thiện hồ sơ xét danh hiệu là 80%, thay vì 90% như trước đây. Ngoài ra, thành phần, số lượng thành viên của hội đồng xét duyệt cũng có sự thay đổi theo hướng giảm số lượng. Thời gian xử lý kiến nghị cũng được rút ngắn còn 15 ngày, thay cho 20 ngày như thời điểm trước.

Dự thảo đã thực sự "mở"

Theo Nghị định 89, các nghệ sĩ xét tặng danh hiệu cần thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tối thiểu 15 năm với NSƯT và 20 năm với NSND (riêng nghệ sĩ hoạt động trong 2 lĩnh vực đặc thù là múa và xiếc được giảm 5 năm cho mỗi danh hiệu).  Thời gian này được tính “từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm làm hồ sơ”.

Thực tế, qua nhiều mùa xét tặng danh hiệu cho thấy, quy định tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp khá cứng nhắc, bởi nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ học theo kiểu truyền nghề, nhất là các nghệ sĩ ở phía Nam.

Nhiều người trưởng thành từ các cuộc thi như “Chuông vàng vọng cổ”, rồi tham gia các vai diễn nhưng không đầu quân về các đoàn chuyên nghiệp. Nhiều nghệ sĩ kỳ cựu nhưng không hoạt động gắn bó lâu năm với một đoàn cụ thể nào, nhất là các nghệ sĩ cải lương miền Nam, nhiều nhóm/ người hoạt động theo hình thức gia tộc.

NSND Minh Vương (trái) và NSND Thanh Tuấn được xét đặc cách năm 2019.

NSND Thanh Tuấn chia sẻ: “Với nghệ thuật cải lương, rất nhiều nghệ sĩ có nhiều đóng góp, cống hiến nhưng họ lại không ký hợp đồng với các đoàn chuyên nghiệp. Anh chị em nghệ sĩ ngày trước trừ đào chánh, kép chánh là những ngôi sao ở các đoàn lớn mới có hợp đồng lao động, còn lại rất hiếm người được ký. Vì thế, rất khó để họ chứng minh được điều này. Chưa tính đến trường hợp những nghệ sĩ kỳ cựu phát triển nghề theo gia tộc. Họ vào nghề rất sớm nhưng chủ yếu hoạt động theo phương thức gia đình, nên chuyện có hợp đồng lao động lại càng khó”.

Vì thế, hợp đồng lao động theo quy định của nhà nước và thời hạn dài vẫn là một rào cản đối với các nghệ sĩ. Dự thảo sẽ hoàn chỉnh hơn nếu bổ sung xem xét đặc cách cho những nghệ sĩ không đủ tuổi nghề nhưng đã cống hiến nhiều cho đời sống nghệ thuật.

Vấn đề thứ 2 được nhiều nghệ sĩ quan tâm, đó là việc các nghệ sĩ vẫn phải tự làm hồ sơ gửi lên để xét tặng. Cơ chế xin - cho này khiến nhiều nghệ sĩ rất ngần ngại làm hồ sơ, thậm chí họ cảm thấy bị tổn thương. NSƯT Xuân Hinh cho rằng, danh hiệu rất cao quý và thiêng liêng, vì thế cách trao tặng cũng cần giữ được sự thiêng liêng đó.

“Cách nghệ sĩ tự chạy vạy đi làm hồ sơ, giấy tờ rất vất vả. Trong khi sự đóng góp của họ thì hiện hữu. Nếu cứ phải chạy đi làm hồ sơ, kê khai thành tích thì không chỉ tôi mà nhiều nghệ sĩ sẽ không làm”.

Nhiều năm nay, NSƯT Xuân Hinh không làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, nên đến giờ, một tên tuổi lớn trong làng chèo, được người dân cả nước biết tên vẫn chỉ là NSƯT. Ngay cả NSND Trung Anh, trong đợt phong tặng danh hiệu bổ sung năm 2019, anh cũng giữ quan điểm đó, anh không trực tiếp đi làm hồ sơ, bởi việc chạy vạy giấy tờ, hồ sơ khiến người nghệ sĩ cảm giác bị tổn thương.

"Siết" quy định giải vàng

Một vấn đề nóng trong mỗi mùa xét tặng danh hiệu, đó là tiêu chí “giải vàng” luôn là điểm gây tranh cãi. Nghị định 89 yêu cầu mỗi nghệ sĩ 2 giải vàng quốc gia (hoặc 1 giải vàng, 1 bạc quốc gia để xét danh hiệu NSƯT).

Còn nếu xét NSND, các NSƯT cần thêm 2 giải vàng nữa. Vấn đề này cũng gây bức xúc đối với các nghệ sĩ, vì nhiều nghệ sĩ gạo cội, có tên tuổi trong nghề nhưng không đảm bảo tiêu chí có “giải vàng” này. Đó có thể là những gương mặt lão thành, từng dành tuổi trẻ tham gia kháng chiến hay những nghệ sĩ quen thuộc với công chúng vì những đóng góp miệt mài của họ cho các bộ môn nghệ thuật trong nhiều năm qua, hay những nghệ sĩ âm thầm đứng đằng sau nhiều thế hệ học sinh, họ làm công tác đào tạo.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 89 điều chỉnh theo hướng “siết lại” việc quy đổi giải thưởng (các năm trước áp dụng tiêu chuẩn quy đổi giải thưởng, theo đó những giải vàng tập thể có thể quy đổi thành 1/2 giải vàng cho nghệ sĩ). Tuy nhiên, cách tính này khiến danh hiệu bớt đi giá trị. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ cho rằng, các giải vàng hiện nay cũng không còn thực là “vàng”, vì chất lượng nghệ thuật giảm sút, nhiều người chỉ đi thi để lấy giải làm hồ sơ, bởi các liên hoan gần đây thường trao quá nhiều huy chương.

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 với “mưa” giải thưởng, dù tại liên hoan này, chất lượng nghệ thuật đã bị giảm sút, nghệ thuật chèo đang bị mai một, kịch nói hóa. Chất lượng nghệ thuật đi xuống nhưng huy chương vàng lại tăng lên sau mỗi mùa liên hoan. Phải chăng, đó cũng là vấn đề đáng báo động nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí giải vàng?

Thế mới có chuyện hiện nay, có một số nghệ sĩ trẻ được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND mà thực tế, đóng góp của họ cho nghề chưa nhiều, tài năng cũng chỉ ở mức “vừa vừa”. Trong khi đó, vẫn còn nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, hơn nửa thế kỷ đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật, đến bây giờ vẫn miệt mài làm nghề như NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Bảo Quốc… vẫn chưa được vinh danh một cách xứng đáng với những đóng góp của họ. Đó là những bất cập mà dự thảo sửa đổi Nghị định 89 chưa giải quyết được một cách rốt ráo.

Liên hoan chèo toàn quốc với rất nhiều giải vàng.

Tuy nhiên, như để bù lại cho thay đổi này, dự thảo sửa đổi Nghị định 89 đã bổ sung thêm các khoản về đặc cách xét tặng danh hiệu. Theo đó, trong trường hợp chưa đủ về số giải vàng quốc gia, các nghệ sĩ muốn xét danh hiệu NSND, NSƯT có thể “được Hội đồng các cấp xem xét, đánh giá là trường hợp đặc biệt, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc đưa ra quy định xem xét đặc cách xét tặng danh hiệu là điều hợp lý - khi mà trong những năm qua, khá nhiều trường hợp nghệ sĩ từng được đặc cách xét tặng như vậy, nhưng điều này cũng gây ra những khó khăn đối với các nghệ sĩ, bởi họ vốn là những người tự trọng, rất ngại cơ chế kiểu xin cho.

Trong dự thảo đổi mới này, nhiều nghệ sĩ có ý kiến dự thảo đang bỏ quên các nghệ sĩ làm công tác đào tạo, giảng dạy. Họ là những người đào tạo nghệ sĩ, tham gia dàn dựng, biểu diễn… nhưng lại không tham gia các cuộc thi, liên hoan hoặc vì không muốn "giành huy chương" với học trò… Khi chưa có quy định cụ thể, mà chỉ canh vào huy chương như hiện tại, việc bỏ sót người tài vẫn sẽ tái diễn.

Một yếu tố khác, đó là việc thành lập hội đồng xét duyệt liệu có cần thiết khi các tiêu chí xét duyệt đã rõ ràng. Theo quy định mới, chỉ cần 80% thành viên Hội đồng đồng thuận thay vì 90% như trước đây, nhưng quy định này cũng sẽ gây khó khăn cho các nghệ sĩ. Bởi thực tế, các thành viên hội đồng không phải ai cũng nắm rõ đặc thù của các môn nghệ thuật, điều kiện hoạt động ở các địa phương.

Chưa kể, việc chọn lựa, bỏ phiếu không loại trừ yếu tố cảm tính yêu - ghét cá nhân, người chịu thiệt thòi vẫn là các nghệ sĩ. Với nhóm nghệ sĩ ở địa phương, độ phủ sóng không nhiều, thành viên hội đồng xét duyệt không biết đến cũng dễ khiến họ mất cơ hội được tôn vinh.

Nhìn chung, dự thảo đổi mới về việc phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND vẫn chưa thực sự mở. Và nếu áp dụng theo những quy định này, thì những tồn tại nhiều năm qua như việc bỏ sót các nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến vẫn chưa được giải quyết một cách  triệt để.

Lan Tường
.
.
.