Arsene Wenger chạm mốc 20 năm dẫn dắt Arsenal

Dù thế nào, Wenger vẫn là một huyền thoại

Thứ Năm, 29/09/2016, 13:28
Arsenal vừa có màn vùi dập Chelsea với tỉ số 3-0 ở Premier League hồi cuối tuần qua. Đấy mới là lần đầu tiên các Pháo thủ giành được thắng lợi trước đối thủ cùng thành phố tại giải Ngoại hạng Anh kể từ tháng 10-2011. Rõ ràng, chiến thắng hủy diệt ấy là kết quả không thể ngọt ngào hơn đối với thầy trò HLV Wenger. Nhất là khi nó diễn ra đúng vào dịp đội chủ sân Emirates kỉ niệm 20 năm vị Giáo sư người Pháp dẫn dắt CLB này…


20 năm liền nắm quyền tại Arsenal của Arsene Wenger chưa đủ để giúp ông tạo nên một kỷ lục. Nhưng nó cũng là thừa đủ để đưa tên tuổi ông vào ngôi đền của những huyền thoại của giải VĐQG được xem là hấp dẫn nhất thế giới. Đặc biệt là sau những gì Wenger đã làm được với đội bóng của mình.

Wenger từng là một cái tên đem đến sự ngờ vực

Vặn ngược thời gian quay trở lại cách đây 20 năm, khi Wenger cập bến Arsenal vào năm 1996, đó là một sự kiện khiến truyền thông “xứ sở sương mù” (vốn rất ưa thích sự giật gân) phải dậy sóng. Đơn giản bởi, Wenger là một cái tên quá xa lạ với bóng đá Anh nói riêng và bóng đá thế giới nói chung.

Trước khi đến dẫn dắt Arsenal, nơi làm việc của Wenger là Nhật Bản - khi đó thậm chí còn chưa phải là cường quốc bóng đá tại vùng trũng châu Á. Trước đó, thành tích đáng kể nhất của Wenger cũng chỉ là giúp Monaco 1 lần vô địch Ligue 1 (mùa giải 1987-1988) và 1 Cúp QG Pháp (mùa giải 1990-1991). Tức là sự nghiệp HLV của Wenger ở thời điểm ấy chẳng có gì đặc biệt.

 Thế nên cũng dễ hiểu khi Nick Hornby - cây viết nổi tiếng về Pháo thủ đã mỉa mai quá trình tìm kiếm thuyền trưởng ở sân Highbury như sau: "Tôi nhớ rằng lúc Bruce Rioch bị sa thải, các tờ báo đã nhắc tới 3 hay 4 cái tên. Đó là những Terry Venables, Johan Cruyff, và cuối cùng, Arsene Wenger.

Arsene Wenger của 20 năm về trước khi ra mắt Arsenal.

Với tư cách là một người theo dõi CLB lâu năm, ngay từ khi ấy tôi dám cá là Arsene Wenger sẽ được chọn. Vì tôi chẳng biết gì về ông ta cả. Arsenal sẽ lựa chọn một gã tẻ nhạt nào đó mà bạn chưa bao giờ nghe đến tên ông ta".

Còn tờ The Times thì bình luận rằng "Arsenal chắc chắn là đã làm một việc mạo hiểm nhất trong lịch sử đội bóng khi bổ nhiệm kẻ vô danh Wenger". Ở một diễn biến khác, tờ Evening Standard còn bỉ bôi hơn khi đặt dòng tít "Arsene nào cơ?" để đưa tin về vị HLV mới cập bến sân Highbury.

Ngay cả nội bộ Arsenal cũng nhìn Wenger với một con mắt đầy ngờ vực. Tony Adams - đội trưởng của Pháo thủ về sau đã tiết lộ với báo giới cảm nhận ban đầu của anh về Wenger như sau: "Đầu tiên, tôi nghĩ rằng gã người Pháp này thì biết quái gì về bóng đá chứ? Lão ta đeo một cặp mắt kính và trông giống như một giáo viên vậy. Chắc chắn ông ta sẽ chẳng thể giỏi bằng HLV George Graham đâu. Mà chẳng hiểu là liệu lão ta có thể nói tiếng Anh không đấy?". 

Trên thực tế, Wenger quả thật chỉ là một phương án đóng thế ở Arsenal, sau khi những tên tuổi lớn hơn như Johan Cruyff hay Sir Bobby Robson từ chối CLB thành London. Do đó, áp lực ban đầu đối với vị HLV người Pháp là cực lớn.

Không những thế, Wenger còn phải đối mặt với những câu chuyện thêu dệt của những tờ báo lá cải của nước Anh. Nào là  ông từng quan hệ bất chính với đàn bà, rồi đàn ông và thậm chí là cả những đứa trẻ. Trong khi đó về mặt chuyên môn thì phong cách huấn luyện mới mẻ của vị chiến lược gia người Pháp khi ấy lại bị nhìn bằng một con mắt đầy nghi hoặc.

Người ta tỏ ý phản đối phương pháp huấn luyện đầy khoa học, đề cao vai trò của chế độ dinh dưỡng mà Wenger theo đuổi. Khi ấy, đám đông thậm chí còn cho rằng Wenger là kẻ điên rồ, vì bóng đá thì liên quan gì đến Mars (một loại chocolate) bị ông cấm tuyệt đối ở Arsenal. Người Anh dè bỉu Wenger rằng ông là một kẻ ngoại quốc đến nước Anh và làm xáo trộn mọi trật tự.

Nhưng Wenger đã tạo nên lịch sử

Khởi đầu hành trình tại “xứ sở sương mù” đầy khó khăn, mù mịt như vậy, nhưng phần còn lại của Wenger trên đất Anh lại là lịch sử. Người Anh đã đúng Wenger đến để xáo trộn trật tự, tạo nên một cuộc cách mạng đối với nền bóng đá nước này.

Wenger là một trong những HLV đầu tiên trong thế hệ của mình đi tiên phong trong việc kết hợp giữa khoa học và bóng đá. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Arsenal, ngồi trên băng ghế huấn luyện của CLB là một nhà khoa học về thể thao đồng thời là một chuyên gia dinh dưỡng.

Wenger đã vận hành đội bóng theo một cách hoàn toàn mới mẻ. Chẳng còn những bài tập nhàm chán lặp đi lặp lại, những cuộc chạy bộ kinh khủng vào mỗi buổi sáng, những buổi tập kéo dài 3 tiếng đồng hồ như dưới thời George Graham hay Bruce Rioch nữa. Mỗi cầu thủ sẽ được Wenger đặt vào một chương trình riêng biệt để nâng cao thể lực và sức bền, thứ sẽ đồng hành cùng họ trong các trận đấu.

Bên cạnh đó, ông còn ban hành lệnh cấm nhậu nhẹt, qua đó đoạn tuyệt với thứ văn hóa rượu bia vốn rất thịnh hành ở nước Anh thời điểm đó. Wenger đã thiết lập một chế độ ăn kiêng hàng tuần cho các cầu thủ. Những bữa ăn trước trận, khoai tây chiên và đậu, được thay đổi thành thịt gà luộc, mì và rau xanh. Vitamin và dầu gan cá cũng được bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

Đáng chú ý, Wenger còn tạo dựng được một hệ thống tuyển trạch viên theo dõi, đánh giá các cầu thủ nước ngoài rất bài bản. Cần biết rằng ở những năm giữa của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, các CLB Anh chưa hề coi trọng điều này. Các đội bóng “xứ sở sương mù” thường chỉ chuộng, quan tâm đến các cầu thủ thuộc Liên hiệp Anh.

Chính vì vậy, giá trị các cầu thủ có quốc tịch Anh thường bị đẩy lên rất cao. Wenger - người từng theo học chuyên ngành Kinh tế và Quản trị tại Đại học Strasbourg đương nhiên nhận ra bất cập này. Chính vì thế, song song với việc đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ tại CLB, Wenger hướng sự ưu tiên chuyển nhượng ra ngoài biên giới Anh.

Ông đưa về sân Highbury một loạt bản hợp đồng có ý nghĩa lịch sử của Câu lạc bộ như Patrick Vieira, Emmanuel Petit, Marc Overmars, Anelka, Thierry Henry… Tất cả họ đều đóng vai trò cực lớn trong thành công của Arsenal những năm sau đó. Sau những thành công khó tin của Wenger trên thị trường chuyển nhượng, các đội bóng Anh mới bắt đầu chú trọng hơn đến việc đầu tư một hệ thống săn tìm những viên ngọc ở nước ngoài.

Giờ ông là một phần lịch sử của Arsenal và Premier League.

Phong cách chơi bóng mà Wenger theo đuổi cũng là một điều mới mẻ với người Anh. Các đội bóng Anh vốn đã quen với thứ bóng đá nhiều cơ bắp, kick & rush (chuyền dài, lật cánh, đánh đầu). Bởi vậy, lối đá ngắn nhỏ, giàu kỹ thuật, pressing ngay trên phần sân đối phương mà Wenger đã mang đến một luồng gió mới, một nguồn cảm hứng mới.

Với những cuộc cách mạng mà Giáo sư mang đến, không có gì đáng ngạc nhiên khi Arsenal nhanh chóng trở thành một thế lực của bóng đá Anh dưới triều đại của Wenger. Ngay ở mùa giải 1997-1998, mùa bóng thứ 2 Wenger cầm quyền tại Arsenal, CLB này đã giành cú đúp danh hiệu (vô địch Premier League và FA Cup).

Wenger trở thành HLV ngoài Vương quốc Anh đầu tiên chinh phục được cột mốc tự hào ấy. Sau đấy là cú đúp tiếp theo ở mùa 2001-2002, rồi ngôi vương ở giải Ngoại hạng mùa 2003-2004 cùng kỷ lục bất bại vô tiền khoáng hậu... Wenger đã thực sự là người đi tiên phong và thành công nhất trong số những huấn luyện viên người nước ngoài từng làm việc trên đất Anh. Đó có thể coi là tiền đề cho cuộc xâm lăng của những "hậu bối" như Jose Mourinho, Juergen Klopp, Guardiola… sau này.

Nếu lấy thước đo là thành tích thì cuộc trường chinh của Wenger tại Arsenal sẽ được chia ra làm 2 giai đoạn rất rõ ràng. Thập kỷ đầu tiên là một kỷ nguyên vàng, thành công rực rỡ với những cuộc cách tân mà ông tạo ra. Còn 10 năm tiếp theo là sự chững lại về thành tích do nhiều lí do khác nhau, cả khách quan lẫn sự chững lại của chính Wenger.

Nhưng dù thế nào, sau những điều kì vĩ, đặc biệt là các cuộc cách mạng làm thay đổi diện mạo và tư duy của bóng đá Anh, người ta sẽ không thể chỉ sử dụng những thước đo thành tích thông thường để đánh giá thành bại của Wenger. Và sau khúc khải hoàn rực rỡ trước Chelsea, thày trò Arsene Wenger ít nhất đã gửi đi một thông điệp sẽ thật là sai lầm nếu vội gạch tên Pháo thủ và cho rằng Giáo sư đã hết thời. Đặc biệt là khi ông già 66 tuổi vẫn thể hiện mình còn tràn đầy khát khao và đam mê với lời khẳng định rằng ông thấy sợ khi nghĩ tới ngày nghỉ hưu!

Tôi chỉ có một đam mê duy nhất là bóng đá

Tôi không phải Ferguson. Tôi không có đam mê gì khác và cũng không hứng thú hoài niệm quá khứ cho lắm. Như việc viết tự truyện kể lại về cuộc đời của mình. Đó là điều khiến tôi lo lắng. Sau khi Alex (Ferguson) nghỉ hưu và chúng tôi đối đầu với họ (Manchester United), ông ấy đã nhắn tin mời tôi tới uống cùng ông ấy.

Tôi hỏi: "Ông có nhớ bóng đá không?" Ông ấy nói rằng: "Hoàn toàn không". Tôi không thể hiểu được. Đó là một cảm giác trống rỗng, nhất là khi bạn đã sống cả cuộc đời để chờ đợi trận đấu tiếp theo và cố gắng giành chiến thắng. Tôi hy vọng rằng, sau khi chia tay với bóng đá, tôi có thể trở thành một cái gì đó khác biệt với các đời HLV khác. Dạy bóng đá cho lũ trẻ chẳng hạn. Tôi sẽ tỏ ra hữu ích.

Arsenal gần hoàn hảo

Đã lâu lắm rồi người ta mới thấy HLV Wenger tỏ ra phấn khích như vậy. Sau chiến thắng trước đối thủ vốn là khắc tinh của mình (trong 10 trận gặp Chelsea trước đó, Arsenal chỉ biết hòa và thua), vị chiến lược gia người Pháp đã tỏ ra cực kì hài lòng.

Ông không ngại ngần thừa nhận rằng mình rất hạnh phúc và thỏa mãn, khi Arsenal đã chơi thứ bóng đá gần như hoàn hảo: "Tôi rất hạnh phúc. Arsenal chơi thứ bóng đá dựa vào sự di chuyển, kết hợp với kỹ thuật cùng tốc độ. Đá như trong hiệp 1 là gần hoàn hảo. Mọi người có thể thấy Arsenal đang đi đúng hướng. Chúng tôi cần phải thay đổi lịch sử, và chúng tôi đã làm được bằng một lối chơi rõ ràng và quyết liệt. Đó là những gì chúng tôi muốn".

PV
.
.
.