Đừng để đời tư thành… "hàng hóa"

Chủ Nhật, 17/12/2017, 15:29
Mấy ngày qua, những ồn ào xung quanh câu chuyện nghệ sỹ Lê Giang tiết lộ bị chồng bạo hành, ném từ cầu thang xuống đất trong chương trình “Sau ánh hào quang” vẫn chưa giảm nhiệt. Trong khi đó, ngoài việc gỡ bỏ tập phát sóng này, cho tới thời điểm này, Ban tổ chức gameshow vẫn chưa có động thái nào xin lỗi chính thức tới khán giả. Câu hỏi đặt ra ở đây là, để một chương trình như thế “lọt” sóng, trách nhiệm nhà đài đến đâu?


Từ tiết lộ gây phẫn nộ dư luận của nghệ sỹ Lê Giang

Khai thác đời tư nghệ sỹ để tăng rating, câu view không phải là chuyện hiếm của các gameshow Việt. Ngoài “Sau ánh hào quang”, ta có thể kể ra nhiều gameshow khác cũng xem đời tư nghệ sỹ như một yếu tố hấp dẫn trong cuộc chiến “chiếm sóng” hiện nay như “Chuyện tối nay với Thành”, “Người kể chuyện tình”, “Gương hai chiều”, “Lần đầu tôi kể”…

Thậm chí cả những chương trình tưởng chừng chỉ thuần thi thố tài năng ca hát, nhảy nhót như “Bolero hoan ca”, “Trời sinh một cặp”, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”, “Solo cùng Bolero”… cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, khi nghệ sỹ Lê Giang lên sóng truyền hình tiết lộ chuyện bị chồng cũ – nghệ sỹ Duy Phương bạo hành, ném từ cầu thang xuống đất, câu chuyện trở nên ồn ào… tới mức khó kiểm soát.

Nghệ sỹ Duy Phương khóc khi nhắc lại câu chuyện bị vợ cũ tố trên sóng truyền hình. (Ảnh: H.A).

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở giọt nước mắt của nghệ sỹ Lê Giang và thái độ đầy thương cảm của MC Trấn Thành. Sau khi chương trình phát sóng, nhân vật được nhắc đến - nghệ sỹ Duy Phương – bị dư luận lên án gay gắt, đòi truy tố vì tội bạo hành, bị khách hàng tẩy chay khiến cho công việc buôn bán ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông bức xúc cho rằng nhân phẩm, danh dự của bản thân bị chà đạp chỉ vì Đài truyền hình thiếu kiểm chứng khi đưa tin một chiều, không xác nhận lại phía mình. Nghệ sỹ Duy Phương gần như suy sụp khi nói: “Chưa bao giờ tôi có ý định chết như ngày hôm nay. Tôi chỉ muốn chết, không muốn sống nữa”.

Khán giả tự nhiên biến thành con rối khi không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Để rồi, từ sự phẫn nộ ban đầu dành cho nghệ sỹ Duy Phương chuyển sang nghệ sỹ Lê Giang, sau đó là đơn vị sản xuất chương trình cho tới nhà đài.

Trong lúc đó, nghệ sỹ Duy Phương nói “sẽ chết tại ủy ban hoặc cơ quan ngôn luận nào nếu mọi việc không được làm rõ” và làm việc với luật sư để khởi kiện đơn vị phát sóng nhà sản xuất. Nhiều nghệ sỹ lên tiếng tẩy chay chương trình.

Cộng đồng mạng đòi nhà đài dẹp chương trình này đi. Ngay cả một số nhân vật đã ghi hình cho chương trình này cũng không chấp nhận xuất hiện nữa. Trước những áp lực của dư luận, tập phát sóng của Lê Giang trong chương trình “Sau ánh hào quang” đã bị gỡ bỏ khỏi kênh Youtube.

Trách nhiệm của nhà đài đến đâu?

Tuy nhiên, có lẽ với nhà đài (cụ thể ở đây là Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) cũng như đơn vị sản xuất chương trình “Sau ánh hào quang”, câu chuyện ồn ào Lê Giang – Duy Phương vẫn chưa đến mức “giọt nước tràn ly”.

Bằng chứng là, ngay trong lúc dư luận xã hội chưa nguôi “giận”, tập 11 - “Sau ánh hào quang” về chuyện đời của nghệ sỹ Bạch Long vẫn được phát sóng “như chưa có chuyện gì xảy ra”; ngày 8-12 vừa qua, chương trình vẫn tiếp tục ghi hình trò chuyện cùng nhân vật mới là MC Thanh Bạch.

Sau khi kể chuyện từng 7 năm yêu một ca sĩ đồng tính trong “Sau ánh hào quang”, người mẫu Xuân Lan phải lên tiếng xin lỗi vì vô tình làm ảnh hưởng đến người cũ hiện sống yên ổn ở Mỹ.(Ảnh: BTC)

Trong khi đó, trang fanpage của chương trình (có sự quan tâm và theo dõi của hơn 45,000 người), những nội dung như “Lần đầu tiên, Lê Giang khóc cho chính cuộc đời mình”, “Nỗi lòng này biết nói cùng ai”, “Thương cho thân phận của chị quá”… vẫn chưa bị xóa đi.

Nghệ sỹ Duy Phương cho biết, vẫn chưa có ai liên lạc với ông để nói lời xin lỗi. “Tôi vẫn ủy thác luật sư tiến hành khởi kiện đơn vị phát sóng, nhà sản xuất. Tôi không dễ khi đưa ra quyết định này, tôi chỉ gác chuyện gia đình sang một bên… Đơn vị phát sóng cho rằng không nhắc tên tôi trên truyền hình ư? Vậy hai đứa con ngồi đó là con ai, người đó là vợ cũ của ai?”.

“Đừng chối cãi điều đó, đừng bán cái cho ai cả” - nghệ sĩ Duy Phương nói. Trước đó, sau khi câu chuyện trở nên “bung bét” trước dư luận, nhà đài cho rằng, chương trình không hề nhắc đến tên nghệ sỹ Duy Phương; mà thay vào đó, chỉ nói là “chồng cũ” dẫn đến hiểu lầm không đáng có.

Gỡ bỏ tập phát sóng về Lê Giang ra khỏi kênh Youtube được xem là một việc làm cần thiết, nhưng có lẽ là chưa đủ từ phía Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Từ khi phát sóng câu chuyện gây bão dư luận này đến nay đã hơn một tuần, nhà đài cũng như đơn vị sản xuất chưa có một lời xin lỗi chính thức tới công chúng, đặc biệt tới cá nhân nghệ sỹ Duy Phương. Câu hỏi đặt ra ở đây là, để câu chuyện trở nên như vậy, trách nhiệm của nhà đài ở đâu và đến đâu?

Khâu kiểm duyệt cần siết lại

Có thể nói, công chúng luôn có nhu cầu được biết và hiểu về nghệ sỹ, nhất là những thần tượng của họ. Nhu cầu này hoàn toàn chính đáng, không có gì đáng chê trách. Trong một chừng mực nào đó, đời tư nghệ sỹ, đặc biệt là những góc khuất chưa một lần được hé mở, nếu được khai thác một cách vừa phải, đúng mực, có thể kéo gần khoảng cách giữa nghệ sỹ và khán giả của họ, thậm chí hóa giải những hiểu lầm trước đó.

Song, khai thác như thế nào để khán giả hiểu nghệ sỹ mà lại không làm tổn thương người khác, ranh giới đó quá mong manh, đòi hỏi những người làm chương trình có một ứng xử tinh tế và văn minh. Nhưng đáng tiếc, do mải chạy đua rating, không riêng “Sau ánh hào quang” mà những gameshow khác đang xem đời tư nghệ sỹ như một món hàng hóa để vịn vào với mục đích là hút khách, kéo lợi nhuận về. 

Vẫn biết, bản chất của gameshow là chiêu trò để bán quảng cáo trên sóng truyền hình. Thậm chí, có không ít người cho rằng, không chiêu trò, gameshow không có “cửa” sống. Và chỉ số rating với số đo lượng khán giả theo dõi cao hay thấp, được xem là tiêu chí hàng đầu để các doanh nghiệp sản xuất thương mại tìm đến nhà đài, các đơn vị sản xuất.

Vậy nên, trong “cuộc chiến” rating ấy, có những chương trình mải mê chạy đua lợi nhuận, cẩu thả trong biên tập nội dung, bất chấp dư luận cũng như sự thật, đúng - sai, cắt cúp tình tiết, câu chuyện nhằm dựng lên một kịch bản giật gân, câu khách, hút công chúng.

Thế nhưng, câu chuyện về độ trung thực mà các chỉ số rating được cung cấp không phản ánh đúng thực tế, đã không còn là câu chuyện mới mẻ nữa. Thực tế đã có rất nhiều kênh truyền hình, nhiều công ty truyền thông trên thế giới lâm vào hoàn cảnh khốn đốn hay buộc phải đóng cửa.

“Sau ánh hào quang” trở thành “tâm bão” khi Lê Giang tiết lộ bị chồng cũ bạo hành. (Ảnh: BTC).

Lý do cũng vì quá tự tin vào chỉ số rating, dẫn đến những bước đi sai lầm về chiến lược phát triển nội dung chương trình. Tại Việt Nam, gameshow với những chiêu trò rẻ tiền đang làm người dân phát ngán, cảm thấy “bội thực”, đòi hỏi muốn tồn tại và phát triển, phải thay đổi.

Trong câu chuyện khai thác đời tư nghệ sỹ của “Sau ánh hào quang” nói riêng và gameshow nói chung, ta có thể thấy rằng, lợi dụng scandal, đời tư để câu khách là việc của đơn vị sản xuất. Không đơn vị sản xuất nào muốn “bỏ qua miếng mồi béo bở” này để tăng rating cả.

Hiện tại, điều đó như một quy luật bất thành văn, ai cũng hiểu. Nhưng duyệt nội dung chương trình trước khi phát sóng lại thuộc về nhà đài. Trong sự việc của nghệ sỹ Lê Giang, phía Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có quyền yêu cầu đơn vị sản xuất làm lại nội dung nếu như nó chưa logic, thiếu thuyết phục.

Thế nhưng ở đây, tất cả dường như phó mặc cho phía đơn vị sản xuất “tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm. Kẽ hở trong câu chuyện liên kết sản xuất gameshow giữa nhà đài và các đơn vị sản xuất tư nhân một lần nữa lại được đặt ra sau câu chuyện ồn ào này. Có lẽ, đã tới lúc, các đơn vị truyền hình – “người gác cửa” của những gameshow nói riêng, những chương trình giải trí trên truyền hình nói chung cần thắt chặt lại khâu kiểm duyệt nội dung trước khi phát sóng.

Du Nguyên
.
.
.