EURO 2016: Bóng đá ở "vùng đất chết"

Thứ Năm, 23/06/2016, 13:49
Mùa hè 2016 đang trong những ngày sôi động nhất, với giải vô địch theo format hoàn toàn mới được UEFA xây dựng. Nhưng cách đó không xa, ở vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) và Syria, có những người chỉ hy vọng được một lần đứng ngoài Parc des Princes, hòa mình vào đám đông và hét to: "Tôi cũng là một fan bóng đá".


Nội chiến và sự lớn mạnh của nhà nước Hồi giáo tự xưng trong 5 năm qua đẩy Syria vào cảnh ly tán. Trước chiến tranh, người Syria tự hào vì những công trình kiến trúc đẹp hoàn mỹ của Damacus.

Giờ thì chẳng còn gì, ngoài những cọc sắt thép lòi ra từ đống đổ nát. Khắp Syria là một màu u ám, tiếng gào thét bủa quanh và những mảnh đời lầm lũi. Mỗi sớm thức dậy, ngay cả khi dấu tích của lá cờ lưỡi liềm trên mái nhà biến mất, người Syria cũng không dám đi thẳng.

Vì họ đâu còn gì ngoài hai bàn tay trắng. Ở đó, nhu cầu giải trí là khái niệm tương đối xa xỉ. Nếu có xem một trận bóng, thì cũng là thưởng thức trong bầu tâm trạng lo âu.

Những đứa trẻ Syria sống vạ vật trong các làng tị nạn ở Kilis.

EURO 2016, bởi vậy, không lung linh và hoành tráng như ta tưởng. Đâu đó trên thế gian này, vẫn có những CĐV chân chính phải âm thầm theo dõi các trận đấu ở Pháp, vừa xem vừa nghĩ ngày mai, mình sẽ thế nào? Liệu còn có thể ngồi đây xem chiếc TV 17 inch tưởng chỉ xuất hiện trong ký ức.

Không dám xem vì… quá yêu

Nhóm phóng viên của BBC bắt đầu hành trình tìm về Kilis, điểm tận cùng của nền văn minh châu Âu. Trên chiếc taxi hiệu KIA vàng - xanh, họ băng qua con đường còn thơm mùi nhựa đường và những cánh đồng bát ngát trải dài.

Kilis, trông thì đẹp vậy thôi, nhưng thực chất tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Cách đó chừng 5km đường bộ là con đường dẫn thẳng tới biên giới TNK - Syria, nơi hàng trăm nạn nhân của cuộc khủng bố Hồi giáo hàng đêm đổ về với hy vọng về một ngày mai tươi sáng.

Còn hai giờ là trận đấu giữa Tây Ban Nha (TBN) và TNK sẽ bắt đầu. Phóng viên Ronnai đã tìm hiểu, biết trước dân chúng vùng Kilis thích bóng đá lắm. Nhưng khi tới thực địa, quang cảnh đường phố chẳng giống gì một ngày hội bóng đá. Vắng hoe và đìu hiu.

Mahmoud - anh tài xế nhập cư từ Syria kể chuyện. Bấy giờ là thời điểm mọi người đi cầu nguyện như nghi thức hàng ngày trong dịp Ramadan. "Tẹo nữa, ông sẽ thấy người ta ùa ra từ các thánh đường, nhưng khung cảnh huyên náo ấy sẽ nhanh chóng biến mất", Mahmoud nói.

"Chắc họ về xem bóng đúng không? Tôi biết người ta thích bóng đá", Ronnai hỏi.

Nhưng trước tiên, Mahmoud muốn kể cho vị khách mới quen anh là CĐV của Real. Người ở đây mê bóng đá, mà đã thích là chỉ thích Real hoặc Barca thôi. Biết TNK gặp TBN, Mahmoud vui lắm. Chẳng mấy khi có dịp cổ vũ cho hai đội tuyển cùng lúc.

Bây giờ, Mahmoud mới trả lời câu hỏi hồi nãy của Ronnai: "Không, họ về ăn cơm rồi ngủ, không ai xem bóng đâu".

Thật khó hiểu phải không? Vào cái ngày trọng đại này, những fan hâm mộ cuồng nhiệt của hai nền bóng đá sắp chạm mặt lại tỏ ra thờ ơ tới kỳ lạ.

Mahmoud cầm chắc vô-lăng, đánh lái hai vòng cho chiếc xe di chuyển theo hình vòng cung khắp khu phố.

"Đây, anh nhìn xem đường phố ngoài mấy hàng tạp hóa còn gì không? Đằng xa là hàng trăm chiếc ôtô của người nhập cư Syria sẵn sàng leo lên bất kỳ lúc nào. Cũng không rõ là họ còn sống nổi tới ngày đó không. Ai còn tâm trạng xem bóng nữa?", Mahmoud tiết lộ.

Giữa lằn ranh tử thần

Đoàn thám hiểm của BBC muốn tới Aleppo, thành phố thất thủ ở Syria và đang bị quân đội TNK tạm chiếm đóng. Mahmoud nhanh nhẩu dừng xe, rít một hơi thuốc thật sâu cho hành trình gần 60km đầy rẫy các căn cứ quân sự phía trước.

Vừa lái, anh vừa kể những gì đã xảy ra với vùng biên giới tử thần này. Trên nền nhạc Muslim cổ điển của kênh radio dải tần số 94.4, Mahmoud nói về cuộc chiến 5 năm về trước, khoảnh khắc làm thay đổi vận mệnh của toàn bộ dân tộc Syria.

Cuộc nội chiến vì bất đồng của người dân với chế độ độc tài gần 3 thập kỷ của cha con nhà Bashar al-Assadnhanh chóng biến thành cuộc chiến toàn cầu, khi IS tỏ rõ tham vọng thành lập vương triều Hồi giáo, cai trị bằng luật Hồi giáo trung cổ Shariah.

Ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, người ta không quan tâm tới EURO 2016 nhiều lắm.

Phương Tây không muốn lợi ích của mình tại cái giếng dầu mỏ Trung Đông bị ảnh hưởng. Những cuộc tập kích quân sự cùng máy bay không người lái nhằm vào lãnh thổ Syria. Cứ thế, Syria như mớ hỗn độn, là địa bàn tranh chấp của các thế lực.

Nạn cướp bóc và bạo lực tình dục là hệ quả tất yếu. Thánh chiến Jihad tự cho họ cái quyền bạo hành và ngược đãi dân chúng ở Aleppo. Quá hoảng sợ, những người Syria khốn khổ mới bỏ nhà bỏ cửa tìm về trại tị nạn Kilis.

Song, những cuộc truy lùng dân Syria của phiến IS chưa bao giờ chấm dứt. Chúng áp sát đường phân chia lãnh thổ hai quốc gia, ném bom mini hoặc phóng tên lửa nhằm vào làng nhập cư.

Trong nửa đầu 2016, có 17 sinh mạng ở Kilis bị cướp đi vì những cuộc tập kích của IS. 4 đứa trẻ Syria qua đời, 1 người chăn nuôi và đàn cừu 10 con của anh ta cũng nằm xuống.

Đi thêm 7km nữa, đoàn phóng viên dừng chân ở quán cafe chuyên phục vụ người tị nạn. Đằng sau quầy bar, trên nền tường nham nhở gạch đá và chằng chịt dây điện, chiếc TV màn hình phẳng đầu tiên trong ngày Ronnai bắt gặp chiếu trận TNK - TBN.

Không ai xem bóng đá. TV cứ bật còn dòng đời cứ trôi. Người uống trà, người hút shisha, người đọc báo theo dõi tình hình chiến sự bên kia biên giới. Ở bên bàn đối diện, nhóm bạn lái taxi của Mahmoud túm năm tụm ba bàn về tương lai đất nước.

Trong chiến tranh, thứ duy nhất làm người ta bận tâm là… chiến tranh. Bóng đá cho họ niềm vui, nhưng chỉ là thứ niềm vui nhất thời. Hòa bình mới mang lại những giá trị bền vững cho người dân Syria.

Tìm mỏi mắt trong quán cafe, chỉ 6 người "có vẻ" quan tâm tới EURO 2016, gồm 4 người tị nạn nhưng đều là những đứa trẻ mới lớn chưa hiểu nhiều về xã hội, một người Mỹ và một phóng viên ảnh Pháp.

Chỉ ít phút đầu, TNK sớm bị dẫn trước 2 bàn. Và chẳng ai bận tâm, dĩ nhiên rồi. Người thì xem điện thoại, người thì chụp selfie. Mấy cậu nhóc choai choai thì chúi mũi vào quyển tạp chí người lớn, say sưa nói về vòng ba nóng bỏng của Kim Kardashian.

Nỗi thất vọng của các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ sau trận thua Tây Ba Nha.

"Anh thấy đấy, mưu cầu của chúng tôi là được sống, thế thôi. Chúng tôi xem bóng đá, yêu bóng đá và nhớ tên cầu thủ. Vậy là đủ rồi", Mahmoud giải thích.

Bóng đá ở "vùng đất chết" cũng chẳng thể sinh tồn. Ai đó đã nói bóng đá là tôn giáo hướng tất cả, với những màu da và tín ngưỡng khác nhau hướng về một phía.

Nhưng trong trường hợp ấy, triết lý không đúng lắm thì phải. Vì xem xong một trận bóng đá, liệu ngày mai cuộc sống của người tị nạn Syria có sáng sủa hơn không? Hay rốt cuộc, chính sinh mệnh của họ đang trong tay những thế lực tham chiến ngoài kia. "Tôi sẽ xem, nhưng là ở Pháp. Nếu sang đến đấy rồi thì việc gì phải khổ nữa đúng không? Nhưng cuộc đời có bao giờ là ''nếu'", Mahmoud lắc đầu ngán ngẩm.

Người Thổ cũng "chán" bóng đá?

Hết hiệp 1, TNK bị dẫn trước 0-2. Cơ hội đi tiếp của thầy trò Tehrim là không nhiều. Mahmoud không muốn khách quý chán nản với bầu không khí bóng đá nơi đây bèn rủ đoàn di chuyển thêm 2 cây số, về khu ẩm thực TNK - Syria.

6 người trên chiếc Audi chuyển hướng di chuyển với anh tài xế tên Murad. Đã gần 1h sáng nhưng không khí còn nhộn nhịp lắm. Các quán cafe và bánh mỳ kebab làm việc không nghỉ.

Đoàn rời thị trấn, tìm ngã ba đường đâm thẳng tới biên giới Syria. Đây là nơi ở của những hộ dân TNK kiếm tiền bằng hoạt động tuồn vũ khí lậu. Đi mãi, gần nửa giờ đồng hồ nhưng không ai tìm nổi cái vô tuyến hay một cửa hàng ven đường chiếu EURO 2016.

Với người Syria hay TNK, bóng đá và bất kỳ loại hình giải trí nào khác không còn nhiều ý nghĩa ở thời buổi loạn lạc này.

Có một EURO rất "Hồi giáo"

Từ TNK - Syria, những người mang trong mình dòng máu Hồi giáo khá thờ ơ với ngày hội thể thao lớn nhất mùa hè 2016. Nhưng trên chính đất Pháp, chất Muslim từ khán đài xuống sân cỏ chưa bao giờ mất đi, thậm chí càng rõ nét qua từng trận đấu.

Đây là kỳ EURO có lượng cầu thủ theo đạo Hồi nhiều nhất trong lịch sử. Số ĐT có cầu thủ thực hiện nghi lễ tín ngưỡng ở thánh đường Hồi giáo cũng là lớn nhất. Tính ra, tổng cộng 33 cái tên đại diện cho 9 đội tuyển là tín đồ của thánh Allah, chiếm 7% toàn giải.

Đáng chú ý, Thụy Sỹ - quốc gia giàu có với các xưởng chế tác đồng hồ đồ sộ là ĐT đứng thứ 2 trong danh sách những đội đóng góp cầu thủ đạo Hồi tại EURO 2016. Cả thảy, 6 tuyển thủ Thụy Sỹ theo đạo Hồi, một nửa di cư trực tiếp từ Albania, ba người còn lại cũng chuyển tới sau chiến tranh Nam Tư.

Thổ Nhĩ Kỳ với những vùng biên giới địa lý tiếp giáp các quốc gia Trung Đông và Tây Nam Á, đương nhiên là đội sở hữu nhiều cầu thủ đạo Hồi nhất (8).

Đơn Ca
.
.
.