EURO 2016: Đằng sau phút 90

Thứ Tư, 06/07/2016, 07:44
Kể từ khi EURO 2016 chính thức bước vào loạt trận knock-out, đặc sản "hiệp phụ" một lần nữa lên ngôi. Trong những cặp đầu mà các nhà cái không ra tỷ lệ cược tỷ số chung cuộc, tất cả đều phải bước sang hai hiệp phụ.


Đó là các trận Ba Lan - Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha - Croatia, Ba Lan - Bồ Đào Nha và Đức - Italia.  Vậy nhưng, ngay cả khi có thêm 30 phút, các đội vẫn thường kéo nhau tới loạt luân lưu chứ không thể tìm được bàn thắng ở thời gian hiệp phụ.

3/4 cặp đấu nêu trên phải giải quyết trên chấm luân lưu. Trước đó, 10/15 trận gần nhất ở World Cup và EURO hòa nhau sau 90 phút chính thức phải phân định thắng thua bằng loạt đấu súng cân não.

Dường như, các đội bóng "sợ" thời gian hiệp phụ. Vì chẳng may có để thủng lưới trước thì chẳng biết gỡ lại thế nào, khác gì luật bàn thắng vàng "mỳ ăn liền" ngày xưa đâu.

Phải xem lại chiều dài lịch sử và con đường phát triển của hiệp phụ trong bóng đá, để hiểu tới tận ngọn nguồn vai trò của khoảng thời gian phát sinh này.

Bồ Đào Nha họp chiến thuật nhanh trước thời gian thi đấu hiệp phụ trận gặp Ba Lan.

Hiệp phụ là "đá chết bỏ"

LĐBĐ Anh (FA) với trách nhiệm khai sinh ra môn thể thao vua đã sớm đưa vào dự thảo luật bóng đá phụ lục "hiệp phụ", chính xác là vào năm 1897.

1/4 thế kỷ sau, những ý tưởng trên giấy mới đi vào văn bản thực tiễn. Năm 1922, chung kết tranh đĩa bạc Bundesliga giữa Hamburg và Nuremburg là trận đấu đầu tiên xuất hiện khái niệm "hiệp phụ" do FIFA công nhận.

Hết hai hiệp chính, tỷ số là 2-2. Hai đội bước vào hiệp phụ, chơi theo luật "ai ghi bàn trước người đấy thắng", thường được gọi là "bàn thắng vàng" sau này. Nhưng khổ nỗi, trời tối quá nhanh, đội nào cũng tấn công điên cuồng nhưng không ghi nổi bàn vì mắt mũi kèm nhèm, gôn còn không thấy rõ mà sút.

Trọng tài cho dừng trận đấu, tổ chức đá lại sau đấy 7 tuần. Tinh thần đang lên, sẵn đà hưng phấn, bên nào cũng máu lửa, chơi trận sống chết tới mức Nuremburg… bị đuổi 2 người, 2 người chấn thương (sau khi dùng hết quyền thay người).

Theo bộ luật FIFA ban hành, một đội bóng phải có tối thiểu 8 người trên sân mới có quyền đá tiếp. Trọng tài xử thua, trao Cúp cho Hamburg (sau này, Hamburg từ chối danh hiệu đó).

Tới thế vận hội 1936, Peru đánh bại Áo 4-2 sau khi hai đội cầm chân nhau 2-2 ở 90 phút chính thức. Vì vui quá, NHM Peru ào xuống sân, tạo ra cảnh tượng hỗn loạn. Áo - đồng minh trên mặt trận quân sự của nước chủ nhà Đức - gửi đơn lên ủy ban Olympic thế giới khởi kiện.

Tổng cục Thể thao Peru trước sức ép chính trị từ chế độ Hít-le đang bành trướng khắp cõi toàn cầu phải loại vĩnh viễn mọi thành viên tham dự trận đấu ấy. Hóa ra, thời gian bù giờ lại tạo ra những tiền lệ chính trị, bất đồng trên bàn đàm phán quốc tế.

Rồi qua từng năm tháng, "30 phút" đá thêm càng trở nên quý báu với các đội tuyển. Bởi thời xưa chưa có luân lưu, luật đá lại cũng bị bãi bỏ nên nếu hiệp phụ mà không ghi được bàn là phải chấp nhận đặt cược sự sống vào may rủi: Trọng tài tung xu.

Trận bán kết EURO 1968, Italia và Liên Xô hòa nhau sau 120 phút. Fachetti của Italia chọn đúng mặt ngửa, thế là thắng!

Croatia để thua Bồ Đào Nha sau pha lập công của Quaresma ở phút 117.

Trong mê cung ý tưởng

Thêm hiệp phụ nghĩa là tiết kiệm được một trận đá lại. Cho tới khi luật đá luân lưu được hội đồng FIFA thông qua, giới chuyên gia càng thừa nhận tính đúng đắn của thời gian bù giờ kéo dài 30 phút.

Tại EURO 1976, Tiệp Khắc và Tây Đức là hai đại diện góp mặt ở trận đấu cuối cùng. Họ hòa nhau 2-2, giữ nguyên thế giằng co trong hai hiệp phụ trước khi bước vào loạt đấu súng định mệnh.

Năm đó, Antonio Panenka, người sút quả penalty cuối cùng đưa Tiệp Khắc lên đỉnh châu Âu đã mở ra một thời đại mới cho kỹ thuật đá luân lưu của giới quần đùi. Ông chạy đà từ xa và bất ngờ sục bóng tinh tế, kiểu sút chưa từng xuất hiện trước đây.

Tờ Oust của Pháp cho rằng nếu không nhờ luật hiệp phụ, sẽ chẳng bao giờ thế giới được chứng kiến khoảnh khắc tuyệt diệu ấy. Vì nếu trận đấu gói gọn trong 90 phút, nhà tổ chức chắc chắn sẽ yêu cầu đá lại để đảm bảo tính công bằng chứ không giải quyết ngay bằng loạt sút phạt đền. Nếu có, thì cũng chỉ được áp dụng ở trận tái đấu trong trường hợp kết quả chung cuộc vẫn là hòa.

Đến World Cup 1982, sau trận bán kết giữa Pháp và Tây Đức, đại diện FIFA tuyên bố "hiệp phụ là một trong những phát kiến quan trọng nhất lịch sử bóng đá thế giới".

Hai đội này bất phân thắng bại trong thời gian hai hiệp chính. Bước vào 30 phút hiệp phụ, Pháp nhanh chóng vượt lên dẫn trước 3-1, trước khi Tây Đức vùng dậy quật khởi, ghi liền hai bàn trong 6 phút đưa trận đấu vào loạt penalty (Tây Đức thắng chung cuộc).

FIFA mừng rơn, bởi trận đấu ấy là tiền lệ cho những nhà lập pháp tìm ra giải hướng đi hòng khuyến khích bóng đá tấn công. Năm 1993, FIFA chính thức áp dụng "bàn thắng vàng" như đạo luật phổ quát và chính thống, cổ vũ các đội tuyển chơi pressing và kết liễu đối phương càng sớm càng tốt.

Nhưng tấn công đâu không thấy, chỉ thấy xu hướng phòng ngự đá rắn ngày càng lên ngôi. Với chỉ 30 phút, nếu mắc sai lầm, lượng cơ hội để sửa sai cũng đồng thời giảm xuống còn 1/3.

Không đội nào muốn đi vào vết xe đổ của Cộng hòa Czech EURO 1996, khi thủ môn Petr Kouba mắc lỗi bắt hụt sau cú sút chẳng mấy nguy hiểm của Bierhoff (Đức). Thà đưa đẩy số phận vào tay thần may mắn trên chấm 11m, nơi năng lực chuyên môn và tình trạng sức khỏe không hề quyết định tới thành bại.

Tuy nhiên, đó chưa phải tranh cãi duy nhất xoay quanh "hiệp phụ". Vấn đề nảy sinh ngay từ cái tên: Là "phụ", chứ đâu phải là "chính"! Do đó, hiệu lực của luật bàn thắng sân khách (trong những trận cấp CLB hoặc vòng loại EURO/World Cup) nên hay không nên tồn tại sau 90 phút?

Câu hỏi này dấy lên một tranh cãi kéo dài hơn hai thập kỷ. Chung kết lượt về cúp C3 châu Âu mùa 1971-1972, Willie Henderson của Rangers ghi bàn gỡ hòa ở phút bù giờ cuối cùng hiệp phụ thứ hai. Tỷ số sau hai lượt giữa Rangers và Sporting Lisbon là 6-6.

Hiệp phụ - một đặc sản ở các giải đấu lớn như EURO.

Cứ theo luật bàn thắng sân khách mà chiếu, Rangers vô địch vì họ ghi nhiều bàn trên sân khách hơn. Nhưng ông trọng tài Van Ravens lại yêu cầu thực hiện loạt penalty, vì nếu gói gọn cặp đấu trong hai lượt 90 phút, số bàn sân khách của Rangers và Lisbon ngang nhau.

Rangers thua 0-3, tức tưởi nhìn đối thủ tiếm Cúp trên tay mình. Hậu vệ cánh Johnston sau đó còn có dấu hiệu trầm cảm vì nỗi buồn thua trận.

Không chịu nhục, Rangers nhờ nhà báo John Fairgrieve gửi đơn khiếu nại lên tiểu ban UEFA tại Scotland. Một sự kiện hy hữu xảy ra: UEFA trước sức ép của giới truyền thông "bẻ" Cúp, trao lại ngai vàng cho Rangers.

Hiệp phụ ra đời để đảm bảo tính toàn vẹn của một trận đấu. Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, sự "can thiệp" của hiệp phụ khiến bóng đá, vốn đã phức tạp, lại càng trở nên rắc rối và khó đoán hơn.

Nhưng cũng nhờ có một chi tiết đậm chất bóng đá như hiệp phụ mà túc cầu vẫn hấp dẫn và đáng xem hơn bao giờ hết. EURO 2016, như bao giải đấu lớn khác, là nơi tôn vinh những câu chuyện đằng sau phút 90.

Hiệp phụ - cần hay không cần?

Theo tiết lộ của tiến sỹ John Sullivan, cố vấn tâm lý đặc biệt của LĐBĐ Anh, các đội bóng không thường chuẩn bị kế hoạch chơi hiệp phụ. Vì họa hoằn lắm trong một năm mới có đôi ba trận cần tới hiệp phụ nên tập nhiều cũng không giải quyết được nhiều vấn đề.

Vả lại, các cầu thủ phải thay đổi nhịp sinh học, khẩu phần ăn và phương pháp tập luyện để đạt tới thể trạng sức khỏe hoàn hảo cho những chặng tourmalet kéo dài 120 phút.

Ví dụ: Sau trận, một cầu thủ phải ngâm nước đá trong 30 phút, ăn thêm bữa phụ nhiều protein và uống vitamin. Sáng hôm sau, họ cần dậy sớm đi bơi hoặc đạp xe cho cơ co giãn, đảm bảo không gặp phải chấn thương nghiêm trọng nào.

"Theo tôi, sau 90 phút, hai đội nên vào thẳng loạt luân lưu. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là đảm bảo sức khỏe cho cầu thủ", Sullivan chia sẻ với tạp chí GQ.

Nếu không còn "hiệp phụ", đâu là giải pháp thay thế?

Hiệp phụ giúp bóng đá hấp dẫn hơn, nhưng nó vắt kiệt thể lực của cầu thủ, có thể gây ảnh hưởng xấu về lâu dài tới sức khỏe của giới quần đùi. Sau nhiều tranh luận, FIFA sẽ thử nghiệm giải pháp "quyền thay người thứ 4" tại Olympic Rio, Cúp các CLB thế giới và giải U20 thế giới (nữ) từ nay tới cuối năm.

Nghĩa là hiệp phụ không mất đi, còn các đội có thể tiết kiệm phần nào sức lực. Tới năm 2019, FIFA sẽ có văn bản chính thức về quyền thay đổi người, đồng thời sẽ xem xét cắt giảm thời lượng hiệp phụ, từ 30 xuống 20 phút, đá cuốn chiếu trong một hiệp thay vì tách làm hai.

Trong trường hợp xấu nhất, FIFA sẽ phải thông qua Ủy ban đạo luật về chế tài "hòa hiệp chính là đá luôn penalty". Các thống kê chỉ ra, kể từ EURO 1976, chỉ 42% số trận kết thúc 90 phút với tỷ số hòa có bàn thắng trong hiệp phụ. Nghĩa là, loạt đấu súng đóng một vai trò quan trọng hơn tới kết cục trận đấu.

Đơn Ca
.
.
.