EURO 2016: Darijo Srna và câu chuyện về tình phụ tử

Thứ Tư, 29/06/2016, 09:00
Trong giải đấu lớn cuối cùng, Darijo Srna lại chẳng thể tận hưởng cái cảm giác thân thương và gần gũi ấy một cách trọn vẹn. Croatia thua tức tưởi Bồ Đào Nha ở vòng 1/8, nhưng nghiệt ngã hơn, ngay sau ngày mở màn, Srna phải về nước dự tang cha mình.


Vậy mà, người đội trưởng bất khuất của Croatia vẫn miệt mài lên xuống bên hành lang phải. Ở hoàn cảnh này, khi nhiệm vụ quốc gia đang cận kề trước mắt, Srna phải chấp nhận giấu nước mắt vào trong.

Khi tiếp cận Srna, nhóm phóng viên tờ El Confidencial mới biết ước nguyện của cha anh là con trai mình làm tròn đạo nghĩa với tổ quốc.

Đằng sau họ là cả một khoảng trời mênh mông những câu chuyện chưa bao giờ được kể về Srna, về cha Srna và về đại gia đình Srna - những người coi bóng đá, sự nghiệp của Srna là bờ vai của cả nhà. 

Srna - tượng đài của bóng đá Croatia.

Từ Bosnia tới Croatia và rồi là Ukraina

Srna là người nhập cư vào Croatia từ Bosnia, sau khi thế chiến thứ hai gần như hủy hoại hoàn toàn gia đình anh.

Năm 1941, đại gia đình nhà Srna rời Gornji Stopici, miền Đông Bosnia tìm về Nam Tư cũ trên một chuyến bay tư nhân.Nhưng thật ra, đó là cái bẫy mà Đức Quốc xã bày sẵn để dụ những ai muốn trốn chạy khỏi vùng đất này.

Một cuộc xung đột giữa những người trên chuyến bay và quân đội Serbia nổ ra. Hai anh em nhà ông Uzeir (cha của Srna) và ông nội của Srna sống sót.Dì và bà nội Srna đều bị thiêu sống trên dàn thiêu.

Tới Nam Tư, ông Uzeir kết hôn với bà Milka, một phụ nữ người Croatia, hạ sinh cậu con đầu lòng Darijo Srna mùa hè 1982.

9 năm sau ngày Srna chào đời, Croatia giành quyền độc lập sau sự sụp đổ của Nam Tư cũ.Cuộc đời của những người Bosnia tại Nam Tư chưa bao giờ dễ thở. Ở đây, người ta cho rằng dòng giống Bosnia có gốc gác là dân Do Thái mọt sách và thủ đoạn.

Uzeir là một thủ môn giỏi giang, nhưng chịu cảnh "kép phụ" ở FK, Zineca, Metkovic.Mãi tới khi cuộc chiến đòi độc lập của phe ly khai tại khu vực Nam Tư cũ chấm dứt sau hòa ước Dayton, tài năng của Uzeir mới được công nhận.

Năm 1995, ông ký hợp đồng với Hajduk Split - CLB giàu truyền thống bậc nhất Croatia.Tuy nhiên, những thành kiến xưa cũ vẫn chĩa mũi chỉ trích vào Uzeir. Trên bàn đàm phán hợp đồng, lãnh đạo Hajduk yêu cầu Hajduk làm tình với một phụ nữ Muslim để chứng tỏ mình không can dự gì tới dân Do Thái, và ông chắc chắn là con của một gia đình Hồi giáo chính thống.

Srna thích đá bóng, nhưng vì lương của bố cậu còn chẳng đủ nuôi sống gia đình nên Srna phải ra chợ bán rau để đủ tiền mua một đôi giày vải ra sân.

Cho tới năm 2003, cái tên Darijo Srna đã là một hiện tượng ở làng bóng Croatia.Hajduk Split dù còn nghi ngờ cái "cội nguồn" của Srna song vẫn phải ký hợp đồng với anh.

Rất nhiều CLB lớn để mắt tới tiền vệ toàn năng này. Liverpool, Werder Bremen hay Juventus đều gửi người tới theo dõi Srna. Và cả Shakhtar Donetsk nữa.Đội nào cũng muốn có được chữ ký của Srna, vậy mà Srna lại chọn Shakhtar, đội bóng đến từ nền bóng đá Ukraina kém phát triển.

Thực ra, Srna thích Liverpool nhất, vì bóng đá Anh luôn là cái gì đó rất xa xỉ trong mắt những cậu bé mới lớn như Srna. Song cha anh, vì muốn trả đủ mối hận năm xưa, luôn kỳ vọng con trai mình sẽ trở thành tượng đài, có một vai trò quan trọng trong lịch sử của đội bóng Srna sẽ phục vụ.

Mircea Lucescu, HLV trưởng của Shakhtar, một trong rất nhiều nhân vật làm nghề tới thị sát Srna đã hét lên: "Beckham của xứ Balkans" khi chứng kiến Srna thực hiện một pha sút phạt.

"Đấy, con thấy không, ông ấy ví con với ngôi sao bóng đá Anh quốc đó.Tới đấy đi, con chắc chắn sẽ là trung tâm của mọi cuộc tranh luận", Uzeir nhắn Srna.

"Tôi đội cha lên đầu"

Với nhiều người, sang những quốc gia có nền dầu mỏ phát triển chơi bóng tức là làm thui chột tài năng, là kẻ ham tiền. Nhưng ông Uzeir có cái lý của mình.

Srna chịu tang cha trong thời gian diễn ra EURO 2016.

Srna đã ở Shakhtar được 13 năm, và chưa có dấu hiệu gì CĐV ở đây sẽ dừng không tôn sùng anh, một con người giỏi chuyên môn, sống hòa đồng.

Chiến tranh đã tàn phá bờ Đông Ukraina, sân Donbass Arena uy nghi tráng lệ là thế giờ biến thành pháo đài quân sự. Nhưng Srna vẫn ở lại, anh không rời đi như nhóm cầu thủ Brazil sợ "chết", và còn là sợ đối diện với cảnh giảm lương.

21 danh hiệu lớn nhỏ hơn một thập kỷ và lòng tận trung bất diệt, Srna làm người ta phải cảm động tới mức vào năm tới, năm 2017, trong nỗ lực khôi phục thành phố Donbass, chính quyền nơi đây sẽ đặt tên Srna cho một con đường như món quà tri ân.

Nếu Srna chọn Liverpool hay Juventus, cuộc đời anh có thể hướng sang ngã rẽ khác. Nhưng cuộc đời lại chẳng bao giờ có chữ "nếu", và sau cùng, Srna đã ở nơi anh thuộc về, là Shakhtar.

Quyết định thông thái của ông Uzeir giúp Srna thành thần tượng của giới trẻ Croatia, là một trong 20 nhân vật được công chúng mến mộ nhất Croatia theo tạp chí Republika, là đội trưởng ĐTQG.

Bởi vậy, trong mắt Srna, cha anh, ông Uzeir là người quan trọng nhất. "Tôi sẵn sàng đội cha lên đầu, vì ông ấy đã đưa tôi tới Croatia thoát cảnh chiến tranh, đưa tôi tới Ukraina thoát cảnh bị dè bỉu vì là dân ngoại lai, đưa tôi tới vũ đài vinh quang của bóng đá Ukraina, bóng đá Croatia.

Ngày 6/6, trước trận giao hữu cuối cùng của Croatia chuẩn bị cho EURO 2016, Srna hay tin ông Uzeir yếu lắm rồi, chẳng thể lết ra bàn ăn tối. Anh lập tức lái xe, vượt hơn 200 dặm trong đêm tối để gia đình được đoàn tụ. Srna sợ rằng anh không thể ở bên ông phút cuối đời.

Trên bàn ăn, Srna dóng tai nghe những lời thì thào yếu ớt của cha. Srna quay sang, nói với ông anh trai Renato hơn mình một giáp: "Hay là em nghỉ nhé, để em về xin phép BHL".

Ông Uzeir cũng không còn tỉnh táo, nhưng linh cảm của một người cha luôn dõi theo từng bước trên con đường sự nghiệp của con trai út làm ông cảm thấy phải gượng dậy, nói cho Srna hiểu: "Không, con đi đá bóng đi, đó là ước mong của cha".

Thế là Srna lại cun cút nghe lời cha, lặng lẽ đánh xe về trại huấn luyện. Anh tập luyện như bình thường, nhưng trong lòng đang hướng về đất mẹ.Khi Croatia gặp Thổ Nhĩ Kỳ ở trận mở màn, tin không vui ập đến, như dự cảm được báo trước.

EURO 2016 là giải đấu cuối cùng của Srna trong màu áo ĐTQG.

Srna lại tức tốc bắt chuyến bay từ Paris về Zagreb chịu tang cha. Nhưng không ai trách móc Srna tham bát bỏ mâm, rời xa ông Uzeir ở cái lúc ông cần con cái nhất.Tổng thống Croatia thậm chí đã gửi điện hoa chia buồn với gia đình Srna.

Bởi sau tất cả, Srna đã luôn tuân lệnh cha, làm theo những gì ông chỉ bảo, ông hướng dẫn. Anh khoác lên mình sắc áo Croatia không hẳn vì danh vọng bản thân, mà còn vì đấy là ước nguyện lớn nhất trong cuộc đời của Uzeir.

"Bóng đá đôi khi không phải cái gì ghê gớm lắm.Nó cũng là một nghề như bao nghề khác, là tình yêu, niềm say việc mà người làm nghề bỏ vào đấy", Srna trả lời tạp chí ESPN.

Lý tưởng sống của Srna

Uzeir sinh ra ở miền Nam Bosnia, trong một gia đình người da trắng nhưng lại chọn Hồi giáo làm tín ngưỡng.Đen đủi cho họ, ngày ấy, xã hội Nam Tư cũ bị xâu xé bởi các quyền lực khác nhau.

Thế lực cai trị vùng đất của gia đình Uzeir là Chetnik - lực lượng quân đội Nam Tư vì Tổ quốc, phe ủng hộ chính phủ Hoàng gia Nam Tư đang lưu vong tại London (nước Anh).

Chetnik thân Anh, mà người Anh vốn có truyền thống bài đạo Hồi với nạn Islamophobia từng là vấn nạn trong xã hội phương Tây nhiều năm trước.Nhưng không sao.Phe này ráo riết săn tìm những gia đình đạo Hồi và diệt trừ tận gốc. Mẹ của Uzeir, mang trong mình đứa con với cha Uzeir đã bỏ mạng trong cuộc chạy trốn ấy.

Cha của Uzeir (tức ông nội Srna) phải đi làm chạy bàn ở một cửa hàng cafe, song chẳng được bao lâu thì ông cũng rời bỏ Uzeir mà đi, khi lãnh nguyên viên đạn vào lồng ngực trong cuộc bạo loạn trên đường phố.

Uzeir và đứa em Safet trở thành trẻ mồ côi, lang bạt kỳ hồ tìm bữa ăn nơi chốn qua ngày. Rồi trong một lần chạy trú bom khác, Uzeir và Safet lạc nhau. Cậu anh Uzeir may mắn được nhận vào một gia đình tử tế không ngừng tìm kiếm đứa em xấu số.

Từ lúc còn nhỏ cho tới khi đã trưởng thành, Uzeir vẫn không ngừng tìm Safet.Cho đến một ngày, ông hay tin ở Slovenia có một người trạc tuổi Uzeir, sinh ra ở miền Nam Bosnia. Hai người họ tìm thấy nhau sau 20 năm xa cách, và dọn về ở sát nhà nhau.

Cha của Srna chỉ mong rằng dù đi đâu, làm gì, hãy luôn nhớ về cố quốc, nhớ về những nguyên liệu đã tạo ra món ăn vừa miệng, chín tới mang tên Srna. Nhưng hãy "nhớ" thôi, và chỉ tìm về khi cấp bách, khi nguy nan, vì ai trong chúng ta đều có cuôc đời của mình, đều có lý tưởng và mục đích riêng để phấn đấu.

Quan trọng là, không bao giờ quên nơi chôn rau cắt rốn, nơi sinh thành và dưỡng dục.Bài học đó, Srna luôn khắc ghi trong tâm trí mình.

Đơn Ca
.
.
.