EURO 2016 hạ màn Black-Blanc-Beur và chiến công của người Pháp

Thứ Tư, 13/07/2016, 15:58
Pháp không thể vô địch EURO 2016, vì Bồ Đào Nha quá bản lĩnh trong một ngày được thần may mắn song hành. Nhưng người Pháp không việc gì phải buồn, bởi những gì họ làm được đã vượt khỏi biên giới bóng đá đơn thuần.


Ở  Pháp, có 3 môn thể thao chính là bóng đá, bóng bầu dục và bóng ném. Theo các số liệu của Ủy ban điều tra xã hội học, lượng người yêu thể thao ưa thích 3 môn này là ngang nhau, phân bổ theo tỷ lệ lần lượt là 28%, 25% và 24%, tức là không chênh nhau nhiều lắm.

Nhưng bóng đá là môn được dân chúng Pháp "quan tâm" nhiều nhất. Hình tượng quả bóng 6 múi chưa bao giờ chính xác đến thế nếu để mô tả đặc tính "lục lăng" của nền bóng đá quốc gia Tây Âu.

Bởi bóng đá Pháp là bộ mặt thu nhỏ của xã hội toàn cầu hóa, với những chủng tộc khác nhau cùng sinh sống trên một mảnh đất. Ở đó, câu ngạn ngữ nổi tiếng Black-Blanc-Beur, tựa Việt "Đen - Trắng - Ả rập" đã điều khiển, ăn sâu vào đời sống xã hội và túc cầu nơi đây.

Người Pháp từng kỳ thị nhóm dân nhập cư đổ xô vào nước họ. Nhưng sau EURO 2016, mọi thứ có thể đi lên theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Didier Deschamps - đại diện cho tầng lớp tiến bộ ở Pháp.

Le-foot và cuộc tranh cãi nửa thế kỷ

Bóng đá thì luôn đẹp. Tiếng Pháp lại là một trong hai ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong các phiên họp và sự kiện quốc tế. Người Pháp vốn nổi tiếng là đề cao tính dân tộc, luôn biết cách khiến ngôn ngữ của mình trở nên lung linh và đẹp đẽ trong mắt bạn bè 5 châu.

Họ gọi bóng đá là "le foot", với ẩn ý đây là môn thể thao của "nghệ thuật dùng chân". Mà dùng chân tức không thể dùng tay, bộ phận trên cơ thể dùng để ám chỉ tầng lớp lao động phổ thông, những người thường làm các công việc liên quan tới cửu vạn như bốc vác hoặc chuyển hàng.

Những người Pháp bản địa muốn môn thể thao vua phải được thực thi bởi giới thượng lưu, chứ không phải mấy anh da đen tới từ vùng đất xa lạ nào đó từ lục địa đen.

Tuy nhiên, những thành phẩm ngoại lai không chịu ngồi im. Chẳng phải, chính Pháp đem quân đội tới đánh chiếm những khu thực địa ở châu Phi, khiến khu vực này tan đàn xẻ nghé, buộc người dân phải di tán đi muôn nơi hay sao?

Cũng vì Pháp vào chiếm Algeria mà cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc mới nổ ra, buộc gia đình Zidane tìm đường sang mẫu quốc hòng ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tấm hộ chiếu Pháp với những con người bất hạnh phải tha phương cầu thực cũng chỉ như món quà đền đáp cỏn con thôi.

Ngặt nỗi, kẻ thực dân thường rất tham lam. Họ không chấp nhận dòng máu Pháp thuần chủng chứa đầy chất lãng mạn bị pha trộn bởi thứ khí chất tạp nham. Hãy nghe tờ Le Monde nói gì về chức vô địch EURO 1984:

"Platini, đứa con lai người Italia ư? Alain Giresse và Tigana nữa à? Đất nước này không cần các bạn lắm. Cứ vui đi, còn chúng tôi vẫn ra đường tới văn phòng làm việc như mỗi ngày".

Người Pháp thất bại trong một trận đánh, nhưng chiến thắng ở cả giải đấu.

Clairefontaine, lò đào tạo hàng đầu châu Âu, biểu tượng của bóng đá Pháp bị so sánh là "lò ấp trứng" cho những anh da đen. Henry, Anelka và cả Pogba - niềm hy vọng vàng của Les Bleus cả tháng qua ở EURO 2016 là những sản phẩm tinh tú nhất của học viện bóng đá giàu truyền thống này.

Một lần nữa, màn đấu trí hại não lại bị đẩy lên cao trào. Zidane, dân nhập cư từ Bắc Phi là ngôi sao sáng nhất trong chiến dịch World Cup 1998, giải đấu mà chính LĐBĐ nước này thừa nhận là "chiến công hiển hách nhất lịch sử", năm mà họ đánh bại siêu cường Brazil tới 3-0 để giương cao chiếc Cúp vàng trên sân nhà.

Cứ thế, chẳng bên nào chịu bên nào, kéo cuộc tranh cãi về bóng đá và sắc tộc tới tận bây giờ.

"Black-Blanc-Beur" cũng là "France"

Thật ngạc nhiên, một ngày trước trận chung kết EURO 2016, tờ Le Monde - nhật báo luôn hướng ngòi bút vào các cuộc tranh cãi nảy lửa bấy lâu nay giật dòng tít: "Evra, thủ lĩnh tinh thần".

Vâng, hậu vệ đang khoác áo Juventus là người gốc Senegal, thuộc địa trong thế kỷ 19 của Pháp. Phải chăng, luồng tư tưởng của dân Pháp đã rẽ sang con đường khác? Có phải, tâm lý "bài nhập cư" đã không còn ngự trị trong đời sống xã hội tại đây không?

Khoan đưa ra một kết luận cụ thể nào đó, nhất là trước vấn đề nhạy cảm thế này. Chỉ biết rằng, các dẫn chứng thực tế cho biết 10/23 tuyển thủ Pháp được HLV Deschamps triệu tập cho EURO 2016 hoặc là dân nhập tịch, hoặc có bố/mẹ là người nước ngoài.

So với 4 năm trước, khi Laurent Blanc ngồi trong cabin huấn luyện, đó là sự thay đổi lớn lao. Blanc là dân Pháp thuần chủng, với những phát ngôn gây sốc về quan điểm màu da.

Ông từng nói: "Tôi thà chọn Reveillere còn hơn tin Sagna". Trận tứ kết EURO 2012 là lần đầu tiên sau 37 năm, ĐT Pháp ra sân với ít hơn 4 cầu thủ da màu trong đội hình xuất phát. Hôm ấy, Reveillere đá tiền vệ phải, đứng cùng biên Debuchy.

Nhưng sau trận thua muối mặt trước Tây Ban Nha, hôm mà Pháp chỉ có thể cầm bóng… 21%, những thay đổi tích cực bắt đầu xuất hiện. Blanc phải chịu trách nhiệm cho thất bại ấy.

Sissoko - cầu thủ chơi hay nhất trận chung kết EURO 2016.

Giới truyền thông bắt đầu sục sạo vào quá khứ, xem xem Blanc đã "đối xử" thế nào với những người hùng của bóng đá Pháp mang trên mình màu da "không trắng".

Theo tờ L'Equipe, vào mùa xuân 2011, Mohamed Belkacemi - Chánh văn phòng FFF có cuộc trao đổi với Blanc tại trụ sở liên đoàn. Blanc đề xuất ý tưởng giới hạn quota cầu thủ nhập tịch tại 12 học viện cấp quốc gia trên toàn quốc.

Trong đoạn hội thoại này, Blanc có nói: "Da đen chỉ cậy sức, IQ thấp lắm. Pháp phải là Pháp, chúng ta thi đấu ở EURO ở chứ không phải giải CAN nhé".

Thế giới phẳng cào bằng mọi giá trị phổ quát, dù đấy là những giá trị mang tinh thần bản sắc. Một người nhập cư hoàn toàn có thể khoác áo ĐTQG, miễn sao anh ta tôn trọng luật pháp, đọc thông viết thạo ngôn ngữ nước sở tại, sống đủ lâu để hiểu tới chân tơ kẽ tóc cốt cách văn hóa.

Và trên hết, trong phạm vi thể thao, là khát khao tận hiến cho đội bóng anh ta phục vụ. Điểm này, cầu thủ Pháp đã quá nổi tiếng rồi. Gần hai thập kỷ qua, các cầu thủ da màu tới Pháp, lập gia đình, sinh con đẻ cái và kiên cường bám trụ ở đội tuyển. Đây là năm thứ 11, Evra khoác lên mình sắc áo xanh lam.

Từ bóng đá tới văn hóa chỉ giống như cái chớp mắt. Ở Stade de France, 7/11 cầu thủ trong danh sách 11 người đá chính của Bồ Đào Nha tới từ những nền văn minh khác.

Black-Blanc-Beur giờ phải thêm tính từ "France" ở cuối mới hoàn chỉnh câu ngạn ngữ.

Ngoài kia, đằng sau những bước tường rào và cổng sắt mà an ninh chính phủ lập ra hòng ngăn ngừa ý định khủng bố của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, 9% dân số Pháp theo đạo Muslim, tăng 2% so với 16 năm về trước.

Chưa hết, 15% dân số Pháp không phải người da trắng. Trung bình, cứ 4 nhà thờ Thiên chúa ở Paris lại có 2 thánh đường Hồi giáo phục vụ đời sống tâm linh của cộng đồng dân Nam Á và châu Phi.

Pháp không thể vô địch EURO 2016, song những gì họ làm được tại cúp bóng đá châu Âu còn vượt qua rào cản chuyên môn: Đoàn thể hóa xã hội bị chia rẽ nhiều năm qua.

Deschamps - đại diện cho tư tưởng mới

Năm 2013, FFF đã dự tính thông qua dự thảo hạn chế lượng cầu thủ da màu mang quốc tịch Pháp tại CLB bóng đá chuyên nghiệp xuống mức 25%. Nhưng Deschamps kiên quyết đòi bác bỏ ý tưởng đấy.

Ông lấy ví dụ: Tại World Cup 1998, chỉ 8 cầu thủ Pháp có tổ tiên là người Pháp gốc. Trong kỷ nguyên mở, 58% cầu thủ chuyên nghiệp Pháp không phải dân da trắng. Tính ra, cứ 10 gương mặt lên tuyển thì 8 người là dân gốc Phi.

Hàng thập kỷ liền, bóng đá Pháp sống trên hơi thở của dàn lính lê dương. Bản thân Deschamps dù là linh hồn của thế hệ vàng Pháp, cũng nhận sự hỗ trợ đắc lực từ những người đồng đội không chung dòng máu: Henry, Thuram, Zidane.

Cũng lại là Deschamps đã đấu tranh với liên đoàn và ban huấn luyện để điền tên Moussa Sissoko- người chơi hay nhất bên phía Pháp ở trận chung kết vào danh sách dự EURO 2016. Dù tiền vệ đa năng vừa trải qua mùa giải thất bại tại Newcastle (xuống hạng) song trong hệ thống vận hành của Pháp, Sissoko vẫn là con át chủ bài.

Griezmann - người Pháp không mang tinh thần… Pháp

Vua phá lưới EURO 2016 là Antoine Griezmann, một người Pháp "chuẩn chỉ". Song thật bất ngờ, tiền đạo thuộc biên chế Atletico Madrid hoàn toàn không phải sản phẩm của nền bóng đá bản địa.

Anh từng phải di chuyển tới San Sebastian, cách miền quê Macon gần 500 dặm để gia nhập Real Sociedad. Vì ngày xưa, các nhà tuyển chọn ở Pháp quan niệm thấp bé nhẹ cân là không đủ trình độ chơi bóng chuyên nghiệp.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Griezmann chưa bao giờ thi đấu ở Ligue 1. Với anh, Tây Ban Nha và La Liga là nơi dung dưỡng, chắp cánh ước mơ túc cầu. Griezmann cũng là cái tên duy nhất trong đội hình Pháp dự EURO 2016 không khởi nghiệp trong màu áo một CLB bản địa.

Giờ thì bóng đá Pháp đang bay trên đôi cánh Griezmann, người hoàn toàn xa lạ với bóng đá nước nhà.

Đơn Ca
.
.
.