EURO 2016 khởi tranh: Bóng đá và cuộc xung đột giữa các nền văn minh

Thứ Tư, 15/06/2016, 14:52
Việc EURO 2016 mở rộng quy mô lên 24 đội khiến giải đấu này không chỉ hấp dẫn hơn về mặt chuyên môn. Tại đây, bóng đá chính thức trở thành một mặt trận đấu tranh văn hóa giữa những nền thể thao đầy duyên nợ. Chưa bao giờ EURO lại đáng xem như lúc này.


Chuyện của Albania và Thụy Sỹ

Khi EURO 2016 bấm nút khởi tranh, trận đấu giữa Albania và Thụy Sỹ trong khuôn khổ bảng A cũng đã kết thúc, người ta vẫn còn nói rất nhiều về câu chuyện của anh em nhà Xhaka.

Lần đầu tiên trong lịch sử giải vô địch châu Âu, có hai anh em ruột cùng tranh tài nhưng là dưới hai màu cờ khác nhau. Cậu anh Taulant chơi cho Albania, cậu em Granit chọn Thụy Sỹ.

Giới hâm mộ tự hỏi trên khán đài, cha mẹ họ sẽ cổ vũ bên nào? Nhưng chính câu hỏi đó đã tự mô tả khái quát đặc tính của hai nền bóng đá, hai thể chế tưởng khác song lại giống nhau.

Đấy là những tập thể "hợp chủng quốc". Nhưng trên tất cả, sợi dây ràng buộc giữa hai nền bóng đá là Kosovo, quốc gia ly khai khỏi Nam Tư cũ vào cuối thế kỷ 20. Một cầu thủ của mỗi đội có thể sở hữu 3 cuốn hộ chiếu khác nhau.

Những xung đột sắc tộc tại Pháp không thể ngăn các ngôi sao nhập cư tỏa sáng trong trận đấu giữa Pháp và Romania.

Năm 1995, hòa ước Dayton được ký kết, chấm dứt cuộc chiến đòi độc lập của Bosnia, hai trong số những nước cuối cùng tách khỏi chế độ Yugoslav. Quyết định mở ra con đường mới giúp giải quyết chiến tranh Kosovo.

Nhưng không, một nhóm lính du kích cực đoan Albania thuộc mặt trận giải phóng Kosovo nổi dậy, làm leo thang bạo lực. Những người Albania ủng hộ hòa ước Dayton buộc phải ly tán, tản ra khắp cõi châu Âu, nhất là những nước Tây Âu vì một tương lai không mùi thuốc súng.

Phương Tây, mà đại diện là NATO nhận thấy thời cơ chín muồi trong công cuộc diệt trừ những nước cộng sản. Mùa xuân 1999, NATO mở những cuộc tập kích quân sự vào Serbia, chính quyền nhà nước sau cuối của Nam Tư.

Gần một triệu người người Albania bị xua đuổi, nhưng không phải ai cũng trốn được cuộc thảm sát đẫm máu đã giết chết 10 vạn dân vô tội. May mắn lắm thì "được" cầm tù trong những nhà giam tồi tàn. Như ông Ragip, cha của anh em nhà Xhaka chẳng hạn.

Phải tới năm 1991, khi LHQ vào cuộc, cho phép Tổ chức Ân xa quốc tế can thiệp, những mảnh đời Albania bất hạnh mới được cứu rỗi.

Gia đình nhà Xhaka thật ra mà nói, di cư sang Thụy Sỹ cũng chỉ vì chiến tranh Kosovo và Nam Tư cũ trong thập niên 90 thế kỷ trước. Điều tương tự diễn ra với nhà Behrami, khi gia đình chạy trốn khỏi cuộc thanh trừng đẫm máu của chính phủ Vương quốc Serbia cũ cuối thập niên 80.

Vì một lý do hết sức đời thường: Một trong ba trụ sở phụ trợ của LHQ đặt tại Thụy Sỹ, quốc gia đi đầu trong những cuộc đấu tranh nhân quyền với thể chế nhà nước liên bang. Nơi đây chào đón những người nhập cư, bởi nội tại đất nước này là tính đa dạng địa lý: Có đường biên giới giáp Pháp, Italia và Đức; sử dụng 5 ngôn ngữ khác nhau.

Thế mới có chuyện, 11/23 thành viên của ĐT Albania đủ điều kiện chơi cho Thụy Sỹ, với 7 trong số đó từng khoác áo đội U21 xứ đồng hồ. Ngược lại, 8 tuyển thủ của Thụy Sỹ có quyền lựa chọn Albania làm chốn phụng dưỡng, nổi bật là Behrami và Shaqiri.Trong tiến trình phát triển của nhân loại, nơi những giá trị toàn cầu và ước vọng hòa bình là tiêu chí của thế giới, những đội bóng như Albania và Thụy Sỹ.

Tại sao là "Bắc" Ireland?

Kỳ tích của Bắc Ireland tại vòng loại EURO 2016 không đơn thuần là câu chuyện về bóng đá. Nếu để ý một chút, bạn dễ dàng nhận ra quốc gia này không hề có quốc hội. Bắc Ireland chịu sự cai trị trực tiếp của mẫu quốc Liên hợp Anh, một chi tiết khái quát toàn bộ đặc tính kỳ lạ của quốc gia này.

Đọc tròn vành rõ tiếng hai chữ "Bắc Ireland", ai nấy đều  chung cảm giác "Hao hao CH Ireland". Thực ra, Bắc Ireland là một phần của Ireland đại lục, tách ra và sáp nhập vào Vương quốc Anh. Phía Nam vùng lãnh thổ Ireland chính là CH Ireland mà chúng ta vẫn biết.

Bóng đá Bắc Ireland lần đầu góp mặt tại sân chơi cao nhất khu vực.

Những người Ireland cận đại bực dọc, vì họ cho rằng quyết định thâu tóm Bắc Ireland, biến nó thành khu tự trị của Anh là hành động gián tiếp bác bỏ quyền độc lập của Ireland.

Vả lại, quyết định đó sẽ tạo ra làn sóng rời bỏ miền Bắc của đại bộ phận dân cư. Một nền kinh tế khép kín và lệ thuộc chẳng bao giờ là cơ sở cho kế hoạch hợp nhất lãnh thổ Ireland.

Những xung đột vũ trang nổ ra như hệ quả tất yếu. Hệ giá trị của miền Nam và miền Bắc không tìm được mẫu số chung. Những người theo đạo Tin lành ủng hộ Bắc Ireland sáp nhập vào Anh với những người Thiên chúa giáo muốn để Bắc Ireland là một phần của nước Cộng hòa Ireland lao vào tranh đấu, đẩy đất nước vào khủng hoảng không lối thoát.

Hơn 40 năm qua, những bất đồng trong lòng Bắc Ireland chưa từng lắng xuống. Các cuộc thanh toán lẫn nhau giữa phe phái đối nghịch buộc chính quyền thành phố Belfast phải xây dựng hệ thống tường rào, ngăn chia từng khu vực dân cư.

Một Belfast xinh đẹp cổ kính bỗng hiện ra chẳng khác gì nhà tù giam lỏng. Từ cuộc nổi dậy phục sinh tới phong trào Troubles, Bắc Ireland chìm trong biển máu theo đúng nghĩa đen. Tỷ lệ tội phạm ở đây đứng thứ 3 châu Âu.

Khi thành viên trong đại gia đình không nhìn về một hướng, không mặt hàng kinh doanh hay ngành công nghiệp nào có thể phát triển. Bóng đá là một trong số đó.

Ở Bắc Ireland, trụ sở liên đoàn phải đặt trong sân bóng 113 năm tuổi Windsor Park. Mãi đầu năm nay, họ mới đủ tiền tân trang lại khu vực phòng ốc xuống cấp trầm trọng. Mức lương sàn của một HLV, cầu thủ hay bất kỳ những ai làm nghề chỉ là 250 bảng/tuần.

Mà muốn hưởng mức đãi ngộ bèo bọt này cũng chẳng đơn giản tẹo nào. Tất cả phải trải qua 4 tháng thử thách, phụ cấp chỉ 25 bảng/tuần, còn chưa bằng lương công nhân trong các xí nghiệp ở Việt Nam.

Với nền tảng cấp cơ sở yếu kém như vậy, ai dám nghĩ rằng ĐTQG Bắc Ireland sẽ có thể làm nên một cái gì đó đáng kể? HLV Michael O'Neil luôn phải căn dặn các học trò khi ra đường không được mặc áo ĐTQG. Vì trong mắt NHM bóng đá, chỉ tồn tại ĐT CH Ireland.

Anh em nhà Xhaka trên hai chiến tuyến trong trận đấu giữa Albania và Thụy Sỹ.

Các tài năng bóng đá phương Bắc không muốn mạo hiểm sự nghiệp tại mảnh đất chôn rau cắt rốn. Hàng năm, khoảng 2.000 sao mai đón chuyến tàu muộn từ Bắc vô Nam. Phải là người CH Ireland, họ mới dám mơ về một ngày không xa chơi bóng ở Premier League. James McClean là một ví dụ điển hình.

Vì thế, vào cái ngày bóng đá Bắc Ireland làm nên lịch sử, đường phố Belfast vẫn chìm trong bầu không khí u ám như thường nhật. Những ai yêu mến bóng đá bằng cái tâm trong sáng cũng chẳng dám đao to búa lớn. Họ nhanh chóng lên xe, thay y phục và về nhà như những nhân viên công sở

Trong kỳ EURO với thể thức hoàn toàn mới, khán giả được đắm mình trong bữa tiệc bóng đá thực thụ. Và đây cũng là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để thế giới chiêm nghiệm về những ẩn ức lịch sử, nơi bóng đá không chỉ là bóng đá.

Sau tất cả, bóng đá  trở về với thiên chức vốn dĩ của nó, là hướng đám đông về cùng một phía. Albania gặp Thụy Sỹ, và cũng có thể là màn tái ngộ giữa Bắc Ireland và CH Ireland.

Trên hơi thở "châu Phi"

Vấn đề sắc tộc là chủ đề được tranh cãi nhiều nhất trong các phiên họp quốc hội Pháp. Dòng người nhập cư đồ sộ tràn vào Paris là hệ quả của chính sách thực dân trong thế kỷ 20.

Xem ĐT Pháp, khán giả ngỡ rằng đang theo dõi một đội tuyển nào đó ở... giải CAN châu Phi.

Nước Pháp đã nhiều lần kêu gọi hạn chế những cầu thủ nhập cư, vì họ mong mỏi những chàng trai "chuẩn Pháp" từ cái tên, dáng đi, màu da cống hiến cho đất nước. Nhưng một lần nữa, tại EURO 2016, vận mệnh của Les Bleus đặt trong tay những người da màu.

Trận khai mạc gặp Romania, 6/11 tuyển thủ đá chính có tổ tiên là người châu Phi, hệt như kịch bản trận khai mạc World Cup'98. Giải năm đó, chỉ 8/22 tuyển thủ trong đội hình HLV Jacquet là dân bản địa.

Dù có thế nào, Deschamps cũng không thể loại bỏ chất liệu "châu Phi".

Đức “tuyên chiến” Ba Lan?

Mối duyên nợ giữa bóng đá Đức và Ba Lan kéo dài tới bất tận. Bằng một cách nào đó, họ gặp nhau từ vòng loại tới vòng chung kết EURO 2016. Cùng lúc đó, các tờ báo Ba Lan ra sức kêu gọi DFB dừng bòn rút chất xám quốc gia họ.

Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan là hai cơ sở cung cấp các mặt hàng chất lượng cho bóng đá Đức, mà điển hình là Klose và Podolski, hai chân sút tốt nhất của Die Mannschaft khoảng 15 năm trở lại. Họ đều là những đứa con Ba Lan thuần chủng, nhưng tới Đức định cư vì hoàn cảnh gia đình và "vô tình" lọt vào mắt xanh của giới tuyển dụng.

Trong khi Đức thụ hưởng những gì tinh túy nhất của bóng đá Ba Lan thì quốc gia Đông Âu vật lộn với hành trình tìm về ánh sáng. Mãi tới khi đồng đăng cai EURO 2012, bóng đá Ba Lan mới thực sự bật lên, vươn mình khỏi bóng tối nhờ lứa cầu thủ tài năng và chính sách bảo hộ nền bóng đá tuyệt đối.

Tại VL EURO 2016, Đức được phen hú vía sau cú sảy chân ở Warsaw. Nếu sắp tới, thầy trò Joachim Loew tiếp tục nhận thêm một kết quả kém vui khác khi đụng độ Ba Lan, một chính sách thu nạp tài năng Ba Lan khác nhiều khả năng sẽ ra đời - như nhận định của cựu danh thủ Oliver Bierhoff.

Đơn Ca
.
.
.