Man Utd tụt hậu sau 6 năm:

Ed Woodward phá hủy một đế chế bóng đá như thế nào?

Thứ Bảy, 25/05/2019, 16:11
Mùa giải 2018-2019 khép lại theo kịch bản không thể tệ hơn cho Man Utd. Họ sa thải Mourinho trước Giáng sinh, còn Solskjaer cũng không thể cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng sau 5 tháng dẫn dắt.


Ở trận cuối cùng trên sân Old Trafford, Man Utd thua trắng 2 bàn trước đối thủ đã xuống hạng Cardiff. Thay vì đổ lỗi cho huấn luyện viên (HLV) như trước kia, tất cả chỉ trích đang nhắm vào Phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward.

Những bước thụt lùi dưới thời Ed Woodward

6 năm trước, Sir Alex khép lại 27 năm huy hoàng ở Man Utd bằng chiếc cúp vô địch Premier League. Man City xếp sau với 11 điểm ít hơn, Liverpool còn kém tới 28 điểm. Nhưng mọi thứ đã dần thay đổi sau khi Sir Alex nghỉ hưu.

Man City và Liverpool bây giờ mới là những thế lực của bóng đá Anh, khi họ tạo ra cuộc đua gay cấn bậc nhất trong lịch sử Premier League. Còn Man Utd ra rìa, bị bỏ lại phía sau với khoảng cách 32 điểm mênh mông.

Woodward khiến Man Utd ngày càng thui chột về thành tích thi đấu.

Trong thời gian làm HLV tạm quyền thay thế Mourinho, Solskjaer đã thổi một luồng gió mới vào Man Utd. Nhưng kể từ ngày ông ký hợp đồng chính thức, mọi thứ lại trở về như cũ. Trong 12 trận cuối mùa, Man Utd để thua đến 8 trận và chỉ thắng có 2. Họ bị loại khỏi Champions League, tụt xuống vị trí thứ 6 như thời điểm Mourinho bị sa thải và mắc kẹt ở đó. Nếu cứ chơi với phong độ như thế trong cả mùa giải, Man Utd thậm chí đã xuống hạng với vỏn vẹn 25 điểm.

Xét về hiệu quả kinh doanh, Man Utd vẫn là cỗ máy kiếm tiền bậc nhất dựa trên số lượng nhà tài trợ khổng lồ: 22 đối tác toàn cầu, 7 đối tác truyền thông, 9 đối tác khu vực, 12 đối tác tài chính bao gồm hai ông lớn Chevrolet và Adidas.

Nhưng trái ngược với doanh thu tăng không ngừng, kết quả thi đấu của Man Utd lại không khá lên nổi dù mời về những HLV hàng đầu, hay chiêu mộ những bản hợp đồng bom tấn.

Người chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình cảnh bây giờ của Man Utd - cả về công lẫn tội - là Phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward. Kể từ khi được bàn giao công việc từ Giám đốc điều hành tiền nhiệm David Gill, Woodward không chỉ phụ trách quản lý tài chính đơn thuần nữa.

Tầm ảnh hưởng của Woodward vươn ra cả những bản hợp đồng kinh doanh, thậm chí có tiếng nói quyết định trong việc chiêu mộ cầu thủ và HLV. Không ngoa khi nói Woodward đang một tay che cả bầu trời ở sân Old Trafford.

Thảm họa được cảnh báo từ lâu

Năm 2016, Van Gaal bị sa thải. Dù giúp Man Utd giành FA Cup, danh hiệu đầu tiên sau khi Sir Alex giải nghệ, nhưng "Tulip sắt" vẫn phải ra đi trong cay đắng. Ngày cùng các học trò nâng cao chức vô địch FA Cup, thay vì nở nụ cười trong phòng họp báo, ông chua chát tuyên bố "mọi thứ đã chấm dứt". 2 năm dẫn dắt Man Utd, Van Gaal trở thành mục tiêu bị châm chọc vì lối đá nhàm chán, nhưng ông cho rằng mình không đáng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Klopp nói không với Man Utd vì không muốn làm việc kiểu con buôn như Woodward.

"Pep Guardiola áp dụng sơ đồ chiến thuật tương tự của tôi nhưng cậu ấy thành công, đơn giản vì cậu ấy được toàn quyền mua những cầu thủ mình muốn", Van Gaal nói. "Còn Man Utd thì sao? Đó là một câu lạc bộ (CLB) làm thương mại chứ không phải CLB bóng đá. Tôi đã đem chuyện này đến tâm sự cùng Ferguson và ông ấy cũng chia sẻ mình gặp phải vấn đề tương tự ở những năm cuối tại vị. Người đứng đầu hệ thống tuyển mộ cầu thủ lẽ ra phải là dân thể thao, nhưng ở Man Utd, người đó lại là một ông sếp nhà băng".

Van Gaal chắc chắn không bịa chuyện. Năm 2012, Man Utd cắt hợp đồng với hàng loạt tuyển trạch viên địa phương, những người mà Sir Alex từng rất tự hào vì họ đã phát hiện ra những cầu thủ như Giggs, Scholes, Beckham, anh em nhà Neville...

Sự thiếu hụt những cầu thủ trẻ có tính kế thừa khiến Sir Alex phải chiêu mộ Van Persie cho những mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Nhưng khi ông giải nghệ, hệ thống "một người quản lý tất cả" của Sir Alex trở thành điểm yếu chí tử của CLB vì nó chuyển sang nằm dưới tay Woodward.

Xét về mặt cá nhân, có lẽ Sir Alex cũng không hài lòng chút nào với cách Woodward vận hành Man Utd. Chỉ có tình yêu với CLB và vị thế của một HLV huyền thoại mới khiến ông buộc phải im lặng trước truyền thông. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, Sir Alex thường "vô tình" lờ đi Woodward trong những lúc lẽ ra ông phải đề cập tới. Sir Alex gần như chưa bao giờ nhắc tên Woodward, ký ức của ông về nhân vật này chỉ là "một thành viên trong hội đồng quản trị (HĐQT) mà tôi có gặp vài lần trong những cuộc họp".

Thái độ tiếp cận với bóng đá bằng cái nhìn con buôn của Woodward là nguyên nhân khiến ông phá hủy Man Utd nhanh hơn. Mùa hè 2014, Man Utd công bố 2 bản hợp đồng Luke Shaw và Ander Herrera trước cả thời điểm Van Gaal được bổ nhiệm.

Tuy vậy, Van Gaal cũng chỉ là phương án dự phòng vì Man Utd không thể đưa được Klopp về sân Old Trafford. Sau này, Klopp tiết lộ ông từ chối đến Man Utd sau buổi nói chuyện với Woodward, nơi vị Phó Chủ tịch điều hành ví Man Utd như "một Disneyland phiên bản người lớn", chứ không phải một CLB.

Mua cầu thủ để làm quảng cáo

Mùa hè 2016, Man Utd đưa Pogba trở lại với giá chuyển nhượng kỷ lục 90 triệu bảng. Một mặt Woodward tuyên bố đây là thương vụ "Mourinho đề nghị và tôi bật đèn xanh", nhưng mặt khác ông lại khẳng định như đinh đóng cột "chúng tôi đã theo đuổi Pogba từ lâu".

Từ ngày đến Man Utd, Pogba chơi trận hay trận dở, khiến kết quả thi đấu của toàn đội cũng đi theo đồ thị hình sin. Mourinho thậm chí còn nóng mắt với thái độ của Pogba đến mức tống anh lên ghế dự bị.

Bale có thể được Woodward đưa về để làm quảng cáo.

Nếu Sir Alex đang là HLV trưởng, hẳn không đời nào ông muốn mua Pogba. Anh và người đại diện Mino Raiola từng "lật kèo" với Sir Alex, khiến ông nổi giận tới mức tuyên bố không bao giờ làm việc cùng tay "cò" này nữa. Tuy nhiên, trong mắt của Woodward, Pogba lại là con gà đẻ trứng vàng với vị thế của một cầu thủ da màu, một sản phẩm của lò đào tạo Man Utd. Từ ngày Pogba trở lại, hợp đồng quảng cáo tới tấp đến với Man Utd bất chấp phong độ của anh.

Một trường hợp mua cầu thủ để làm kinh tế khác là Alexis Sanchez. Anh đang hưởng lương gần 600.000 bảng/tuần dù đóng góp cho CLB gần như bằng không. Bù lại, Sanchez chỉ mất 1 tháng để phá kỷ lục bán áo đấu tại Man Utd, vượt qua Pogba và Ibrahimovic.

Tuy nhiên, lợi bất cập hại và việc Man Utd trả lương ngất ngưởng cho một cầu thủ "vô dụng" như Sanchez đang khiến CLB có nguy cơ vỡ quỹ lương. Martial chơi hết mình vài trận để được nâng lương lên 200.000 bảng/tuần, rồi lại thi đấu phập phù. Ander Herrera đã ra đi vì không được đáp ứng yêu cầu lương bổng. Tiến trình đàm phán hợp đồng với De Gea và Rashford cũng đang đóng băng vì tiền lương.

Trong giai đoạn Sir Alex tại vị, không một cầu thủ nào tại Man Utd có lương cao hơn ông, cho dù ngôi sao của đội là Rooney, Beckham, Ronaldo hay Van Persie. Đó là cách Sir Alex không để mình lép vế trước bất kỳ ngôi sao nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Solskjaer lại đang khốn đốn vì không thể chỉ bảo cầu thủ theo ý mình, bởi họ được Woodward nuông chiều, làm hư bằng tiền lương cao phi lý đến mức họ không xứng đáng được hưởng.

Woodward sẽ lại lũng đoạn chuyển nhượng của Man Utd?

Đến thời điểm này, Man Utd vẫn chưa chính thức bổ nhiệm chức danh Giám đốc kỹ thuật, vị trí có tiếng nói quyết định trong công tác tuyển trạch và chiêu mộ cầu thủ. Tín hiện đó cho thấy Woodward vẫn muốn nắm đằng chuôi trong công tác mua bán cầu thủ của Man Utd, việc ông đã làm rất dở trong 6 năm qua.

Tại Man Utd, nhân vật hỗ trợ Woodward mua bán cầu thủ là một nhân vật có tên Matt Judge. Ông có bằng thạc sĩ kinh tế và tài chính. Cũng giống như Woodward, Judge... hoàn toàn mù tịt về bóng đá. Tuy nhiên, Judge vẫn tiếp tục được phụ trách công việc trái sở trường nhờ vị thế cánh tay phải của Woodward ở Man Utd.

Hiện tại, Woodward đang lên kế hoạch chiêu mộ một số "hàng thải" từ Real như Gareth Bale và Isco. Cả hai cầu thủ trên đã sa sút phong độ trông thấy trong mùa giải qua, đặc biệt là Bale. Nếu đưa Bale về sân Old Trafford, Man Utd có nguy cơ phải gánh một cục nợ tương tự Sanchez. Bale chuẩn bị tròn 30 tuổi và anh cũng đang hưởng lương 600.000 bảng/tuần. Còn Isco dù chơi dở vẫn được Real hét giá tới 120 triệu bảng.

Bên cạnh Bale và Isco, Man Utd đang lên kế hoạch hỏi mua Ivan Rakitic từ Barcelona. Rakitic đã ngoài 30 tuổi nhưng cũng có giá không dưới 50 triệu bảng. Ngoài ra, Woodward còn muốn giữ chân Pogba ở lại bằng cách trao băng đội trưởng cho cầu thủ này ở mùa bóng tới. Khi Mourinho bị sa thải, Pogba từng tuyên bố "Lão ta gây sự nhầm người rồi", ám chỉ việc Người đặc biệt tống anh lên ghế dự bị.

Trái với xu hướng mua những ngôi sao ít đóng góp chuyên môn nhưng lại dễ kiếm tiền quảng cáo của Woodward, Solskjaer đang lên kế hoạch chiêu mộ những cầu thủ trẻ khao khát cống hiến. Tiền vệ Daniel James của Swansea đang trên đường đến Man Utd. Declan Rice là một lựa chọn khác cho vị trí tiền vệ đánh chặn. Hậu vệ Ryan Sessegnon cũng đang được Man Utd nhắm đến. Dự kiến, nếu chiêu mộ cả 3 cầu thủ trên, Man Utd sẽ phải bỏ ra 80-90 triệu bảng.

Đơn Ca
.
.
.