El Clasico - Đời thay đổi khi đối thủ thay đổi

Thứ Sáu, 02/12/2016, 12:46
Rất khó để định nghĩa về El Clasico chỉ bằng những khái niệm đơn thuần, bởi cuộc đối đầu giữa Real Madrid và Barcelona từ lâu đã vượt xa khuôn khổ của một trận đấu bóng đá.


Cuối tuần này, trong trận El Clasico chính thức thứ 232 trong lịch sử (không tính các trận giao hữu), một lần nữa người hâm mộ bóng đá thế giới sẽ lại đắm chìm trong thứ cảm xúc đặc biệt mà không một trận đấu nào khác có thể tạo ra.

Mối quan hệ không thể định nghĩa

Kể từ sau thời độc tài Franco, mối quan hệ giữa Real Madrid và Barcelona trở nên phức tạp hơn một cuộc cạnh tranh giành vị thế số 1 ở Tây Ban Nha. Nói cách khác, không thể dùng từ “cạnh tranh” để bao quát một sự tương phản quá lớn giữa hai thế lực bóng đá lớn nhất “xứ sở bò tót”.

Đúng, Real Madrid và Barcelona đã cạnh tranh trên tất cả các đấu trường mà họ cùng tham dự trong suốt 60 năm qua. Nhưng giữa họ không chỉ là sự so kè về những chiếc cúp và các tấm huy chương, mà hơn thế nữa là một phép cộng giữa khát khao khẳng định con đường riêng của mình và một sự thù hận sâu sắc xuất phát từ lịch sử, chính trị.

Johan Cruyff – người mang đến thay đổi lớn cho El Clasico.

Ở đây, chúng ta nói đến điều đầu tiên, đó là khát khao khẳng định con đường bản sắc của mỗi đội bóng. Thật buồn cười nếu ai đó nói rằng Real Madrid và Barcelona giống nhau như hai đứa trẻ cùng sinh trong một gia đình. Nhưng xét trên khía cạnh nào đó, nhận xét trên hoàn toàn có cơ sở. Họ là đại kình địch nhưng lại giống nhau một cách kỳ lạ.

Real Madrid và Barcelona có phương thức vận hành giống nhau về bộ máy lãnh đạo và cùng đề ra những mục tiêu, tham vọng không khác nhau là mấy. Họ đều có tư tưởng thống trị và văn hóa chinh phục thấm nhuần đến từng cầu thủ.

Chính điểm giống nhau đó tạo nên thế “hai hổ một rừng” ở bóng đá Tây Ban Nha và đẩy cuộc đối đầu lên một tầm cao mà ít có trận đấu bóng đá nào trên thế giới sánh kịp.

Giữa hai đội bóng vì thế là một mối quan hệ khó định nghĩa. Họ thù ghét nhau, căm hận nhau đến mức nếu có một đội vô địch La Liga hoặc Champions League nhưng không thắng được El Clasico thì mùa giải đó cũng được xem là không toàn vẹn.

Đôi khi một thất bại thậm chí còn khiến một đội bóng suy sụp hoàn toàn. Năm 2009, Barcelona đánh bại Real Madrid tới 6-2 trong trận El Clasico diễn ra giữa hai lượt trận bán kết mà đội bóng xứ Catalan tham dự (gặp Chelsea).

Kết quả là sau đó, Real Madrid thua liền 5 trận ở La Liga và góp phần “giúp” Barcelona có được cú ăn ba đầu tiên trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha

Nhưng xét ở một mặt khác, họ lại cần nhau để làm động lực phát triển. Điều đó đã được chứng minh qua rất nhiều thế hệ, khi sự yếu thế hơn trong một hay nhiều trận El Clasico ở những thời điểm cụ thể khiến Real Madrid hoặc Barcelona buộc phải thay đổi.

Trong quá trình đó, họ tự hoàn thiện hoặc nâng cấp lối chơi để lật ngược thế cờ và để lại những di sản vô giá không chỉ cho CLB mà còn là cả bóng đá thế giới.

Rất nhiều những ngôi sao, những hệ thống chiến thuật mới đã được ra đời khi Real hoặc Barca muốn lột xác để lật đổ đối thủ của mình. Tầm vóc của hai đội bóng khiến cho nỗ lực tưởng chừng chỉ phục vụ cho chiến thắng El Clasico lại trở thành tinh hoa ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ những diễn biến sau đó của môn thể thao vua.

Từ Johan Cruyff đến "La Quinta del Buitre"

Johan Cruyff được xem là người tiên phong trong quá trình tự nâng cấp của cả hai đội bóng tham dự El Clasico. Ông đến Barcelona vào năm 1973 với giá chuyển nhượng kỷ lục của thế giới hồi đó (khoảng 922.300 bảng), 2 năm trước khi độc tài Franco qua đời.

Trước khi Cruyff đến Barcelona, Real Madrid với sự trợ giúp của chính quyền độc tài Franco đã hoàn toàn thống trị bóng đá Tây Ban Nha và cả châu Âu trong thập niên 1960. Sự xuất hiện của ngôi sao người Hà Lan làm xoay chuyển cục diện cho El Clasico.

Đội hình Real Madrid với nòng cốt là thế hệ “La Quinta del Buitre”.

Barcelona bắt đầu vươn lên trở thành một đối trọng thực sự của Real Madrid bằng lối chơi tổng lực mà Cruyff mang đến Catalunya. Với huyền thoại Hà Lan trong đội hình, Barca có một trong những chiến thắng El Clasico nổi tiếng nhất khi đánh bại đối thủ tới 5-0 ngay tại Santiago Bernabeu.

Sau khi giải nghệ cầu thủ, Cruyff quay trở lại Barcelona năm 1988 để dẫn dắt đội chủ sân Camp Nou. Đây là một trong những giai đoạn huy hoàng nhất của đội bóng xứ Catalunya.

Đến giữa thập niên 1990, Dream Team của Johan Cruyff (gồm những Romario, Stoichkov, Laudrup, Koeman) đã giành 4 chức vô địch La Liga và có lần đầu tiên đăng quang tại Champions League.

Tuy nhiên, dấu ấn của huyền thoại Hà Lan còn lớn hơn thế. Tư tưởng xây dựng đội bóng với trọng tâm là các cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo La Masia là một cuộc cách mạng vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay, biến Barcelona trở thành một trong vài CLB có tầm vóc lớn nhất thế giới.

Ở khoảng giữa hai giai đoạn của Cruyff tại Barcelona, Real Madrid cũng giới thiệu đến thế giới một thế hệ đầy thú vị. Không giống như đội hình đầy siêu sao quốc tế của những Di Stefano, Puskas, Gento… thập niên 1960 hay “Dải ngân hà” Galacticos của những Zidane, Figo, Beckham, Ronaldo… đầu thế kỷ XXI; “La Quinta de Buitre” là một đội hình được xây dựng dựa trên những cầu thủ trẻ cây nhà lá vườn từ lò đào tạo của đội chủ sân Bernabeu.

“La Quinta de Buitre” có nòng cốt gồm 5 cầu thủ: Emilio Butragueno, Manolo Sanchis, Michel, Rafael Martin Vasquez và Miguel Padreza. Với họ trong đội hình, Real Madrid giành 5 chức vô địch La Liga trong giai đoạn 1984-1991.

Cho đến nay, đây vẫn là một trong những thế hệ được các CĐV Los Blancos yêu mến nhất, bởi các cầu thủ “không khác gì con em trong gia đình những người ủng hộ Real Madrid” – theo lời Michel, người duy nhất của “La Quinta de Buitre” còn đá cho “Kền kền trắng” khi họ vô địch Champions League mùa 1997/98.

Ronaldo và Messi, những ngôi sao sáng nhất của El Clasico hiện tại.

Barcelona thành công với Dream Team xây dựng từ các ngôi sao quốc tế, còn Real Madrid thành công bằng lực lượng cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Với những gì chúng ta biết về hai đội bóng đó ở thời điểm hiện tại, điều đó “có gì đó hơi sai sai”.

Nhưng đây chính là minh chứng cho sự thay đổi liên tục mà hai đội bóng đã tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử của El Clasico. Cả Real và Barca đều rất sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh để trở nên mạnh hơn đối thủ.

Cuối cùng, trong trận El Clasico cuối tuần này, chúng ta rất có thể sẽ được chứng kiến thêm một sự thay đổi nào đó đầy thú vị nếu một trong hai đội thua trận. Sự vận động không ngừng nghỉ giữa hai đại kình địch không đội trời chung chính là một trong những nét hấp dẫn nhất của cuộc đối đầu mang tên “Siêu kinh điển”.

El Clasico không bao giờ chấm dứt, ngay cả khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu, bởi những gì diễn ra sau đó cũng đáng chờ đợi không kém.

El Clasico thiếu những ngôi sao

Cả Real Madrid và Barcelona đều vắng mặt nhiều ngôi sao trước trận đấu El Clasico sắp tới. Đội chủ nhà sẽ vắng trung vệ Samuel Umtiti, hậu vệ trái Jordi Alba và trung vệ Jeremy Mathieu cũng khó có thể trở lại kịp. Trong khi đó, khả năng ra sân của thủ quân Iniesta chỉ có thể rõ ràng trước giờ bóng lăn.

Bên phía Real Madrid, tình hình cũng không khả quan hơn khi cả 3 tuyến của họ đều phải chịu tổn thất. Trên hàng công, ngôi sao Gareth Bale chắc chắn vắng mặt. Toni Kroos, Raphael Varane và Alvaro Morata cũng đã được thông báo sẽ không có mặt trong trận El Clasico vì những nguyên nhân khác nhau.

Mặc dù cả hai đội đều gặp tổn thất lực lượng nhưng Zidane lẫn Enrique đều tỏ ra rất tự tin. HLV trưởng của Real Madrid khẳng định đội bóng của ông có lợi thế lớn về tâm lý khi đang hơn đối thủ tới 6 điểm. Trong khi đó, Enrique khẳng định các cầu thủ Barcelona đang tràn đầy khí thế để bắt đối thủ đến từ thủ đô phải chịu trận thua đầu tiên trong mùa giải này.

Lại là cuộc so tài Messi - Ronaldo

Một lần nữa cuộc đọ sức giữa hai ngôi sao xuất sắc nhất của bóng đá đương đại lại là tâm điểm của El Clasico. Messi và Ronaldo đã ghi tổng cộng 37 bàn thắng trong các trận đối đầu giữa Barca và Real, lần lượt xếp thứ 1 và thứ 3 trong danh sách những chân sút vĩ đại nhất của “Siêu kinh điển” (Messi có 21 bàn, Ronaldo có 16 bàn; đứng giữa họ là huyền thoại Di Stefano với 18 bàn).

Đúng như truyền thống của các trận El Clasico, giới truyền thông đóng một vai trò quan trọng trước trận đấu. Các tờ báo thân Real Madrid như Marca và AS; hoặc thân Barcelona như Sports đều đang có những đòn tâm lý hướng đến đối thủ. Trong khi Sports khẳng định việc Ronaldo có thể giành QBV thế giới 2016 là “một “trò hề” thì tờ AS lại nhấn mạnh đến việc bộ ba tấn công lừng danh MNS của Barcelona có dấu hiệu quá tải bởi phải thi đấu với mật độ quá dày.

Ronaldo hiện đang là chân sút dẫn đầu La Liga với 10 pha lập công, trong khi Messi và Suarez xếp sau với lần lượt 9 và 8 bàn thắng đã ghi.

Đơn Ca
.
.
.