Euro 2016: Gia tăng vấn nạn cổ động viên quá khích

Thứ Tư, 22/06/2016, 13:13
Dư luận đang quan tâm tới những cảnh quay cổ động viên quá khích Hungary tấn công nhân viên an ninh Pháp trên khán đài sân Velodrome. Và Euro 2016 lại tiếp tục phải chứng kiến những vụ ẩu đả trên khán đài. 


Vụ việc xảy ra khi có khoảng 100 cổ động viên Hungary leo rào sang khán đài bên cạnh để tụ họp với một nhóm cổ động viên Hungary khác phía sau khung thành, nhưng bị lực lượng an ninh ngăn cản. Khi bị cản trở, những cổ động viên kể trên đã quây nhóm nhân viên an ninh vào một góc và tấn công, buộc họ phải tự vệ bằng bình xịt hơi cay. Vụ xung đột chỉ dừng lại sau khi cảnh sát cơ động xuất hiện - nhân viên an ninh được giải cứu, còn cổ động viên bị giải tán khỏi khu khán đài xảy ra ẩu đả.

Liên tiếp xảy ra các vụ ẩu đả

Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) vừa phê phán Pháp vì mặt sân cỏ quá tệ. Ông Martin Kallen, Giám đốc giải đấu Euro 2016 nhấn mạnh, UEFA rất không hài lòng với mặt sân cỏ của nước chủ nhà, đặc biệt là tại Marseille, Saint Denis (tức sân Stade de France), Lille và Pháp phải cải thiện tình hình này trong vài ngày tới.

Trong khi đó giới truyền thông cho rằng, nhiều người dân Pháp đang phải gánh thêm nỗi lo (ngoài nguy cơ khủng bố và biểu tình) từ các cổ động viên quá khích trong suốt thời gian diễn ra Euro 2016 (từ 10-6 đến 10-7). Bởi Euro 2016 đã xảy ra nhiều vụ bạo lực liên quan tới người hâm mộ đến từ nhiều quốc gia. Bộ Nội vụ Pháp vừa xác nhận, đã có 323 người bị bắt kể từ đầu mùa giải.

Trên khán đài, các cổ động viên Croatia đánh nhau.

Mặc dù UEFA vừa đưa ra án phạt cùng tuyên bố sẽ loại đội tuyển Nga khỏi Euro 2016, nếu hooligan nước này tiếp tục quậy phá, nhưng họ vẫn tấn công cổ động viên Anh và xứ Wales ở trung tâm thành phố Lille. Cảnh sát Pháp đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Giới chuyên môn cho rằng, vì ban tổ chức sắp xếp 2 trận đấu Anh - xứ Wales và Nga - Slovakia ở Lille quá gần nhau nên đã vô tình tạo cơ hội cho hooligan các nước có dịp "thi triển tài năng". Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nga Leonid Slutsky vừa kêu gọi cổ động viên Nga ngừng manh động để đội tuyển có thể tiếp tục thi đấu.

Tuy không chính thức đưa ra án phạt đối với đội tuyển Anh, nhưng UEFA đã cảnh báo Liên đoàn Bóng đá Anh, họ sẽ bị loại nếu không kiểm soát được cổ động viên. Theo báo chí Anh, đã xảy ra đụng độ giữa cổ động viên Anh và cổ động viên Nga, đồng thời cho đăng tải những đoạn video được các cổ động viên xứ sở sương mù đưa lên YouTube, ghi lại cảnh hooligan Anh làm loạn tại Marseille trước thềm trận đấu với đội tuyển Nga.

Theo đó, các cổ động viên đã ném ghế, chai lọ, gạch đá vào một nhà hàng bị đốt cháy. Theo giới truyền thông, côn đồ bóng đá (hooligan) cũng được xếp hạng và đây luôn là chủ đề làm đau đầu các nhà tổ chức. Và theo thống kê, Anh, Nga, Ba Lan, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức là những quốc gia được liệt vào danh sách "có số má" về xung đột giữa các hooligan.

Tờ Estadao của Brazil vừa đưa tin, phóng viên Fernando de Henrique Oliveira đã bị tát vào mặt, còn đồng nghiệp Sonia Blota bị đá khi họ đang tác nghiệp cho Đài truyền hình Bandeirantes (Brazil) tại thủ đô Paris, Pháp chiều 16-6. Theo đó, 2 phóng viên kể trên đã bị khoảng 50 cổ động viên quá khích người Đức tát vào mặt, đá vào người và sỉ nhục về chủng tộc ở phía trước nhà ga Gare du Nord, khi họ đang tác nghiệp ở Euro 2016.

Cảnh báo và án phạt đều vô hiệu?

Theo giới truyền thông, cổ động viên Croatia ném pháo sáng xuống sân bởi bất bình với Liên đoàn Bóng đá Croatia, đặc biệt là cựu Giám đốc điều hành Dinamo Zagreb Zdravko Mamic (đã bị bắt tháng 11-2015 do vi phạm các nguyên tắc chuyển nhượng ở Dinamo Zagreb và bị cáo buộc biển thủ 11,1 triệu bảng Anh).

Ông Zdravko Mamic bị coi là kẻ lũng đoạn Liên đoàn Bóng đá Croatia. Nhiều cổ động viên cho rằng, sự yếu kém, trì trệ trong quản lý đã khiến chất lượng giải Vô địch quốc gia ngày càng đi xuống. Bên cạnh đó là nạn dàn xếp tỉ số tràn lan, nhưng không được ngăn chặn triệt để. Và vì hành động kể trên của cổ động viên, đội tuyển Croatia đang đối mặt với án phạt từ UEFA - nặng nhất là bị loại lập tức khỏi Euro 2016.

Cổ động viên Anh làm loạn trên đường phố Pháp.

"Đó không phải là người hâm mộ Croatia. Đó là những tên khủng bố trong thể thao. Chúng tôi không muốn sống chung với những tên du côn này", huấn luyện viên Ante Cacic bức xúc trước hành động ném pháo sáng xuống sân và đánh nhau trên khán đài khiến trận Croatia với Czech bị gián đoạn. Theo báo cáo của ban tổ chức, cổ động viên quá khích Croatia đã ném 15 quả pháo sáng xuống sân khiến một nhân viên an ninh bị thương. UEFA đã mở cuộc điều tra và Croatia có thể phải hứng chịu hình phạt nặng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Pháp tại Moskva Jean-Maurice Ripert để phản đối về việc 43 cổ động viên Nga bị cảnh sát Pháp bắt tại miền Nam nước Pháp sau khi xảy ra các vụ bạo lực đường phố ở Marseille. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã coi hành động bắt người của cảnh sát Pháp và những hành vi bạo lực sân cỏ đều không chấp nhận được, đồng thời chỉ trích giới chức Pháp để mặc cổ động viên Anh kích động, xúc phạm nước Nga.

Ông Sergey Lavrov cho rằng, giới chức Pháp nhẽ ra phải thông báo cho Đại sứ quán Nga ở Paris và Tổng lãnh sự quán Nga ở Marseille khi thực hiện vụ bắt giữ, nhưng họ đã không làm vậy. Đồng thời nhấn mạnh, việc một số cổ động viên Nga mang pháo sáng đến các trận đấu tại Euro 2016 là không thể chấp nhận, nhưng không thể làm ngơ trước thực tế là họ cố gắng bỏ qua những hành động khiêu khích từ cổ động viên các nước khác.

Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko cũng cho rằng, không loại trừ khả năng cổ động viên Nga sẽ tiếp tục tham gia vào bạo lực tại Euro 2016 ở Pháp vì họ liên tục bị khiêu khích. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cũng hy vọng việc điều tra sẽ có cách tiếp cận công bằng và bình đẳng, không phân biệt cổ động viên của nước nào.

Dư luận cho rằng, phản đối của Ngoại trưởng Sergey Lavrov đang khiến cho bầu không khí bóng đá thêm sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đây là một trong những thách thức mà Pháp đang phải đối mặt. Công tố viên Pháp vừa cho biết, 3 trong số 43 cổ động viên Nga bị tạm giữ phải hầu tòa, và 20 cổ động viên bị trục xuất khỏi Pháp dù không bị truy tố, 20 người còn lại được trả tự do.

Cổ động viên Anh giẫm đạp lên cờ Nga.

Theo một đoạn video vừa được đăng trên YouTube, cổ động viên Anh đã cố tình khiêu khích bằng hành động giẫm đạp lên lá cờ Nga ở Lille, nơi đội tuyển Nga thất bại 1-2 trước Slovakia. Và cảnh sát chống bạo động Pháp phải dùng hơi cay và dùi cui để giải tán đám đông cổ động viên Anh xuống đường "ăn mừng đội tuyển Nga thua trận". Và bắt giữ 36 người khi hàng trăm cổ động viên Anh xuống đường hô vang "chúng tôi ghét Nga" và diễu hành từ một quán rượu đến trung tâm thành phố Lille.

Được biết, nhiều hooligan Nga mặc áo có dòng chữ: "Euro 2016 chết tiệt", trong khi đó cổ động viên Anh và xứ Wales liên tục hò hét "Chúng ta là Anh và xứ Wales, bọn Nga chó chết"!

Những tuyên bố và hành động gây sốc

Theo thống kê, Iceland hiện đứng đầu tỷ lệ về số cổ động viên tới Pháp - tuy là quốc gia nhỏ nhất, chỉ với dân số khoảng 350.000 người, nhưng có gần 20.000 cổ động viên Iceland (khoảng 6% dân số) đã đến Pháp cổ vũ cho đội bóng của mình.

Đức tuy có 4,8 triệu cổ động viên tới Pháp, nhưng nước này có khoảng 82 triệu dân và như vậy chỉ mới có khoảng 5,8% dân số Đức đến Pháp để cổ vũ cho đội nhà. Trong khi đó, cổ động viên Nga tới Pháp chỉ chiếm 0,2% dân số của xứ sở bạch dương, nhưng "Ultras Nga" lại bị coi là những kẻ gây rối bậc nhất tại Euro 2016. Và Tổng thống Putin đã phải lên tiếng về vấn đề này - chỉ nên quy trách nhiệm cho những cá nhân đã gây ra sự cố và tôi không hiểu, tại sao 200 người Nga lại có thể đánh vài nghìn người Anh?

Tờ The Sun vừa đưa tin gây sốc, khi cho biết nữ diễn viên phim khiêu dâm Alina Eremenko (có biệt danh Hennesy) hứa thưởng "bữa tiệc sex đặc biệt" cho tiền đạo Aleksandr Kokorin của đội tuyển Nga, nếu anh ghi 2 bàn tại Euro 2016. Năm ngoái, Alina Eremenko cũng từng treo giải thưởng tương tự và Aleksandr Kokorin được chọn vì rất đẹp trai.

Vẫn theo tờ The Sun, vì Izzet Salti đang tập trung xem đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đá với Croatia, nhưng vợ liên tục bắt chuyện khiến anh nổi nóng, nói năng thô lỗ và bắt đi chỗ khác. Tủi thân vì bị chồng mắng, cô liền sử dụng một ứng dụng điện thoại để điều khiển tivi từ xa - tắt mở trêu chồng. Ban đầu tưởng tivi có vấn đề, nhưng sau đó liên tục bị gián đoạn trong những phút quan trọng, nên Izzet Salti đã đập tivi xuống đất.

Một ngày trước trận ra quân của đội tuyển Tây Ban Nha, Alvaro Morata đã khoe cảnh đang được Sergio Ramos cắt tóc bởi "2 năm trước, tôi đã nhờ Ramos cắt tóc và sau đó cả 2 đều ghi bàn". Trong khi Alvaro Morata coi việc cắt tóc là may mắn, thì thủ thành Cộng hòa Czech Petr Cech lại coi việc không cạo râu là điềm lành.

Ông Joachim Loew, huấn luyện viên đội tuyển Đức không muốn giặt chiếc áo đang mặc vì sợ nước sẽ rửa trôi sự may mắn. Còn danh thủ Mario Gomez không hát quốc ca trước trận đấu vì làm như vậy "sẽ giúp thắng trận". Trong khi đó, huấn luyện viên Chris Coleman của xứ Wales cũng mặc áo vest ra sân vì "cởi áo khoác là thua".

Tờ The Washington Post vừa đăng một đoạn video ghi lại cảnh cổ động viên Anh ném những đồng xu lẻ về phía 4 trẻ em tị nạn Hồi giáo trên đường phố Lille, Pháp, và hành động này lập tức bị chỉ trích. Và 1 cổ động viên Bắc Ireland đã chết vì đột qụy trên khán đài sân Lyon, khi trận đấu giữa đội tuyển nước này và Ukraine đang diễn ra tối 16-6. Và đó là cổ động viên Bắc Ireland thứ hai qua đời tại Euro 2016.
Tuệ Sỹ-Trọng Hậu
.
.
.