Gameshow dung tục xuất hiện nhiều trên mạng xã hội: Quản lý thế nào cho tốt?

Thứ Tư, 19/12/2018, 20:07
Ngày càng xuất hiện nhiều gameshow có nội dung phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ. Làm thế nào để quản lý hiệu quả ho ạt động này đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Khi gameshow truyền hình bắt đầu thoái trào, không còn sức thu hút khán giả thì cũng là lúc gameshow trên mạng xã hội, đặc biệt là youtube bùng nổ. Bên cạnh những chương trình mang nội dung tốt, hấp dẫn, có hiệu quả giáo dục cao thì xuất hiện ngày càng nhiều gameshow có nội dung phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ. Làm thế nào để quản lý hiệu quả hoạt động này đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Cách đây không lâu, gameshow “Date & Kiss - Hôn trước yêu sau” vừa lên sóng youtube đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng với những hành động bị xếp vào hàng “gợi dục”. Đây là gameshow được lấy bản quyền từ MBC Holding Japan, sản xuất bởi Studio 69 tại Việt Nam.

Lấy danh nghĩa là một gameshow hẹn hò nhưng thay vì trò chuyện, giao lưu, hỏi đáp để tìm hiểu tính cách thì “Hôn trước yêu sau” lại để người chơi “tìm hiểu” bằng cách hôn nhau. Một cô gái cùng lúc tìm hiểu hai chàng trai thông qua việc hẹn hò trong phòng kín, sẽ trải qua 3 vòng với phương pháp là những nụ hôn, đụng chạm cơ thể. 

Cảnh hôn nhau được máy quay mô tả khá kỹ, kèm theo các âm thanh đầy khiêu khích. Những chi tiết phản cảm lố lăng này bị khán giả phản đối kịch liệt vì không hề phù hợp với văn hóa Việt Nam, khuyến khích giới trẻ làm những điều khó chấp nhận được. Trước sự chỉ trích gay gắt từ cư dân mạng, chương trình đã phải tuyên bố dừng phát sóng.

Những tưởng sau bài học của “Date & Kiss”, nhiều nhà sản xuất gameshow sẽ rút được kinh nghiệm thì ngược lại, những chương trình dung tục, phản cảm tiếp tục được sản xuất và phát sóng trên youtube như “Love Game” (Trò chơi tình yêu), “Vitamin Girl - Rút gạch xây tổ ấm”, “Dare Pong”, “Ghiền mỳ gõ”…

Nhiều gameshow thiếu lành mạnh xuất hiện trên youtube.

“Dare Pong” là gameshow được Việt hóa từ một chương trình giải trí được ưa chuộng tại Mỹ với tên gọi “Fear Pong”. Tuy nhiên, khi được phát sóng tại Việt Nam, “Dare Pong” đã dấy lên một làn sóng tẩy chay từ phía khán giả bởi nội dung thật sự không phù hợp với người Việt, vì những cặp đôi nam nữ tham gia chơi phải trải qua những thử thách nhạy cảm và phản cảm như: cởi đồ đối phương bằng răng, ăn đồ ăn ở những vùng nhạy cảm trên cơ thể, hôn sâu, nhảy gợi dục… Thậm chí, có tập, người chơi còn bạo dạn đến mức để bạn chơi cởi áo, rồi dùng bông tắm lau khắp cơ thể khiến người xem “nóng mặt”.

Có những thử thách tương tự “Dare Pong” nhưnh trong “Love Game”, người chơi nữ dùng mọi cách quyến rũ bạn nam ở cùng phòng. Trong khi chàng trai phải cố gắng không để bạn nữ quyến rũ. Nếu không thể kiềm chế được bản thân, chàng trai sẽ thua cuộc hoặc ngược lại. Lúc đó, MC và người trong e-kíp sẽ vào phòng can thiệp ngay lập tức. Điều đáng nói là cô gái không được tự cởi đồ hoặc lấy tay bạn nam đặt lên cơ thể mình để kích thích đối phương.

Chưa hết, cứ 5 phút, mỗi người sẽ phải uống một ly rượu. Phía dưới mỗi ly rượu có đặt tờ giấy ghi thử thách phải thực hiện. Hầu hết thử thách đều khá nhạy cảm và khiến chàng trai khó kiềm chế nhục dục như bôi kem chống nắng hay ăn kem trên người bạn nữ, ôm từ phía sau, hôn gáy 30 giây, hôn nhau 1 phút…

Mỗi tập “Love Game” thu hút hàng chục đến hàng trăm ngàn view trên Youtube. Có lẽ bởi tính sexy, kích dục và sự xuất hiện của những cặp đôi trai xinh gái đẹp khiến lượng người tò mò vào theo dõi chương trình tăng lên rất nhanh. Trong “Love Game”, các cô gái đều ăn mặc hở hang, có những hành động gợi dục không khác gì gái làng chơi.

Dù bị dân mạng phản đối và đề nghị ngưng lên sóng vì nội dung có nhiều cảnh nhạy cảm của cặp đôi đang yêu và lần đầu đi nhà nghỉ hay khách sạn, với những thử thách đặt ra quá táo bạo, kích dục, không phù hợp thuần phong mỹ tục, đồng thời còn cổ xúy chuyện yêu dễ dãi cho người mới quen nhưng những gameshow như “Love Game” vẫn tiếp tục được phát sóng và xuất hiện ngày càng nhiều trên youtube mà không có sự kiểm duyệt của bất kì cơ quan quản lý nào.

Một cảnh tình tứ trong “Love Game”.

Đáng nói, dù có nội dung nhạy cảm, song Youtube không hề có bất kỳ cảnh báo hoặc giới hạn tuổi đối với người truy cập. Việc phát tán quá dễ dàng các chương trình nhảm nhí, dung tục không khác gì “phim cấp ba” trên mạng xã hội khiến nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của những gameshow này đến nhận thức, tâm lý và hành vi của lứa tuổi vị thành niên. 

Hệ lụy có thể thấy được trước mắt chính là sự học đòi và làm theo những gì các em đã thấy trong chương trình. Lâu dần sẽ hình thành những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, nhận thức sai lệch về tình yêu đôi lứa, dễ dãi trong các mối quan hệ.

Có "thoáng" tới đâu thì văn hóa Việt Nam cũng không thể chấp nhận chuyện một người con trai mới gặp một người con gái đã lao vào ôm hôn, sờ soạng, làm đủ trò... Đã thế, một người con gái lại phải ngồi bên ngoài để chứng kiến toàn bộ hành vi đó. Sẽ ra sao nếu giới trẻ bắt chước cách thức hẹn hò đó.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng các gameshow có yếu tố sex, khiêu dâm do đánh vào tâm lý tò mò cũng như tâm lý lứa tuổi mới lớn đã thu hút không ít giới trẻ. Khi gameshow truyền hình đang ở giai đoạn thoái trào, không còn sức hút như trước nữa thì các nhà làm phim bắt đầu sử dụng nhiều chiêu trò để quảng cáo, thu hút, câu like. 

Những gameshow như “Love Game”, “Dare Pong”… cũng từ đó mà phát triển như nấm sau mưa. Dường như khiêu dâm đang được một số nhà sản xuất coi là một trong những nội dung dễ dàng thu hút sự chú ý của người xem và đẩy rating (lượng người xem) lên cao hơn. Từ đây dẫn đến tình trạng các nhà sản xuất đổ xô đi làm các gameshow có tính chất nhạy cảm. Bởi sự thật là chỉ sau một vài tập phát sóng, những chương trình như vậy đã có hơn 100 nghìn lượt xem, thậm chí lên đến 2 triệu lượt xem/tập.

Nếu các gameshow trên truyền hình có sự kiểm duyệt của cơ quan chủ quản, của các cơ quan chức năng thì gameshow trực tuyến lại rất khó kiểm soát và quản lý. Lợi dụng sự tự do của môi trường mạng, nhiều cá nhân, đơn vị, nhà sản xuất thoải mái đăng tải, phát tán những nội dung chứa nhiều yếu tố nhạy cảm và phản cảm. Thậm chí, các cá nhân và đơn vị này sẵn sàng dùng “chiêu bẩn” để thu hút người xem và nhằm thu lợi từ quảng cáo.

Bên cạnh đó chế tài xử phạt sai phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe. Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 66 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện), với các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề, dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị áp dụng khung xử phạt từ 30 đến 50 triệu đồng. 

Mức phạt như vậy là quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ quảng cáo dẫn đến tình trạng đơn vị sản xuất vẫn ngang nhiên “coi trời bằng vung”, vi phạm để rồi chấp nhận nộp phạt. Việc xác định được đối tượng chịu phạt cũng không hề dễ, vì nhiều địa chỉ sản xuất các gameshow này thường chỉ là các cá nhân ẩn danh hoặc ở nước ngoài.

“Date & Kiss” bị ngưng phát sóng nhưng còn nhiều gameshow thiếu lành mạnh vẫn phát tán.

Để hạn chế cũng như quản lý tốt những gameshow trên mạng xã hội thì điều quan trọng trước tiên vẫn là bản thân, ý thức trách nhiệm với cộng đồng của những cá nhân cũng như đơn vị sản xuất. 

Họ có thể mua bản quyền, lấy format từ các chương trình nước ngoài để tạo nên cái mới, cái hấp dẫn cho gameshow của mình nhưng phải biết điều gì là cần thiết, là phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà biến chương trình của mình thành những chương trình rẻ tiền, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Về phía nhà quản lý nên chăng phải có mô hình quản lý các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội - ở đó có sự kết nối, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cả cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở văn hóa và cơ sở công nghệ. 

Đồng thời, phải xây dựng chế tài xử lý thích hợp, không chỉ xử phạt về mặt hành chính mà nếu cần, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Nâng cao khung hình phạt để các cá nhân, đơn vị sản xuất ít nhiều dè chừng, hạn chế phát tán những gameshow thiếu lành mạnh.

Trên hết cả là những người chơi, người tham gia gameshow phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia các chương trình giải trí, đừng tự làm xấu hình ảnh, biến mình thành nạn nhân của các sản phẩm dung tục chỉ vì nhu cầu muốn được nổi tiếng, muốn có tiền.

Mai Ngọc
.
.
.