Giả gái mốt thời thượng, vui nổi không?

Thứ Năm, 06/11/2014, 11:30
Chợt nhớ, cách đây độ chục năm, câu chuyện nghệ sỹ Thành Lộc giả gái đã làm mọi người có "thái độ" khó ưa với anh. Vậy nhưng bây giờ thì, giả gái ở mọi nơi, mọi kênh truyền hình, đến độ, những người hát đám lễ không còn là "hàng hiếm" nữa.

Giả gái để làm nghệ thuật

Hơn 10 năm trước, "Trùm lừa" là vở diễn đầu tiên tại sân khấu kịch TP HCM đưa câu chuyện giả gái lên sân khấu. "Trùm lừa" hồi đó đã cháy vé và đến ngày hôm nay, thi thoảng, tuồng này còn được diễn lại trên sân khấu của Idecaf. Cũng chính từ "Trùm lừa", cái tên Thành Lộc với những vai giả gái được công chúng yêu thích và biết đến nhiều hơn. Anh là một trong những nghệ sĩ kỳ cựu của thế hệ diễn viên kịch nói thời kỳ mới tại TP HCM. Bắt đầu vào nghề với các thể loại chính kịch, nhưng Thành Lộc thật sự được khán giả yêu mến nhiều hơn nhờ vào các vai giả gái đầy hài hước. Cái duyên diễn hài cùng với tài năng bẩm sinh của một diễn viên con nhà nòi có dòng máu nghệ thuật đã giúp NSƯT Thành Lộc không mấy khó khăn để vào rất ngọt các vai giả gái.

Gắn bó với sân khấu kịch Idecaf đã nhiều năm, con số vai diễn giả gái cũng không phải ít ỏi. Vai nào của anh cũng để lại những tiếng cười sâu sắc cho khán giả. Đặc biệt, những hình tượng giả gái của anh cũng rất được lòng các bé thiếu nhi như vai Cám trong "Tấm Cám", Mama Thúy trong "Công chúa chích chòe", vai bà mụ trong vở "12 bà mụ"… Tài năng giả gái của anh còn lấn sang cả điện ảnh khi anh đã để lại ấn tượng với người xem cùng vai diễn cô gái Việt kiều Sue Linh trong bộ phim mang tên "2 trong 1".

Thành Lộc.

Song hành cùng với Thành Lộc là NSƯT Hữu Châu. Anh luôn khiến khán giả phải cười ngả nghiêng với những màn biểu diễn xuất thần các vai giả gái. Đặc biệt, những tác phẩm nào có sự xuất hiện của cả hai diễn viên này thì khán giả lại được cười thả ga. Cũng xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, cái duyên hài mà tổ nghiệp ban cho đã giúp NSƯT Hữu Châu ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả với các vai nữ.

Mặc dù, số lượng vai giả gái của anh không nhiều như các nghệ sĩ khác, nhưng vai nào của anh cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Một trong số đó là vai bà mẹ độc ác của cô Cám trong vở Tấm Cám, hay vai chị bán nước trong vở kịch Lời ru của biển gần đây cũng khiến khán giả không nhịn được cười khi xem anh biểu diễn.

Cùng trang lứa với Thành Lộc và Hữu Châu, "cây hài" hải ngoại Hoài Linh. Chọn hải ngoại là nơi bắt đầu cho sự nghiệp, Hoài Linh đã tiến gần với tình cảm của đông đảo khán giả bằng những vai diễn xuất sắc. Có lẽ, số phận anh buộc phải gắn bó với các vai nữ, khi chính các vai dạng này đã giúp tên tuổi anh nổi lên như một diễn viên hài khó ai vượt qua về khoản giả gái. Có một điều nữa cần phải thừa nhận, ngoài tài năng đóng vai nữ có được, tạo hóa đã ưu ái khi cho anh một thân hình phải nói là rất phù hợp để có thể giả gái một cách duyên dáng mà không gượng gạo. Vai diễn giả gái đầu tiên đã đưa cái tên Hoài Linh đến gần với công chúng hơn chính là nữ thí sinh đi thi hoa hậu 3 miền. Thừa thắng xông lên, hàng loạt vai nữ sau này đã được anh hóa thân một cách xuất sắc dù là già hay trẻ, xấu hay đẹp. Hiện tại, anh đã về Việt Nam sinh sống và phát triển sự nghiệp. Tuy đã nói lời từ giã với các vai giả gái nhưng khi nhắc đến anh, đa số người hâm mộ đều cảm thấy ấn tượng và nhớ đến anh như là một trong những nghệ sĩ có duyên nhất với các vai nữ.

Ở cả ba nghệ sĩ trên, hai người đầu tiên giờ đã được phong NSƯT và người còn lại giờ đang ở đỉnh cao sự nghiệp với vai trò mới là Giám khảo của hầu hết các cuộc thi nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay. Những màn giả gái của họ hầu hết đều nằm trong một kịch mục hoặc một tiểu phẩm nào có sự đầu tư bài bản, lớp lang cụ thể chứ không phải là khoác lên mình những tấm vải lụa là khác giới để ưỡn ẹo như một thứ mua vui.

Đã đến thời của những "trò lố"

Đến bây giờ, mỗi khi khán giả mở tivi là y như rằng phần nhiều sẽ gặp những tiết mục giả gái như một phần câu kéo khán giả đến với các chương trình truyền hình thực tế - các gameshow hơn là sự tôn trọng dành cho khán giả. Hầu như tất cả những màn giả gái hiện nay đều chỉ nhằm mục đích tạo một "chiêu trò" để đánh dấu sự có mặt của người tham gia cũng như cố tình dấy lên những nghi ngờ về giới tính.

"Cùng nhau toả sáng" là một chương trình mới nhất được lên sóng với nội dung chương trình là sự kết hợp giữa thanh nhạc và kịch nói (ở một dạng nào đó gọi là "nhạc kịch"). Khi đưa tin về chương trình này trong vài tuần trở lại đây, bạn đọc sẽ thấy tràn ngập là thông tin ca sĩ này giả gái, nghệ sĩ kia trang điểm đẹp như cô dâu, v.v... Trong những kịch-kĩ mục mà họ góp trong chương trình, không phải là không có thông điệp, nhưng nếu xét một cách xét nét thì rõ ràng thông điệp đó không nhất thiết phải truyền đi bằng những màn giả gái lộ liễu và đầy tính chất mua vui như vậy.

Ở mùa đầu tiên của "Cặp đôi hoàn hảo", Đàm Vĩnh Hưng tham gia cùng nữ diễn viên Kim Thư cũng đã "góp vui" bằng một tiết mục giả gái, rất tiếc màn giả gái đó của Đàm Vĩnh Hưng cũng thật "có vấn đề". "Tiếp nối truyền thống", ở cùng cuộc thi đó năm sau, Khương Ngọc cũng "góp vui" bằng một màn giả gái cùng ca sĩ Mỹ Lệ. Và, người nghệ sĩ trẻ của năm sau cũng không thành công hơn là mấy so với đồng nghiệp của mùa trước.

Nhiều đến độ, trong buổi họp báo ra mắt chương trình "Gương mặt thân quen nhí", Ban tổ chức đã phải thêm vào nội quy của chương trình là những thí sinh nhỏ tuổi không được phép giả gái. Có thể thấy đây là một động thái đáng hoan nghênh của Ban tổ chức trong việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến các thí sinh nhỏ tuổi.

Giả gái cũng mò lên... màn ảnh

Để góp phần xôm tụ, kịch nói và các sân khấu tạp kĩ lẫn gameshow truyền hình là chưa đủ để cơn bão "giả gái" bớt đi sự "lộng hành", bởi vậy, điện ảnh và truyền hình cũng là mảnh đất màu mỡ để "trào lưu" này tiếp tục ghé thăm.

Đỉnh điểm của việc giả gái trong điện ảnh phải kể đến chính là vai Hội trong "Để Mai tính" của đạo diễn Charlie Nguyễn - vai diễn đã mang đến tất cả mọi thứ cho Thái Hoà. Trước khi đóng "Để Mai tính", Thái Hoà cũng đã là một nghệ sĩ có tiếng của giới giải trí phía Nam, đặc biệt là sân khấu kịch. Không ai nghi ngờ tài năng của Thái Hoà hết nhưng ở trong nghề Thái Hoà không hẳn là cái tên "veddette" của tất cả các sân khấu mà anh đã ghé qua. Chỉ cho đến vai diễn giả gái "bóng lộ" "chị Hội" thì tên tuổi của Thái Hoà mới bật lên thành một ngôi sao phòng vé của các bộ phim mà anh góp mặt. Và, tất nhiên, từ phía nhà sản xuất thì doanh thu khủng của bộ phim "Để Mai tính" không thể bỏ qua được sự "nối dài" của một vai diễn đang hút khách như vậy. Bằng chứng là sau đó hơn 1 năm, bộ phim "Cưới ngay kẻo lỡ", Thái Hoà cũng đã giả gái trong một cuộc tình tay ba... nhạt thếch và cũ kĩ. Bộ phim không thất bại về doanh thu nhưng hình ảnh của Thái Hoà bắt đầu bị "nghi ngờ" về việc "cố đấm ăn xôi" cho những dạng vai diễn giả gái.

Chị Hội trong “Để Hội tính”.

2 năm sau "Cưới ngay kẻo lỡ", "Để Hội tính" bắt đầu rục rịch ra rạp bằng những trailer tập trung vào những hình ảnh gây cười của Hội trong bộ phim. Có thể nói chắc một điều rằng, Thái Hoà lại tiếp tục là "cây hài chủ lực" của bộ phim được cho rằng sẽ là "bom tấn hài" của điện ảnh Việt trong những ngày cuối năm 2014. Tất nhiên, "chị Hội" của "Để Hội tính" chắc chắn phải có những chiêu trò mới thì mới có thể kéo khán giả đến rạp. Và cũng không khi hy vọng những "chiêu trò" mới đó sẽ bớt uốn éo theo kiểu "giả gái quá đà" bởi nếu thế thì khán giả số đông sẽ... mất vui.

Tuấn Hưng, Ngô Kiến Huy và rất nhiều cái tên khác nữa cũng đã từng khoác lên mình những bộ xiêm y của nữ giới để hoá thân vào những bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh. Họ - những anh chàng ca sĩ manly nhất - cũng đã bị phải chạy theo một trào lưu chẳng lấy gì làm hứng khởi cho một xu hướng, nhu cầu làm phim thiên về những chiêu trò câu khách, đề tài để các nhân viên PR dễ làm việc với báo giới cho những công đoạn quảng bá cho bộ phim.

Cũng giống như tất cả các trào lưu, xu hướng khác, "Giả gái" rồi cũng sẽ đến hồi "vãn tuồng". Vậy nhưng cũng chẳng ai hứa được rằng sau khi "giảm" rồi cũng sẽ lại đến lúc "tăng" của biểu đồ tình cảm, nhu cầu phập phù hình sin từ phía số đông cho những "chiêu trò" như vậy. Đó là hậu quả của việc rất nhiều người nhầm lẫn, hoặc đánh tráo khái niệm giữa "nghệ thuật" ví "giải trí" hoặc tệ hơn nữa là "mua vui"

Đức Thành
.
.
.