Cuối tuần này, FA Cup trở lại

Giải đấu của những tai tiếng

Chủ Nhật, 08/01/2017, 08:22
FA Cup là giải đấu lâu đời nhất thế giới. Và người Anh thì luôn tự hào vì điều này. Bởi chẳng dễ gì để một thể thức thi đấu dài lê thê với sự tham dự của gần 1.000 CLB lại có thể tồn tại lâu đến vậy. Cuối tuần này, sân cỏ Premier League sẽ tạm nghỉ và nhường chỗ cho FA Cup.


Nhưng cũng tại chính sân chơi đầy danh giá và đẳng cấp ấy, đã xảy ra rất nhiều scandal bóng đá. Những mặt tối hay các góc khuất thầm kín nhất xoay quanh quả bóng đều hiện hữu tại sân chơi đã bước sang tuổi đời thứ 146. FA Cup thực ra không hề “lung linh” như những gì truyền thông Anh ca tụng.

Thảm họa Liverpool

Có lẽ không một thành phố nào “có duyên” với FA Cup như Liverpool. Nhưng cái duyên của Liverpool không gắn liền với những chiến quả trên sân cỏ. Ngược lại, những tai tiếng trong lịch sử bóng đá Anh đều gắn chặt với họ.

Ngoài thảm họa Hillsborough đã trở nên quen thuộc với khán giả, trận chung kết FA Cup năm 1901 cũng là một vết nhơ với Liverpool nói riêng và toàn bộ vùng cảng Merseyside nói chung.

FA Cup - giải đấu lâu đời nhưng cũng là tai tiếng nhất hành tinh.

Năm đó, Tottenham và Sheffield United là hai cái tên tranh chức vô địch. Theo thể thức đương thời, hai CLB sẽ đá trận lượt đi ở sân Selhurst Park (sân nhà của Crystal Palace), trận lượt về diễn ra sau đó một tuần tại sân Goodison Park (sân nhà của Everton và Liverpool).

Tuy nhiên, trận lượt về lại trùng với lịch đấu ở giải Ngoại hạng, nơi Liverpool tiếp Nottingham Forest trên sân nhà. Hội đồng thành phố Liverpool kêu gọi CĐV The Kop xuống đường biểu tình, yêu cầu BTC rời địa điểm tổ chức trận lượt về chung kết FA Cup nhằm đảm bảo lượng tiền thu về từ việc bán vé của Liverpool không bị ảnh hưởng.

Trước sự giận dữ của người dân Liverpool (nơi vốn nổi tiếng với các thành phần cổ động quá khích), FA buộc phải chuyển địa điểm sang sân Burden Park ở Bolton. Kết quả là chỉ có 20.400 khán giả tới sân theo dõi trận chung kết lượt về FA Cup năm đó, khiến ban quản lý sân và LĐBĐ Anh chịu mức lỗ 100.000 bảng (tương đương 10 triệu bảng bây giờ).

Bàn thắng ma

Có một chi tiết khá thú vị được ESPN tiết lộ: Xuyên suốt lịch sử 143 năm tồn tại và phát triển, FA Cup từng ghi nhận 11 mùa giải có một CLB đang chơi ở giải hạng năm (hoặc thấp hơn) lọt với vòng 32 đội, một tỷ lệ quá cao nếu nhìn vào tính cạnh tranh và độ khốc liệt của bóng đá “xứ sương mù”. Đâu là nguyên nhân dẫn tới những bất ngờ động trời tại giải đấu lâu đời nhất thế giới? Câu trả lời là “bàn thắng ma”.

Kidderminster Harriers - đội bóng nghiệp dư duy nhất ở Anh từng vào tới vòng 5 cúp FA (mùa 1993/94, nhờ 4 chiến thắng liên tiếp với tỷ số tối thiểu). Ở vòng 3, Harriers đối đầu với Workings – tập hợp của những anh công nhân.

Phút 64, trọng tài biên cắt cờ báo tiền vệ bên phía Harriers đã rơi vào thế việt vị. Dù vậy, trọng tài chính đang mải… buộc dây giày và khi ngẩng mặt lên, ông vẫn cho trận đấu tiếp tục. Các cầu thủ Workings đã dừng hết cả lại và Jon Purdie, ở tư thế vô cùng trống trải dễ dàng ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.

Đến vòng 4, Harriers lại ghi một “bàn thắng ma” theo cách không ai tưởng tượng nổi: John Camstan sút trúng áp phích quảng cáo, bóng bật lại và lăn vào... chỗ thủng của lưới.

Dưới góc độ của những nhà tổ chức sự kiện, có thể nhận định các trọng tài ở Anh cố tình ngó lơ những bàn thắng ma để tăng giúp các đội bóng yếu vào sâu, tăng độ hấp dẫn của giải đấu vốn bị thống trị bởi những cái tên quá kinh điển. Tất nhiên, đó vẫn chỉ là một giả thuyết.

Sự biến mất của các ngôi sao

Cuốn “The Secret of FA Cup”, tạm dịch “Bí mật về FA Cup” có đề cập tới một thực trạng đáng sợ ở bóng đá Anh. Cụ thể, các CLB ở Premier League có thói quen lựa chọn FA Cup làm cơ hội để “trảm” các ngôi sao không được lòng HLV theo cách này hay cách khác.

Năm 1985, trong trận chung kết FA Cup giữa Everton và M.U, Peter Reid (lúc bấy giờ là trụ cột của Everton) đột nhiên bị ngộ độc thực phẩm 5 tiếng trước giờ bóng lăn.

Wigan - Nhà vô địch FA Cup phải xuống hạng trong cùng năm 2013.

Dù vẫn góp mặt trong đội hình xuất phát và đá đủ 90 phút nhưng hôm ấy, Reid chơi dưới sức và là người mắc lỗi trực tiếp dẫn tới bàn thua của đội nhà ở phút 85. Mùa giải tiếp theo, Reid bị đẩy xuống đội trẻ. Trong 3 năm cuối cùng ở Everton, Reid chỉ ra sân 50 lần trong màu áo The Toffee.

Câu chuyện tương tự xảy ra với Brown, John O'Shea, Gabriel Obertan, Bebe và Darron Gibson. Bốn năm trước, 5 cầu thủ trên cùng có tên trong đội hình xuất phát của M.U trong chiến thắng 1-0  trước Crawley Town (Wes Brown ghi bàn duy nhất) tại vòng 5 FA Cup.

Sau trận đó, tất cả những nhân vật trên đều không bao giờ được khoác lên mình sắc áo đỏ thêm một lần nào nữa. Cách đây một tuần, tờ Manchester Evening News mới tiết lộ Sir Alex đã quyết định đó là lần cuối cùng nhóm cầu thủ này được thi đấu cho M.U do những bất đồng quan điểm.

Cũng có những lý do khách quan được đề cập để lý giải cho sự biến mất của nhiều ngôi sao mới nổi ngay sau khi họ tham dự FA Cup. Là câu chuyện về sự can thiệp của các nhà cái vào trận đấu.

Theo một điều tra của tờ Guardian vào năm 2012, có tới 367 trận đấu ở FA Cup từng bị các cơ quan chức năng ở Anh đặt vào diện nghi vấn vì có liên quan tới các vụ dàn xếp tỷ số.

Người ta cho rằng, việc FA Cup thường chứng kiến những trận đấu lệch pha giữa một đội rất mạnh và một đội rất yếu khiến nó trở thành các trận “bóng cỏ”, một thuật ngữ ám chỉ những trận dễ bị làm độ do ít thu hút sự chú ý của đám đông. Và như thế, một số lượng lớn những cầu thủ mới nổi do ham lợi trước mắt nên vội vàng bán mình cho quỷ dữ, trước khi nhận lấy kết cục bi thảm.

Giải đấu vô nhân tính

FA Cup xuất hiện trước cả thời điểm người Anh bắt đầu nghĩ về một giải VĐQG. Thế nên dưới lăng kính văn hóa, việc người Anh coi trọng FA Cup cũng là điều dễ hiểu. Có điều, chính vì những nhà quản lý bóng đá tại đây quá đề cao và nuông chiều FA Cup mà nhiều sự cố không hay đã ập đến, đôi lúc là cả những cái chết bi thảm.

Tottenham - CLB duy nhất từng vô địch FA Cup nhưng chưa tiến lên mô hình chuyên nghiệp.

Khi thế chiến thứ nhất nổ ra, Anh là một trong những cường quốc lĩnh ấn tiên phong. Gần 9 triệu binh lính trong quân đội được điều ra chiến trường. Năm 1917, dù mọi hoạt động bóng đá tại đây đã ngừng trệ nhưng trước đề nghị của đồng minh Pháp, chính phủ Anh vẫn yêu cầu hai đội Sunderland và Telford United ra sân theo lịch thi đấu của FA Cup.

Phút 60, một CĐV với súng giấu trong túi áo (sau này được cho là người Đức, kẻ thù của người Anh khi ấy) bất ngờ vượt rào, chạy vào sân và xả súng điên cuồng vào các cầu thủ, làm 6 người bị thương và 2 người tử vong tại chỗ.

Những bí mật điên rồ

FA Cup luôn chứa đựng những câu chuyện bất ngờ, thú vị và cả đôi chút điên rồ. Luật knock-out đặc biệt tại FA Cup (Nếu trong 90 phút, trận đấu khép lại với tỷ số không hòa, đội thắng sẽ đi tiếp ngay lập tức. Nhưng nếu trận đấu kết thúc với tỷ số hòa, hai đội phải đá trận lượt về) đã tạo ra những tiền lệ có một – không – hai.

Năm 2013, Wigan vô địch FA Cup sau hàng loạt chiến thắng sát nút. Nhưng ở Premier League, họ phải nhận trát xuống hạng. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà vô địch FA Cup rớt hạng trong cùng năm.

Chiếc Cúp bạc FA cũng khiến nhiều người tò mò. Phiên bản đầu tiên được sản xuất vào năm 1871 với giá trị khoảng… 20 bảng. Nhưng tới năm 1895, nó bị đánh cắp khi được cất giữ trong một cửa hàng giày ở thành phố Birmingham do đội vô địch Aston Villa đang sửa chữa phòng truyền thống, không thể cất Cúp ở đại bảnh doanh.

Phiên bản thứ hai của chiếc Cúp bạc được sản xuất năm 1896, với nguyên mẫu được sao chép từ bản nguyên gốc. Năm 1910, do lãnh chúa Kinnaird thích bóng đá nên FA tặng nó luôn cho ông, đồng thời bầu luôn thành viên hoàng tộc lên làm chủ tịch… liên đoàn.

Phiên bản thứ ba xuất hiện năm 1911. Goi là “thứ ba” cho mới mẻ, chứ thực chất nó vẫn dựa theo hình khối nguyên thủy. Nhưng các nhà tổ chức đã nhanh trí sản xuất thêm một bản “dự phòng”, đề phòng xảy ra sự cố hay có việc trục trặc thì đỡ mất công thiết kế lại từ đầu.

Ngoài ra, FA Cup cũng là sân khấu của những kẻ nổi loạn chuyên tạo ra bất ngờ. Năm 1901, Tottenham khi đó còn là một CLB nghiệp dư đã đánh bại Sheffield United để giành chức vô địch. Đó cũng là danh hiệu duy nhất từ trước đến nay được trao cho một đội bóng không thuộc hệ thống chuyên nghiệp. Yeovil Town, trước khi nhận giấy phép thành lập CLB chuyên nghiệp, thậm chí đã giành tới 20 chiến thắng trước các đội bóng trực thuộc giải hạng nhất và hạng nhì ở FA Cup – một kỷ lục khác chưa bị xô đổ.

Lần gần nhất một đội bóng ở Premier League bị một CLB nghiệp dư đánh bại là trường hợp của Norwich City, để Luton Town vượt qua ở vòng 4 FA Cup mùa 2012-2013.

Đơn Ca
.
.
.