Ra mắt Trung tâm Giám định tác phẩm:

Giải pháp hạn chế nạn đạo, nhái trong mỹ thuật, nhiếp ảnh

Thứ Tư, 12/12/2018, 17:17
Ngày 6-12 vừa qua, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã họp báo ra mắt Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một đơn vị có chức năng giám định, thẩm định mỹ thuật, nhiếp ảnh. Nỗ lực này nhằm đẩy lùi, hạn chế nạn đạo, nhái tác phẩm trong hội họa và nhiếp ảnh đã “hoành hành” môi trường nghệ thuật trong những năm qua với nhiều vụ việc tai tiếng.


Đạo, nhái tác phẩm tràn lan

Trong vài ba năm trở lại đây, có quá nhiều câu chuyện đạo, nhái tác phẩm hội họa gây bức xúc trong dư luận và những người làm nghề. Vụ việc ầm ĩ nhất, đáng xấu hổ nhất không thể không nhắc tới là 15 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” được trưng bày tại thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối năm 2016 được kết luận là giả hoàn toàn. 

“Khơi mào” cho câu chuyện này là họa sĩ Thành Chương. Ông đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra bức tranh “Trừu tượng” của ông, vẽ vào khoảng những năm 1970-1971 lại bị làm giả chữ ký của họa sĩ Tạ Tỵ. Khi truyền thông và các nhà chuyên môn vào cuộc, sự thật được phơi bày, tất cả các tranh được cấp phép triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đều là giả. Đây cũng được lấy làm một dẫn chứng tiêu biểu trong một bài báo được đăng tải trên tờ báo nổi tiếng New York Time. Theo tác giả bài báo này thì thị trường tranh ở Việt Nam đang “đầy rẫy sự giả dối”.

Đầu tháng 9 vừa rồi, bộ tranh sơn mài có tên “An lạc” của họa sĩ Nguyễn Trường An bị tố là đạo đến hơn 90% ý tưởng tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân, bức tranh khắc gỗ có tên “A di đà Phật”. Tác phẩm này từng được trao Huy chương vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Sau khi cộng đồng lên tiếng, bức tranh “An lạc” bị loại khỏi cuộc Triển lãm báo cáo tác phẩm mới ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, người ta phát hiện một nhà sưu tập tranh đã xóa chữ kỹ hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng thành tranh của họa sĩ Phạm An Hải. Thậm chí tranh của các danh họa đã qua đời cũng được mạo danh. 

Chẳng hạn, tháng 5 vừa rồi, một bức tranh sao chép tác phẩmmang tên “The Young Beggar” do họa sĩ Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo vẽ năm 1650 bị mạo danh là tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức họa mạo danh được định giá 45.000 USD. Gia đình cố họa sĩ Tô Ngọc Vân ngay lập tức lên tiếng đã khẳng định đây không phải tác phẩm của ông.

Người thưởng thức nghệ thuật trước một bức tranh được Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh kết luận là giả.

Mấy tháng trước, trước sức ép của dư luận, nhà đấu giá Chọn đã chính thức lên tiếng thừa nhận việc đã đưa lên sàn đấu giá bức tranh giả đề tên cố họa sĩ Vũ Giáng Hương. Đây thực chất chỉ là một bức tranh chép lại của họa sĩ Nguyễn Văn Đông. 

Sau khi phát hiện ra tranh của mình bị chép, bị làm giả mang tên họa sĩ khác, họa sĩ Nguyễn Văn Đông đã kể lại với báo chí: Hồi đầu năm anh có có nhận lời vẽ tranh sơn dầu cho một bé gái, con của chị Phạm Quỳnh ở Hà Nội. Sau đó, họa sĩ cho phép một bạn sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam chuyển thể bức chân dung từ sơn dầu sang lụa để làm bài tập chuyên khoa tại trường. Và bức tranh được bán đấu giá tại Chọns chính là bức tranh do nữ sinh viên này vẽ, ký tên họa sĩ Vũ Giáng Hương. Sau khi sự việc ngã ngũ, nhà đấu giá Chọn đã chính thức loại bức tranh này khỏi sàn đấu giá, đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình cố họa sĩ Vũ Giáng Hương cùng công chúng yêu hội họa…

Những vụ việc đạo, nhái tác phẩm diễn ra ngày càng nhiều cho thấy thị trường mỹ thuật ở ta đang nhiễu loạn, thật giả lẫn lộn. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các họa sĩ, những người sáng tạo tác phẩm. Đối với nhiều họa sĩ, việc bị đạo, nhái tranh thực sự là một nỗi đau nhức nhối. 

“Bạn không thể hình dung cảm giác của chúng tôi khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình bị làm giả, bị rao bán cho người thưởng thức. Chúng tôi mất niềm tin kinh khủng vào thị trường, và chỉ biết tự tìm cách bảo vệ mình trong âm thầm” - một họa sĩ bức xúc tại phiên đấu giá của Chọn. 

Tình trạng đạo, nhái tranh đang biến tướng nhiều kiểu. Có khi tranh là thật, nhưng được sửa tên từ tác giả nọ sang tác giả kia, với lý do để tên tác giả mới thì tranh sẽ bán được với giá tiền lớn hơn. Có khi người ta chép lại một tác phẩm có giá trị của một họa sĩ nổi tiếng nào đó, rồi có thể ký giả luôn tên của họa sĩ đó, hoặc một họa sĩ khác để đưa ra bán ngoài thị trường. 

Mục đích của đạo, nhái tranh không gì khác ngoài việc trục lợi về mặt tiền bạc. Sau rất nhiều vụ việc bê bối xảy ra, nhưng họa sĩ gần như không được bảo vệ. Họ cùng lắm chỉ đưa vấn đề lên công luận, chứ ngại gửi đơn ra tòa. Vì các cơ sở pháp lý cho vấn đề này ở ta chưa được chặt chẽ, nên đâm lao phải theo lao nhiều khi rất mất thời gian. Nhiều vụ việc bị đạo, nhái mười mươi, thậm chí bên vi phạm đã phải gỡ tranh, công khai xin lỗi, nhưng về phía các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật vẫn không đưa ra được biện pháp xử lý nào với những người đã vi phạm.

Vì thị trường mỹ thuật ở ta còn khá non trẻ nên người chơi tranh chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng khi mua bán một tác phẩm, đặc biệt là phân biệt tranh giả, tranh thật. Về phía các họa sĩ, theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, hiện nay chưa có một biện pháp nào để bảo vệ tác phẩm của các họa sĩ quá cố. Họ thường xuyên bị đạo tranh, chép tranh, nhưng có rất ít vụ gia đình, người thân của họ phát hiện ra.

Như vậy, điều quan trọng là cần có những giải pháp, chế tài đủ mạnh từ phía các cơ quan chức năng để giảm thiểu những vụ đạo, nhái tranh, làm vẩn đục môi trường mỹ thuật Việt.

Họa sĩ Thành Chương bên bức tranh của mình nhưng được ghi là của họa sĩ Tạ Tỵ.

Trung tâm Giám định tác phẩm sẽ làm những gì?

Cùng với sự ra mắt của Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm ban hành một quy chế giám định tác phẩm. Đây sẽ là những căn cứ, cơ sở đầu tiên để tháo gỡ những khó khăn cho nạn đạo, nhái tác phẩm trong mỹ thuật, nhiếp ảnh. 

Quy chế giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh hướng dẫn hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh, bao gồm tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và tác phẩm nhiếp ảnh. Đồng thời, điều chỉnh hoạt động giám định việc sao chép tác phẩm, xác định bản quyền tác giả, tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh. 

Trung tâm Giám định này cũng  sẽ là đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về Giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu giám định tác phẩm để công bố, phổ biến, triển lãm, kinh doanh, đấu giá. Hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh được xác định là dịch vụ công, theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và được thực hiện dựa trên nguyên tắc: tuân thủ pháp luật, trung thực, khách quan, chính xác. 

Quy chế cũng nêu rõ những khái niệm cũng như các thuộc tính của tác phẩm gốc, bản sao chép, bản nhái phong cách sáng tác, bản mạo danh... Theo đó, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định gửi hồ sơ đến Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội). Hồ sơ đề nghị giám định gồm: văn bản đề nghị giám định (theo mẫu); tác phẩm yêu cầu giám định và các tài liệu liên quan chứng minh về tác phẩm, tác giả yêu cầu giám định. 

Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định 1 đến 3 tác phẩm là 35 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 4 đến 10 tác phẩm là 70 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 11 đến 20 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ 21 đến 50 tác phẩm là 140 triệu đồng. Mức giá trả cho hội đồng thẩm định trong việc giám định từ trên 50 tác phẩm là 281 triệu đồng.

Bức tranh liên quan đến vụ tố tranh giả của họa sĩ Vũ Giáng Hương ồn ào dư luận thời gian qua.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Hội đồng giám định sẽ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định. Tham gia vào các Hội đồng sẽ là các chuyên gia chuyên ngành mỹ thuật, chuyên ngành nhiếp ảnh, những người có kinh nghiệm hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh từ 10 năm trở lên, có uy tín, có khả năng giám định tác phẩm nghệ thuật. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công tâm.  

Ý kiến kết luận của Hội đồng phải được 100% thành viên đồng ý. Mỗi hội đồng có từ 5 - 11 thành viên. Phiên họp của Hội đồng chỉ hợp lệ khi có từ 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự. Căn cứ vào hồ sơ, nội dung yêu cầu giám định, nếu không đủ điều kiện để tiến hành giám định thì Hội đồng sẽ có văn bản từ chối. 

Có ba hội đồng chuyên ngành gồm Hội đồng giám định tác phẩm hội họa, đồ họa do họa sĩ Lương Xuân Đoàn đứng đầu, Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt do PGS. nhà điêu khắc Vương Học Báo đứng đầu,  Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh do Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh đứng đầu.

Công việc thẩm định các tác phẩm là một công việc đặc thù, mang tính chuyên môn, không chỉ nhìn bằng mắt thường hay kinh nghiệm của các chuyên gia mà trong nhiều trường hợp phải có máy móc, kỹ thuật hỗ trợ. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay, ban đầu khi thành lập Trung tâm giám định cũng đã đề ra ý tưởng đầu tư mua hệ thống máy móc phục vụ công việc giám định. 

“Nhưng khi thỏa thuận với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì chúng tôi đã thay đổi quyết định. Phía Viện Khoa học hình sự sẽ hỗ trợ chúng tôi về mặt kỹ thuật. Họ có đầy đủ hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giám định trên các chất liệu mà chúng tôi cần như carbon, gỗ, sơn, vải... Khi có vụ việc cần giám định bằng máy chúng tôi sẽ ký hợp đồng để Viện hỗ trợ. Như vậy, Trung tâm sẽ không đặt vấn đề tự mua trang thiết bị nữa. Tuy nhiên, việc sử dụng máy móc chỉ diễn ra khi hội đồng không tự tin thẩm định được. Có nhiều trường hợp, với kinh nghiệm lâu năm của các chuyên gia thì chỉ bằng mắt thường cũng có thể giám định được”-Cục trưởng Vi Kiến Thành cho hay.

Hy vọng với sự ra đời Trung tâm Giám định, nạn đạo, nhái tác phẩm trong mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ được đẩy lùi, trả lại môi trường lành mạnh cho đời sống nghệ thuật. 

Thùy Đỗ
.
.
.