Vấn đề của bóng đá Việt Nam nhìn từ SEA Games 28:

Giới hạn của ông Miura

Thứ Sáu, 19/06/2015, 12:00
Ông Miura có phải là người có năng lực, và sự xuất hiện của ông có cần thiết cho bóng đá Việt Nam hay không? Trước sau như một, chúng tôi vẫn tin câu trả lời là "có". Nhưng hai trận bán kết thua đau trước Malaysia (AFF Suzuki Cup 2014) và Myanmar (SEA Games 28) cũng đồng thời chỉ ra những giới hạn của ông Miura. Và việc cần khách quan nhìn rõ những cái hay lẫn cái chưa hay, những điểm tích cực và giới hạn của nhà cầm quân người Nhật là điều hết sức cần thiết lúc này.

Cần phải trở lại với bối cảnh xuất hiện của ông Miura, trước thềm Asiad 17 và AFF Suzuki Cup năm 2014. Đấy là một thời điểm mà ĐTQG, ĐT Olympic quốc gia (QG) và ĐT U.23 QG gần như bị dư luận, người hâm mộ lãng quên. Cả làng bóng chỉ "sôi" lên với hiện tượng U.19 của lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... được dẫn dắt bởi thầy Pháp Guillaume Graechen. Rõ ràng là khi đó không dễ để ĐTQG "cạnh tranh" với U.19, để Miura "cạnh tranh" với Graechen.

Thế mà ông Miura đã "cạnh tranh" được, và thậm chí còn ghi những điểm sáng chói trong lòng người. ĐT Olympic do ông dẫn dắt đã xuất sắc vượt qua vòng bảng môn bóng đá nam Asiad 17, còn ĐTQG cũng do ông dẫn dắt đã xuất sắc đứng đầu bảng đấu mà mình là chủ nhà, và chính thức trở lại vòng bán kết sau một kỳ AFF Cup 2012 lỗi hẹn. Chính những điểm sáng đó mà sự quan tâm, hy vọng và cả tình yêu của người hâm mộ với ĐTQG đã bừng sáng trở lại.

Và cũng phải khách quan thừa nhận, ông Miura đạt được những thành công đó không phải do may mắn, ngẫu nhiên. Ông thực sự đã tạo ra một nền nếp mới trong lòng ĐT với một kỷ luật sinh hoạt và kỷ luật chuyên môn nghiêm ngặt. Ông cũng thực sự tạo nên một cuộc cách mạng về thể lực với các ĐT, giúp các tuyển thủ Việt Nam dám cầm bóng, chơi áp đặt từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng.

HLV Miura và các học trò sau thất bại SEA Games. (Ảnh: H.M).

Dưới thời của ông, khái niệm công thần không tồn tại, khi cứ ai có phong độ tốt nhất, phù hợp với quan điểm chuyên môn của ông nhất là nghiễm nhiên được ra sân. Ở trong một thời điểm mà bóng đá Việt Nam đã chạm đáy niềm tin, khi các nhà cầm quân người Việt Nam như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc không thể "gỡ rối" thì rõ ràng Miura không chỉ "gỡ rối" mà còn mở ra một giai đoạn mới, đầy tích cực.

Nhưng nhìn từ hai trận bán kết mà bóng đá Việt Nam thua đau tại AFF cup năm 2014 và SEA Games năm 2015, người ta lại có thể nhìn ra những điểm giới hạn của Miura. Cả hai trận bán kết này, các đội bóng của Miura đều được đánh giá ở thế kèo trên, và cả hai trận đấu ấy thì "kèo trên" đều chọn phương án tấn công, áp đặt đối thủ. Khi chúng ta bại trận, nhiều người quay sang chỉ trích tư tưởng tấn công ấy, nhưng theo chúng tôi khi một đội bóng đã thua thì mọi phân tích, chỉ trích đều... đúng cả.

Cần khách quan nhìn nhận việc một đội bóng được đánh giá cao hơn đối thủ, có nhiều cầu thủ giàu đột biến hơn đối thủ chọn lối chơi tấn công áp đặt đối thủ cũng là một việc hết sức bình thường. Vấn đề quan trọng là đội bóng ấy tấn công như thế nào, thay đổi bài vở, trận pháp như thế nào để đạt được hiệu quả tối đa?

Tất cả những cầu thủ từng làm việc với Miura đều có chung nhận xét: Ông là mẫu HLV điển hình cho tư tưởng "đá theo bài", "đá theo kế hoạch". Nghĩa là tập luyện như thế nào thì khi vào sân cứ đá y như thế, chẳng hạn như đã tập sơ đồ 4-4-2 với những phương án tấn công biên - tạt bổng thì sau đó vào sân các cầu thủ phải thực hiện đúng những mảng miếng này, bất chấp việc đối thủ chống bóng bổng xuất sắc. 

Không khó thấy rằng dưới thời Miura những đường chuyền dài, chuyền bổng và những pha mở biên được thực hiện với một tần suất khá cao. Và cũng không khó thấy rằng trong một số trận đấu, ở một số tình huống cụ thể thì chính những pha chuyền dài đó đã giúp cầu thủ của chúng ta bất ngờ tăng tốc, ăn bàn. 

Cứ nhìn lại bàn thắng quyết định mà Công Phượng ghi vào lưới U.23 Malaysia trong trận quyết đấu giữa hai đội ở vòng loại giải U.23 châu Á - một bàn thắng xuất phát từ một pha chuyền dài từ tuyến dưới là đủ hiểu. Dưới thời Miura, có khá nhiều cầu thủ cao to, giỏi tranh chấp được trọng dụng, và vì thế lối chơi bóng dài, bóng bổng cũng được thực hiện không quá khó khăn.

Nhưng khi lối chơi này "tắt điện", nói rộng ra là những kế hoạch của mình diễn ra không như ý thì Miura lại ít nhiều tỏ ra bất lực. Chỗ này thì Miura có vẻ rất giống Riedl và rất khác Calisto. Trong quá khứ, Rield cũng là mẫu HLV điển hình cho tư tưởng "đá theo kế hoạch" còn Calisto lại là mẫu HLV đi theo tư tưởng vừa phải "đá theo kế hoạch một cách tương đối" vừa phải tung ra những sự thay đổi con người - chiến thuật một cách linh hoạt, tuỳ theo từng diễn biến cụ thể trên sân.

Nói như thế không có nghĩa trong những bối cảnh nhạy cảm, cần phải thực hiện một sự thay đổi gây đột biến nào đó thì Miura chỉ biết...đứng nhìn, bằng chứng là trong trận bán kết với U.23 Myanmar tại SEA Games mới đây, ngay sau hiệp 1 U.23 Việt Nam bị dẫn 1 bàn, ông đã chủ động rút một tiền vệ phòng ngự (Hữu Dũng) ra sân và tung một tiền vệ công (Phi Sơn) vào sân, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì trong những lần hiếm hoi thực hiện sự thay đổi kiểu này, tính bất hợp lý trong những quyết định của Miura là khá lớn.

Hy vọng các cầu thủ Việt Nam sớm đứng dậy sau một SEA Games tan giấc mơ vàng. (Ảnh: H.M.).

Tóm lại, xem các đội bóng của Miura thi đấu, từ ĐT Olympic, ĐTQG  đến ĐT U.23, dễ có chung cảm giác là khi kế hoạch tác chiến trước đó của ông chính xác và diễn biến trận đấu diễn ra thuận lợi thì chúng ta có thể giành chiến thắng một cách ấn tượng, thậm chí là thắng to, thắng lớn. Nhưng khi mọi thứ đi chệch kế hoạch, cần phải có những thay đổi sáng suốt và đột biến thì chúng ta lại thất bại. Và phải chăng đấy chính là điểm giới hạn của nhà cầm quân người Nhật?

Theo chúng tôi, bất luận một con người, một vị HLV nào cũng có những điểm giới hạn riêng của mình. Vấn đề là tự mỗi người đều phải tìm cách vượt qua giới hạn của mình một cách tích cực để đạt được những mục tiêu tích cực. Ở góc độ của những nhà quản lý như các quan chức VFF, việc nhìn ra giới hạn của HLV Miura cũng là điều cần thiết, vì nó sẽ giúp VFF có những cái nhìn, những tính toán, những dự báo và phát biểu chuẩn xác hơn, thay cho những phát biểu đại loại: "Dưới thời Miura chắc chắn chúng ta có HCV" mà ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cao hứng từng tuyên bố sau trận U.23 Việt Nam thắng U.23 Malaysia 5-1 ở vòng đấu bảng SEA Games 28 này. 

Ông Miura sai lầm...

"Sức mạnh của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay luôn là những tình huống phản công nhanh. Trong đó, việc triển khai tấn công bao giờ cũng được bắt đầu bằng những pha bật tường nhỏ, phối hợp nhanh bằng bóng sệt. Sức mạnh đó đã bị triệt tiêu trong trận gặp U-23 Myanmar khi HLV Miura buộc học trò phải sử dụng những đường chuyền dài vượt tuyến.

Chơi vậy cũng không sai, nhưng khó hiểu ở chỗ là tại sao Hồng Quân - tiền đạo to cao, có khả năng tì đè, càn lướt tốt - thay vì phải chơi cắm trong vòng cấm địa lại luôn dạt hẳn ra hai biên? Bóng được dồn cho tiền đạo này quá nhiều nhưng anh xử lý không tốt khi chơi bám biên ngược sở trường. Cách chơi này buộc Công Phượng phải bó vào trước vòng cấm địa để làm thay việc của Hồng Quân.

Điều đáng nói là Công Phượng không phải mẫu cầu thủ như Hồng Quân, cộng với việc bị xếp đá như vậy chẳng khác nào "cua gãy càng". Thêm vào đó, lối chơi tấn công biên quá nhiều, rất thiếu biến hóa, cùng với việc Công Phượng được chỉ đạo phải hiện diện trước vòng cấm địa làm cho hai tiền vệ trung tâm không thể dâng cao để bắn phá hay chia lửa khi tấn công" 

(Trần Minh Chiến - Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh)

Trả cho tôi niềm tin

"Ai trả lại cho tôi niềm tin khi nó tiếp tục bị bào mòn?

Đổ lỗi cho Ngọc Thắng với cánh tay thừa thãi? Đổ lỗi cho pha vào bóng lỗi của Minh Tùng, cái chân vô duyên của Thanh Hiền? Đổ lỗi cho Công Phượng khác lạ? Đổ lỗi cho Mạc Hồng Quân dứt điểm quá tồi? Đổ lỗi cho giờ thi đấu? Đổ lỗi cho một Miura không giỏi…

Tất cả đều thừa thãi.

Sẽ lại một lần phải tìm ra trách nhiệm cá nhân sau thất bại này và có vẻ như những ngày tới sẽ là những ngày sóng gió với VFF khi chính thất bại này sẽ trở thành "kíp nổ" cho một "quả bom", khi đúng thời điểm này có những lá đơn tố cáo đích danh lãnh đạo VFF nhận những khoản tiền lớn để "chạy chức", "chạy quyền" cho một số nhân viên vừa bị sa thải ở Liên đoàn.

Lá đơn ấy đồng loạt gửi các cơ quan chức năng và có người nói rằng nó sẽ là một vụ "Fifagate của Việt Nam".

Thất bại của U.23 Việt Nam xem ra không lớn bằng thất bại của cả một bộ máy bóng đá, thất bại của cả một nền bóng đá.

Thất bại ấy, có thể sắp được phơi bày…"

(Song An - Thể thao 24h)

Phan Đăng
.
.
.