Bóng đá Việt Nam với hành trình World Cup U.20 thế giới:

Giới hạn đẳng cấp & Những bài học cho tương lai

Thứ Tư, 31/05/2017, 19:17
Ngay khi biết kết quả bốc thăm VCK World Cup năm nay, U.20 Việt Nam đã đặt mục tiêu phải cố gắng giành được 1 điểm. Và họ đã có 1 điểm. Mục tiêu tiếp theo là cố gắng có được 1 bàn đầu tiên, nhưng mục tiêu này bất thành.


Đạt được mục tiêu ban đầu và chỉ không đạt được mục tiêu phát sinh, hành trình World Cup của bóng đá Việt Nam có thể coi là thành công. Nhưng với một nền bóng đá “nhược tiểu”, việc thành bại ở một sân chơi quá tầm như World Cup cũng không phải là điều quá quan trọng. Quan trọng là chúng ta đã phiêu lưu, và qua cuộc phiêu lưu lần này, đã hiểu rõ hơn về vị trí của mình.

"So với U.20 Pháp dĩ nhiên chúng ta không thể sánh bằng, nhưng so với U.20 New Zealand và U.20 Honduras thì tôi nghĩ chúng ta có trình độ tương đương. Họ là những đối thủ mà chúng ta có thể chơi được, thậm chí có thể giành chiến thắng" - HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn đã thẳng thắn tổng kết như vậy.

Câu hỏi đặt ra: Vậy tại sao rốt cuộc chúng ta cũng chỉ có 1 điểm sau 180 phút đối đầu với 2 đội bóng có trình độ tương đương này? Ông Tuấn bảo: "Sự khác biệt nằm ở kinh nghiệm thi đấu. Cả New Zealand lẫn Honduras đều đã quá quen với những đấu trường đỉnh cao như thế này, còn với tất cả các cầu thủ Việt Nam, đây mới chỉ là lần đầu tiên".

Ông Tuấn nhận xét hoàn toàn chính xác. Hiệp 1 của cả hai trận đấu với New Zealand và Honduras, U.20 Việt Nam đều cầm nhiều bóng hơn, sút cầu môn nhiều hơn, và có những cơ hội có thể chuyển hoá thành bàn thắng.

Đấy là những hiệp đấu mà không riêng gì khán giả Việt Nam, ngay cả những khán giả trung lập cũng phải thốt lên: "Hoá ra U.20 Việt Nam không quá yếu đuối như người ta tưởng". Trò chuyện với chúng tôi, chẳng riêng gì ông Hoàng Anh Tuấn, phần lớn các tuyển thủ đều tỏ ra tiếc nuối đặc biệt với hai hiệp đấu này.

Bởi, chỉ cần tự tin hơn, nắn nót hơn để có được 1 bàn dẫn trước thì có thể mọi thứ sau đó đã khác. Tiếc rằng, đấy là những hiệp đấu mà chúng ta có thế trận, có các pha hãm thành nhưng những đường chuyền hoặc những cú sút quyết định đều không chính xác.

Điều này đến từ lý do tâm lý nhiều hơn là lý do chuyên môn. Như tình huống tiền đạo Việt Nam dừng bóng, loại cầu thủ bám đuổi cuối cùng  rồi đối diện với thủ thành New Zealand trong trận mở màn chẳng hạn, nếu đây là một trận đấu tầm khu vực hay châu lục hoàn toàn có thể tin tưởng tình huống này sẽ dẫn­­ tới một bàn thắng.

Nhưng có lẽ vì đây là đấu trường World Cup, đấu trường mà các cầu thủ "choáng" từ lúc chưa vào trận nên tình huống ngon ăn này lại được kết thúc bằng một cú sút chệch cột dọc. Hiệp 1 trận đấu với Honduras thì không có những cơ hội quá rõ ràng như thế, nhưng rất nhiều tình huống có bóng trong vòng cấm địa đối phương, nếu các cầu thủ của chúng ta xử lý bình tĩnh, tự tin hơn thì có thể đường đến khung thành sẽ được mở toang.

Tâm lý thi đấu - đấy là điều đã được HLV Hoàng Anh Tuấn biết trước, và lưu tâm đặc biệt. Ông chuẩn bị tâm lý cho các cầu thủ ngay từ chuyến tập huấn dài ngày tại Đức, khi đề nghị tất cả phải bình tĩnh xử lý bóng, chơi theo cách của mình, thay vì bị cuốn vào lối đá của những đối thủ có thể hình thể lực tốt hơn.

Đến trận giao hữu thua U.20 Argentina 1-4, khi một số vị trí không chơi đúng sức của mình thì ông Tuấn một lần nữa lại phải củng cố vấn đề tâm lý. Ông nói như hét vào mặt các cầu thủ: "Đã vào trận thì đừng sợ hãi. Sợ hãi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tự thua chính mình trước khi để đối phương chiến thắng". Và đến trước trận đấu đầu tiên thì tâm lý vẫn là điều được nhắc đi nhắc lại nhiều hơn cả.

Trong phòng thay đồ trước khi ra sân, ông Tuấn lại nói rõ với toàn đội: "Tập thế nào thì đá thế. Sai thì làm lại. Cứ tự tin đá từ khi trọng tài thổi còi khai trận đến khi hết trận thì thôi".

Có nhiều biện pháp "làm tâm lý", từ việc hô hào sự tự tin đến việc kích bác bằng luận điểm: "Đối thủ nghĩ Việt Nam chỉ mới vừa biết đá bóng", rồi không nói quá nhiều đến các điểm mạnh của đối phương... đều đã được ông Tuấn tung ra. Nhưng thực tế là cả 3/3 trận đấu vấn đề tâm lý vẫn xuất hiện khá rõ. Hiển nhiên U.20 Việt Nam không tự ti, rụt rè đến mức trở thành một đội bóng dễ sụp đổ, trái lại chúng ta luôn thi đấu với một ý chí, tinh thần cao nhất.

Nhưng như đã nói, sự thiếu ổn định về tâm lý khiến tất cả những đường chuyền hoặc những cú sút cuối cùng đều không chính xác. Thế nên có những thời điểm tưởng là bàn thắng đã đến rất gần, nhưng thực tế cái tưởng là gần đó lại... xa vời vợi.

Có một vấn đề ai cũng thấy nữa ở U.20 Việt Nam lần này, đó là điểm yếu thể lực. Nó khiến hiệp 2 ở tất cả các trận đấu, chúng ta đã không thể bám đuổi, theo sát đối phương như trong hiệp 1. Hiệp 2 trận gặp New Zealand, có những thời điểm hệ thống phòng ngự không thể hiện được tính tổ chức vốn là điểm mạnh trước đó của mình, và chấp nhận cản phá đối phương theo kiểu cố phá bóng càng xa khung thành càng tốt.

Cả 2 bàn thua trong hiệp 2 trận đấu với Honduras cũng thế, đấy đều là những tình huống cầu thủ chúng ta không đủ thể lực lùi về, bám đuổi đối phương. Do có một ý chí thi đấu quá tốt, lại nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả Việt Nam trên khán đài nên các cầu thủ không buông xuôi, mà vẫn cố gắng gượng trong từng pha bóng. Nhưng lúc đó ý chí, tinh thần không thể bù đắp nổi sự thua thiệt trông thấy về sức mạnh.

Điều đáng nói nằm ở chỗ, ông Hoàng Anh Tuấn biết trước World Cup là một sân chơi đòi hỏi một nền tảng thể lực cao độ. Thế nên trong quá trình chuẩn bị cho World Cup,  ông đã có những bài nhồi thể lực đặc biệt để hy vọng chúng ta có thể "chơi được" thay vì phải sống trong cái viễn cảnh mà nói theo ngôn ngữ của chính ông là "đến chạy theo đối phương cũng không xong".

Chưa bao giờ một đội bóng trẻ Việt Nam lại có một sự chuẩn bị, tích luỹ thể lực tốt đến như thế. Nhưng chúng ta cũng chỉ tiến bộ hơn so với chính chúng ta, chứ so với New Zealand hay Honduras thì cũng... chẳng thấm vào đâu.

Nói đến những vấn đề tâm lý hay thể lực không phải để trách cứ, vì thực tế là chúng ta cũng đã cố gắng làm tốt nhất những gì có thể, trong khuôn khổ của mình. Vì thế nói đến hai vấn đề này là để thấy rõ cái giới hạn về đẳng cấp của bóng đá Việt Nam (chứ không riêng gì U.20 Việt Nam) so với các đội bóng dự World Cup nói chung (chứ không riêng gì các đội ở bảng E).

Cũng vì hiểu rõ giới hạn đó nên sau khi kết thúc cuộc phiêu lưu ở World Cup, chính Ban huấn luyện Việt Nam mới đặt ra câu hỏi: Không biết đến bao giờ một đội bóng Việt Nam mới có thể trở lại đấu trường danh giá này? Nhưng dẫu sao thì 1 điểm gặt hái được cùng phong cách thi đấu giàu khát vọng cũng là rất đáng khen.

Từ nay trở đi, những CLB Việt Nam và những Đội tuyển Việt Nam khi tham dự các sân chơi quốc tế cần phải nhìn vào sự "đáng khen" này để biết mình nên làm gì, và phải làm gì để không lạc nhịp.

Chứ U.20 thì cố gắng "cháy" đến giọt sức lực cuối cùng ở World Cup nhưng các CLB Việt Nam cứ đá AFC Cup là... thả, và Đội tuyển Quốc gia cứ đá AFF Cup là... thất thường như mưa nắng thì nản lắm!

"Không có gì phải buồn cả...!"

Đó là chia sẻ của HLV Hoàng Anh Tuấn và cũng là suy nghĩ chung của toàn đội U.20 Việt Nam sau trận đấu cuối cùng của đội tại World Cup- trận thua Honduras 0-2. Thực ra tiếc nuối thì có, vì nói như đội trưởng Quang Hải: "Nếu nắn nót hơn, và may mắn hơn, chúng ta ít nhất cũng có được 1 bàn thắng". 

Hiệp 2 trận đấu với Honduras, chính Quang Hải đã có một cú tung chân sút bóng vào góc xa tuyệt đẹp, thủ môn đối thủ đã đứng nhìn, và Quang Hải thậm chí đã chuẩn bị tinh thần chạy ra ngoài đường piste, ăn mừng bàn thắng, nhưng đen đủi là vào đúng khoảnh khắc cuối cùng thì quả bóng lại bật cột dọc...đi ra ngoài. 

Tiếc nuối - đó là cảm giác có thật, nhưng buồn bã, thất vọng hay sụp đổ thì không. Ngược lại chúng ta có quyền tự hào với cái cách mình đã thể hiện trong lần đầu tiên dự một giải đấu tầm cỡ như World Cup. Và đấy cũng chính là tâm trạng chung của các cổ động viên Việt Nam lúc này.

Diệp Xưa
.
.
.