Giới họa sĩ tìm cách chống "đạo tranh"

Chủ Nhật, 26/05/2019, 16:05
Có lẽ chưa bao giờ, giới họa sĩ lại "khóc ròng" trên diện rộng như thời gian này. Trong một thời gian rất ngắn, liên tục các vụ tranh giả bị phát hiện và phanh phui. Đáng nói, hành vi xâm phạm bản quyền này càng ngày càng trắng trợn.


Nhờ luật sư và lập nhóm của những người bị hại

Đầu tháng 5, một nhóm 8 họa sĩ bao gồm Nguyễn Quý Tâm (Huế), Bùi Trọng Dư (Hà Nội), Lâm Đức Mạnh (Hà Nội), Ngụy Đình Hà (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn (Huế), Lê Phan Quốc (Huế) và Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương) đã liên kết nhau lại, nhờ luật sư tư vấn pháp luật, cùng kí  đơn thư gửi cho các đơn vị áo dài đã "đạo tranh" của họ.

Sự việc được xem là hi hữu của làng mỹ thuật Việt Nam vì đây là lần đầu tiên có một sự đoàn kết "đanh thép" như thế trước vấn nạn tranh giả, tranh chép đang hoành hành. Trước đó, đâu đó cũng có những vụ việc bị phanh phui, đâu đó cũng có họa sĩ này kiện đơn vị, cá nhân kia nhưng chỉ ở mức độ lẻ tẻ.

Tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị phát hiện lên tường khách sạn 5 sao ở Sa Pa.

Sự nỗ lực đấu tranh của 8 họa sĩ - nạn nhân cùng sự đồng hành của luật sư và báo chí đã khiến các đơn vị áo dài phải xin lỗi nhận sai, xóa bỏ những mẫu áo dài sử dụng trái phép bản quyền tranh của các họa sĩ. Sự việc này thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí truyền thông và những người yêu nghệ thuật.

Song song với việc nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi, vì một nền mỹ thuật Việt phát triển lành mạnh, xóa bỏ thói quen "dùng chùa", "xâm phạm bản quyền, "ăn cắp chất xám", nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" do họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng được lập ra từ ngày 3/5.

Ngày 13/5, nhóm quyết định trở thành nhóm mở với mục đích cùng các họa sĩ tự bảo vệ các tác phẩm của mình thông qua việc phát hiện và đấu tranh đòi quyền lợi khi phát hiện các tác phẩm của mình bị đạo, nhái hay sử dụng mà không xin phép cũng như mua bản quyền.

Theo đó, nhóm luôn có sự theo dõi, đồng hành của các luật sư, nhà báo để hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp luật nhằm giúp các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền tác phẩm sớm đòi được công lý. Các họa sĩ, các nhà sưu tập, những người yêu nghệ thuật nếu phát hiện thấy bất cứ vụ xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa nào, có thể mạnh dạn đưa thông tin lên nhóm.

Mặc dù mới lập ra, nhưng tới thời điểm hiện tại, nhóm đã thu hút hơn 500 người quan tâm và ủng hộ. Con số này đang ngày càng tăng lên khi nhóm bắt đầu có sự tương tác, trao đổi và tố cáo. 

Nối tiếp sau vụ "đạo tranh" lên áo dài kể từ khi nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" đi vào hoạt động chính là vụ họa sĩ Hà Hùng Dũng phát hiện hàng chục bức tranh của mình bị một đơn vị tranh tường có tên là Tranh tường Trần Tuân sử dụng, khai thác một cách bừa bãi, cắt ghép thành tranh tường, tranh trang trí tại một khách sạn 5 sao ở Sa Pa. Sự việc này chưa kịp nguội thì mới đây xảy vụ tranh của Hà Hùng Dũng bị đạo bởi một hệ thống chăm sóc sắc đẹp có tiếng tại Hà Nội.

Tranh gốc và tranh trên áo dài.

Ngoài ra, nhóm tiếp tục nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người trong giới. Một số galerry, website vô tư "xài chùa" tranh không xin phép cũng bị phát hiện như Sen Vàng Galerry, tranhsondau.net, mythuat360.com…; thậm chí có cả các đơn vị kinh doanh tận Thái Lan. Đến nỗi, có họa sĩ phải kinh ngạc kêu lên: "Giờ đây đạo tranh diễn ra một cách hệ thống".

Dù mới thành lập, Nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" đã thu được những tín hiệu lạc quan bước đầu. Điều thấy rõ nhất là sự đoàn kết của giới họa sĩ trước vấn nạn này.

Hai là, đã có một số đơn vị tự ý "xài chùa" sở hữu trí tuệ người khác phải công khai xin lỗi. Ba là, ý thức bảo vệ và đòi quyền sở hữu hợp pháp của họa sĩ được tăng lên. Tuy nhiên, như đã nói, đây cũng chỉ là những thắng lợi bước đầu.

Công cuộc đấu tranh này xem chừng vẫn còn… gian nan; bằng chứng là, mặc dù được gọi thẳng mặt chỉ tên nhưng cho tới thời điểm hiện tại, một số đơn vị "đạo tranh" vẫn tiếp tục im lặng, không có một động thái nào tích cực hoặc chỉ xin lỗi qua quýt, qua loa cho xong chuyện. Để thấy, ý thức về bản quyền, về sở hữu trí tuệ ở nước ta gần như vẫn rất lơ mơ dù Việt Nam đã gia nhập Công ước Bern từ năm 2004.

Trong khi đó, vào đầu năm nay, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực ở Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tuân theo những nguyên tắc của cuộc chơi chung, trong đó có sở hữu trí tuệ.

CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ. Giải quyết vi phạm bản quyền sẽ không dừng lại ở việc phạt hành chính, dễ gây tình trạng "nhờn luật" mà sẽ được hình sự hóa ở tòa án quốc tế.

Trước khi được bảo vệ, phải tự bảo vệ

Luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom Việt Nam), người có nhiều năm đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức cho rằng các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam "rất khó giải quyết bằng biện pháp hình sự".

Vậy khi các họa sỹ, chủ sở hữu tác phẩm phát hiện tác phẩm của mình bị giả thì ngay lập tức phải làm gì để bảo vệ quyền tác giả của mình? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp và việc xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật?

Tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng tiếp tục lên tường của một spa làm đẹp một cách trái phép.

Theo luật sư Trần Thị Tám: "Đầu tiên, theo tôi hãy "kêu lên", tuy nhiên "kêu" với ai và có căn cứ gì để "kêu" là điều quan trọng nhất. Hiện nay, tình trạng tác phẩm mỹ thuật giả mạo mới được xử lý ở việc truyền thông đưa tin mà chưa được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vậy mà các vụ lùm xùm xoay quanh chuyện giả mạo tác giả, rồi tác phẩm mỹ thuật sao chép… chưa đi đến cùng. Bản chất của quan hệ quyền sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản - quan hệ dân sự.

Cơ quan nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu từ những người bị xâm phạm hoặc những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Họ không yêu cầu (chỉ đưa tin trên các phương tiện truyền thông), các cơ quan này không giải quyết là phù hợp quy định của pháp luật.

Theo đó, về thẩm quyền, Khoản 1 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ quy định "Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ".

Luật sư Trần Thị Tám chỉ rõ: "Có thể thấy là pháp luật cho phép nhiều cơ quan có thẩm quyền cùng xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lựa chọn cơ quan nào xử lý phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người đưa ra yêu cầu xử lý xâm phạm.

Nếu yêu cầu các cơ quan hành chính xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, các cơ quan hành chính có thể áp dụng các biện pháp xử lý cảnh cáo hoặc phạt tiền (và tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định về xử lý vi phạm hành chính), kèm theo đó là các biện pháp xử phạt bổ sung, còn mong muốn được xin lỗi công khai bồi thường thiệt hại thì các chủ thể phải đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết, cơ quan hành chính không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này.

Với người mua, bán (nhà sưu tầm) tác phẩm mỹ thuật, theo quy định của pháp luật là chủ sở hữu tác phẩm, họ có đầy đủ các quyền đối với chủ sở hữu tài sản, có nghĩa là trong trường hợp phát hiện tác phẩm giả mạo (có thể là tác phẩm sao chép, tác phẩm giả mạo tên tuổi của họa sỹ), họ có quyền đưa ra yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (như tôi đề cập bên trên) để giải quyết. Tuy nhiên, trước khi đưa ra yêu cầu, họ phải xác định được chủ thể đã xâm phạm đến quyền hợp pháp (quyền sở hữu tài sản) của họ".

Cũng theo luật sư Trần Thị Tám, sở dĩ những vụ xử lý xâm phạm bản quyền không đi đến đâu là do người bị xâm phạm chưa làm đúng trình tự pháp luật và có muốn thực sự đi đến cùng sự việc hay không, bởi việc theo đuổi kiện tụng nhiều thời gian công sức và tiền bạc.

Thông thường trình tự sẽ diễn ra như sau: Bước một, thu thập chứng cứ xâm phạm (bằng nhiều cách khác nhau, mua mẫu vật xâm phạm hoặc lập vi bằng - vụ tranh tường trên khách sạn là cần thiết phải lập vi bằng).

Bước hai, liên hệ bên xâm phạm thông báo (yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại, nếu có). Bước ba, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm (nếu bước 2 không hiệu quả). Trình tự này có thể thay đổi nhưng phải đảm bảo bước số một là cực kỳ quan trọng.

Tháng Sáu
.
.
.