Giữ lửa nghệ thuật truyền thống

Chủ Nhật, 11/06/2017, 10:24
Với khát vọng đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả, cứ những đêm cuối tuần, ngày lễ, tết, các đoàn, nhóm ca nhạc không chuyên, nghệ sĩ nhà hát ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) lại nô nức xuống phố. Bằng lối diễn hồn hậu, giản dị, món ăn tinh thần đã dần thấm vào khán giả trong và ngoài nước một cách tự nhiên.


Hòa nhịp với cuộc sống

Chủ nhật, khi trời vừa tối, ngồi bệt xuống vỉa hè Quảng trường 2-4 (TP Nha Trang), các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa mau chóng hóa trang để chuẩn bị nhập vào các vai diễn phục vụ miễn phí cho khách trong và ngoài nước.

Gương mặt mỗi người như rạng rỡ hơn khi những ánh mắt háo hức ngước lên, những bước chân rầm rập đổ về. Để có những đêm diễn như thế, các nghệ sĩ phải tập luyện rất cực khổ, trong khi cơ sở vật chất thì còn hạn chế.

Tái hiện các điển tích dân gian.

NSND Thu Hà bộc bạch: “Các đêm diễn nghệ thuật truyền thống như: Kịch, tuồng, chèo… trên các sân khấu chuyên nghiệp ngày càng ít dần vì không kéo được khán giả đến xem. Mà mỗi nghệ sĩ đã đau đáu yêu nghề rồi thì không dứt ra được.

Đã có nhiều người bảo nghệ thuật truyền thống chỉ nên diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp, đưa xuống phố sẽ làm nhạt tính chuyên nghiệp đi. Nhưng, người xem không đến sân khấu thì mình phải đến với họ thôi. Như thế mới giữ lửa được môn nghệ thuật này.

Diễn trên đường phố thì bớt tính cầu kỳ nhưng chính sự cuốn hút của tác phong, trang phục, đạo cụ... đã buộc người xem khó tính nhất cũng phải dừng chân thưởng thức”.

Với cách sử dụng vỉa hè, đường phố làm sân khấu nên khoảng cách giữa nghệ sĩ với khán giả được kéo gần hơn. Nhiều người thích thú khi bắt tay những nhân vật mình ngưỡng mộ do các diễn viên nhập vai. Quanh năm tất bật buôn bán, nhiều thương lái ở cảng Hòn Rớ (Nha Trang) như tan hết mỏi mệt và vỡ lẽ thêm nhiều điều khi trực tiếp xem diễn và giao lưu chụp hình với các nghệ sĩ trên đường phố.

Bà Nguyễn Thị Vy phấn khởi kể: “Nào tôi có biết sân khấu, có biết kịch hay tuồng là gì đâu. Xưa nay chỉ lơ mơ biết ông Trần Hưng Đạo qua chuyện kể. Thế nhưng, trong ngày nghỉ lễ 30-4 vừa rồi, được xem các vở diễn nghiêm trang, hấp dẫn về Trần Hưng Đạo ở đường phố Nha Trang, tôi hiểu thêm và thích thú lắm. Từ đó, cứ đêm cuối tuần, ngư dân và tư thương lại rủ nhau lên phố xem kịch, tuồng. Các địa điểm chính biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở đường phố là Quảng trường 2-4, khu công viên Yến Sào...”.

Lần đầu tiên được đắm mình trong các vở tuồng truyền thống như: "Người mẹ xứ sở", "Trần Hưng Đạo", "Thánh Gióng"… ông Trần Quyết Thắng cho biết: “Xưa nay làm nghề kỹ thuật ôtô, tôi chả quan tâm nghệ thuật làm gì. Nhưng, xem xong còn được nói chuyện với các nghệ sĩ, được thử cả trang phục, thậm chí có thể diễn thử cùng diễn viên, đã cho tôi cảm giác giữa người xem và diễn viên thật gần gũi và ấm cúng”.

Biểu diễn phục vụ các chiến sĩ Vùng 4 Hải quân.

Sống ở Nha Trang gần nửa đời người nhưng ông Nguyễn Văn Bình chưa đến sân khấu xem nghệ thuật truyền thống bao giờ nên khi trực tiếp gặp các nghệ sĩ, các nhân vật nổi tiếng được nhập vai trên đường phố thì hết sức ngỡ ngàng. “Ở nhà có cái tivi, lớp trẻ toàn thích xem nhạc sôi động.

Đợt Tết Đinh Dậu vừa rồi xuống phố xem vở “Trần Quốc Toản đề cờ” xong thì háo hức hẳn lên. Cảm giác như mình được quay về với thời kỳ lịch sử hào hùng, được tận mắt thấy nhân vật anh hùng mình ngưỡng mộ từ lâu vậy”- ông Bình bộc bạch. Sau lần vỡ lẽ này, ông Bình kéo theo rất nhiều bạn hưu trí của mình đi xem kịch đường phố.

Hàng trăm ca khúc truyền thống như: “Sáo trúc”, “Xuân về bản Mèo”, “Dân ca Khánh Hòa quê em”, “Tấu đàn bầu Về miền Nam”, “Tấu đàn kìm Chung một niềm tin”… cũng được biểu diễn xen kẽ vào các vở kịch để làm sống động thêm cho các đêm diễn. 

Nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức cũng bung nở nhiều ý tưởng mới cho nghệ thuật truyền thống. Ông bảo: “Bằng cách làm giản dị mà sáng tạo này, kịch, tuồng, chèo… thật sự đã hòa nhập vào cuộc sống. Mấy chục năm viết kịch, tôi sẽ tiếp tục cống hiến những vở mới mang hơi thở ấm cúng của cuộc sống đến khán giả. Bởi, mai một nghệ thuật truyền thống nghĩa là mất đi một phương thức truyền tải hiệu quả nhất các nét đẹp của quá khứ, của lịch sử, đất nước và con người Việt Nam”.

Tạo món ăn tinh thần cho vùng sâu

Sau những đêm rút tất cả cảm xúc và đam mê biểu diễn trên đường phố chính ở TP Nha Trang thì các nghệ sĩ tiếp tục mang nguyên vẹn đam mê và cảm xúc này về các vùng sâu, vùng sa của Khánh Hòa để biểu diễn cho những nông dân quanh năm cần mẫn trên ruộng rẫy thưởng thức.

Qua đó góp phần bồi đắp thêm tình yêu nghệ thuật truyền thống, tạo nên món ăn tinh thần mới cho mọi lứa tuổi. Đảm nhiệm những vở kịch, những bản nhạc khó trong các đêm diễn là Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa.

Còn các chương trình nhỏ hơn thì dành cho các nhóm nghệ thuật không chuyên hoặc các nhóm sinh viên theo các chuyên ngành nghệ thuật chuẩn bị tốt nghiệp đảm nhiệm. Việc mở rộng thành phần có thể tham gia biểu diễn nghệ thuật truyền thống này đã tạo nên sức hút cho người xem.

Lần đầu tiên thấy sân khấu thật, diễn viên thật, ông Pi Hà Năng ở huyện miền núi Khánh Vĩnh chạy hết thôn này đến thôn khác để loan báo. Chẳng mấy chốc, cả bãi đất trống ở xã Khánh Nam đã chen kín người.

Sau khi mãn nhãn với các vở kịch đề tài lịch sử, các bài hát ngân lên trầm bổng như vang vọng cả núi rừng thì nhà nhà đều náo nức bàn tán. Ông Năng chia sẻ: “Ở vùng sâu này thỉnh thoảng xem tivi thôi, không thích thú lắm. Giờ được chụp hình chung, được nói chuyện với các nghệ sĩ ấn tượng lắm!”

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở đường phố Nha Trang cho khách xem miễn phí.

Già làng Mấu Thị Thu ở huyện Khánh Sơn như thêm phần khỏe mạnh hơn sau khi được trực tiếp xem nhiều vở “Thánh mẫu Y Ma Na”, “Người mẹ xứ sở”… Bà tâm sự rằng, xưa nay chỉ mong được thấy sân khấu thật, thấy được tái hiện những nhân vật huyền thoại như: Trần Hưng Đạo, thánh mẫu Y A Na…

Giờ thì mong muốn ấy đã thành hiện thực vui trong bụng lắm. Nhiều người già lẫn trẻ con ở vùng núi xa xôi này cũng háo hức. Ai không xem được thì được người đi xem về kể lại.

Đối với đạo diễn Đỗ Ngọc Tâm cùng nhiều diễn viên trong Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, việc đến các vùng sâu xa nhất để biểu diễn nghệ thuật truyền thống gian nan lắm nhưng khi thấy ánh mắt, niềm vui của bà con nông dân họ lại như được tiếp thêm sức mạnh.

Ngoài các tiết mục kịch truyền thống, kịch lịch sử thì các vở dân gian như “Phú ông kén rể”, “Thị Mầu”… cũng được giàn dựng, biểu diễn. Có hôm đêm đã khuya mà vẫn không có một khán giả nào rời sân khấu, các nghệ sĩ lại sẵn sàng biểu diễn thêm, nói chuyện về nghệ thuật truyền thống.

Không dừng lại ở đó, các nghệ sĩ còn mang khí thế và niềm đam mê của mình đến các đơn vị bộ đội để phục vụ cho các chiến sĩ. Với sự biểu diễn chuyên nghiệp, dàn dựng công phu, vở kịch “Nỗi đau tình mẹ” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đã phục vụ tốt các lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2017), đã bồi đắp thêm tình yêu biển đảo sâu sắc trong tim mỗi người.

Ông Vũ Tiến Thêm, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đánh giá: Việc đưa nghệ thuật truyền thống xuống phố, về vùng sâu, ra các vùng hải đảo… thật sự đã hâm nóng tình yêu môn nghệ thuật này trong nhân dân.

Mỗi năm chúng tôi có hàng trăm đêm diễn trên đường phố và vùng sâu, dẫu điều kiện và các khoản phụ cấp còn hạn chế nhưng niềm tin yêu từ khán giả như liều thuốc bồi dưỡng tinh thần và đam mê của các nghệ sĩ quyết tâm hơn trong việc theo đuổi và giữ gìn nghệ thuật truyền thống trước nguy cơ mai một.

Hà Văn Đạo
.
.
.