Van Gaal và Mourinho: Giữa hai cá tính điên rồ…

Thứ Sáu, 17/04/2015, 14:30
Ngày 18/4, một trận chiến siêu kinh điển nữa lại diễn ra tại Anh, Chelsea và Man Utd. Đó không chỉ là trận chiến của danh dự, của niềm kiêu hãnh, mà còn là cuộc tái ngộ lần thứ 3 của hai thầy trò Louis van Gaal và Jose Mourinho. Phía sau trận chiến ấy là những câu chuyện mang nhiều ý nghĩa với HLV được coi là tài năng bậc nhất thế giới và cũng ngông nghênh bậc nhất: Jose Mourinho.

1. Điểm chung đầu tiên của hai vị HLV nổi tiếng này có lẽ là cái tên, những cái tên rất dài: Jose Mario dos Santos Mourinho Felix và Alyosius Paulus Maria van Gaal. Nhưng đó không phải là tất cả. Giữa họ là một quá khứ đầy sự kiện, với những mối quan hệ mà có lẽ với cả hai là độc nhất.

Một Mourinho luôn tự vỗ ngực cho mình là số 1, luôn gây hấn với mọi đối thủ, thậm chí sẵn sàng đương đầu bằng nắm đấm, còn một là van Gaal cũng kiêu ngạo chẳng kém, dám đấm cả phóng viên, bỏ ngang họp báo, bỏ về giữa chừng trong một buổi bình luận trực tiếp… Nhưng với cả hai, họ trân trọng nhau, coi nhau là bạn, là thầy trò ngay cả khi đối đầu. Không hề quá đáng khi báo chí Anh còn bông đùa rằng, họ là những người bạn thân duy nhất của nhau trong sự nghiệp bóng đá.

Van Gaal - Mourinho ngày xưa.

Van Gaal có thể chưa phải HLV giỏi nhất thế giới, cũng chẳng phải người giàu thành tích nhất, nhưng ông lại là người tạo ra ảnh hưởng đặc biệt trong giới HLV hiện tại. Hay ít nhất, ông cũng đào tạo ra một thế hệ HLV lúc này đang phủ bóng khắp châu Âu, với nhiều màu sắc và triết lí khác nhau. Ông có thể trực tiếp hoặc gián tiếp huấn luyện và truyền một phần phần hoặc nhiều kĩ năng để "xuất xưởng" cả một thế hệ HLV.

Thống kê cho thấy, ông đã đào tạo và có tới 2 thế hệ tiếp nối, với tổng cộng13 HLV, trong đó nổi tiếng có Pep Guardiola, Frank Rijkaard, Luis Enrique, Ronald Koeman, Danny Blind, Frank de Boer, Stoichkov, P.Cocu… và đặc biệt nhất là Mourinho. Các HLV hiện tại của Bayern Munich, Barcelona, Chelsea, Ajax, PSV Eindhoven, Liverpool, Zenit St Petersburg, Southampton và ĐT U21 Tây Ban Nha đều là "hậu duệ" trực tiếp hoặc gián tiếp của van Gaal.

Với Mourinho thì chắc không cần phải nói nhiều nữa, ông đang có lần thứ 2 dẫn dắt Chelsea và thay đổi hình hài của CLB này sau khi đạt được rất nhiều thành tựu kì diệu cùng Porto, Inter Milan, Real Madrid. Và trong thành công đó, dấu ấn của van Gaal cực kì lớn. 

Khi ấy, có thể nói rằng, trận chiến vào cuối tuần này giữa Chelsea và Man Utd chính là cuộc đấu giữa hai vị HLV đặc biệt, đầy cá tính, thậm chí là bạo liệt, đôi khi có phần tiêu cực. Dĩ nhiên, khi đứng trước nhau, sẽ chẳng ai tạo ra một scandal dạng như khi gặp Wenger, nóng nảy đến mức suýt đánh nhau ngay trên đường pitch.

2. Sở dĩ nói tại sao mối quan hệ van Gaal và Mourinho là độc nhất, bởi không phải học trò nào của ông cũng có sự thân tình đến vậy. Pep Guardiola chưa bao giờ đề cao và hàm ơn van Gaal. Koeman cũng chẳng mấy khi ca ngợi van Gaal hay thừa nhận rằng ông thầy cũ tạo ra ảnh hưởng phong cách của mình. 

Thậm chí, với Stoichkov thì van Gaal còn bị coi là cái gai trong mắt. Đến mức cựu ngôi sao này còn dành cho van Gaal những lời mạt sát thậm tệ, so sánh ông với những thứ bẩn thỉu nhất có thể. Đó là hệ quả của một quãng thời gian hà khắc mà van Gaal tạo ra, khiến Stoichkov không thể chịu được và phải sớm cuốn gói khỏi Barca.

Còn với Mourinho, ông chỉ có đối thủ và những kẻ thù. Ở Tây Ban Nha, đối thủ là Pep là Tito Villanova (cố HLV đã từng bị Mourinho… móc mắt khi còn làm trợ lí ở Barca trong một trận gặp Real Madrid của Mourinho). Ở Anh, Mourinho có Ferguson, đặc biệt là kình địch với Wenger, Pellegrini, thậm chí có cả Brendan Rodgers, người từng là trợ lí của ông và được coi là học trò của Mourinho. Và chính cá tính tương đồng, hơi khùng khùng điên điên của họ đã đưa hai người đến với nhau.

Van Gaal chọn Mourinho vì tay này dám gân cổ, đỏ mặt tía tai cãi lại van Gaal, bảo vệ chính kiến ngay ngày đầu van Gaal nhận chức ở Barca năm 1997. Sau đó, van Gaal "yêu" Mourinho đến mức dọn về sống cạnh nhà Mourinho để hằng ngày được trò chuyện, trao đổi chuyên môn và "dạy" Mourinho. Nhà ông cách nhà Mourinho 15m, và bây giờ họ lại đối đầu với nhau, chỉ đứng cách nhau đúng 15m ngoài đường pitch.

Và bây giờ.

Có Mourinho, van Gaal thành công hơn trong chiến thuật, khi là cố vấn, là "điệp viên", là người tham mưu, và giúp Barca đoạt 2 chức vô địch La Liga (97/98 và 98/99), một cúp Nhà vua Tây Ban Nha (97/98) và một siêu cúp châu Âu (1997). Đổi lại, nhờ có van Gaal, Mourinho "đổi đời", không còn là gã phiên dịch đi học mót nghề HLV, mà thực sự được học hỏi, trau dồi những kĩ năng huấn luyện. Chính van Gaal đã không cho Mourinho đi làm trợ lí ở Benfica và từ chối lời mời hậu hĩnh từ Newcastle năm 1998 khi nói rằng: "Cậu không thể đi làm trợ lí ở đâu ngoài trợ lí cho tôi. Cậu hãy đi nếu nơi nào mời cậu làm HLV trưởng". Nhờ lời nói đó, Mourinho ở lại, và ông chỉ đi khi vài năm sau Benfica đưa ra lời mời là HLV trưởng cho CLB này.

Mourinho từng kể: "Dường như ông ấy yêu tôi và tôi cũng vậy. Chúng tôi ở cạnh nhà nhau và hằng ngày tôi và ông ấy trò chuyện suốt. Tôi học được cách huấn luyện, cách thay người, cách chỉ đạo, tập luyện của ông ấy". 

Điều Mourinho học được và đang áp dụng là kiểm soát từng chi tiết. Đó là thói quen của van Gaal, và luôn ghi lại mọi tiểu tiết, rà soát, điều chỉnh chúng ngay khi trận đấu đang diễn ra. Bởi thế mà trong mọi trận đấu, người ta chỉ thấy van Gaal ngồi nguyên 1 vị trí, không bao giờ xuống đường pitch, thậm chí khi ăn mừng cùng lắm cũng chỉ hô một cái rồi lại lúi húi ghi chép.

Và đỉnh điểm của sự tin tưởng của van Gaal với Mourinho là vào ngày 25/3/1998, tức là cách đây đúng 17 năm, Mourinho đã được van Gaal cho phép cầm quân, dẫn dắt Barca đá 1 trận tại Catalan Cup (Barca thắng 3-0). Sau trận đấu đó, van Gaal đã khẳng định: Mourinho sẽ là một HLV thiên tài, và ông nói rằng, Mourinho đã tiếp thu và học được gần như tất cả những kĩ năng huấn luyện của ông, thậm chí là đưa nó phát triển theo một hướng mới.

Năm 2000, sau trận đấu cuối cùng của mùa giải tại La Liga, Mourinho nhận ra ông đã học được hết từ van Gaal, và quyết định đến chính Benfica làm HLV trưởng.

3. Ai cũng biết, nếu van Gaal tôn sùng và đi theo phong cách tấn công và lối chơi tổng lực, thì Mourinho tôn thờ sự thực dụng. Đó là lí do Mourinho ở Inter thắng Bayern của van Gaal (2-0 tại trận chung kết Champions League năm 2010) dù chỉ cầm bóng có 34%.

Mourinho từng khẳng định: "Triết lí của tôi? Chẳng có triết lí hay mô hình nào. Chỉ là làm thế nào để thắng". Còn van Gaal thì cũng chẳng có triết lí nào, cứ làm sao để đá đẹp với tư tưởng triết học chẳng ai hiểu rõ nó thực sự là gì cả. Đó chính là lí do Mourinho đuổi cổ Mata (2 mùa liền là cầu thủ Chelsea hay nhất) và van Gaal thì đang sử dụng Mata cực tốt.

Sự khác biệt của họ còn nằm ở cách huấn luyện và ứng xử trong tập thể.

Nếu Mourinho thân thiện, gần gũi thì van Gaal không có khái niệm coi cầu thủ là bạn hay chia sẻ điều gì. Với ông, các cầu thủ là những "nhân viên làm thuê" với nhiệm vụ phải chiến đấu, phải cống hiến và phải thể hiện tất cả những gì có thể với sự tuân lệnh tuyệt đối và vô điều kiện.

Tại Manchester United, van Gaal bị coi như kẻ bị ám ảnh về những sắp xếp ăn uống. Điều đó có từ thời ở Bayern, ông xếp chỗ, chỉ đạo thứ tự lấy đồ ăn, rồi phải là người ra lệnh ăn thì mọi người mới được ăn. Tại Ajax trong những năm 1990, ông cấm báo chí ở sân tập, không cho ai đọc thông tin về bất kì thứ gì liên quan đến bóng đá, trừ kết quả các trận đấu quan trọng.

Tại Barcelona một vài năm sau, ông cấm cầu thủ sử dụng điện thoại di động khi đến sân tập va trước ngày thi đấu. Giờ đây ở Man Utd, ông cũng cấm điện thoại di động. Ông tự tay xếp chỗ bàn ăn, buộc cầu thủ ăn trưa, ăn tối, ngủ trưa, ngủ tối (nếu cần tập đêm), thậm chí lắp camera kiểm soát ở khắp nơi, từ sân tập, phòng gym, phòng giải trí… Vì thế mà van Gaal được gọi là "gã cảnh sát tàn bạo"!

"Hệ thống" HLV do va Gaal đào tạo.

Mourinho khác. Ông đã rất thoải mái, làm cho mọi câu chuyện trở nên vui vẻ, gần gũi. Trong buổi sáng, ông đọc báo và nói chuyện với cả đội về tin tức khắp nơi. Ông rất chu đáo. Nhưng có điểm Mourinho giống van Gaal. Thời ở Real Madrid, Mourinho thường xuyên kiểm tra đồ ăn, xuống nhà bếp liên tục. Sau khi Mourinho sa thải bác sĩ trưởng Hernandez vì tội không gọi điện thoại được và đến sân muộn, ông sa thải nốt bếp trưởng Chechu vì cho rằng không làm đồ ăn theo ý ông. Và không theo ý thế nào, sai trái ở đâu, Mourinho cũng không thèm giải thích.

Những cá tính đặc biệt đó đã tạo nên hai HLV giống mà khác nhau. Và đó là hai HLV cá tính, có nhiều dấu ấn và sắp thép bậc nhất thế giới lúc này. Có thể Mourinho vẫn là học trò của van Gaal như ông vẫn khẳng định, nhưng tại Stamford Bridge cuối tuần này, sẽ có 90 phút tạm thời thành thầy trò gác lại để dành chỗ cho trận chiến phân tài cao thấp giữa hai kì phùng địch thủ, mang hai triết lí bóng đá, ai tính cách vừa như những bản sao, lại vừa đối nghịch nhau!

Sự khác biệt ở Mata

Sự khác biệt lớn nhất giữa Mourinho và van Gaal lúc này nằm ở chính Mata. Đây là tiền vệ người mà Mourinho không thích và cho rằng không hợp với cách chơi của Chelsea. Ông tuyên bố không cần 1 cầu thủ hoa mỹ chạy cánh phải tấn công mà không thể phòng thủ. Và tiếp đó là thẳng tay loại cầu thủ này ra khỏi hệ thống thi đấu, bất chấp Mata trước đó có 2 mùa giải liên tiếp được bầu là "Cầu thủ Chelsea hay nhất mùa giải".

Mourinho nói rằng, danh hiệu đó chẳng là gì. Kể cả Mata có là cầu thủ hay nhất giải Ngoại hạng Anh, nhưng nếu không phù hợp với chơi và cách vận hành của ông thì cũng chỉ còn nước ngồi ngoài. Và Mata đến với Man Utd. 

Sau một thời gian không thành công dưới triều đại David Moyes, Mata đang trở thành trụ cột của Man Utd dưới thời van Gaal. Mata đang chơi rất hay khi được đẩy sang đá chuyên trách cánh phải, và liên tiếp ghi bàn trong những trận đấu quan trọng (2 bàn trận thắng Liverpool 2-1 và 1 bàn trận thắng Man City 4-1). 

Cuộc gặp gỡ của Mata với CLB cũ Chelsea và với cá nhân thầy cũ Mourinho cũng sẽ là điểm nhấn rất lớn của trận đấu này. Và đó cũng là một lời giải cho câu hỏi: Mourinho đúng hay sai với Mata?

Lê Giang
.
.
.