Góc nhìn khác về tân Tổng thống Pháp: Có một Macron yêu bóng đá

Thứ Hai, 15/05/2017, 07:46
25 năm trước, ngày 2-5-1992, Bastia và Marseille gặp nhau trong khuôn khổ bán kết Cúp Quốc gia Pháp. Nhưng nó không chỉ dừng lại ở một trận bóng đơn thuần.


1. Góc khán đài phía Bắc vừa khánh thành ít lâu của sân bóng tổ chức Furiani bất ngờ sụp xuống. 18 người thiệt mạng và 2.357 người bị thương.

Vào tuần lễ bóng đá vòng 36 Ligue 1 cách đây một tuần, các CĐV trên sân Stade Geoffroy-Guichard, nơi St.Etienne tiếp đón Marseille ở trận mở màn vòng đấu dành một phút tưởng niệm những nạn nhân xấu số của thảm họa 25 năm về trước. Dưới sân, cầu thủ hai đội đồng loạt mang chiếc băng đen trên cánh tay.

Ông Macron tự nhận là CĐV nhiệt thành của Marseille

Ở một diễn biến khác, trong chiến dịch tranh cử  Tổng thống nước CH Pháp, Emmanuel Macron trong cuộc đua với đối thủ Le Pen đã viết lên Twitter cá nhân: “Họ, những người chịu sự kỳ thị và thái độ thờ ơ của xã hội, là gia đình của tôi”.

Một nước đi giúp Macron lấy điểm trong mắt các cử tri, dù đại đa số giới phân tích đánh giá, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế đắc cử không hẳn vì ông “đủ tốt”, mà đơn giản vì nước Pháp không thể chọn bà Le Pen trước bối cảnh các đảng phái hùng mạnh ngày một suy yếu.

Trước lúc dòng trạng thái được đăng trên mạng xã hội của Macron, thảm họa ở đảo Corse là một ẩn số. Sân bay địa phương Poretta ngày hôm ấy trở thành bệnh viện dã chiến, và sự thật này thật khó chấp nhận khi biết rằng, khán đài phía Bắc vừa mới khánh thành trước khi trận bóng diễn ra 10 ngày.

Càng tồi tệ và khó hiểu hơn, bởi toàn bộ ê-kíp phụ trách thi công chỉ nhận cả thảy 2 năm án tù dân sự (dành cho kỹ sư trưởng Jean-Marie Boimond), dù kết quả thanh tra hiện trường khẳng định, xuất hiện dấu hiệu bòn rút vật liệu trong quá trình xây dựng.

Chứng chỉ hành nghề cầu thủ năm 2006 của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Những người đã nằm xuống mãi mãi không có lời giải thích thỏa đáng. Cho tới khi Macron lên tiếng. Nghĩa là, những ngôi mộ không tên giờ đã được nhớ mặt đặt tên, bởi một chính trị gia đình đám.

2. Macron yêu bóng đá, dù HLV Arsene Wenger khẳng định trên tờ Independent: “Cậu ta giả vờ thôi. Tôi chẳng thấy một chút tình yêu bóng đá nào ở Macron cả”. Song ít nhất, tình yêu ấy cũng được… chứng thực trên sách vở.

Cục hồ sơ của LĐBĐ Pháp cho biết, Emmanuel Macron gia nhập CLB nghiệp dư ENA vào năm 2004. Tới năm 2006, Macron nhận giấy phép hành nghề với đăng ký là hậu vệ trái. Tiếc rằng năm 2007, Macron bị sa thải vì không đủ năng lực chuyên môn.

Trên các phương tiện truyền thông, Macron tự nhận mình là fan nhiệt thành của đội bóng thành phố cảng Marseille. Vợ ông, phu nhân Brigitte kể lại với báo chí trong căn hộ của hai người ở Amiens, Macron lưu giữ rất nhiều chiếc áo màu trắng – xanh quen thuộc qua từng thời đại của Marseille.

Có thể tạm kết luận, giữa ngài Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp và bóng đá tồn tại sợi dây liên kết. Nếu tạm thời bỏ qua động cơ chính trường của Macron bằng các thủ pháp liên quan tới trái bóng tròn, thì đấy là một mối quan hệ hết sức nghiêm túc.

Ít ngày trước khi trận lượt đi bán kết Champions League giữa Juventus và Monaco, Macron tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ thay đổi điều lệ thuế thu nhập và siết chặt luật lao động bằng các yêu cầu khắt khe về thị thực với nhóm cầu thủ nước ngoài – những người hưởng lương trên trời tại Ligue 1, đồng thời nằm trong nhóm những cá nhân giàu nhất nước Pháp.

Trên France Football, Macron nói: “Tôi sẽ không để tiền chảy vào túi người ngoài rồi mang khỏi lãnh thổ Pháp. Giải đấu này sẽ giàu có, thịnh vượng mà không cần dựa hơi các ngôi sao ngoại lai”.

Người tiền nhiệm Francois Hollande từng cố gắng hạn chế sự xâm lăng của dàn lính lê dương theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ thể thao bằng cách tăng thuế thu nhập của những người hưởng lương trên 1 triệu euro/năm từ 40% lên mức 75%. Ibrahimovic thời còn khoác áo PSG không ít lần công khai chỉ trích ông Hollande.

Nhưng cách làm này không phát huy mấy tác dụng, khi hầu hết giao kèo thương mại trong bóng đá bây giờ đều gài điều khoản, thu nhập trên hợp đồng phải là thu nhập “sau thuế”. Mà đằng sau các CLB phần lớn là những tập đoàn đa quốc gia chẳng có gì ngoài… tiền.

Bây giờ, Macron xuất hiện và người ta có lý do để chờ đợi vào phép mầu từ một người có biệt tài tạo ra những điều kỳ diệu, như cách ông thắng cử.

3. Trong suốt chiến dịch tranh cử, bóng đá đã trở thành công cụ phi chính trị đắc lực giúp vận động hành lang giành phiếu.

Le Pen, một người phụ nữ không mấy am hiểu thể thao cũng phải hướng cuộc tranh cử về góc khán đài. Sau tuyên bố của Macron trên France Football, Le Pen lập tức đăng đàn mỉa mai “Cậu ta sẽ cổ vũ Juve đấy”, ý muốn nói tới sở thích “lái máy bay” của đối thủ do biệt danh của Juve là “Bà đầm già thành Turin”.

Hai tuần trước, vào ngày thứ năm, một cuộc thăm dò do Opinion Way khảo sát chỉ ra lần đầu tiên, mức tín nhiệm dành cho Macron giảm xuống dưới mốc 60%.

Le Pen, trong trang phục bảo hộ màu vàng dễ bắt gặp ở làng chài, đã tới bến cảng Le Grau du Roi, phía Tây Marseill và nói với các phóng viên địa phương rằng, bà sẽ bảo vệ thuyền viên khu vực và tất cả tổ hợp đánh bắt thủy sản trước các quy định có khả năng xâm lấn thị trường và chia sẻ tài nguyên của EU. Đích thân bước xuống thuyền và tự tay bắt một con mực lên bờ, Le Pen đã tung ra quân bài cuối cùng hòng thu hẹp cách biệt với Macron.

Vị Tổng thống trẻ tuổi liên tục dùng bóng đá làm công cụ vận động hành lang.

“Tôi cảnh báo các bạn, Macron sẽ phá hủy cấu trúc kinh tế - xã hội của chúng ta”, Le Pen phát biểu trên Reuters.

Song người đứng đầu mặt trận dân tộc không thể chối cãi, chính sách tự tôn dân tộc mang trên mình lý tưởng an ninh quốc gia ấy sẽ là mồ chôn với ngành công nghiệp đánh bắt hải sản Pháp – vốn được dự báo từ trước đấy rất lâu rồi.

Cùng lúc đó, Macron tới vận động ở Sarcelles, vùng ngoại ô nghèo ở Paris – nơi 90% dân số tới từ tiểu vùng Sahara ở châu Phi với hơn 1/3 dân số trong độ tuổi lao động bị mất việc – cao hơn cả tỷ lệ thất nghiệp bình quân toàn quốc.

Mục tiêu của Macron, không gì khác, là hòa giải các vấn đề sắc tộc – cái ung nhọt âm ỉ trong lòng xã hội Pháp và cũng là nguyên nhân gây chia rẽ cộng đồng sâu sắc suốt 3 thập kỷ qua.

Ông lấy Le Pen làm bia đỡ đạn hứng chịu các chỉ trích, thuyết phục đám đông da màu có nguồn gốc nhập cư tại đây một sự thật: Le Pen, sinh ra ở phía Bắc Paris giàu có, theo học luật sư và thấm nhuần tư tưởng “bài ngoại” của người cha Jean Marie Le Pen.

Để đạt được mục đích, không còn cách nào khác, là “đánh đồng” màu da. Macron đã xuống đường, ôm lấy quả bóng và chơi bóng cùng các em nhỏ - môn thể thao yêu thích, lý tưởng tôn giáo và còn là hy vọng đổi đời của rất nhiều đứa trẻ nhập cư vào Pháp từ châu Phi. Như NGolo Kante, hoặc giống Baseli Bosie – cựu trung vệ Pháp gốc Bờ Biển Ngà của Marseille – thần tượng của Macron..

Macron, người da trắng đá bóng cùng người da màu. Một hành động hết sức bình thường, nhưng lại mang trong nó sứ mệnh chính trị lớn lao: “Nước Pháp không khắc nghiệt như khuôn mặt của Le Pen” – Macron hét to trong buổi vận động ở Sarcelles.

Bóng đá chưa từng mang danh vọng tới cho Macron. Trái lại, nó còn gieo rắc những ký ức đáng quên quãng ngày ngắn ngủi theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng định mệnh, bằng cách nào đó, vẫn đưa bóng đá đến cuộc đời Macron.

Ẩn số ở bến cảng

Sau bài phát biểu trước 7.000 người ở Parc Chanot và buổi làm việc với Christian Estrosi, chủ tịch Hội đồng vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur hôm 4/2, Macron đích thân tới thăm sân Veledrome của Marseille – CLB ông cho hay là “thần tượng từ thuở nhỏ”.

Vài giờ trước chuyến thăm ấy, Macron đã đăng tải một video kêu gọi sự ủng hộ của người dân Marseille và lấy tình yêu bóng đá của mình làm sự đảm bảo cho các chính sách có lợi cho khu Cảng nếu ông đắc cử.

Nhưng ở Marseille, bóng đá và chính trị và hai phạm trù tách biệt. Kevin, 20 tuổi, một CĐV Marseille nói trên tờ 20minutes: “Tôi ủng hộ Macron vì ông ấy là lựa chọn tốt cho đất nước. Nhưng tôi không ủng hộ Macron chỉ bởi ông ta nói rằng mình là CĐV trung thành của Marseille. Ông ta nói vậy, nhưng chưa chắc đã phải vậy”.

Jacques, 50 tuổi cùng con trai là Nikos, 13 tuổi, lái xe suốt 4 giờ đồng hồ từ thung lũng Nice tới Marseille để ủng hộ Macron: “Đây là hành động chính trị đơn thuần. Thành thật mà nói, Macron đang nịnh dân Marseille thôi. Không có chuyện ông ta thích bóng đá tới mức đấy”.

Eric, một CĐV lâu năm của Marseille thậm chí có cái nhìn tương đối tiêu cực về tân Tổng thống Pháp: “Tôi rất ghét những kẻ coi bóng đá là công cụ phục vụ mưu đồ. Macron cũng giống những kẻ điều hành CLB thôi. Ông ta coi bóng đá là chính trị, giống như hội điều hành Marseille bán quyền khai thác thương mại sân bóng cho tập đoàn Orange kiếm lời”.

Từ xa, trên bậc thềm chiếu nghỉ tòa án Jean Bouin, Jules và Remy với điếu thuốc hút dở trên tay có vẻ trầm ngâm: “Nói thật, những ai yêu bóng đá Marseille không quan tâm tới Macron đâu”.

Đơn Ca
.
.
.