Nghệ sĩ sân khấu: Gọi tên những nỗi niềm

Thứ Năm, 09/07/2015, 10:00
Nhìn từ Hội diễn sân khấu toàn quốc đang diễn ra ở Thanh Hóa, cùng với chia sẻ của một số nghệ sĩ trên truyền thông và mạng xã hội nhân dịp xét tặng danh hiệu NSND-NSƯT có thể thấy giới sân khấu đang có những nỗi niềm trăn trở riêng rất cần được công chúng, và đặc biệt là các nhà quản lý nghệ thuật chia sẻ.

Cấm "cảnh nóng" trên sàn diễn 

Thực ra thì không hẳn là cấm trên văn bản, nhưng người đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ với truyền thông, không khuyến khích các vở diễn có "cảnh nóng" trên sân khấu. Và rằng, tiêu chí của liên hoan lần này là "sạch" cảnh nóng. Nghĩa là, các nhà quản lý vẫn có tâm lý dè chừng với cảnh nóng.

Ngay lập tức, nhiều nghệ sĩ và khán giả lên tiếng về câu chuyện này. Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm của Cục như vậy là chưa thỏa đáng. Cảnh nóng, bản thân nó không phải là đối tượng để loại trừ hay không loại trừ. Vấn đề là cảnh nóng đó nằm trong câu chuyện như thế nào, và được đạo diễn kể như thế nào. Không thể nói rằng cứ cảnh nóng trên sân khấu là xấu, là dung tục, là thiếu thẩm mỹ.

Một cảnh trong vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” của Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc 2015.

Nhìn sang "người bạn" điện ảnh, có thể thấy cảnh nóng chẳng phải là điều gì cấm kỵ. Nó đầy rẫy trên màn ảnh, và vẫn được các nhà quản lý cho phép trình chiếu khi nó phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, và là một nhân tố cần thiết trong câu chuyện của đạo diễn. Vậy hà cớ gì phải nói không với cảnh nóng như sân khấu đang làm. Thực tế, trong một số vở diễn gần đây, đạo diễn Lê Hùng và một số đạo diễn của sân khấu xã hội hóa đã không ngại ngần khi xử lý một số "cảnh nóng" ngay trên sàn diễn, mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ của vở diễn, vẫn được khán giả chấp nhận.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cho rằng, không cần thiết phải đặt vấn đề có hay không có cảnh nóng trên sân khấu. Biến nó thành tiêu chí càng không nên. Vì sân khấu hay bất cứ một môn nghệ thuật nào cũng vậy, là công việc của những người sáng tạo. Mỗi người có tư duy nghệ thuật khác nhau, và họ sẽ mang đến khán giả vở diễn theo những cách khác nhau. Nhà quản lý chỉ có thể nhìn vở diễn trong tổng thể của nó. Cảnh nóng mà hay, mà xúc động, mà đẹp, mà phù hợp với diễn biến câu chuyện và tâm lý nhân vật thì sao lại phải cấm. Hơn nữa, với đặc thù của loại hình sân khấu, các đạo diễn nếu có sử dụng cảnh nóng trong vở diễn của mình, thì chắc chắn cảnh nóng đó cũng phải rất khác so với cảnh nóng trên điện ảnh. Đã đến lúc không chỉ công chúng, mà các nhà quản lý nghệ thuật cũng cần phải thay đổi tư duy khi đặt vấn đề như vậy trong việc kiểm duyệt một tác phẩm nghệ thuật. Một cái nhìn cởi mở hơn là cần thiết.

Vì sao các đơn vị xã hội hóa kém mặn mà?

Đến hẹn lại lên, cứ 2 năm một lần là Hội diễn. Gọi là Hội diễn, nhưng các đoàn cả nước tụ về phải tự túc mọi kinh phí. Trong tình hình sân khấu ế ẩm hiện nay, việc có tiền để trang trải cho các hoạt động tham gia một kỳ hội diễn với nhiều đoàn, nhất là các đoàn tư nhân là rất khó. Các đoàn nhà nước có kinh phí từ ngân sách được cấp còn dễ thở hơn. Nên dễ hiểu vì sao năm nay phía Nam chỉ có một đơn vị duy nhất mang vở đi thi thố ở Thanh Hóa. Đó là Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh với vở "Vòng xoáy nghiệt ngã" (tác giả Bích Ngân, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá).

Một cảnh trong vở “Lâu đài cát” của Nhà hát kịch Việt Nam tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc 2015.

Nhìn vào số lượng các đoàn tham gia Hội diễn có thể thấy ngay rằng, toàn bộ các sân khấu xã hội hóa là "án binh bất động", không đơn vị nào mặn mà thi thố giành huy chương trong một kỳ hội diễn được xem là cuộc tranh tài lớn của nghệ sĩ sân khấu cả nước.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng một cuộc đi như vậy quá tốn kém, nên đơn vị nói không với hội diễn. Cái chính là, chúng tôi không cảm thấy mình thu lượm được gì nhiều ở một cuộc như vậy. Huy chương giải thưởng thì sau nhiều năm quan sát, những người làm nghề biết rõ là người ta hay trao theo kiểu phong trào. Trong khi với sân khấu xã hội hóa, thước đo sống còn chỉ là khán giả.

Ở hội diễn, thước đo khán giả không có. Thước đo Hội đồng chấm giải thì còn nhiều bàn cãi". Nghệ sĩ Hồng Vân cũng chung nỗi niềm. Chị kể, mùa hội diễn trước phải bỏ tiền túi cộng với vận động anh em nghệ sĩ bỏ thêm tiền cá nhân của họ vào, mới có thể mang một vở đi thi. Nhưng cơ bản nhìn thấy nhiều câu chuyện không vui, không công bằng, nên năm nay thì thôi, không tranh tài với các đơn vị anh em bầu bạn nữa.

Công bằng mà nói, các đơn vị sân khấu xã hội hóa, đặc biệt ở khu vực phía Nam, những năm qua thực sự có nhiều đóng góp cho sự sôi động sống còn của sân khấu. Họ năng động từ khâu kịch bản đến việc lôi kéo, truyền cảm hứng cho khán giả. Họ liên tục cập nhật cái mới, xây dựng đội ngũ diễn viên tài năng tâm huyết. Trong khi đó các đơn vị sân khấu nhà nước thì hoạt động cầm chừng, mỗi năm trông đợi vào kinh phí được cấp, dựng một đến hai vở, diễn một số buổi rồi thôi. Nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật sân khấu nhà nước ở các địa phương, kể cả Thủ đô, thường phải chạy sô nhiều công việc khác mới đủ sống.

Việc các đơn vị sân khấu xã hội hóa không mặn mà với liên hoan toàn quốc, phải chăng là họ không nhìn thấy quyền lợi gì của họ ở đó, trong khi tiền bạc lại phải bỏ từ túi mình ra, khác hẳn với các đoàn nhà nước có tiền ngân sách nhà nước cấp. Rồi chuyện giải thưởng, huy chương, nhiều mùa liên hoan gần đây luôn bị kêu là thiếu công bằng.

Nghệ sĩ chèo Minh Thu.

Một số nghệ sĩ tham gia hội diễn cốt chỉ để săn cho đủ số huy chương để làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND là chính. Nên mới có chuyện diễn viên nổi tiếng nọ, sau nhiều năm không tham gia sàn diễn vì đã ngồi ghế quan chức ngành văn hóa từ lâu, bỗng nhiên trở lại đóng vai chính một vở. Nhưng ông cũng chỉ đóng nhân vật lúc già, còn nhân vật lúc trẻ là do một diễn viên trẻ đóng. Xem vở diễn, ai cũng thừa nhận là diễn viên trẻ đóng nhuyễn hơn, hay hơn, xúc động hơn diễn viên già, dù diễn viên già nổi tiếng hơn. Nhưng cuối cùng Huy chương vàng lại được trao cho diễn viên già.

Xét tặng danh hiệu và bức tâm thư của một nghệ sĩ sân khấu

Nhiều nghệ sĩ sân khấu trượt danh hiệu NSND trong đợt xét tặng vừa rồi vì lý do không đủ số huy chương, giải thưởng như quy định. Những tên tuổi như Thành Lộc, Xuân Hinh, Minh Hằng, Minh Thu, Thanh Ngoan, Khắc Tư vẫn tiếp tục ở ngoài danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu. Câu chuyện này có liên quan đến các kỳ hội diễn. Và nó ít nhiều là câu trả lời cho câu hỏi vì sao một số nghệ sĩ dù muốn hay không muốn vẫn phải cố gắng thu xếp tham gia các kỳ hội diễn, và "săn" đủ số huy chương vốn liếng, mới mong trở thành nghệ sĩ có danh hiệu.

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng, được nhân dân quý mến, công chúng ái mộ, đồng nghiệp nể phục, nhưng số huy chương chưa đủ thì vẫn cứ ngậm ngùi "trượt" vỏ chuối. Dường như đang có một sự bất cập, bất hợp lý trong việc xét tặng danh hiệu, nhưng tiếng nói của các nghệ sĩ vẫn chỉ rơi vào im lặng. Một số nghệ sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật, không thích đi thi thố hoặc không có duyên với giải thưởng, nhưng danh tiếng của họ thì "khắp thiên hạ", trong khi một số nghệ sĩ khác giải thưởng huy chương đủ và thừa để trở thành NSND nhưng công chúng lại ít biết đến họ. Vậy, chúng ta nhìn nhận tài năng người nghệ sĩ như thế nào là thỏa đáng, là câu hỏi cần có sự trả lời của những nhà quản lý, những người làm ra chính sách cho các nghệ sĩ.

Mới đây, nghệ sĩ chèo Minh Thu đã viết một bức tâm thư xúc động gửi báo chí về những khó khăn thiệt thòi mà chị và những nghệ sĩ sân khấu phải chịu đựng. Bức tâm thư thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng cũng như các đồng nghiệp. Rất thẳng thắn, nghệ sĩ Minh Thu viết: "Ngày nay, những chuyện bất bình trong giới văn nghệ sĩ chúng ta đâu còn là chuyện hiếm thấy. Nó đã trở thành chuyện thường nhật ở khắp mọi nơi, mọi lúc, quán nước, vỉa hè. Đâu đâu cũng bàn tán xôn xao, đặc biệt là sau các đợt bình xét danh hiệu NSND, NSƯT.

Một cảnh nóng của Mỹ Uyên và Hữu Quốc trong vở “Đêm vượn hú”.

Theo đúng quy định, 2 Huy chương vàng là được NSƯT và sau 5 năm đạt 2 Huy chương vàng nữa thì sẽ được phong tặng NSND. Vậy với số lượng 7 Huy chương của tôi, chưa kể những giải thưởng mà tôi đã đạt được đã là quá thừa so với tiêu chuẩn quy định rồi. Ấy vậy mà, vẫn lại là thiếu. Phải chăng cái tôi thiếu chính là "được cái bằng lòng" lãnh đạo chứ không phải chỉ là những tấm huy chương cho tài năng nghệ thuật. Thật khó quá, có lẽ cái "bằng" này đối với tôi chẳng bao giờ có được, vì tôi quá thẳng thắn và trung thực.

"Được lòng dân thì mất lòng quan", đó là đạo lý xưa nay mà. Tôi cho rằng thiệt một chút nhưng được cái thanh thản vì không phải nợ nần ai. Nhân dân biết đến mình, đồng nghiệp công nhận mình, đó mới là niềm tự hào cho những nghệ sĩ chân chính… Làm nghề con hát đôi khi phải chấp nhận nghịch cảnh, bởi có lúc phải cười trong nước mắt để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đời. Vật chất, bổng lộc hỏi được là bao mà nỡ kìm hãm nhau.

Ngồi vào vị trí hội đồng xét duyệt để "xổ toẹt" công lao của anh em đồng nghiệp, "chém như chém chuối", chẳng muốn ai được, ngoài mình. Một nghệ sĩ mất nhân cách, không xứng danh, liệu có đáng bị tước bỏ danh hiệu hay không. Chỉ có phong mà không phế thì sẽ còn điều bất cập cho xã hội. Có lẽ, đã đến lúc anh chị em nghệ sĩ phải đoàn kết, đồng lòng để có tiếng nói chung cho các cấp lãnh đạo nhà nước nhìn thấu vấn đề này".

Trong bức tâm thư nhiều nỗi niềm, nghệ sĩ chèo Minh Thu cũng nhấn mạnh rằng, nếu còn cơ chế xin-cho thì văn nghệ sĩ nói chung, và nghệ sĩ sân khấu nói riêng còn phải chịu nhiều thiệt thòi.

Nguyễn Thúy Hiền
.
.
.