Hai cậu bé nổi tiếng kể chuyện 'Tôi có bạn'

Thứ Hai, 31/08/2015, 15:00
Triển lãm nghệ thuật chung của hai nghệ sỹ nhí là "thần đồng" Đỗ Nhật Nam (14 tuổi) và "Picasso" Vũ Tuấn Kiệt (11 tuổi) có tên gọi là "Tôi có bạn" vừa khai mạc tại Hà Nội trong ngày 26/8 vừa qua. Triển lãm đặc biệt này quy tụ gần 100 bức vẽ từ chiếc bút kim của Vũ Tuấn Kiệt, vẽ theo phong cách trừu tượng, siêu thực và hơn 30 bức ảnh của Đỗ Nhật Nam chụp khi đi lang thang nơi này, nơi kia.

Từ một tình bạn đẹp

"Thần đồng" Đỗ Nhật Nam, một cậu bé thích lang thang thẩn tha chụp ảnh đường phố, bóc tách đời sống bằng trái tim nhạy cảm của mình. Một cậu bé khác nữa, "Picasso" Vũ Tuấn Kiệt, ngay từ nhỏ đã bị đường nét cuốn lấy, thong dong trôi trong ý niệm bất tận. Hai cậu bé có lẽ là kỳ lạ nhất của Việt Nam, gặp nhau như "cá gặp nước", một mối nhân duyên tiền định cũng kỳ lạ không kém. Để rồi, người này chính là cảm hứng sáng tạo của người kia và ngược lại.

Đỗ Nhật Nam và Vũ Tuấn Kiệt (ở giữa) tại Triển lãm "Tôi có bạn" (26/8 tới 11/9).

Hai cậu bé, một người năm 7 tuổi đã được sách kỷ lục trao tặng danh hiệu "Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam"; chủ nhân của 2 cuốn sách tự truyện "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát" và là dịch giả của một số đầu sách đã được xuất bản. Cậu bé còn lại, ngay từ lúc 5 tuổi đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật đặc biệt, được mọi người gọi là "Picasso của Việt Nam". Em không tới trường như các bạn đồng trang lứa mà theo học cùng gia đình kiến trúc sư Phó Đức Tùng, dành thời gian để "thám hiểm cuộc sống", học nhiều môn khác nhau như ngoại ngữ, violon, kiến trúc và vẽ…; chủ nhân của một triển lãm mang tên mình lúc 9 tuổi. Hai cậu bé, hai nghệ sỹ nhí kì lạ, gặp nhau và đã "phải duyên nhau" và "thắm lại" trong triển lãm chung của mình, triển lãm "Tôi có bạn".

Đỗ Nhật Nam kể, hai anh em gặp nhau trong lớp học mùa hè do cậu dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn nhỏ từ lớp 4 đến lớp 5. Ngay lần đầu gặp nhau, Nam biết rằng, Kiệt chính là người bạn kỳ lạ của cuộc đời mình. Nam kể, điều đó giống như một cái duyên, một cuộc gặp gỡ không đoán định trước. Mọi chuyện diễn ra tình cờ và thật bất ngờ.

Những tác phẩm bán tại triển lãm "Tôi có bạn" gây quỹ ủng hộ chương trình "Cơm có thịt" tới các em nhỏ vùng cao.

Với Nam, Kiệt có cách hiểu về cuộc sống rất sâu sắc, đôi lúc nhìn trẻ con thế thôi nhưng em có những suy nghĩ rất người lớn. Kiệt như người em trai, một người tri kỷ của Nam vậy. Trên trang Facebook cá nhân của mình, Đỗ Nhật Nam còn làm thơ tặng Kiệt, cậu gọi Kiệt là "dị nhân đáng yêu lạ lùng của anh", "cậu bé tóc xù thương mến của anh ơi". "Anh bước vào thế giới của em/ Thế giới diệu kì của sắc màu và đường nét/ Thế giới lung linh bao điều tươi thắm/ Và không nỗi buồn nào chạm đến vành môi". Cậu bảo rằng, khi ở bên cạnh Kiệt, mọi thứ trở nên giản đơn hơn rất nhiều.

Khi được hỏi về Nam thì Kiệt nhí nhảnh hơn: "Lần đầu tiên trông thấy anh Nam, anh ấy trông giống như một cục đất sét đang nằm bẹp trên chiếc ghế sofa". Rằng, sau khi chơi với anh Nam, thích quá nên toàn mang quần áo qua nhà anh Nam chơi rồi ngủ lại. Anh Nam với Kiệt là một người anh sâu sắc, hiểu những bức tranh mà cậu vẽ. Nói xong, cậu cũng không quên một lời "chốt hạ" vô cùng đáng yêu: "chẳng hiểu vì sao anh Nam vẫn béo ú dù cho anh ăn rất ít và chơi thể thao 4 tiếng/ ngày. Con hỏi mẹ thì mẹ bảo chắc do anh ấy hấp thụ tốt".

"Thế những lúc cạnh nhau, hai em thường làm gì?", Nam cười: "mặc dù mới biết nhau có 2 tháng thôi, nhưng 2 anh em có nhiều thứ muốn làm cùng nhau lắm. Nói chuyện về cuộc sống này, nói về nghệ thuật này…". Và triển lãm tranh và ảnh lần này cũng là một điều đến rất tình cờ trong những lần trò chuyện đó. Hai anh em quyết định và làm rất nhanh.

Bức tranh Phật đang ngồi đối lập với song sắt của nghệ sỹ nhí Đỗ Nhật Nam.

Vì sao lại lấy tên triển lãm là "Tôi có bạn", Nam cho biết, cái tên đó không chỉ bắt nguồn từ tình bạn đặc biệt của 2 anh em, mà còn "hơn cả thế nữa": "Đó là những tình bạn khác nữa, ngoài tình bạn nhỏ. Là tình bạn của 2 anh em với một người tên là bác Hoa "bếu", nhờ có bác mà 2 anh em quen nhau. Là tình bạn của 2 con với các em nhỏ vùng cao, thông qua triển lãm để gây quỹ mang "Cơm có thịt" đến các bạn. Là tình bạn, là tình yêu thương lan rộng của những đứa trẻ con trên dải đất Việt Nam này với nhau, trong đó có cả những người đã đến và ủng hộ những tác phẩm của 2 con".

Đến những tác phẩm giàu biểu cảm

Có lẽ điều làm nên sự hấp dẫn của 30 bức ảnh đường phố của Đỗ Nhật Nam chính là sự mộc mạc, không cầu kỳ về kỹ thuật nhưng ẩn chứa nhiều thông điệp cuộc sống. Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của Nam kể đôi lúc chị cũng "gai" người khi xem ảnh do con chụp. Chị đã ngạc nhiên bởi khả năng cảm thụ của con mình như thế nào thì mới bắt gặp được những khoảnh khắc đặc sắc như thế. Chị bảo, Nam có sở thích đi lang thang nơi này nơi khác, bao giờ cậu cũng mang theo máy ảnh bên mình, thấy cái gì ấn tượng thì cậu lưu lại bằng hình ảnh. Và bao giờ, khi về nhà, cậu cũng khoe với bố mẹ đầu tiên.

Trong những bức ảnh của Nam, bức hình chụp một pho tượng Phật đang ngồi quay lưng lại phía song cửa sổ có lẽ là gây ấn tượng với người xem hơn cả. Màu sắc Thiền ở đây rất rõ. Hỏi thì cậu bé "thần đồng" nhớ lại, bức ảnh được chụp ở Hội An. Tấm đó cậu chụp một cách vô tình khi đi qua một song cửa sổ. Điều đập vào mắt của cậu bé nhạy cảm Đỗ Nhật Nam lúc đó chính là pho tượng Phật đang ngồi ngược lại, yên phăng phắc, tĩnh tại với thế giới riêng mình. Nam bảo, Ngài đang tách rời bản thân mình với cuộc sống ồn ào ngoài kia và lắng vào nội tâm trong suốt, tĩnh lặng của riêng mình.

Bức ảnh "Thừa và thiếu", chụp một em bé "trần như nhộng" đang nằm khểnh đọc sách giữa nền nhà trong một cửa hàng thời trang treo đầy quần áo tại phố cổ Hà Nội cũng là một cách nhìn về đời sống có phần tinh nghịch của Nam. Nam nói rằng, cậu thích những bức hình chụp các em nhỏ. Chúng gợn lên trong cậu nhiều liên tưởng về cuộc sống.

Những bức tranh được vẽ theo trường phái trừu tượng và siêu thực của Vũ Tuấn Kiệt thì có lẽ "khó gặm" hơn. Ngay cả những người trong nghề, khi xem tranh cậu vẽ lúc 9 tuổi cũng phải thốt lên rằng "thằng bé này quái thật". Kiệt kể, có những lúc, cậu bắt đầu vẽ bằng một ý tưởng nào đó. Nhưng khi vẽ xong, chính cậu lại ngạc nhiên bởi đó là một ý tưởng hoàn toàn khác, mà nó lại gây nên sự thích thú mạnh hơn so với ý tưởng ban đầu. Những lần như thế là nghệ sỹ nhí Vũ Tuấn Kiệt như lên đồng vì "sướng quá!".

Một trong những tác phẩm của "Picasso" Vũ Tuấn Kiệt.

Tôi hướng mắt về những bức tranh có những hình thù kì lạ đang treo, tỏ ý không hiểu lắm. Kiệt kể, có lần cậu thấy một con chuột chạy qua chân một con trâu. Thế là cậu có một bức tranh trâu lai chuột, không nhìn ra trâu cũng không nhìn ra chuột nhưng chính là 2 con trâu và chuột. Rồi cứ thế, cậu "mổ xẻ" từng bức tranh của mình một cách đầy hạnh phúc. Mỗi lần kể về một bức tranh giống như một lần cậu mở lại thế giới của riêng cậu vậy. "Đó là cách con nhìn cuộc sống. Con biết có những người xem xong không hiểu con vẽ gì. Nhưng con tôn trọng điều đó. Mỗi người một thế giới. Với lại, có một người hiểu con như anh Nam là thích rồi".

Tôi hỏi Đỗ Nhật Nam, cậu thích bức tranh nào của em Kiệt nhất. Nam nói về một bức tranh "vắng mặt" trong triển lãm (vì chắc là diện tích khán phòng kín chỗ nên không còn đất nữa). Nam lý giải, bức tranh đó có vẻ gì đó rất "ma quái". Bức tranh vẽ một người có đuôi là rắn đang cầu nguyện, mặt trông rất gian xảo. Đại ý em Kiệt muốn nói là nhiều người ném mình vào thế giới hư vô rỗng tuếch, vung tiền bạc cho những trò mê tín vớ vẩn". Với cậu, đó là một tranh đầy ẩn ý và sâu sắc.

Nam và Kiệt đều là những cậu bé kỳ lạ, từng ngốn không biết bao nhiêu bút mực của báo giới vài năm trước. Có người khen nhưng cũng lắm người hùa theo đám đông "ném đá". Bây giờ, hai em lớn hơn, vẫn là những cậu bé đặc biệt của những ngày tháng đó. Và cả hai đang đi con đường của riêng mình. Con đường dũng cảm, kỳ lạ và đầy trải nghiệm.

Đậu Dung
.
.
.