Hành trình của “nhà thám hiểm bóng đá”

Thứ Năm, 14/11/2019, 17:35
Trầm tĩnh, ít phát ngôn và luôn đứng trong cánh gà ở những buổi lễ tôn vinh, Juergen Gede - Giám đốc kỹ thuật của đội tuyển Việt Nam dường như không muốn người ta nói quá nhiều về bản thân ngoài chuyện chuyên môn.


Người đàn ông Đức sinh năm 1956 đã có thừa kinh nghiệm về những "đỉnh cao" lẫn "vực sâu" trong môn bóng đá. Nhìn lại hành trình của Gede trong hơn 30 năm qua, phải gọi ông là một “nhà thám hiểm” chuyên đi tới các vùng đất mà những đồng nghiệp của Gede có lẽ chỉ nghe tên đã không muốn đến làm việc.

Những ký ức đen tối

Hans Juergen Gede chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 63 của mình (ông sinh ngày 14-11-1956), và đó chắc chắn vẫn là… một ngày bình thường với vị Giám đốc kỹ thuật của VFF. Từ lâu, những cảm xúc đặc biệt không còn xuất hiện trên gương mặt của người đàn ông sinh ra tại Gelsenkirchen.

Juergen Gede đang bám sát quá trình luyện tập của ĐT Việt Nam và U22.

Ông điềm tĩnh đón nhận cả thành công, thất bại, những lời tung hô lẫn chỉ trích. Sự nghiệp của Gede từng trải qua những điều mà khó ai tưởng tượng nổi, đủ để ông trở thành một “tảng băng” nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Ngay cả khi Văn Thanh sút thành công quả luân lưu cuối cùng trong trận bán kết với U23 Qatar ở giải vô địch U23 châu Á tại Thường Châu 2018, Gede cũng không ăn mừng.

Juergen Gede bắt đầu sự nghiệp cầu thủ tại Schalke 04 ở vị trí tiền vệ. Cả sự nghiệp ông chỉ chơi cho 3 đội bóng, trong đó Fortuna Koln là CLB ông gắn bó lâu nhất từ năm 1979 đến năm 1991, khi ông giải nghệ với 48 bàn thắng sau 344 lần ra sân. Theo thông tin báo giới Đức, thời đỉnh cao ông Gede từng được ví như “Zico” của Fortuna Koln.

Gede khởi đầu sự nghiệp huấn luyện tại Fortuna Dusseldorf nhưng chỉ sau 1 mùa giải, ông bắt đầu sự nghiệp “thám hiểm” của mình. Điểm đến đầu tiên của Gede là Iran, nơi ông nhận lời làm trợ lý rồi HLV trưởng cho Persopolis, sau đó đảm nhiệm cương vị cầm quân ở đội U23 Iran. Không thành công, ông trở về nước để tiếp tục sự nghiệp của mình tại 3 đội bóng vô danh ở các hạng đấu thấp của Đức trong vòng 7 năm.

Từ 2003 trở đi, Gede tiếp tục phiêu lưu ở khu vực Trung Đông và làm việc tại các CLB ở Iran, Bahrain, Azerbaijan, Lybia sau đó là khu vực Đông Nam Á với Malaysia và Myanmar.

Hầu như ở mỗi nơi, ông Gede đều chỉ làm việc 1 năm hay 1 mùa rồi ra đi. Trước khi được VFF mời về làm việc vào tháng 2-2016, ông Jurgen Gede nhận lời về làm việc tại CLB Hedefspor Hattingen tại Giải Westfalenliga 2, Đức.

Giai đoạn 2007 – 2009 được xem là những tháng ngày đen tối nhất trong sự nghiệp của Gede. Năm 2007, ông nhận lời dẫn dắt FA Kuala Lumpur ở Malaysia. Đó là giai đoạn mà Malaysia đang chìm sâu trong nạn khủng hoảng bán độ ở các giải đấu Cúp quốc gia.

Theo lời Gede kể lại, khi ông ngồi trên băng ghế huấn luyện thì ngay bên cạnh đó, các cầu thủ dự bị đang liên hệ một cách công khai với những tên trùm cá độ để điều khiển kết quả trên sân.

Gede sau đó đến Azerbaijan dẫn dắt Neftchi Baku. Đội bóng này lúc đó trên danh nghĩa được bảo trợ bởi SOCAR, tập đoàn dầu mỏ khí đốt lớn nhất Azerbaijan nhưng thực tế, CLB bị điều khiển bởi những tay mafia Azerbaijan (hay còn gọi là Ciganska) – vòi bạch tuộc vươn dài của những tay mafia Nga khét tiếng, những kẻ coi bóng đá là một hình thức rửa tiền từ những hoạt động tội phạm như buôn ma túy, đánh bạc và mại dâm. Chỉ sau 1 mùa giải, Gede “bỏ của chạy lấy người” mà không nhận được xu nào.

Gede cũng từng 2 lần lỡ hẹn cơ hội ngồi vào chiếc ghế HLV đội tuyển Việt Nam. Một lần bởi ông đã nhận lời đến Malaysia, một lần khác vào năm 2012 khi ông đang làm trợ lý ở CLB Esteghlal của Iran và không thể sắp xếp để ra đi.

Sau nhiều năm bôn ba, Gede hồi hương năm 2014 và nhận lời làm việc ở các đội bóng nhỏ. Ý định nghỉ ngơi đã nhen nhóm trong đầu, nhưng ông đã thay đổi khi nhận được cú điện thoại lúc 3h sáng của ông Trần Quốc Tuấn (thời điểm đó vẫn là Tổng thư ký của VFF) mời sang Việt Nam giữ chức Giám đốc kỹ thuật của đội tuyển Việt Nam.

Một lần nữa Gede lại sắp xếp vali lên đường, và dù dày dạn kinh nghiệm, ông cũng không thể đoán trước được điều gì chuẩn bị diễn ra.

Người hùng thầm lặng của bóng đá Việt Nam

Với kinh nghiệm của mình, Juergen Gede nhanh chóng mang đến những thay đổi lớn cho bóng đá Việt Nam. Tâm huyết với bóng đá trẻ, chuyên gia sinh năm 1956 góp phần không nhỏ vào những thành công của bóng đá Việt Nam từ 2016 đến nay.

Trong đó có chiến tích giúp U20 Việt Nam vào vòng chung kết U20 World Cup, U15 Việt Nam vô địch U15 Đông Nam Á và đỉnh cao là danh hiệu Á quân vòng chung kết U23 châu Á cùng U23 Việt Nam.

Ông Gede được ví như một “kiến trúc sư”, người thường xuyên đi thị sát khắp các giải đấu lớn nhỏ và đóng vai trò cố vấn cho nhiều cấp độ đội tuyển. Chuyên gia người Đức có một quy tắc quan trọng mỗi khi làm việc với một đội bóng, đó là làm liệu pháp tâm lý trước mỗi giải đấu, mỗi trận đấu bởi theo ông, tâm lý sẽ quyết định phần lớn việc bạn có thể thành công hay không.

Quy tắc này của Gede thật tình cờ lại rất hợp với HLV Park Hang-seo, người cũng luôn chú trọng đến việc nâng cao tinh thần cho các cầu thủ. Chính vì lẽ đó họ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung, dù theo tiết lộ thì ban đầu khi VFF mời nhà cầm quân Hàn Quốc, ông Gede đã nghi ngờ về khả năng thầy Park sẽ thành công ở Việt Nam.

Dù không cùng quốc tịch, cặp bài trùng Gede – Park Hang-seo vẫn vô cùng ăn ý.

Chia sẻ về cách làm việc của mình, ông Gede tóm tắt: “Tôi cũng đặt ra cho mình một số nguyên tắc đặc biệt khi làm việc tại đây. Mỗi khi có đợt tập trung trước một giải đấu nào đó, tôi sẽ dành toàn bộ thời gian của mình với các cầu thủ. Tôi sẽ đưa ra cho họ những lời khuyên mà tôi cho là giá trị và thực tế.

Chúng tôi cần phải kiểm soát được tình hình, từ cầu thủ cho đến tất cả những thứ khác. Tôi và cộng sự luôn giúp các cầu thủ có cảm giác thoải mái. Đó là lý do vì sao tôi nói rằng, các cầu thủ cần một người giống như là bố của mình vậy. Và chúng tôi đang nỗ lực làm điều đó”.

Sự thoải mái, giản dị nhưng nghiêm khắc, chuyên nghiệp của Gede tạo ra những ấn tượng sâu đậm với các cộng sự và cầu thủ. HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết trong suốt quá trình làm việc cùng Gede, có rất nhiều câu chuyện để ông học hỏi: “Ông ấy chỉ đưa ra những đánh giá, góp ý còn quyết định cuối cùng vẫn nằm ở HLV trưởng. Có rất nhiều bài học tôi rút ra được từ thời gian cộng tác. Công tác tổ chức đội bóng, công tác tổ chức lối chơi và nhất là kinh nghiệm quản lý một tập thể”.

Hình ảnh vị Giám đốc kỹ thuật người Đức ngồi trên khán đài theo dõi các trận đấu V.League, và ghi chép rất nhiều vào một cuốn sổ cũng đã trở nên rất quen thuộc với cổ động viên Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Có thể nói rằng thành công của HLV Park Hang-seo cùng các học trò trong khoảng thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ “quân sư” Gede. Vị Giám đốc kỹ thuật người Đức cùng những ý kiến sắc sảo của mình sẽ là một phần không thể thiếu trong những chiến dịch tới đây của đội tuyển Việt Nam.

Gede từng bị “dùng sai cách”

Trong các giải đấu lớn đồng hành cùng bóng đá Việt Nam, SEA Games 29 được xem là kỷ niệm buồn nhất với Juergen Gede. Thời điểm trước khi giải đấu bắt đầu, HLV Hữu Thắng đã quyết định “loại” Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede khỏi Ban huấn luyện.

HLV Hữu Thắng khi đó cho biết: "Chúng tôi cần đến sự hỗ trợ của ông Gede. Tôi rất bận cùng các cầu thủ tập luyện để trau dồi kỹ chiến thuật, vì vậy mọi thông tin cần thiết về đối thủ ở SEA Games sẽ do ông Gede và HLV Hoàng Anh Tuấn thu thập". Nhiệm vụ chính của bộ đôi đưa U20 Việt Nam lọt vào vòng chung kết U20 World Cup sẽ báo cáo chi tiết số liệu bằng văn bản để HLV của U22 Việt Nam đánh giá đối thủ và lên phương án chuẩn bị cũng như thi đấu.

Ngoại trừ ê kíp của HLV Hữu Thắng, Jurgen Gede luôn đóng vai trò là một thành viên trong ban huấn luyện các cấp độ đội tuyển. Ông trực tiếp sát cánh hàng ngày, theo dõi tập luyện mỗi buổi tập cùng các cầu thủ từ đó có sự nhìn nhận cá nhân và đưa ra được những lời khuyên, tư vấn trực tiếp cho HLV trưởng, đồng thời cùng với ban huấn luyện thảo luận để tìm ra những phương án chuẩn bị tốt nhất cho từng trận đấu và cả giải đấu.

Trước SEA Games 29, tại AFF Cup 2016 dưới thời HLV Hữu Thắng, ông Gede cũng chỉ làm một việc đó là đi thu thập, phân tích thông tin của đối thủ. Dù Gede luôn làm tròn trách nhiệm với những bản báo cáo rất chi tiết, đó rõ ràng không phải là một nhiệm vụ thích hợp với một vị Giám đốc kỹ thuật.

Cả hai giải đấu đó đều là những thất bại đáng quên của bóng đá Việt Nam. Tại AFF Cup 2016, Việt Nam bị Indonesia loại từ bán kết, còn ở SEA Games 29, U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng.

Đơn Ca
.
.
.